Chuyển hóa

 

Những Vùng Năng Lượng

Chúng ta biết rằng khi giận thì không nên phản ứng, nghĩa là không nên nói, không nên làm bất cứ một điều gì. Khi giận mà nói năng hay hành động là không khôn ngoan. Ta phải trở về tự thân để chăm sóc cơn giận của mình.

Cơn giận là một vùng năng lượng trong ta. Nó là một phần của ta, là em bé đang kêu khóc mà ta có bổn phận phải săn sóc. Cách chăm sóc hay nhất là tạo ra một vùng năng lượng khác để ôm ấp và chăm sóc cơn giận. Vùng năng lượng thứ hai là chánh niệm. Chánh niệm là năng lượng của Bụt. Nó có sẵn trong ta và ta có thể chế tác ra bằng hơi thở có ý thức, bằng bước đi có ý thức. Bụt ở trong ta không phải là một ý niệm. Bụt ở trong ta không phải là một lý thuyết viển vông. Bụt ở trong ta là một thực thể bởi vì chúng ta ai cũng có thể chế tác năng lượng chánh niệm.

Chánh niệm có nghĩa là có mặt, là ý thức những gì đang xẩy ra trong ta và chung quanh ta. Năng lượng này tối ư quan trọng cho việc tu tập. Năng lượng chánh niệm giống như một người anh lớn, một người chị lớn hay một bà mẹ đang ôm ấp và chăm sóc em bé đau khổ, sân hận, tuyệt vọng hay ghen tức trong ta.

Vùng năng lượng thứ nhất là sân hận. Vùng năng lượng thứ hai là chánh niệm. Phương pháp tu tập là dùng năng lượng của chánh niệm để nhận diện và ôm ấp năng lượng của sân hận, với tất cả hiền dịu, không chút bạo động. Đây không phải là đàn áp sân hận. Chánh niệm là ta mà sân hận cũng là ta. Ta không nên trở thành một bãi chiến trường để hai vùng năng lượng đó đánh giặc với nhau. Đừng nên nghĩ rằng chánh niệm là chánh, là tốt và sân hận là tà, là xấu. Không nên nghĩ như vậy. Chúng ta chỉ cần nhận diện sân hận như là một năng lượng tiêu cực và chánh niệm như là một năng lượng tích cực. Rồi chúng ta sử dụng năng lượng tích cực để chăm sóc năng lượng tiêu cực.

 

Cảm Thọ Có Tánh Chất Hữu Cơ

Phép thực tập của chúng ta được căn cứ trên tuệ giác bất nhị (non-duality). Cảm thọ tích cực hay tiêu cực đều có tánh chất hữu cơ và cùng thuộc về một thực tại. Vậy thì không cần phải chiến đấu. Chỉ cần ôm ấp và chăm sóc. Trong truyền thống Đạo Bụt, thiền tập không phải là tạo ra một bãi chiến trường để thiện đánh với ác. Đây là một điều rất quan trọng. Đừng tưởng rằng ta phải chiến đấu để tẩy trừ hạt giống tiêu cực ra khỏi tâm ta. Nghĩ như vậy là sai lầm. Phép thực tập là chuyển hóa tự thân. Nếu không có rác thì lấy gì để tạo ra phân xanh? Nếu không có phân xanh thì lấy gì để nuôi dưỡng hoa trái? Bạn cần đến những đau khổ, những yếu kém trong bạn. Bởi vì chúng đều là hữu cơ cho nên bạn biết là có cách chuyển hóa chúng và sử dụng chúng sao cho có lợi.

 

Tuệ Giác Tương Tức

Pháp môn thực tập của chúng ta phải là bất bạo động. Bất bạo động chỉ có thể phát sinh từ tuệ giác bất nhị, tuệ giác tương tức. Theo tuệ giác này tất cả mọi sự mọi vật đều có liên hệ với nhau, và không có gì mà có thể tự nó có mặt một mình. Vậy thì bạo hành người khác tức là bạo hành chính mình. Chừng nào mà ta không có được tuệ giác bất nhị thì chừng đó ta sẽ còn bạo động, còn muốn trừng phạt, muốn đàn áp, muốn phá bỏ. Nhưng khi mà đã thấu triệt lẽ thật bất nhị và tương tức thì ta sẽ có thể mỉm cười với cả hoa và rác trong ta, ta có thể ôm ấp cả hai. Cho nên, tuệ giác tương tức là nền tảng của bất bạo động.

Khi mà bạn có được tuệ giác bất nhị và tương tức thì bạn sẽ đối xử với thân tâm bạn một cách thật sự bất bạo động. Bạn chăm lo các tâm hành của bạn, kể cả tâm hành sân hận, một cách bất bạo động. Bạn sẽ đối xử với cha mẹ, anh em, bạn bè, cộng đồng, xã hội của bạn với tất cả hiền dịu. Như vậy thì không thể nào có bạo động. Dưới cái nhìn của tuệ giác tương tức không có ai là kẻ thù.

Căn bản của sự thực tập của chúng ta là tuệ giác bất nhị, là tuệ giác tương tức. Tuệ giác này dạy ta chăm sóc nâng niu thân thể, chăm sóc nâng niu sân hận, tuyệt vọng trong ta. Sân hận có gốc rễ từ những yếu tố không phải là sân hận, từ lối sống hằng ngày của chúng ta. Nếu chăm lo thân tâm, không kỳ thị bất cứ gì, thì năng lượng tiêu cực không thể trấn áp ta được. Chúng ta làm cho những hạt giống tiêu cực trong ta suy yếu đi và không còn tràn ngập ta được nữa.

 

 

Bộc Lộ Cơn Giận Một Cách Khôn Ngoan

 

Khi cơn giận phát hiện, ta phải nhận diện và chấp nhận rằng sân hận có mặt trong ta và cần được chăm sóc. Trong những lúc này ta đã được dạy là không vì giận mà nói gì hay làm gì. Phải tức khắc trở về tự thân và mời năng lượng chánh niệm lên để nhận diện, ôm ấp và chăm sóc cơn giận.

Nhưng chúng ta cũng được dạy rằng phải nói cho người kia biết là ta đang giận, ta đang khổ. “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó.” Và nếu bạn thực tập giỏi thì bạn có thể nói thêm “Tôi đang cố gắng hết lòng để chăm sóc cơn giận của tôi.” Và câu thứ ba “Xin giúp tôi đi!” Bạn nói được ba câu đó là vì người kia là người thương, là người gần gũi nhất của bạn. Bạn còn cần đến người ấy. Bày tỏ cơn giận như thế là rất khôn ngoan, là rất thành thực, rất chung thủy bởi vì ngày nào ta đã có lời cam kết cùng nhau chia ngọt xẻ bùi.

Ngôn ngữ ấy, truyền thông ấy sẽ làm cho người kia thêm kính nể và thúc đẩy người ấy nghï lại và tu tập như bạn. Người kia sẽ thấy rằng bạn là người tự trọng. Bạn đã chứng tỏ rằng khi giận bạn biết chăm sóc cơn giận. Bạn đã cố gắng hết lòng để ôm ấp cơn giận, bạn không còn coi người làm cho bạn giận là kẻ thù đáng bị trừng phạt. Bạn xem người kia như là một đồng minh sẵn sàng có đó để hỗ trợ, nâng đỡ bạn. Ba câu nói ấy là ba câu nói  rất tích cực.

Hãy nhớ rằng phải nói cho người đã làm cho bạn giận biết trong vòng hai mươi bốn giờ. Bụt dạy rằng một ông thầy tu có quyền giận nhưng không được giận quá đêm.  Ôm giữ cơn giận quá lâu sẽ có hại cho sức khỏe. Đừng bao giờ ôm giữ cơn giận trong lòng quá một ngày. Bạn phải nói các câu đó trong bình tĩnh, yêu thương. Bạn phải tập để nói được như thế. Nếu bạn chưa đủ bình tĩnh sau hai mươi bốn giờ thì bạn phải viết ba câu đó lên giấy và trao cho người kia: “Người thương ơi! Tôi đang giận. Tôi đang khổ. Xin biết cho tôi điều đó. Tôi đang cố gắng để chăm sóc cơn giận của tôi. Xin giúp tôi.” Hãy trao tận tay thông điệp hòa bình ấy cho người kia. Ngay khi mà bạn nói lên những câu nói đó hay trao bức thư đó thì bạn đã cảm thấy nhẹ đi phần nào.

 

Hẹn Nhau Tối Thứ Sáu

Bạn có thể thêm vào sau ba câu của thông điệp hòa bình trên câu sau đây: “Tối thứ sáu này chúng ta hãy ngồi lại với nhau để cùng nhìn sâu vào sự việc đã xẩy ra.” Nên nói câu này vào ngày Thứ Hai hay Thứ Ba. Như vậy bạn sẽ có ba hay bốn ngày để thực tập. Trong những ngày ấy bạn và người kia sẽ có cơ hội nhìn lại và hiểu rõ hơn nguyên nhân của xung đột. Bạn và người kia có thể gặp nhau bất cứ lúc nào nhưng chọn ngày Thứ Sáu là hay nhất vì nếu làm hòa được thì bạn và người kia sẽ có được những ngày cuối tuần tuyệt diệu với nhau.

Trong khi chờ ngày hẹn tối Thứ Sáu, bạn hãy thực tập hơi thở chánh niệm và nhìn sâu vào gốc rễ của cơn giận của bạn. Dầu cho là đang khi lái xe, đi bộ, nấu ăn, giặt rũa bạn hãy tiếp tục ôm ấp cơn giận của bạn trong chánh niệm. Như vậy bạn sẽ có cơ hội quán chiếu bản chất cơn giận. Bạn sẽ khám phá ra rằng nguyên nhân chính của đau khổ của bạn chính là hạt giống giận trong bạn. Có lẽ hạt giống giận ấy trong quá khứ đã được tưới tẩm quá nhiều lần bởi chính bạn hay những người khác.

Cơn giận có trong ta dưới hình thức một hạt giống. Chúng ta cũng còn có những hạt giống của thương yêu, hiểu biết. Trong tâm thức chúng ta có rất nhiều hạt giống tích cực cũng như tiêu cực. Phép thực tập là tránh tưới tẩm những hạt giống tiêu cực mà phải nhận diện và tưới tẩm những hạt giống tích cực. Đây là phép thực tập yêu thương.

 

 

Tưới Tẩm Có Lựa Chọn

Bạn phải tự bảo vệ và bảo vệ người thương của bạn bằng cách thực tập tưới tẩm có lựa chọn (selective watering). Bạn nói với người kia: “Nếu em thực tình lo cho anh, thực tình thương yêu anh thì xin em đừng tưới tẩm những hạt giống tiêu cực trong anh mỗi ngày. Làm như thế anh sẽ khổ và anh sẽ làm em khổ theo. Em đừng tưới tẩm những hạt giống sân hận, bực bội, thất vọng, thiếu bao dung trong anh. Và anh cũng hứa là không tưới tẩm những hạt giống đó trong em. Anh biết em cũng có những hạt giống tiêu cực và anh sẽ cẩn thận không tưới tẩm những hạt giống đó trong em vì anh biết nếu anh làm em khổ anh cũng khổ theo. Anh hứa là chỉ tưới tẩm những hạt giống tích cực của thương yêu, hiểu biết trong em mà thôi.”

Tại Làng Mai chúng tôi gọi đó là tưới tẩm có lựa chọn. Nếu chúng ta dễ nổi giận là vì trong nhiều năm qua hạt giống giận trong ta đã được tưới tẩm quá nhiều lần. Ta để mặc cho chúng bị tưới tẩm. Ta đã không ký kết với những người thương chung quanh ta một bản thỏa hiệp sống chung an lạc, cùng cam kết sẽ chỉ tưới tẩm những hạt giống tích cực của nhau. Ta đã không biết thực tập tự bảo vệ. Nếu ta không biết tự bảo vệ thì ta không thể bảo vệ những người ta thương.

Khi ta ôm ấp và chăm sóc cơn giận thì ta sẽ cảm thấy nhẹ lòng. Ta có thể nhìn sâu vào sự việc và khám phá ra nhiều tuệ giác. Tuệ giác đầu tiên là hạt giống giận trong ta có thể đã được tưới tẩm thành quá lớn và là nguyên nhân chính của nỗi khổ của ta. Thấy được như thế ta sẽ nhận ra rằng người kia chỉ là nguyên nhân thứ yếu của nỗi khổ của ta mà thôi. Người kia không phải là nguyên nhân chính gây nên cơn giận của ta.

Nếu tiếp tục nhìn sâu hơn nữa thì ta sẽ thấy rằng người kia cũng đang đau khổ rất nhiều. Một người đau khổ luôn luôn làm cho những người chung quanh đau khổ theo. Người ấy không biết xử lý niềm đau nỗi khổ, không biết ôm ấp và chăm sóc niềm đau, nỗi khổ của mình cho nên đau khổ càng ngày càng lớn. Trong quá khứ ta đã không giúp người ấy. Ta đã không thực tập tưới tẩm có lựa chọn. Nếu ta biết tưới tẩm những hạt giống tích cực trong người ấy mỗi ngày thì người ấy đâu có như bây giờ.

Phương pháp tưới tẩm có lựa chọn rất hữu hiệu. Chỉ sau một giờ là đã thấy kết quả, người ấy sẽ rạng rỡ ra. Làm như vậy không khó khăn gì.

 

Tưới Hoa

Cách đây vài năm, một cặp vợ chồng tử Bordeaux đến Làng Mai để nghe pháp thoại vào dịp Lễ Đản Sanh Bụt. Trong bài pháp thoại hôm đó tôi nói về phép thực tập tưới tẩm có lựa chọn, thực tập tưới hoa. Tôi để ý thấy bà vợ yên lặng khóc suốt bài pháp thoại. Sau pháp thoại tôi đến nói với ông chồng “Cây hoa của bạn cần được tưới tẩm đấy!” Người chồng tức thì hiểu ngay ý tôi và trên đường về nhà ông ta đã tưới tẩm những hạt giống tích cực nơi bà. Đường về nhà chỉ có một giờ mười phút lái xe. Khi hai vợ chồng về đến nhà, các con của bà rất ngạc nhiên vì thấy mẹ mình rất tươi mát và hạnh phúc. Đã lâu lắm, chưa bao giờ chúng thấy bà rạng rỡ như ngày hôm ấy.

Bà có rất nhiều hạt giống tốt trong bà nhưng ông đã không nhận ra. Ông ta không tưới tẩm chúng. Ông ta chỉ tưới tẩm những hạt giống tiêu cực bởi vì ông không có cơ hội tu tập. Ông có đủ khả năng tưới hoa, nhưng phải chờ đến khi tới Làng Mai để được nhắc nhở điều cần thực tập. Ông ta cần một vị thầy thúc đẩy ông ta làm chuyện đó. Cho nên một cộng đồng tu tập quan trọng vô cùng. Chúng ta cần tăng thân, cần sư anh, sư chị, cần bè bạn để nhắc nhở ta thực tập những gì mà chúng ta đã biết. Chánh Pháp có sẵn trong mỗi chúng ta, nhưng cần phải được tưới tẩm để có thể hiển lộ và trở thành có thật. Nếu bạn quả có tưới tẩm những hạt giống tích cực trong người thương của bạn thì người ấy ngày hôm nay đâu có gây đau khổ cho bạn như vậy. Vậy thì bạn chịu trách nhiệm một phần về khổ đau của bạn.

Trở Về Để Giúp

Trong khi chờ tới ngày hẹn, ngày Thứ Sáu, bạn nên quán chiếu để nhận diện phần lỗi của bạn trong vụ xung đột. Không nên đổ lỗi hoàn toàn cho người kia. Bạn phải công nhận rằng lý do chính gây nên đau khổ của bạn là hạt giống giận trong bạn và người kia chỉ là một nguyên nhân phụ.

Khi  bạn nhận ra vai trò của bạn trong vụ xung đột, bạn sẽ càng cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Bởi vì bạn có khả năng thực tập hơi thở chánh niệm, chăm sóc cơn giận, giải tỏa năng lượng tiêu cực chỉ trong vòng mười lăm phút là bạn thấy khỏe ra rồi.

Nhưng người kia có thể còn đang ở trong địa ngục và đang đau khổ rất nhiều. Người thương của bạn là đóa hoa của bạn, bạn phải chịu trách nhiệm. Bạn đã có lời hứa là sẽ chăm sóc người thương của bạn. Bạn biết rằng bạn có trách nhiệm phần nào về tình trạng hiện thời của người ấy bởi vì bạn đã không thực tập đàng hoàng, bạn đã không chăm sóc đóa hoa của bạn. Bạn cảm thấy thương người ấy gấp bội và nao nức muốn trở về để giúp đỡ. Người kia là người rất thân thương của bạn. Nếu bạn không giúp thì ai giúp người ấy bây giờ?

Khi bạn có ý muốn trở về với người kia để giúp đỡ là bạn biết rằng năng lượng sân hận trong bạn đã biến thành năng lượng của tình thương. Sự thực tập của bạn đã có kết quả. Rác đã biến thành hoa. Có thể là cần mất mười lăm phút, nửa giờ hay một giờ. Điều đó tùy thuộc ở nơi định lực, nơi mức độ chánh niệm của bạn. Điều đó cũng tùy thuộc nơi mức độ giác ngộ và tuệ giác mà bạn gặt hái được trong khi tu tập.

Có thể là mới ngày Thứ Ba và bạn còn ba ngày trước khi tới ngày hẹn. Nhưng bạn không muốn cho người kia kéo dài đau khổ. Vậy thì khi bạn nhận ra lỗi của mình thì tức khắc bạn phải điện thoại cho người kia ngay: “Em ạ, Anh đã bớt giận rồi. Anh đã có một tri giác sai lầm. Anh thấy rõ là anh đã làm cho cả hai ta cùng khổ. Chắc chúng ta không cần hẹn gặp nhau Thứ Sáu này.” Bạn hành động như thế là vì thương yêu.

Thường thường sân hận phát khởi từ một tri giác sai lầm. Vậy khi nhìn sâu vào nguyên nhân đã gây nên khổ đau và khám phá ra rằng đó chỉ là do tri giác sai lầm thì bạn phải cho người kia biết ngay. Người ấy không muốn làm bạn khổ mà với một lý do nào đó bạn cứ tin là người ấy cố ý như vậy. Mỗi một chúng ta – dầu là chồng, là vợ, là con, là bạn bè- đều phải thực tập để quán chiếu sâu sắc tri giác của mình.

 

Có Chắc Là Đúng Không?

Một chàng nọ phải xa nhà khá lâu. Trước khi đi thì vợ anh ta đang mang thai.  Khi về nhà thì vợ anh đã sanh được một đứa con trai. Anh ta nghi đứa con không phải là con của anh, mà là con của ông hàng xóm thường qua nhà anh làm việc. Vì thế anh ta rất ghét đứa con trai. Nhìn mặt con mà anh cứ thấy nó giống ông hàng xóm. Cho đến một ngày nọ, người anh từ xa đến thăm và thốt lên: “Thằng nhỏ sao mà giống chú quá. Giống như khuôn đúc!” Nhờ ông anh tới thăm và nói câu nói đó mà người cha đã bỏ được tri giác sai lầm. Nhưng tri giác sai lầm ấy đã đè nặng tâm tư anh trong gần mười hai năm. Trong mười hai năm đó anh ta đã đau khổ vô cùng. Rồi người vợ vì thế mà cũng đau khổ theo. Lẽ tất nhiên đứa con trai cũng đau khổ vì bị cha ghét bỏ.

Chúng ta luôn luôn hành xử theo tri giác sai lầm. Vì vậy không nên tin chắc vào tri giác của mình. Khi ngắm mặt trời lặng ta tin chắc là ta đang thấy mặt trời thật. Nhưng khoa học chứng minh rằng mặt trời mà ta đang ngắm là hình ảnh của mặt trời trước đó tám phút. Tia sáng mặt trời phải mất tám phút để đi từ mặt trời đến quả đất. Khi nhìn một ngôi sao chúng ta cứ tưởng rằng ngôi sao còn đó, nhưng thật ra ngôi sao có thể đã biến mất hàng triệu năm về trước.

Cho nên phải cẩn thận lắm về tri giác nếu không thì sẽ đau khổ. Hãy viết lên một mảnh giấy câu: “Có chắc không?” và treo lên trong phòng. Trong các bệnh viện, nhất là trong các phòng thử nghiệm hay phòng phát thuốc, người ta đã treo lên một câu tương tự: “Mặc dầu bạn đã chắc rồi cũng xin kiểm soát lại (Even if you are sure, check again).” Câu này không phải là để nhắc nhở các bác sĩ, chuyên viên để ý đến các các hiện tượng tâm lý của bệnh nhân mà là để nhắc nhở các bác sĩ, chuyên viên kiểm soát lại định bệnh của mình hay kết quả thử nghiệm cho chắc để khỏi sơ sót. Ta có thể dùng cái biểu ngữ đó để tu tập:  “Mặc dầu bạn đã chắc rồi cũng xin kiểm soát lại.” Ta đã làm cho ta đau khổ. Ta đã tạo địa ngục cho chính ta và các người thân của ta. Ta có chắc rằng tri giác của ta là đúng hay không?

Nhiều người đau khổ vì tri giác sai lầm có đến mười năm, hai mươi năm. Họ tin chắc rằng người kia có ý phản bội, ám hại họ mặc dầu người kia chỉ có thiện chí với họ mà thôi. Mỗi khi đã là nạn nhân của tri giác sai lầm ta sẽ khổ sở vô cùng và ta làm những người chung quanh cùng khổ.

Khi giận hay khi đau khổ thì phải trở về  quán chiếu thật sâu sắc bản chất, nội dung tri giác của mình. Nếu ta có thể loại bỏ tri giác sai lầm thì bình an và hạnh phúc sẽ phục hồi và ta có thể lại thương yêu người khác.

 

Cùng Nhau Quán Chiếu Cơn Giận

Khi người kia biết rằng bạn đã cố gắng hết lòng để tìm hiểu nguyên nhân cơn giận thì người ấy cũng sẽ hăng hái tu tập. Trong khi lái xe, nấu ăn người ấy sẽ tự hỏi “Ta đã làm gì, nói gì để làm cho người ấy đau khổ đến như vậy?” và sẽ có cơ hội  nhìn sâu và biết rằng trong quá khứ cách hành xử của mình đã làm cho bạn giận và bắt đầu xét lại về ý nghĩ cho là mình không có trách nhiệm gì trong vụ xung đột. Nếu người kia khám phá ra rằng mình đã vụng về, thấy cách hành xử của mình đã làm cho bạn giận thì người ấy phải tức thì điện thoại hay gửi Fax xin lỗi  bạn.

Vậy thì trong tuần bạn và người đó sẽ thấy rõ vấn đề hơn và buổi hẹn tối Thứ Sáu có thể là một cuộc gặp gỡ rất vui. Bạn và người kia sẽ có cơ hội  cùng nhau ăn một bữa cơm, hay uống một tách trà, ăn một cái bánh trong niềm vui tràn đầy yêu thương.

 

Giãi Bày Tất Cả Tâm Tư, Dầu Có Khi Khó Khăn

Nếu trong tuần mà cả hai người thực tập không thành công thì buổi hẹn Ngày Thứ Sáu sẽ là cơ hội để cho bạn thực tập lắng nghe và ái ngữ. Người đang giận có quyền nói ra tâm tư của mình. Nếu bạn là người đã làm cho người kia giận thì bạn chỉ nên ngồi nghe bởi vì bạn đã có hứa rằng bạn sẽ ngồi nghe chăm chú mà không phản ứng. Bạn sẽ cố gắng thực tập lắng nghe với  tâm từ bi, lắng nghe mà không phán xét, không chỉ trích, không phân tích. Bạn lắng nghe chỉ để giúp người kia bộc lộ nỗi lòng, và vơi bớt khổ đau.

Khi bạn chia sẻ nỗi khổ của mình thì bạn có quyền nói ra hết tất cả cảm nghĩ tự đáy lòng bạn. Bạn có bổn phận làm như vậy vì người kia có quyền được biết rõ hết tự sự. Đã có lời  nguyện ước chung. Bạn nên nói cho người kia nghe tất cả những gì sâu kín trong tâm bạn, chỉ với một điều kiện là phải nói trong bình tĩnh và dùng lời ái ngữ. Ngay khi bạn cảm thấy bực bội, bất an, mất bình tĩnh thì phải dừng lại ngay. “Em ơi, anh không thể tiếp tục được nữa. Vậy chúng ta sẽ gặp nhau lại sau được không? Anh cần thì giờ để thực tập thở và thiền hành trong chánh niệm. Anh không thể làm tốt hơn lúc này và anh không chắc là anh sẽ nói chuyện bằng lời hòa nhã thành công với em.” Khi đó người kia sẽ đồng ý dời lại buổi họp, có thể là vào Thứ Sáu tuần sau.

Nếu bạn là người đang lắng nghe thì bạn cũng thực tập hơi thở chánh niệm. Thực tập hơi thở chánh niệm như thế để có thể lắng nghe mà không thành kiến. Lắng nghe với tâm từ bi và nghe hết mình để cho người kia có cơ hội vơi bớt khổ đau. Bạn có sẵn tâm từ bi và tâm từ bi của bạn sẽ phát khởi khi bạn thấy người kia đang đau khổ. Bởi vậy bạn phải nguyện làm Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm. Bồ Tát Lắng Nghe Quán Thế Âm phải là một con người thật mà không phải là một ý niệm.

 

Với Tâm Từ Bi Thì Bạn Sẽ Không Phạm Lỗi Lầm

Bạn có thể phạm lỗi lầm khi bạn quên đi là người kia đang khổ. Bạn có xu hướng nghĩ rằng chỉ có một mình khổ và người kia đang thích thú khi thấy mình khổ. Bạn sẽ nói những câu phũ phàng, làm những điều tệ bạc khi bạn tin như vậy. Ý thức rằng người kia cũng đang khổ sẽ giúp bạn thể hiện vai trò của Bồ Tát Lắng Nghe. Tâm từ bi được thắp sáng và bạn có thể giữ tâm từ bi trong suốt thời gian lắng nghe. Bạn sẽ là nhà tâm lý trị liệu giỏi nhất của người kia.

Trong khi người kia nói, có thể là người ấy sẽ lý luận, trách móc và có ý trừng phạt. Có thể  là người ấy nói giọng chua chát, bất cần. Nhưng mà tâm từ bi còn đó trong bạn, bạn sẽ không nao núng. Giọt nước từ bi vô cùng linh nghiệm. Nếu bạn quyết tâm thắp sáng tâm từ bi thì bạn sẽ được bảo vệ. Dầu cho người kia có nói gì đi nữa thì bạn cũng không khởi tâm sân hận, bực dọc, bởi vì tâm từ bi là linh dược chống sân hận. Không gì có thể dập tắt cơn giận được ngoài tâm từ bi. Bởi vì vậy, phép thực tập từ bi là một phép thực tập rất mầu nhiệm.

Từ bi chỉ có mặt khi hiểu biết có mặt. Hiểu biết gì? Hiểu rằng người kia đang đau khổ và ta phải giúp đỡ. Nếu ta không giúp người ấy thì ai giúp bây giờ? Khi lắng nghe người kia bạn có thể nhận thấy người kia có rất nhiều tri giác sai lầm trong khi nói. Tuy nhiên bạn vẫn giữ tâm từ bi vì bạn biết rằng người kia là nạn nhân của tri giác sai lầm. Nếu bạn muốn cải chính, thì bạn có thể cắt ngang không cho người ấy nói tiếp và bộc lộ hết tâm tư. Vậy thì bạn phải ngồi yên và lắng nghe với tất cả chú tâm, với tất cả thiện chí. Lắng nghe như thế có tác dụng chữa trị rất lớn.

Nếu muốn sửa chữa tri giác sai lầm của người kia thì nên đợi đúng lúc. Khi lắng nghe bạn chỉ có một mục đích: để cho người kia có cơ hội nói ra tất cả tâm tư sâu kín tự đáy lòng. Bạn sẽ không nói gì hết. Tối Thứ Sáu này là cơ hội hoàn toàn để cho người ấy nói. Bạn chỉ lắng nghe. Có thể là trong vài ngày nữa, khi người kia cảm thấy dễ chịu hơn, bạn sẽ cho người kia những dữ kiện để giúp người ấy sửa đổi  tri giác sai lầm. “Em ạ, những điều em nói hôm trước em không phải thật sự đã xẩy ra như vậy. Chuyện xẩy ra là như thế này . . . ”  Nhớ sử dụng ái ngữ khi sửa đổi tri giác sai lầm của người kia. Nếu cần thì nhờ một ai đó đã biết đích xác sự tình giải thích giùm để người kia loại bỏ được tri giác sai lầm.

 

Kiên Nhẫn Là Chứng Tích Của Tình Yêu Đích Thực

Tâm sân hận sống động. Tâm sân hận phát khởi rồi cần thời gian để lắng xuống. Mặc dầu bạn có đủ bằng cớ để thuyết phục người kia rằng cơn giận của người ấy là do tri giác sai lầm của người ấy, bạn cũng không nên can thiệp ngay. Cũng như tham đắm, ghen ghét và tất cả những tâm hành bất thiện khác, tâm sân hận cần thời gian để biến hoại. Ngay cả trong trường hợp mà người kia nhận ra là mình đã hiểu lầm cũng vậy. Khi tắt quạt máy, quạt vẫn tiếp tục quay một thời gian khá lâu mới dừng lại. Cơn giận cũng vậy. Đừng có mong rằng người kia sẽ hết giận ngay. Như thế không thực tế. Để cho cơn giận có thì giờ tàn lụi. Đừng có gấp.

Kiên nhẫn là chứng tích của tình yêu đích thực. Một người cha muốn tỏ lộ tình thương yêu của mình cho các con thì phải kiên nhẫn. Bà mẹ, con trai, con gái cũng vậy. Nếu muốn thương yêu, bạn phải tập kiên nhẫn. Nếu không kiên nhẫn thì bạn không giúp người kia được.

Bạn cũng cần kiên nhẫn với chính bạn. Thực tập ôm ấp cơn giận đòi hỏi thời gian. Tuy nhiên chỉ cần năm phút thực tập hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm là có thể ôm ấp đau khổ một cách hiệu quả. Nếu năm phút không đủ thì mười  phút, nếu mười phút không đủ thì mười lăm phút. Hãy dành đủ thì giờ cần thiết. Thực tập theo dõi hơi thở hay đi thiền hành ngoài trời là một pháp môn mầu nhiệm để ôm ấp cơn giận. Ngay cả thực tập chạy bộ (jogging) trong chánh niệm cũng giúp ích rất nhiều. Cũng như khi nấu một nồi khoai. Phải đun lửa ít nhất là mười lăm hay hai mươi phút khoai mới chín. Phải nấu cơn giận bằng ngọn lửa chánh niệm. Có thể là cần đến mười hay hai mươi phút. Có thể lâu hơn.

 

Đạt Thắng Lợi

Khi nấu khoai thì phải đậy nắp để khỏi mất hơi. Đó gọi là định lực. Vậy thì khi thực tập hơi thở hay bước đi chánh niệm để chăm sóc sân hận chúng ta Ềkhông nên làm gì hết. Không nên nghe radio, không nên coi TiVi, hay đọc sách. Hãy ‘đậy nắp’ lại và chỉ làm có một việc: thực tập hơi thở chánh niệm, bước đi chánh niệm, đem toàn lực ra để chăm sóc cơn giận, như chăm sóc một em bé.

Sau một thời gian ôm ấp và quán chiếu, tuệ giác sẽ bừng nở và cơn giận sẽ suy giảm. Bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng và phấn khởi trong ý muốn trở lại giúp người kia. Khi mở nồi khoai chín ra bạn sẽ thưởng thức mùi khoai thơm. Tâm sân hận đã được chuyển hóa thành tâm từ bi.

Đây là một điều có thể làm được. Cũng như bông hoa tu-líp. Khi mặt trời chiếu đủ sức nóng thì hoa sẽ nở. Cơn giận của bạn cũng là một bông hoa. Bạn ôm ấp nó bằng ánh sáng chánh niệm. Hãy để cho năng lượng của chánh niệm thấm vào năng lượng của sân hận. Sau năm, mười phút thực tập chánh niệm cơn giận sẽ được chuyển hóa.

Tất cả các tâm hành – sân hận, ganh tị, tuyệt vọng v..v.. đều chịu ảnh hưởng của chánh niệm cũng như cây cỏ chịu ảnh hưởng của ánh nắng. Nhờ nuôi dưỡng năng lượng chánh niệm mà ta có thể chữa trị thân và tâm bởi vì năng lượng chánh niệm chính là năng lượng của Bụt. Trong truyền thống đạo Cơ Đốc, người ta nói rằng Chúa Jesus có sẵn trong người năng lượng của Chúa Trời, năng lượng của Chúa Thánh Linh. Vì vậy mà Chúa Jesus có thể chữa trị cho nhiều người. Năng lượng có khả năng chữa trị đó được gọi là Chúa Thánh Linh. Trong ngôn ngữ của đạo Bụt năng lượng đó được gọi  là năng lượng của Bụt, năng lượng của Chánh niệm.

Chánh niệm chứa năng lượng của Định Lực, của Hiểu Biết và Từ Bi. Vậy thì, thiền tập theo đạo Bụt là thực tập chế tác năng lượng giúp ta có được sự tập trung, từ bi và hiểu biết. Tất cả mọi người trong một trung tâm tu tập chỉ có làm một việc đó và cùng nhau cống hiến một vùng năng lượng tập thể mạnh mẽ khả dĩ ôm ấp và bảo vệ chính họ và những người khác đến tu tập.

Chỉ cần một buổi thiền tập ta cũng đã nhận thấy là ta có thừa khả năng chăm sóc cơn giận. Ta đã đạt thắng lợi cho riêng ta và cho những người ta thương. Khi ta thất bại, những người ta thương cũng sẽ thất bại theo. Khi ta thắng, ta cũng thắng cho người ta thương. Vậy thì nếu khi một ai đó không biết cách tu tập thì ta sẽ tu tập cho ta và cả cho người ấy. Đừng đợi người kia thực tập rồi ta mới bắt đầu thực tập. Ta tu cho cả hai.