Cơ hội tự do
Khi đi ta không cần phải ra lệnh cho chân trái bước hay đòi hỏi chân phải phải đi. Không phải vậy. Chúng ta đi một cách tự nhiên, thoải mái. Nếu có chánh niệm xen vào thì chánh niệm thường đến sau một chút. Cũng chính vì vậy mà vấn đề được đặt ra là ý thức của chúng ta có phải là con rối của tàng thức không? Nếu ý thức chỉ là một con rối thì nó sẽ theo những quyết định có sẵn trong tàng thức, ở đó, quá trình hình thành và học hỏi vẫn âm thầm tiếp tục, như thế chúng ta có tự do ý chí hay không?
Tự do là điều chúng ta có thể đạt được nếu chúng ta biết thực tập chánh niệm. Một khi có niệm và định, chúng ta có tuệ giác và với tuệ giác này chúng ta có thể làm những quyết định dựa trên thực tại, chân như. Chúng ta không chỉ là con rối của tàng thức, chúng ta có chủ quyền của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta phải dùng chủ quyền của mình để tưới tẩm những hạt giống tốt, những hạt giống tích cực trong tàng thức. Tương lai của chúng ta phụ thuộc hoàn toàn vào giá trị của tàng thức .
Trong đạo Bụt, chúng ta cũng nói đến tàng thức như là chánh báo (retribution consciousness), tiếng Phạn là vipaka. Vipaka nghĩa là dị thục quả. Ví dụ như trái mận, bản tính của nó là một quá trình biến đổi và chín muồi. Trái mận ban đầu còn bé tí, xanh, chua nhưng nếu ta cho nó cơ hội, nó sẽ lớn hơn, cho ra hạt, chuyển thành màu tím, có hương vị ngọt ngào.
Có một khuynh hướng cho rằng chúng ta là một thực thể đang chuyển động qua không gian, thời gian để đi về tương lai. Chúng ta tin rằng bây giờ chúng ta là chúng ta và đến một thời điểm nào đó trong tương lai chúng ta cũng vẫn là chúng ta. Điều này không đúng với thực tại bởi vì chúng ta luôn luôn thay đổi. Sông Mississippi có tên là Mississippi. Cái tên Mississippi không thay đổi nhưng dòng sông thì luôn đổi thay. Nước trong dòng sông cũng luôn luôn đổi thay. Con người cũng vậy, khi mới sinh ra chúng ta là một đứa bé rất non yếu chưa đầy năm sáu cân, bây giờ trưởng thành, chúng ta lớn lên và khác đi về nhiều mặt.
Chúng ta cũng giống như một đám mây. Khi nhận ra được mình là mây, chúng ta có cơ hội ngắm nhìn và quán chiếu sâu sắc vào bản chất của mây. Chúng ta có thể thấy được quá trình hình thành của đám mây, thấy được đám mây biểu hiện như thế nào. Từ “mây” có thể cho chúng ta một ý niệm về đám mây này hay đám mây kia, đám mây này khác với đám mây kia. Mây không phải là gió. Mây không phải là nước. Mây không phải là ánh nắng mặt trời.
Giả sử một phần của đám mây trở thành mưa, rơi xuống. Đám mây trên kia có thể nhìn xuống, nhận ra chính mình dưới hình thức là nước. Khi thấy mình là mây, chúng ta có thể nhìn xung quanh và nhận ra rằng chúng ta tương tức với những đám mây khác. Những đám mây khác sẽ hòa nhập vào chúng ta và trở thành một đám mây lớn hơn. Chúng ta bắt đầu thấy rõ hơn về thực tại của đám mây, thấy rõ hơn về thực tại của bản ngã. Đám mây có thể nhìn xuống, thấy được mây đã ra đi và biểu hiện dưới một hình thái khác. Đám mây có thể mỉm cười với chính mình dưới hình thái của hơi nước trên mặt đất.
Trong mỗi phút giây của cuộc sống, chúng ta tiếp nhận mọi thứ từ môi trường của mình như thức ăn, không khí, hình ảnh, âm thanh và năng lượng tập thể. Trong mỗi phút giây của cuộc sống hàng ngày, có đầy đủ mọi thứ đi vào ta. Mỗi ngày chúng ta cho vào các chất dinh dưỡng như thức ăn, cảm thọ, suy tư, giáo dục và tâm thức cộng đồng; đồng thời chúng ta cũng cho ra một nguồn năng lượng như suy nghĩ, nói năng, hành động. Chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành động trong mỗi phút giây của cuộc sống hàng ngày.
Triết gia Pháp, Jean Paul Sartre, nói rằng: “Con người là tổng thể những hành động của nó” (L’homme est la somme de ses actes). Nghiệp có nghĩa là hành động, hành động của thân, khẩu và ý. Chúng ta luôn luôn tạo ra nghiệp và tất cả đều đi về tương lai. Vì vậy trong sự thực tập, chúng ta phải luyện tập để thấy được chính mình trong mỗi hành động, không những về thân mà còn về khẩu và ý nữa. Tất nhiên hành động của thân, khẩu, ý đều ảnh hưởng đến thân thể và cảm thọ của chúng ta. Khi nhìn xuống, đám mây có thể nhận ra được mình là nước. Cũng vậy, khi nhìn xuống, chúng ta có thể thấy được mình đi về tương lai. Chúng ta có thể nhận diện được mình ở nhiều nơi khác nhau.
Chúng ta không thể nói rằng khi hình hài này tan rã thì chúng ta không còn nữa. Chúng ta vẫn tiếp tục dưới nhiều hình thái khác. Khi đám mây trở thành mưa, người ta có thể thấy được vô số những giọt nước, khi rơi xuống đất, chúng có thể hòa nhập lại với nhau thành một, hai, hay ba dòng nước. Đó là sự tiếp nối.
Nghiệp có ba loại: thân nghiệp, khẩu nghiệp và ý nghiệp. Nói rằng sau khi hình hài này tan rã thì không còn gì nữa cả, điều này không khoa học lắm. Nhà khoa học thế kỷ mười tám Antoine Laurent Lavoisier nói rằng: “Không có gì sinh ra và cũng không có gì mất đi.” (Rien ne se créé, rien ne se perd). Cái gì sẽ xảy ra sau khi hình hài này tan rã? Câu trả lời là chúng ta sẽ vẫn tiếp tục với những suy nghĩ, hành động và lời nói của chúng ta. Nếu muốn biết tương lai của chúng ta như thế nào, chỉ cần nhìn vào ba nghiệp của chúng ta trong hiện tại là chúng ta có thể biết được. Chúng ta không cần chết đi để thấy được điều đó, chúng ta có thể thấy ngay bây giờ bởi vì trong mỗi phút giây, chúng ta đang tạo ra chính mình, chúng ta tạo ra sự tiếp nối của chính mình. Mỗi suy nghĩ, mỗi lời nói, mỗi hành động đều mang chữ ký của ta, chúng ta không thể trốn thoát được. Nếu chúng ta đã tạo ra một điều gì đó không đẹp lắm, chúng ta không thể thâu hồi lại được, nó đã đi về tương lai và bắt đầu tạo ra một chuỗi hành động, phản ứng rồi. Tuy nhiên chúng ta cũng có thể thường xuyên tạo ra những hành động mới tích cực hơn, tích cực trong suy nghĩ, nói năng và hành động. Chính những hành động mới này sẽ làm thay đổi những hành động tiêu cực trước đó của ta.
Khi trở về với chính mình và biết được những gì đang xảy ra, chúng ta có quyền định hướng cho tương lai. Chính ngay bây giờ và ở đây chúng ta có quyền định hướng cho sự tiếp nối của chúng ta. Sự tiếp nối của chúng ta không phải ở tương lai. Sự tiếp nối của chúng ta xảy ra ngay bây giờ và ở đây. Vì vậy chúng ta vẫn có chủ quyền để quyết định tương lai của mình. Nếu chúng ta làm được một việc thiện, chúng ta nên vui mừng và nói: “Tôi có thể tiếp tục tạo thêm những hành động của thân, khẩu, ý như thế nữa, bởi vì tôi muốn đảm bảo một tương lai tươi sáng cho tôi và cho con cháu tôi.” Nhưng nếu đã lỡ tạo ra một điều tiêu cực thì chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng tạo ra điều ngược lại để sửa đổi và chuyển hóa nó. Tự do là điều có thể đạt được ngay trong giây phút hiện tại bây giờ và ở đây.
Giả sử hôm qua tôi đã nói điều gì đó không hay với em trai tôi. Điều đó đã xảy ra rồi, đã làm tổn thương tôi và tổn thương em trai tôi. Hôm nay thức dậy, tôi nhận ra mình đã tạo ra một nghiệp bất thiện, một hành động phá hoại. Giờ đây tôi muốn làm mới trở lại. Tôi quyết định hôm nay khi gặp em, tôi sẽ nói khác hơn. Nhờ tuệ giác, từ bi và tình thương, tôi đã nói được. Câu nói này phát ra hôm nay mà không phải là hôm qua. Tuy nhiên nó sẽ chạm tới câu nói hôm qua để chuyển hóa, để đổi thay. Bỗng nhiên, tôi thấy có sự hàn gắn giữa tôi và em tôi. Vết thương trong tôi, trong em tôi, trong người bạn đồng nghiệp của tôi được chữa lành, bởi vì hành động làm mới này cũng tạo ra chữ ký của tôi.
Mỗi hành động là một hạt giống được gieo xuống tàng thức. Không một hành động, một suy nghĩ, một lời nói nào có thể mất đi được. Giả sử sáng nay có người vì thiếu kiên nhẫn đã la con mình. Đây là một lỗi lầm, một hành động tiêu cực, nhưng ngược lại, đến tối, người đó đã làm một hành động tốt, một việc thiện như cứu một con chó thoát chết khỏi tai nạn giao thông khi băng qua đường. Nếu kết hợp hai hành động này lại với nhau thì người kia sẽ đi về đâu?
Để biết được mình đi về đâu, theo hướng nào, chúng ta chỉ cần nhìn vào phẩm chất của các loại hạt giống có trong tàng thức. Mọi thứ đều tùy thuộc vào nghiệp như suy nghĩ, nói năng và hành động. Không ai khác có thể quyết định tương lai của chúng ta, mà chính chúng ta tự quyết định lấy. Đó là nghiệp báo, là dị thục, vipaka.
Mỗi khi ta suy nghĩ, tư duy là chúng ta đang tạo ra nghiệp. Bụt dạy chúng ta phải thực tập chánh tư duy tức là tư duy về hướng vô phân biệt, về từ bi và trí tuệ. Chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng tạo ra những tư duy như thế – tư duy về từ bi, về vô phân biệt. Tư duy như thế sẽ gây ảnh hưởng tốt cho mình và cho thế giới. Một suy nghĩ, tư duy chân chính có khả năng trị liệu thân tâm chính mình và trị liệu thế giới. Đó là nghiệp. Nếu chúng ta tư duy về giận dữ, căm thù, tuyệt vọng, tức là chúng ta đang hủy hoại chính mình và hủy hoại thế giới. Tác ý đóng một vai trò rất quan trọng. Tùy vào môi trường chúng ta đang sống và những gì chúng ta tác ý mà chúng ta có ít hay nhiều cơ hội phát khởi những suy nghĩ tốt đẹp đi về hướng chánh tư duy.
Mỗi suy nghĩ chúng ta tạo ra đều mang theo chữ ký của mình. Chúng ta không thể nói: “Ồ, nó không phải của tôi.” Chúng ta có trách nhiệm với những suy nghĩ của chúng ta và những suy nghĩ đó là sự tiếp nối của chúng ta. Suy nghĩ là tinh yếu, cốt tủy của mình, là cuộc sống của mình. Khi một suy nghĩ khởi lên, nó sẽ tiếp tục đi về tương lai và không bao giờ mất đi cả. Chúng ta có thể hiểu những suy nghĩ của mình giống như một loại năng lượng và năng lượng này sẽ tạo ra một chuỗi phản ứng trong vũ trụ. Vì vậy chúng ta cần phải quan tâm chăm sóc tư duy của mình để mỗi ngày chúng ta suy nghĩ được nhiều điều thiện. Chúng ta biết rằng nếu muốn, chúng ta có thể tư duy về từ bi, hiểu biết, về tình huynh đệ, về tính vô phân biệt và tất cả đều tạo ra chữ ký của ta. Tất cả đều là ta, là tương lai của ta. Chúng không bao giờ có thể mất đi được. Rõ ràng là tư duy về từ bi, về tình huynh đệ, về sự hiểu biết và thương yêu đều có năng lực trị liệu: trị liệu thân thể, trị liệu tâm hồn và trị liệu cho toàn nhân loại. Tự do là điều chúng ta có thể đạt được vì chúng ta biết rằng với sự nâng đỡ, chở che của Bụt, của huynh đệ trong chúng, của giáo pháp mà chúng ta đã học, chúng ta có khả năng tạo ra những tư duy chân chánh như thế.
Những gì chúng ta nói đều tạo ra chữ ký của mình, tạo ra nghiệp lực của mình. Lời nói của chúng ta có thể chuyên chở hiểu biết, thương yêu, tha thứ, bao dung. Ngay khi chúng ta sử dụng lời nói ái ngữ thì sự trị liệu đã bắt đầu có tác dụng. Lời nói ái ngữ có khả năng trị liệu và chuyển hóa mà chúng ta có thể sử dụng bất cứ lúc nào. Ta có hạt giống từ bi, hiểu biết, tha thứ và bao dung trong ta, ta phải để cho chúng biểu hiện. Giờ đây, quý vị có thể ngưng đọc, gọi điện cho ai đó, dùng những lời ái ngữ để bày tỏ tình thương, từ bi, sự cảm thông và tha thứ của quý vị. Quý vị còn chờ đợi gì nữa? Đó là một hành động đáng làm! Quý vị sẽ hòa giải được ngay khi thực tập ái ngữ. Ái ngữ luôn đi về hướng tha thứ, hiểu biết, thương yêu. Hãy gọi điện đi! Sau khi gọi điện quý vị sẽ thấy phấn chấn hơn, người kia sẽ cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái hơn nhiều và quý vị sẽ hòa giải được ngay lúc đó. Những suy nghĩ đã phát khởi trong quý vị, những ngôn từ quý vị đã nói sẽ luôn còn đó và là sự tiếp nối của quý vị.
Chúng ta có thể làm gì để vơi bớt khổ đau? Mỗi ngày chúng ta hành động như thế nào để chuyên chở lòng từ bi? Hành động là khía cạnh thứ ba của sự tiếp nối. Chúng ta biết rằng chúng ta có khả năng làm điều gì đó để bảo vệ con người, bảo vệ động vật, bảo vệ môi trường sống của chúng ta. Hôm nay chúng ta có thể làm gì để bảo vệ các loài sinh vật? Có thể là một hành động nho nhỏ như mở cửa để cho một con côn trùng bay ra ngoài hoặc một hành động lớn hơn như giúp cơm ăn, áo mặc cho những người nghèo khổ. Mỗi ngày chúng ta đều có khả năng làm chủ nghiệp lực của chúng ta bằng cách này hay cách khác, lớn hay nhỏ. Thế mà chúng ta cứ có cảm giác mình không có tự do, tự chủ.
Không sinh không diệt
Chúng ta có trách nhiệm với ba nghiệp (những gì ta nghĩ, nói và làm) mà chúng ta đã tạo ra trong mỗi phút giây của cuộc sống hàng ngày. Hình ảnh con sóng có thể giúp ta thấy được điều này. Khi nhìn con sóng biểu hiện, chúng ta thấy người thanh niên trong chúng ta với nhiều năng lượng, nhiều hy vọng, nhiều hoài bão đang dâng trào. Ta thấy được con sóng tuổi trẻ trong ta đang đi lên, đi lên. Khi đến đỉnh cao của con sóng chúng ta bắt đầu đi xuống. Khi đi xuống chúng ta cũng tạo ra một sức mạnh. Sức mạnh này có hai loại: sức mạnh thứ nhất là năng lượng của nghiệp, sức mạnh thứ hai là năng lượng nắm bắt. Khi đi xuống như một con sóng, chúng ta cũng tạo ra hai nguồn năng lượng này. Rất sống động. Nó là nền tảng cho sự biểu hiện của chúng ta và môi trường.
Khi nhìn mặt nước biển, chúng ta có thể nghĩ rằng khi con sóng đi lên là điểm khởi đầu, là con sóng sinh ra và khi đi xuống là điểm kết thúc, là con sóng chết đi. Nhưng nếu nhìn lại hai nguồn năng lượng, chúng ta biết rằng nguồn năng lượng này không phải từ không mà có. Phải có một sức mạnh nào đó để đẩy con sóng lên khỏi mặt nước. Nếu có một sức mạnh trước khi con sóng sinh ra có nghĩa là chúng ta đã có mặt trước đó trong quá khứ. Chúng ta chỉ là sự tiếp nối của một con sóng khác trong quá khứ, bởi vì phải nhờ có một con sóng trước đẩy lên rất mạnh, chúng ta mới được sinh ra. Sự đi lên của con sóng thật sự không phải là ngày sinh của con sóng mà là ngày tiếp nối của nó. Khi con sóng tan đi, không phải con sóng chết. Chẳng có gì sinh ra mà cũng chẳng có gì mất đi.
Tuy nhiên tuệ giác về sự tiếp nối không chống trái với giáo lý vô thường căn bản của đạo Bụt. Nếu chúng ta tin rằng có một linh hồn tồn tại mãi mãi không biến dịch, khi rời khỏi thân xác này nó đi vào một thân thể khác qua thời gian và không gian thì chúng ta bị kẹt vào ý niệm là có một cái ngã thường còn. Đức Bụt đã xác nhận rằng không có gì mất đi, không có gì có thể bị hủy diệt và cũng không có gì có thể tồn tại mãi mãi.
Khi quán chiếu về sinh diệt, chúng ta tin rằng có một thực tại của cái sinh và một thực tại của cái diệt nằm dưới mỗi sự vật. Nhưng nếu chúng ta không kẹt vào từ “sinh” thì chúng ta có cơ hội chứng nghiệm được thực tại của cái sinh. Tâm chúng ta có khuynh hướng nghĩ rằng ‘sinh ra’ nghĩa là từ không mà trở thành có, từ không bỗng nhiên mình trở thành một người nào đó. Đó là ý niệm chung về sinh. Chúng ta không tồn tại rồi bỗng nhiên chúng ta tồn tại.
Bây giờ, hãy nghĩ về tờ giấy và hãy viết từ “giấy” ra. Giả sử tờ giấy này cũng có ngày sinh như chúng ta, ngày mà tôi lấy từ nhà máy giấy về. Nhưng “giấy” chỉ là một danh từ, một tên gọi, tờ giấy mà tôi cầm trên tay đây mới là thực tại. Trước khi tờ giấy này có hình thức của một tờ giấy, nó đã là một cái gì khác rồi. Rất nhiều thứ kết hợp lại với nhau để cho tờ giấy có mặt. Chúng ta có thể nhìn thấy rừng cây, mặt trời và những cơn mưa trong tờ giấy. Chúng ta có thể thấy được bột giấy, những công nhân trong nhà máy giấy. Chúng ta không thể nói rằng tờ giấy từ không mà trở thành có. Nhìn sâu vào tờ giấy, chúng ta sẽ thấy rằng tờ giấy này không bao giờ sinh ra cả. Giây phút mà ta gọi là sinh thực ra chỉ là giây phút của sự tiếp nối, còn trước đó nó đã là một cái gì khác rồi.
Cũng vậy, không một ai có thể chết đi bởi vì không ai thực sự được sinh ra. Giây phút mà chúng ta ở trong bụng mẹ không phải là giây phút chúng ta bắt đầu có mặt. Chúng ta đã có mặt trước đó trong mẹ ta, trong cha ta, trong tổ tiên của chúng ta. Chúng ta không phải từ hư không mà đến. Chúng ta là sự tiếp nối, giống như dòng nước trên mặt đất là sự tiếp nối của đám mây trên bầu trời. Dòng nước không sinh ra, nó chỉ là sự tiếp nối của đám mây.
Khi nghe đến từ “chết”, nhiều người trong chúng ta rất sợ hãi vì chúng ta nghĩ rằng chết là sự hủy diệt của một con người. Chết, nghĩa là từ có trở thành không, từ một người nào đó trở thành không có người nào hết. Thế nhưng, chúng ta cũng giống như đám mây. Đám mây không thể chết đi được. Đám mây có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành băng, thành nước nhưng đám mây không thể trở thành không.
Chúng ta nghĩ rằng, sinh ra nghĩa là từ không tự nhiên trở thành có, từ không bỗng nhiên chúng ta trở thành một người nào đó. Đó là định nghĩa của chúng ta về sinh, nhưng nếu nhìn sâu chúng ta thấy điều đó không đúng. Đám mây không phải từ không mà có. Mây từ ao hồ, sông ngòi, biển cả và hơi nóng. Mây chỉ là sự tiếp nối của những thứ đó. Khi đám mây không còn, chúng ta nói là “đám mây đã chết” nhưng nếu nhìn sâu hơn chúng ta sẽ thấy mây không thể chết đi được. Mây có thể trở thành mưa, thành tuyết, thành băng. Chúng ta không có khả năng giết chết đám mây, không có khả năng làm cho đám mây trở thành không. Bản tính của mây là không sinh không diệt. Mây sẽ tiếp tục dưới những hình thái khác nhau. Thực sự là đám mây không thể trở thành không. Vì vậy, khi nâng ly trà lên uống trong chánh niệm, chúng ta sẽ nhận ra rằng đám mây xinh đẹp mà chúng ta quán chiếu hôm qua trên bầu trời bây giờ đang nằm trong ly trà của ta và chúng ta đang uống mây. Chúng ta đang tiếp xúc với tính vô sinh bất diệt của mây.
Nếu người thương của ta vừa mới qua đời mà ta khổ đau nhiều thì hãy dùng tuệ giác của Bụt để quán chiếu. Người thương của ta không thể chết đi được. Nếu dùng định lực, chúng ta sẽ nhận ra người đó, chúng ta sẽ nhận ra người đó trong những hình thức khác. Ta không thấy đám mây yêu quý của ta trên bầu trời nên ta khóc. Thực ra, đám mây yêu quý của ta đã trở thành mưa hân hoan rơi xuống đất và gọi ta: “Này anh, anh không thấy em sao? Em đang ở đây!” Ta nhận ra đám mây yêu quý của ta dưới một hình thái khác là mưa.
Khi chúng ta thỉnh chuông, tiếng ngân vang của chuông đi qua không khí và đến tai mình. Đừng nghĩ rằng tiếng chuông đi từ nơi này đến nơi khác. Nó có sự ảnh hưởng của nghiệp, của sự tiếp nối. Tất cả những gì ta nghĩ, nói và làm đều đã bắt đầu tiếp nối chúng ta. Đó là một sự tiếp nối chứ không phải chuyển dời từ nơi này đến nơi kia. Vì thế chúng ta có thể làm cho sự tiếp nối đó trở nên hạnh phúc, dễ chịu. Vào ngày sinh nhật, chúng ta nên nói: “Chúc mừng ngày tiếp nối!” hơn là “Chúc mừng sinh nhật!”, bởi vì mỗi ngày đều là ngày tiếp nối. Bằng sự thực tập chánh niệm chúng ta có thể đảm bảo cho mình một sự tiếp nối đẹp đẽ và hiền thiện.
Sát na vô thường và nhất kỳ vô thường
Chúng ta không nên nhầm lẫn sự tiếp nối với sự thường còn. Cho dù con sóng vẫn tiếp tục dưới những hình thể khác nhưng mỗi con sóng cũng chỉ có mặt ở đó trong chốc lát rồi lại tan biến đi.
Vô thường có thể được hiểu bằng hai cách: Thứ nhất là sát na vô thường (moment to moment impermanence) nghĩa là các pháp hữu vi sinh diệt trong mỗi phút giây. Thứ hai là nhất kỳ vô thường (cyclical impermanence) nghĩa là ta thấy được sự tan rã của hình hài này ở mỗi thời khắc, nhưng bên dưới vô thường là một sự tiếp nối. Nhìn vào tổng thể con sóng chúng ta thấy được nhất kỳ vô thường.
Trở lại tính điện ảnh (cinematographic nature) của ý thức. Khi xem phim chúng ta thấy có sự bắt đầu và kết thúc của một bộ phim, ta thấy được tính nhất kỳ vô thường. Tuy nhiên, phim được làm bằng những giây phút, hình ảnh tách rời nhau và những hình ảnh riêng lẻ liên tục ấy cho ta cảm giác đây là một thực thể. Qua bộ phim chúng ta thấy được cả sát na vô thường và nhất kỳ vô thường.
Dị thục, vipaka, cũng có thể được hiểu bằng hai cách: nhất kỳ và sát na, (cyclical vipaka và moment to moment vipaka). Nhất kỳ (cyclical retribution) là toàn bộ đời sống của mình trong đó có y báo lẫn chánh báo, và chánh báo của kiếp này sẽ dẫn mình đến đời sống của kiếp sau. Đó là dị thục quả (cyclical maturation).
Thế nhưng, dị thục cũng xảy ra trong mỗi phút giây, mỗi sát na. Phút giây dị thục này là sự hình thành của phút giây dị thục trước, chúng ta biết rằng những ảnh hưởng và tác động của chúng ta trong giây phút này đã có trước đó một phút rồi. Giống như cây nến đang hiến tặng ánh sáng, hơi nóng và hương thơm của nó trong mỗi phút giây. Ánh sáng của ngọn nến chiếu lên cây nến và chiếu lên những vật khác. Nói cách khác, nó đang chiếu sáng chính nó đồng thời chiếu sáng cả thế giới bên ngoài.
Tương tự như vậy, chúng ta làm phát khởi ra những tư tưởng, lời nói và hành động trong mỗi phút giây. Những gì chúng ta nói, nghĩ và làm đều ảnh hưởng lên cả vũ trụ và ảnh hưởng lên chính chúng ta. Vũ trụ cũng là ta bởi vì chúng ta đi vào vũ trụ ngay giây phút chúng ta đang nói. Chúng ta luôn mang mình đi vào vũ trụ. Chúng ta không chỉ ở đây mà còn ở kia nữa.
Bất kỳ những gì chúng ta nghĩ, nói, làm đều gây ảnh hưởng trong ta và xung quanh ta. Chúng ta không chỉ là bên trong mà còn là bên ngoài hình hài này. Một hành giả thực tập giỏi phải thấy được điều đó. Chúng ta có thấy mình ở ngoài hình hài này không? Nếu chúng ta thấy được điều đó, nghĩa là chúng ta đã bắt đầu có tuệ giác. Chúng ta không chỉ tiếp nối bên trong mà còn tiếp nối bên ngoài. Năng lượng của ba nghiệp tác động, ảnh hưởng ngay bây giờ và ở đây.
Khi chúng ta suy nghĩ một điều gì thì điều đó ảnh hưởng trở lại chúng ta ngay lập tức. Khi chúng ta tư duy về từ bi, về tình thương thì mỗi tế bào trong cơ thể ta đều tiếp nhận nguồn năng lượng tuyệt vời ấy. Ngược lại nếu chúng ta tư duy về hận thù, tuyệt vọng thì ngay lập tức điều đó sẽ ảnh hưởng xấu lên thân thể và tâm hồn ta. Giả sử chúng ta ký một tấm chi phiếu trong khi chúng ta không có tiền trong tài khoản ngân hàng, có thể chúng ta không thấy hậu quả lúc này nhưng một hai tuần sau chúng ta sẽ thấy rõ hậu quả của nó. Hoặc giả, một thành viên của chính phủ đã ký hoặc làm một điều gì đó bất hợp pháp; người đó tuy có thể tiếp tục giữ chiếc ghế của mình trong vài năm nhưng sau đó khi khám phá ra anh ta ăn hối lộ thì anh ta sẽ bị vào tù. Vì vậy có những điều chúng ta làm bây giờ nhưng một thời gian sau mới gặt lấy hậu quả. Chúng ta phân biệt hai loại hành động: một loại hành động đưa đến kết quả rất nhanh ngay bây giờ và ở đây, gọi là ‘nhân quả đồng thời’ và một loại hành động khác tác động trở lại chúng ta sau một thời gian nào đó, gọi là ‘nhân quả dị thời’.
Có câu thơ của thầy Thái Hư nói: “Thân ngoại phi thân khước thị thân” (身 外 非 身 却 是 身 ) có nghĩa là những yếu tố không phải hình hài nằm ngoài hình hài cũng là hình hài. Chúng ta phải thấy được con gái chúng ta là chúng ta, con trai chúng ta là chúng ta, những gì chúng ta đã xây dựng hay phá hủy cũng chính là chúng ta bởi vì tất cả đều là hoa trái của hành động chúng ta – là ba nghiệp. Vì vậy, chúng ta nên học cách nhìn lại chính bản thân mình. Khi thấy được sự tiếp nối của ta ngoài hình hài này thì ta bắt đầu thấy ta. Những cái mà ta gọi là những yếu tố vô ngã nằm ngoài ta chính là ta. Ta muốn đảm bảo sự tiếp nối của ta là sự tiếp nối đẹp đẽ hay không, điều này ta có thể làm được. Nếu chúng ta có khả năng thấy được một chuỗi phản ứng của những nguồn năng lượng ấy đến với nhau, chúng ta sẽ không nói rằng sau thời điểm này sẽ không còn gì nữa cả. Bởi vì chúng ta biết rõ là không có gì có thể mất đi. Mọi thứ vẫn luôn được tiếp nối.
Khi chúng ta thấy được những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại, chúng ta cũng sẽ biết được những gì sẽ xảy ra khi chết. Tất nhiên là có sự tiếp nối, nhưng sự tiếp nối này không cần phải đợi đến giờ phút chết mới thấy được. Sự tiếp nối xảy ra ngay bây giờ và ở đây. Chúng ta được tái sinh trong mỗi giây mỗi phút.
Ý thức và tự do ý chí
(mind consciousness and free will)
Khi ý thức hoạt động một mình, ý thức có thể ở trong trạng thái định hay trong trạng thái tán loạn. Trong trạng thái định gọi là ý thức định trung. Trong trạng thái tán loạn gọi là ý thức tán vị. Định là tập trung tâm ý vào một đối tượng nào đó một cách liên tục không gián đoạn. Tán loạn là khi chúng ta cho phép mình rong ruổi trong những cảm thọ và không làm chủ được đời sống của mình. Như thế, chúng ta không có chủ quyền gì cả.. Chúng ta nghĩ, nói và làm những điều mà chúng ta không thể làm chủ được. Chúng ta không muốn mình chứa đầy giận dữ, hận thù và kỳ thị. Tuy nhiên, đôi khi tập khí quá nặng, chúng ta không biết phải thay đổi như thế nào. Sở dĩ suy nghĩ của chúng ta không có tình thương, không có hiểu biết, không có từ bi là vì chúng ta không dùng hết khả năng mà chúng ta đang có, như việc đã la con mình sáng nay. Chúng ta đã nói, đã làm những điều mà nếu có định lực chúng ta sẽ không nói, không làm. Đó là do chúng ta đã đánh mất chủ quyền của chúng ta.
Quán chiếu cho sâu sắc, chúng ta có thể thấy được rằng nếu làm chủ được bản thân, chúng ta không còn là nạn nhân của các tập khí nữa. Định lực giúp ta có thêm tự do lựa chọn những gì ta muốn và định lực cũng cho ta khả năng tự do ý chí.
Khi năng lượng chúng ta bị tán loạn, chúng ta dễ giận dữ. Tuy bằng trí năng chúng ta có thể biết rằng giận không giúp được gì cho ta nhưng ta không thể dừng lại được. Vì vậy, tự do ý chí không phải là vấn đề của trí năng. Đôi khi người ta nghĩ rằng cảm thọ của chúng ta là do những chất hóa học trong não tiết ra. Chúng ta giận dữ, bạo động cũng chỉ vì những hóa chất ấy. Tuy nhiên cách chúng ta suy nghĩ, hành động cũng tạo ra các chất hóa học đó, nhiều hay ít phụ thuộc rất lớn vào cách sống của chúng ta.
Nếu chúng ta biết ăn uống điều độ, có chánh niệm, chánh tư duy, biết sống thăng bằng thì những hóa chất được tạo ra chỉ mang đến an lạc. Khi chúng ta bị những cơn giận, sợ hãi, căm thù chi phối thì các tế bào thần kinh, các hóa chất mà chúng thải ra sẽ gây ảnh hưởng, làm mất thăng bằng trong não và trong tâm thức. Chúng ta có thể dùng tuệ giác để quán chiếu, để quyết định sự hoạt động của những yếu tố này. Chúng ta không thể nói rằng những yếu tố này không phải là tâm. Chúng chính là tâm ta.
Trong đạo Bụt, chúng ta nói thân là tâm. Vì vậy, ta thường dùng chung là thân tâm. Tiếng phạn là nāmarūpa. “Nāma” nghĩa là tâm, “rūpa” nghĩa là thân. Thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt mà chúng là hai mặt của cùng một bản thể. (A double manifestation of the same substance)
Tất cả chúng ta ai cũng có những tập khí tiêu cực thúc đẩy mình suy nghĩ, nói năng và hành động mà bằng trí năng ta biết sẽ mang đến tai họa, nhưng ta vẫn nói, vẫn làm, vẫn nghĩ. Khi năng lượng ấy đi lên và sắp sửa buộc chúng ta suy nghĩ, nói năng hay hành động, chúng ta hãy dùng cơ hội này để thực tập chánh niệm: “Chào em, tập khí của tôi, tôi biết là em đang có mặt đây.” Thực tập chừng đó cũng đã làm cho tình trạng khác đi rồi. Chúng ta không muốn mình là nạn nhân của các tập khí, do đó nếu có chánh niệm can thiệp vào, chúng ta sẽ thay đổi được tình thế.
Ý thức có khả năng rèn luyện những tập khí tích cực. Chúng ta phải luyện tập để mỗi khi nghe chuông chúng ta biết dừng lại. Dừng lại mọi suy nghĩ, nói năng và hành động. Chúng ta được mọi người trong tăng thân yểm trợ để thực tập, trong vài tuần sự thực tập này sẽ trở thành một tập khí. Khi nghe chuông ta ngưng suy nghĩ, trở về theo dõi hơi thở một cách tự nhiên. Đó là một tập khí tích cực. Thực sự, chúng ta có khả năng chế tác và nuôi lớn tập khí tích cực, miễn là ta có tự do ý chí. Chúng ta có khả năng nới rộng chủ quyền của chúng ta. Tàng thức và những tập khí trong tàng thức là mảnh đất, là nền tảng cho những suy nghĩ, lời nói, hành động hàng ngày của ta phát khởi. Những gì chúng ta suy nghĩ, nói năng, hay hành động đều do tàng thức ra lệnh. Vì thế, phẩm chất của các loại hạt giống trong tàng thức rất quan trọng. Chúng ta có tuệ giác, có từ bi nhưng đồng thời ta cũng có kỳ thị, hận thù. Với sự học hỏi và thực tập, chúng ta nhận ra rằng có một cơ chế tồn tại ở vùng vô thức điều khiển chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, suy nghĩ và hành động.
Khi ý thức bắt đầu hoạt động thì năng lượng chánh niệm có thể được chế tác. Ta ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta. Việc muốn bước đi có thể phát xuất từ cấp bậc hình hài (metabolic level). Nhưng chúng ta cũng có thể ý thức về ước muốn đó: “Thở vào, tôi biết là tôi có ước muốn thở vào.” Ngay cả trước khi thở chúng ta cũng có thể làm phát khởi ý thức này. Tuy nhiên, với sự can thiệp của chánh niệm tình trạng sẽ đổi thay. Cho dù khi ước muốn đã bắt đầu, chánh niệm vẫn có thể làm thay đổi quá trình diễn biến của nó, cố nhiên không phải bằng cách đấu tranh. Chánh niệm có khả năng làm cho các hạt giống tích cực trong ta biểu hiện. Chúng ta có đồng minh nằm dưới tàng thức.
Chánh niệm là người thỉnh mời, là người làm vườn, là người tin vào khả năng cho ra hoa quả của đất. Đôi khi chánh niệm có thể đóng vai trò của người mở đầu. Chúng ta có chánh niệm, ý thức là người thương của ta đang ngồi trước mặt ta. “Thở vào, tôi biết người thương của tôi đang ngồi trước mặt tôi. Điều này rất quan trọng. Người thương của ta đang còn sống. Người đó đang có mặt trước mặt tôi. Tôi phải nói điều gì dễ thương với người ấy, bởi vì ngày mai có thể tôi không có mặt ở đó nữa để nói điều này.” Nhìn vào người đó ta nói: “Em ơi, anh biết là em đang có mặt đây và anh rất hạnh phúc.” Chánh niệm có thể hành động như một tác nhân mở đầu cho những suy nghĩ, lời nói và hành động của ta. Cho nên, tuy nói chánh niệm có thể đến sau, nhưng nếu muốn, chánh niệm có thể là người mở đầu cho những suy nghĩ, nói năng và hành động của ta. Hiểu được quá trình này, chúng ta biết chúng ta có cơ hội tự do. Tự do lớn bắt đầu bằng những tự do nho nhỏ mà chúng ta chế tác được nhờ chánh niệm.
Khôi phục chủ quyền
Với tôi, chánh niệm là cơ hội đầu tiên để đạt được tự do. Trong trạng thái tuyệt vọng, tâm chúng ta không có mặt với thân. Thân ta có thể ở đây nhưng tâm ta thì rong ruỗi đi về quá khứ, đi về tương lai, hoặc kẹt vào những giận hờn, lo lắng, hay những kế hoạch khác trong hiện tại. Tâm và thân không ở với nhau. Vì vậy, với hơi thở chánh niệm, ta đưa tâm trở về với thân, tiếng Anh gọi là pulling oneself together, nghĩa là đưa thân và tâm trở về với nhau. Như vậy chúng ta khôi phục được chủ quyền của mình. Chúng ta biết rằng khi có khả năng trở về thì ngay lúc đó ta có niệm và định. Chúng ta hoàn toàn thiết lập thân tâm trong giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, ý thức được những gì đang xảy ra trong ta và xung quanh ta. Chúng ta không còn là nạn nhân của thân thể, tàng thức và môi trường nữa. Vì vậy, chánh niệm rất quan trọng, chánh niệm có thể giúp ta ý thức được những gì đang xảy ra, giúp ta khởi đầu một điều gì đó tốt đẹp và khôi phục lại chủ quyền của chúng ta.
Nhờ chánh niệm, chúng ta không còn là nạn nhân của các tập khí nữa. Không phải ta đấu tranh với những tập khí trong ta mà ta ý thức và ôm ấp chúng một cách nhẹ nhàng. Thực tập hơi thở chánh niệm, chúng ta ý thức được tập khí của mình đang đi lên. Chúng ta có thể tự nói với mình rằng: “A, chào tập khí, người bạn cũ của tôi, tôi biết anh quá mà, tôi sẽ chăm sóc anh đàng hoàng.” Chánh niệm giúp ta có tự do. Chúng ta biết cách vận dụng nhiều điều kiện để làm cho chánh niệm của ta tăng trưởng, chẳng hạn như một tăng thân thực tập chánh niệm, tiếng chuông, thiền hành… tất cả đều là những yếu tố yểm trợ cho ta.
Với ý thức và sự thực tập chánh niệm chúng ta có thể đưa quá khứ về với giây phút hiện tại để nhìn lại, quán chiếu và học hỏi mà không bị đánh mất mình trong quá khứ. Chúng ta vẫn thiết lập được thân tâm trong giây phút hiện tại. Thiết lập thân tâm trong chánh niệm, chúng ta có thể nhìn lại những gì đã xảy ra trong quá khứ: “Mỗi khi tôi làm điều đó, tôi đạt được cái này hay cái kia…” Chúng ta có thể quán chiếu về luật nhân quả. Bằng cách đó, ý thức chúng ta có khả năng học được những bài học từ quá khứ. Học được từ quá khứ chúng ta sẽ có tự do và đó là yếu tố giúp chúng ta có những quyết định đúng đắn. Những quyết định này sẽ không làm chúng ta đau khổ trong hiện tại và trong tương lai. Ý thức không những giúp ta học được những bài học từ quá khứ mà còn giúp ta học được những bài học ở tương lai, bởi vì tương lai có mặt trong hiện tại, tương lai chỉ được làm bằng phút giây hiện tại. Chất liệu xây dựng tương lai là giây phút hiện tại. Vì vậy, nhìn sâu vào giây phút hiện tại ta sẽ thấy được tương lai. Nếu bây giờ ta có an lạc, có hòa hợp, có chánh niệm, có chánh tinh tấn thì ta biết tương lai của ta thế nào cũng tốt đẹp. Nhưng nếu trong giây phút hiện tại mà ta là nạn nhân của các tập khí thì ta biết rằng tương lai của ta sẽ không có gì tốt đẹp. Chúng ta có thể thấy được tương lai ngay bây giờ. Vì thế, chánh niệm không những mở tung được cánh cửa hiện tại mà còn mở tung cánh cửa quá khứ và tương lai.
Có thể có một người đang có khó khăn với bản thân. Bất cứ lúc nào tham dự buổi họp, hễ phát biểu là anh ta gây đổ vỡ, anh ta rất khổ tâm. Nhưng một hôm có người đến nói với anh ta: “Thử thêm một lần nữa đi. Lần này anh sẽ thành công.” Anh ta không chịu bởi vì anh ta biết mỗi khi ngồi trong buổi họp là anh ta gây đổ vỡ, anh ta nghĩ rằng anh ta chỉ làm được chừng đó chuyện. Tuy vậy, người bạn của anh vẫn tiếp tục thuyết phục: “Ồ, tôi sẽ có mặt với anh chắc chắn tình trạng sẽ khác. Vào buổi họp, tôi sẽ nắm tay anh, khi nào thấy tôi bấm tay anh một cái thì anh dừng lại, đừng nói gì cả, chỉ trở về hơi thở chánh niệm.” Người bạn thực tập cho mình trước, sau đó cả hai đều đến dự buổi họp. Trong suốt buổi họp người bạn nắm tay anh ta. Ngay khi sự việc xảy ra, anh bạn bấm tay người kia. Người kia đã biết thực tập hơi thở chánh niệm, vì thế anh ta chỉ theo dõi hơi thở mà không nói gì cả. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời, người này không gây đổ vỡ trong buổi họp bởi vì có yếu tố chánh niệm mới can thiệp vào đời sống của anh.
Chúng ta có những người bạn yểm trợ ta trên con đường thực tập, người này đã thực hành từ bi, thấy được khổ đau của ta và sẽ yểm trợ ta. Bạn đồng tu là một yếu tố tỉnh thức, là một điều kiện tốt để thay đổi tình trạng. Cũng vậy, chư Bụt, Bồ Tát và những người thực tập hiểu biết thương yêu luôn cố gắng tìm mọi điều kiện để giúp đỡ những người khác. Vì thế chư Bụt, chư Bồ Tát có thể đi vào cuộc đời của chúng ta. Có khi chính chúng ta, mà cũng có khi là người bạn của ta đem đến yếu tố tỉnh thức cho ta. Những thay đổi không những đến từ bên trong mà còn đến từ bên ngoài, tất nhiên những thay đổi đó đem đến cho mỗi chúng ta cơ hội tự do.
Cộng nghiệp và biệt nghiệp
Mỗi một chúng ta đều có cơ hội tự do, tuy nhiên tự một mình ta thì không thể đạt được. Biệt nghiệp, cộng nghiệp và môi trường tương quan lẫn nhau (interdependent). Lần trước chúng ta có dùng ví dụ của cây nến. Cây nến không chỉ hiến tặng ánh sáng mà còn hiến tặng sức nóng, hương thơm, hơi nước và cả khí carbonic. Cây nến hiến tặng cho môi trường chung quanh, đồng thời tạo ra môi trường cho nó. Những gì cây nến tạo ra đều ảnh hưởng trở lại chính nó. Ánh sáng cây nến phát ra chiếu sáng lại cây nến. Chúng ta có thể thấy cây nến rất rõ bằng ánh sáng của chính nó và sức nóng làm cho sáp chảy ra để hấp thụ nhiên liệu dễ dàng hơn. Vì thế những gì cây nến hiến tặng, nó cũng sẽ được nhận lại.
Giả sử có một cây nến thứ hai và cây nến này cũng chiếu sáng quanh nó. Có thể chúng ta nghĩ rằng ánh sáng của cây nến thứ nhất là biệt lập nhưng ánh sáng của cây nến thứ nhất cũng chiếu sáng tới cây nến thứ hai. Vì thế ánh sáng của hai cây nến này không hẳn là riêng mà cũng không hẳn là chung. Tùy vào mức độ mà ánh sáng của chúng mang tính riêng nhiều hay chung nhiều. Không có gì hoàn toàn riêng mà cũng không có gì hoàn toàn chung. Cái riêng nằm trong cái chung và cái chung chứa đựng cái riêng. Ánh sáng từ hai cây nến là cộng biểu (collective manifestation). Đó là kết quả chiếu sáng không phải của một mà của cả hai cây nến. Hãy thử tưởng tượng cả ngàn cây nến đang cháy cùng một lúc thì ánh sáng đó là một sự hiến tặng chung, là cộng biểu của tất cả các cây nến.
Khi đến trung tâm thực tập chánh niệm ở làng Mai, quý vị hiến tặng năng lượng cá nhân của quý vị. Cách thức và nội dung quý vị suy nghĩ, nói năng, hành động đều đóng góp vào không khí của làng Mai. Nếu suy nghĩ của quý vị có từ bi, có độ lượng thì quý vị đã đóng góp tích cực cho cái đẹp cái lành, cho sự bình an và tình thương của làng Mai. Nhưng nếu suy nghĩ của quý vị đầy kỳ thị, lo lắng và hận thù thì quý vị đã không đóng góp tích cực cho làng. Vì thế tất cả mọi thứ đều vừa là tự biểu, vừa là cộng biểu, vừa là chung, vừa là riêng. Tập thể được hình thành từ cá nhân và cá nhân được hình thành từ tập thể.
Chúng ta nghĩ rằng con mắt của ta là sở hữu của riêng ta nhưng dưới ánh sáng của cộng biểu thì điều đó không đúng. Chúng ta hãy nhớ lại ví dụ về ông tài xế xe buýt. Có vẻ như dây thần kinh thị giác của ông tài xế là của riêng ông nhưng nhìn lại chúng ta sẽ thấy mạng sống của tất cả hành khách trên xe đều phụ thuộc vào dây thần kinh thị giác của ông ta. Cái chung và cái riêng, cái cộng và cái tự tương tức nhau. Vì vậy, nghiệp cũng có thể được xem là cộng biểu.
Chánh báo là phần cá nhân dựa trên suy nghĩ, hành động và lời nói của ta nhưng chánh báo cũng mang tính chung và phụ thuộc vào môi trường chúng ta sống. Nhìn vào một khu rừng, chúng ta ý thức rằng cây cối đang cung cấp ôxy cho ta và ta thấy ta là khu rừng, là cây cối bởi vì không có rừng, ta không thể thở được. Chúng ta thấy cây cối và khu rừng là một phần cơ thể của ta. Trong những thành phố lớn luôn có một công viên. Công viên trong thành phố ấy là buồng phổi của ta, là buồng phổi chung của tất cả mọi người, mọi công dân. Nếu không có nó chúng ta không đủ dưỡng khí để thở. Vì vậy công viên rất quan trọng đối với ta. Công viên là buồng phổi nằm bên ngoài thân thể ta.
Tôi biết nếu tim tôi ngừng đập thì tôi sẽ chết. Vì vậy tôi phải bảo vệ và gìn giữ trái tim tôi. Nhưng khi nhìn vào mặt trời hồng và hít thở tôi thấy mặt trời cũng là một trái tim khác của tôi. Nếu mặt trời ngưng hoạt động tôi cũng sẽ chết. Vì vậy tôi xem mặt trời là trái tim của tôi. Thực tập như vậy chúng ta sẽ không bị giới hạn bởi hình hài, da thịt này. Chúng ta thấy môi trường là chúng ta. Do đó, khía cạnh thứ hai của nghiệp là môi trường – là y báo. Chăm sóc môi trường đàng hoàng là ta đang chăm sóc cho chính ta.
Kinh Kim Cương dạy ta về bốn ý niệm, bốn tri giác sai lầm mà chúng ta cần phải buông bỏ để thấy rõ thực tại. Thứ nhất là ý niệm ngã. Như chúng ta đã biết, ngã được làm bằng những yếu tố vô ngã. Ý niệm thứ hai là nhân. Con người được làm bằng những yếu tố không phải con người. Ý niệm thứ ba là chúng sanh. Chúng ta thường phân biệt chúng sanh và thế giới vô tri vô giác như cỏ cây, khoáng vật, nhưng chúng ta biết rất rõ là nếu chúng ta làm ô nhiễm các loại khoáng vật, nếu chúng ta chặt phá cây rừng thì động vật không có đất sống và chúng sẽ không có sự tiếp nối. Nếu chúng ta làm ô nhiễm thế giới khoáng vật thì cây xanh không có cơ hội lớn lên. Vì vậy, tuệ giác này giúp chúng ta thấy được thân thể chúng ta cũng là cây xanh, là khoáng vật. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta. Ý niệm cuối cùng mà chúng ta phải lấy đi là ý niệm thọ giả. Chúng ta bị kẹt vào ý niệm là chúng ta chỉ sống trên trái đất này được một khoảng thời gian nào đó, tám mươi năm, chín mươi năm hay nhiều hơn thế. Ý niệm này không đúng với thực tại. Tuệ giác bất sanh bất diệt là nhiên liệu giúp ta đốt cháy ý niệm này – ý niệm thọ giả.
Môi trường chúng ta sống là cộng biểu của tất cả mọi người, nhưng chính bản thân ta cũng là cộng biểu. Cuộc sống của người khác phụ thuộc rất lớn vào khả năng thấy rõ đường đi của ta. Đời sống của ta phụ thuộc vào những người đang tạo ra những điều kiện để nâng đỡ ta. Vì vậy đôi mắt của ta là cộng biểu, tâm ta là một phần chánh báo của tất cả mọi người.
Biểu tượng của làng Mai là chùa Một Cột nằm trong lòng hoa sen, xung quanh có ba chữ smrti (niệm), samadhi (định) và prajna (tuệ). Sự thực tập của chúng ta là nuôi lớn tự do. Là người thực tập chánh niệm, chúng ta phải tin rằng tự do là điều mà ta có thể đạt được. Niềm tin của ta không dựa trên những ý niệm trừu tượng. Nhìn xung quanh trong số các huynh đệ cùng thực tập với nhau, ta sẽ thấy có những người bây giờ đã đạt được tự do hơn so với cách đây vài ba năm. Vì thế, niềm tin của chúng ta dựa trên những kinh nghiệm trực tiếp mà không phải là điều mơ hồ. Nhìn vào bản thân, chúng ta thấy bây giờ chúng ta có tự do hơn so với ngày hôm qua.
Sự thực tập của chúng ta là đưa tâm trở về với thân để sống tốt đẹp hơn. Phẩm chất của chúng ta được quyết định bởi năng lượng niệm, định và tuệ. Với nguồn năng lượng này chúng ta có thể đốt cháy những chướng ngại thường làm mờ mắt và cản đường chúng ta. Có thể nói rằng con đường của Bụt là con đường tự do. Tự do, giải thoát và cứu độ là điều mà chúng ta có thể đạt được trong đời sống hàng ngày. Nhìn vào bản thân, nhìn vào sư anh, sư chị, sư em của mình, chúng ta thấy có sự tiến bộ. Con đường tự do đang được tiếp tục và chúng ta có thể nâng đỡ nhau trên con đường này. Sự thực tập của chúng ta không chỉ mang lại tự do cho cá nhân mà còn mang lại tự do giải thoát cho cộng đồng. Đó là điều chúng ta có thể làm được.