Tai nạn
Ta phải quán chiếu có phương pháp. Không hẳn là ta phải luôn luôn tập quán chiếu trên gối ngồi thiền. Bất cứ ở đâu, đang làm gì, ta cũng có thể làm công việc quán chiếu đó, và nếu cần ta có thể dùng một mảnh giấy một cây bút. Trong đời sống hàng ngày, chúng ta mong được an toàn, không bị tai nạn. Tai nạn là những tai nạn nào? Ta phải nhìn cho kỹ, từ những tai nạn nhỏ cho đến những tai nạn lớn, và ta tìm ra những phương pháp để bảo vệ thân và tâm của mình để ta đừng vướng vào những tai nạn đó.
Trước hết bệnh tật là một tai nạn. Ta biết rằng tai nạn đó có thể xảy ra cho bất cứ ai trong chúng ta. Nhưng chúng ta không bất lực tại vì có những điều chúng ta có thể làm để cho những tai nạn ấy đừng xảy ra. Những bệnh lớn như ung thư, liệt kháng, những tai nạn như đụng xe, rắn cắn, thú dữ, nước trôi v.v…, nếu ta sống cho có chánh niệm thì phần lớn những tai nạn đó có thể tránh được. Khi ta khiêng một nồi nước đang sôi ta cẩn thận và ta nói: “Nước sôi! Nước sôi!” để cho những người khác biết mà cẩn thận. Cháy nhà có thể là do nấu cơm hay sưởi nhà không cẩn thận. Ta biết có những cái ta có thể làm, có những cái ta có thể tránh. Lửa cũng có thể là cơn giận. Nổi giận là một tai nạn. Tai nạn không phải chỉ cho mình mà còn cho cả những người xung quanh. Yêu là một tai nạn. Tai nạn khá lớn. Cứu mình ra khỏi tai nạn này rất khó. Nguyễn Bính nói: “Chao ôi! Yêu có ông trời cứu”. Nhất là đối với người xuất gia, yêu là tai nạn rất lớn. Thất niệm là một tai nạn, tai nạn này có thể xảy ra bất cứ trong giờ phút nào. Khi ta thất niệm nhiều tai nạn khác có thể xảy ra. Xa lìa tăng thân là một tai nạn. Có những người đang sống an lành với tăng thân, tự nhiên đánh mất tăng thân. Tự ta đánh mất chứ không ai làm cho ta mất tăng thân. Mất tăng thân là một tai nạn rất lớn, nó kéo theo nỗi bơ vơ và sự sụp đổ của sự nghiệp tu học của mình. Và có những tai nạn khác mà ta phải gọi tên: chúng có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày của ta. Và ta mong ước rằng là ta được sống an toàn, ta có chỗ nương tựa, nương tựa nơi Bụt, nương tựa nơi Pháp, nương tựa nơi tăng, nơi Chánh Niệm và nơi hải đảo tự thân. Quay về nương tựa là phương pháp hay nhất để tự bảo vệ đối với những tai nạn có thể xảy ra trong đời sống hàng ngày.
Mong sao trong tâm tôi không có giận hờn. Ta đã biết giận hờn là một tai nạn, và khi giận hờn ta thấy bao nhiêu an lạc của ta tan biến đi hết. Có những người giận ba lần trong một ngày, mười lần hoặc mười lăm lần trong một ngày. Còn gì là đời mình nữa! Động một chút là giận. Họ cứ nghĩ rằng người khác làm khổ họ; họ không biết rằng cái làm khổ họ là sự có mặt của hạt giống giận hờn trong họ. Động một chút là họ giận, trong khi những người khác cùng sống trong một môi trường vẫn có thể cười cả ngày. Tại sao? Sự khác nhau không phải là hoàn cảnh, sự khác nhau là trong con người của mình hạt giống giận hờn quá lớn.