Năng lượng Từ bi
Có một hôm, một số các thầy tới báo cáo cho Bụt biết là khu rừng các vị cư trú có những lực lượng ma quái quấy nhiễu. Các thầy hỏi Bụt làm sao để cho khu rừng đó yên ổn. Bụt dạy rằng chắc những loài sống trong khu rừng đó đang đau khổ, đang tự làm khổ mình và trong khi tự làm khổ mình thì họ làm khổ người. Vậy thì các thầy nên thực tập Từ Bi quán. Thực tập Từ Bi quán thì năng lượng của Từ và Bi sẽ thấm nhuần trong các thầy, thấm nhuần luôn tới các vị đó. Do cơ hội này mà Bụt dạy Kinh Thương Yêu (Mettasutta). Các thầy đã đem kinh về tụng và thực tập. Mấy tháng sau khu rừng đó được yên ổn. Năng lượng Từ Bi trong các thầy đã lưu lộ; các thầy chấp nhận được và hiểu được những nỗi khổ đau của những loài kia, và những loài kia và những loài kia do đó đã được thấm nhuần Từ và Bi. Các loài kia được nghe Kinh Thương Yêu, cũng đã thực tập. Khu rừng đã trở nên một khu rừng rất êm mát, hạnh phúc, nhờ sự có mặt của các vị khất sĩ và nhờ sự thực tập của Kinh Thương Yêu của các vị khất sĩ đó. Đây là trường hợp trong đó Kinh Thương Yêu đã được nói. Khi ta thực tập Từ Bi quán, ta làm cho thân tâm ta nhẹ nhàng, thoải mái và an lạc; ta cũng làm cho hoàn cảnh và môi trường của ta thấm nhuần năng lượng Từ và Bi và hoàn cảnh đó sẽ trở thành êm dịu, tươi mát và có hạnh phúc.
Ta ngồi lại; sau khi điều phục thân thể và hơi thở, ta đọc những câu sau đây:
– Mong sao cho thân và tâm tôi được an, được lạc và được nhẹ nhàng
– Mong sao cho tôi được sống an toàn, không vướng vào tai nạn
– Mong sao cho trong tâm tôi không có giận hờn phiền não sợ hãi và lo lắng
Trong khi đọc như vậy chúng ta có thể nhận ra rằng ta đang thiếu an, thiếu lạc, thiếu nhẹ nhàng; ta đang còn nơm nớp lo sợ những tai nạn có thể xảy tới; ta biết rằng trong lòng ta còn có những giận hờn, những phiền não, những lo lắng, và sợ hãi. Nếu ta biết rằng những tâm hành ấy đang ngăn cản không cho ta có hạnh phúc thì tự nhiên ta bắt đầu hiểu ta và thương được ta. Ta bắt đầu có lòng Từ đối với chính ta. Ta có lòng Bi đối với chính ta. Bi là thấy và hiểu được những thiếu thốn, những nỗi khổ. Từ là ý chí muốn đem lại hạnh phúc và an lạc.