Nếp sống thanh cao
Bốn tâm vô lượng có khi còn được gọi là tứ phạm trù. Phạm tức là Brahma, có nghĩa là Phạm Thiên cũng có nghĩa là một cõi trời nơi chư thiên an trú, là cõi không có những sinh hoạt dâm dục. Phạm cũng có nghĩa là cao cả (noble) là thanh tịnh; và đời sống người xuất gia cũng gọi là đời sống phạm hạnh. Tu phạm hạnh không có nghĩa là tu để được sinh lên cõi phạm thiên, được sống chung với Thượng Đế, mà là để sống một đời sống trong sạch và cao quý của người xuất gia. Brahmacaryā là đời sống phạm hạnh. Trong một kinh Trung A Hàm Bụt có dạy thầy A Nan: “Này thầy A Nan, nếu thầy dạy cho các thầy trẻ về tứ vô lượng tâm, thì các thầy ấy sẽ cảm thấy có sự an ổn trong đời sống tâm linh của mình; các thầy ấy sẽ có sức mạnh, sẽ có hạnh phúc, thân tâm của họ không có phiền não vì những cơn sốt và do đó họ có thể suốt đời sống trong cuộc sống phạm hạnh.” Thầy A nan được rất nhiều người trẻ thương mến và có rất nhiều người trẻ đi theo, vì vậy Bụt đã bảo thầy A Nan nên dạy các thầy trẻ về tứ vô lượng tâm. Đối với những người thường, Bụt nói rằng tứ vô lượng tâm là sự thực tập về tình yêu thương. “Nếu quý vị nói Phạm Thiên là tượng trưng cho tình thương và nếu quý vị muốn sanh lên cõi Phạm Thiên để ở chung với Phạm thiên thì quý vị phải thực tập tứ vô lượng tâm.”