Bài 29 – Quán tưởng Bụt trong tôi

Bài 29 – Quán tưởng Bụt trong tôi

1.
Thở vào, tôi thấy Bụt trong tư thế thiền tọa trước mặt tôi
Thở ra, tôi chắp tay kính lễ Bụt

2.
Thở vào, tôi thấy Bụt trong tôi
Thở ra, tôi thấy tôi trong Bụt

3.
Thở vào, tôi thấy Bụt mỉm cười và ranh giới giữa tôi và Bụt không còn
Thở ra, tôi thấy tôi mỉm cười và không còn thấy ranh giới giữa người kính lễ và người được kính lễ

4.
Thở vào, tôi thấy tôi gieo năm vóc xuống lạy Bụt
Thở ra, tôi thấy năng lượng của Bụt trong tôi

Bài tập này đã được ứng dụng ở nước ta trên một ngàn năm, mỗi khi ta chuẩn bị thân tâm để lạy Bụt vào lúc bắt đầu những buổi công phu. Đó là câu quán tưởng “năng lễ sở lễ tánh không tịch, cảm ứng đạo giao nan tư nghị” (tự tánh của người kính lễ và của người được kính lễ đều là không, và vì vậy sự cảm ứng và giao tiếp không thể nào lường được). Phép quán chiếu này có gốc rễ ở các giáo lý duyên khởi, không và bất nhị. Bụt cũng như người lễ Bụt, theo giáo lý duyên sinh, đều là những thực thể có bản chất duyên sinh, và vì vậy tự tánh của cả hai đều là không. Không ở đây có nghĩa là không phải là những hiện tượng tồn tại độc lập và riêng rẽ. Trong tôi, có những yếu tố không tôi, trong đó có yếu tố Bụt. Trong Bụt, có những yếu tố không Bụt, trong đó có yếu tố tôi. Chính vì cái thấy ấy nên sự giao tiếp sâu sắc có thể thực hiện được, và sự kính lễ đạt tới mức độ sâu sắc nhất của nó. Ta chưa thấy trong một truyền thống nào mà tính cách bình đẳng giữa người kính lễ và người được kính lễ lại được thiết lập một cách tuyệt đối như vậy. Phép kính lễ này đã không gây mặc cảm yếu hèn mà còn tạo được niềm tin tuyệt đối nơi khả năng giác ngộ của bản thân.

Bài này có thể được thực hiện trong tư thế thiền tọa hoặc trong tư thế lễ lạy.