Bài tụng 49: Vượt thoát sinh tử
Không sinh cũng không diệt
Sinh tử là niết Bàn
Sở đắc là vô đắc
Không nắm cũng không buông.
Nếu bài tụng 48 nói về nhân, tức là chính sự tu học thì bài tụng này nói về kết quả của sự tu học, về sở đắc của sự tu học. Cũng có thể nói rằng bài tụng 48 nói về tích môn và bài tụng này nói về bản môn.
Không sinh cũng không diệt tức là Niết Bàn. Niết bàn là sự chấm dứt, là sự vượt thoát sinh tử. Sự chấm dứt đó không có nghĩa của một sự loại trừ sinh tử. Tại vì sinh tử là niết bàn, là Bản Môn. Tuy nói rằng có đắc, nhưng kỳ thực mình có đắc gì đâu? Nói rằng sóng nắm được nước, nhưng mà sóng đâu cần nắm nước nữa. Tại vì sóng là nước rồi.
Chúng ta nói một cách buồn cười là sóng tiếp xúc với nước. Nhưng mà sóng là nước rồi, đâu cần phải tiếp xúc nữa. Cũng như sống trong thế giới của sinh-diệt, của có-không, của còn-mất, của đi-tới mà nói tiếp xúc được với Niết Bàn, thì cũng buồn cười như vậy. Niết bàn là chân như, là tự tánh của chúng ta. “We have been in the Nirvana for a long time, already. Chúng ta có mặt trong niết bàn đã từ lâu rồi”. Cũng như sóng là nước từ vạn kiếp rồi. Thành ra có cái gì để đắc đâu?
Chúng ta hãy nhớ lại Tam Pháp Ấn, chìa khóa mở cửa 50 Bài tụng Duy Biểu. Chúng ta hãy nhớ lại hình ảnh đồng bạc cắc. Đồng bạc cắc có mặt sấp, mặt ngửa và chất kim loại làm ra nó. Chúng ta sờ vào mặt sấp của đồng bạc cắc tức là đồng thời ta sờ vào chất kim loại của đồng bạc cắc. Chúng ta sờ vào mặt ngửa của đồng bạc cắc, tức là đồng thời ta sờ vào chất kim loại của đồng bạc cắc. Thế giới của hiện tượng là thế giới của bản thể. “Thuyền hiện tượng quay về bản thể” (thơ Nhất Hạnh), nhưng kỳ thực là khỏi quay về bản thể.
Vì sống trong ý niệm về thường, về ngã cho nên từ đó chúng ta có những ý niệm về có, về không, về một, về nhiều, về tới, về đi, về sinh, về diệt. Tám ý niệm có, không, một, nhiều, tới, đi, sinh, diệt đó là do hai ý niệm thường và ngã mà ra. Cho nên, Tam Pháp Ấn khai thị cho chúng ta về niết bàn. Vô thường và vô ngã là đứng về phương diện hiện tượng, tức là sóng, mà nói. Chúng ta xét tính chất vô thường và vô ngã để thấy bản chất của vạn sự, vạn vật cũng như chúng ta nhìn vào sóng để thấy cái bản chất của nước. Và đó là phương thức để chúng ta vượt khỏi những ý niệm có-không, một-nhiều, tới-đi, sinh-diệt.
Pháp ấn thứ ba là niết bàn, tức là chấm dứt tất cả mọi khái niệm, trong đó có khái niệm về vô thường và vô ngã. Tại vì khái niệm về vô thường và vô ngã được đưa ra để giúp chúng ta vượt thoát khái niệm về thường và ngã. Nhưng khái niệm về vô thường và vô ngã vẫn là khái niệm. Niết bàn vượt thoát khái niệm thường mà cũng vượt thoát khái niệm vô thường, vượt thoát khái niệm ngã mà cũng vượt thoát khái niệm vô ngã.
Nhưng nếu không có vô thường và vô ngã thì chúng ta có tiếp xúc với niết bàn được không? Đứng về phương diện Ba Tự Tánh chúng ta nói như thế này: Thực tại trong cái nhìn của thường, của ngã là thực tại biến kế chấp. Thực tại trong cái nhìn của vô thường, vô ngã là thực tại y tha khởi. Y tha khởi tháo gỡ chúng ta khỏi biến kế chấp và giúp ta tiếp xúc được với niết bàn vốn là viên thành thật. Khi chạm vào vô thường, thật sự chạm vào vô thường chứ không phải chạm vào khái niệm vô thường, tức là chạm vào niết bàn. Chạm vào sóng tức là chạm vào nước. Cho nên nói rằng có đắc nhưng kỳ thực có đắc gì đâu! Không có cái gì phải nắm hết, không có cái gì phải buông hết. Có gì mà tôi phải nắm lấy đâu? Có gì mà tôi phải bỏ ra đâu? Đó gọi là vô đắc, vô thủ, vô xả. Nắm là thủ. Buông là xả. Khi mà còn nắm lấy một cái, buông một cái, tức là còn nhị nguyên (dualism).