Thương thân
Khi nói đến thương yêu, ta hay nghĩ rằng đối tượng thương yêu phải là một người khác. Nhưng Bụt dạy rằng đối tượng đầu tiên của thương yêu là chính bản thân mình. Nếu không thương yêu được bản thân thì ta không thể thương yêu được bất cứ một loài nào khác. Khả năng thương yêu của chúng ta, khả năng thương yêu người khác tuỳ thuận nơi khả năng thương yêu được chính bản thân ta. Nếu anh không thương được anh thì anh không thương được người nào khác. Điều đó là điều rất rõ trong đạo Bụt. Mình không thương được mình, mình không chăm sóc được mình, mình không chuyển hoá được mình thì làm sao mình có khả năng thương yêu chăm sóc và chuyển hoá người khác. Vì vậy cho nên Từ Bi quán trước tiên phải hướng tới bản thân. Đây không phải là ích kỷ. Khi ta thương được ta, thì tức khắc ta trở thành ra dễ chịu đối với người khác, và người khác đồng thời được hưởng kết quả của sự thực tập của ta, ngay lập tức.
Theo yếu tố Xả – yếu tố thứ tư của tình thương, thì tình thương đích thực cũng có nghĩa là nếu mình thương được mình tức là mình thương được người khác, thương được người khác tức là thương được mình. Không có sự phân biệt giữa mình và người. Tình thương đó gọi là tình thương vô ngã. Tình thương vô ngã là tình thương cao đẹp nhất (tiếng Anh gọi là selfless love). Tình thương vô ngã là tình thương không phân biệt giữa mình và người. Vì vậy khi mình thương mình được thì mình cũng thương người. Hễ anh thương được anh, hễ anh làm cho anh có hạnh phúc, đó là anh đã thương người rồi đó. Ở trong một đại chúng tu học mà có một người có hạnh phúc, một người biết tự thương mình, biết tự lo cho mình, thì người đó tức khắc trở thành niềm vui của cả đại chúng.
Có một lần vua Ba Tư Nặc, sau một bữa hội nghị giữa triều thần về tới cung điện thì thấy hoàng hậu Mallika đang đứng ở trên lầu. Hoàng hậu Mallika (Mạt lợi phu nhân) là người bạn đường rất thân thương của vua Ba Tư Nặc. Vua thương hoàng hậu lắm. Và chính hoàng hậu đã đưa vua tới với Bụt. Khi ông Cấp Cô Độc mời Bụt đi qua hành đạo ở nước Xã Vệ, ông có dâng cúng lên cho Bụt một khu vườn rất đẹp mua của thái tử Kỳ Đà. Trong số những người tới nghe Pháp thoại của Bụt có hoàng hậu Mallika và công chúa Vajira. Trong những tháng đầu, vua không tới nghe pháp, tại vì vua nghe quần thần nói là trong nước có rất nhiều bậc đạo cao, đức trọng lớn tuổi hơn Bụt Thích Ca nhiều. Hồi đó Bụt mới có 38 tuổi mà thiên hạ đã xưng người là bậc toàn giác, thành ra vua hơi ghét: “Còn trẻ như thế mà đã tự xưng là bậc toàn giác!”. Chính hoàng hậu Mallika đã làm đủ mọi cách để cho vua đi nghe Bụt thuyết pháp. Cố nhiên là khi tới được vườn Kỳ Viên và nghe Bụt thuyết pháp rồi thì vua được chuyển hoá và cả gia đình đã quy y. Hôm đó sau cuộc họp triều chính, vua về cung và thấy hoàng hậu Mallika đang đứng ở trên lầu. Vua mới nói: “Hoàng hậu trong thế gian này, có ai thân thương với hoàng hậu bằng chính bản thân của hoàng hậu không?”. Vua thấy rằng, tuy mình là người thương của hoàng hậu nhưng chưa chắc vua đã thương hoàng hậu bằng hoàng hậu tự thương mình. Hoàng hậu cười đáp trở lại: “Tâu hoàng thượng, trong thế gian này, có ai thân thương với hoàng thượng bằng chính bản thân của hoàng thượng không?”. Hai người nói chuyện như thế. Sáng hôm sau vua và hoàng hậu tới thăm Bụt, và kể lại câu chuyện đó. Bụt nói; “Đúng rồi! Trên thế gian, trong vũ trụ không có ai thân thương với mình bằng chính bản thân của mình”. Vậy thì khi mình biết thân thương bản thân mình, mình hãy cẩn thận đừng làm hại làm đau người khác.
“Tâm đi mười phương thế giới có ai thân thiết bằng ta
đã biết thân thương tự ngã thì đừng làm khổ người ta”
Đó là lời Bụt dạy trong kinh Samyutta Nikaya,S.1,75. Tâm đi mười phương thế giới, có ai thân thiết bằng ta, tâm mình đi du lịch trong mười phương thế giới sau khi quán sát thì tâm ấy không tìm thấy có ai thân thiết bằng chính cái bản thân mình. Đã biết thân thương tự ngã thì đừng làm khổ người ta. Đó là tuệ giác đưa tới hành động.