Bài 25 – Quán chiếu

1.
Thở vào, tôi thấy trong tâm thức tôi có sẵn những hạt giống của các độc tố này
Thở ra, tôi biết những hạt giống ấy là chất liệu gây nên khổ đau cho tôi và cho những người xung quanh

2.
Thở vào, tôi thấy trong đời sống hàng ngày tôi vẫn tưới tẩm và
cho phép tưới tẩm những hạt giống của các độc tố ấy bằng nếp sống không chánh niệm
Thở ra, tôi biết tiếp tục sống như thế thì khổ đau của tôi sẽ mỗi ngày mỗi lớn

3.
Thở vào, tôi thấy tôi quyết định không tưới tẩm những hạt giống ấy nữa
Thở ra, tôi quyết định sẽ không làm những điều này (2) và chỉ làm những điều kia (3)
để tránh làm lớn mạnh những độc  tố có sẵn trong tâm tôi, và để chuyển hóa chúng.

(1)  Sợ hãi, lo lắng, hận thù, bạo động, giận dữ, tự ái, kiêu mạn, ganh tỵ, đam mê, nghi ngờ, lầm lạc, định kiến.

(2)  Không nghe những câu chuyện có thể tưới tẩm những hạt giống độc tố kể trên. Không xem những phim ảnh có thể tưới tẩm những hạt giống độc tố kể trên. Không đọc sách báo chứa đựng những độc tố kể trên. Không nhớ tưởng và gợi lại những câu chuyện và những hình ảnh có chứa các độc tố kể trên.

(3) Nghe những câu chuyện có thể tưới tẩm những hạt giống của hạnh phúc, thương yêu, tha thứ, cởi mở, niềm vui sống, ý hướng giúp người, ý hướng tạo hạnh phúc cho người xung quanh…Nghe, đọc, đàm luận, và theo dõi những đề tài lành mạnh.

Bài tập này, cũng như bài tập trên, có thể được thực tập với sự ghi chép, nguyên tắc cũng là nguyên tắc của bài tập trên: bước thứ nhất là nhận diện các độc tố có sẵn, bước thứ hai là nhận diện các độc tố đang được đưa vào thêm trong đời sống hàng ngày, bước thứ ba là thấy được những gì mình quyết định nên làm và không nên làm để có thể chuyển hóa tình trạng.

Bước thứ nhất là nhận diện các độc tố có sẵn: những chất liệu oán hận, sợ hãi, bạo động, đam mê, giận dữ mà ta biết đang có trong chiều sâu tâm thức ta và thỉnh thoảng vẫn thường biểu hiện.

Bước thứ hai là nhận diện các độc tố đang được đưa vào thêm trong đời sống hàng ngày: nhiều điều ta nghe, thấy và tiếp xúc qua phim ảnh, sách báo, chung đụng và đối thoại có thể chứa đựng nhiều chất liệu bạo động, sợ hãi, oán thù, kích thích đam mê…Xã hội đầy dẫy bạo động và căm thù, tâm thức cộng đồng cũng vậy. Trong đời sống hàng ngày nếu ta không biết kiêng cữ và bảo vệ thân tâm thì những hạt giống bạo động, căm thù và khổ đau trong ta cứ tiếp tục tưới tẩm. Ta phải thấy được hằng ngày ta nghe gì, thấy gì, xem gì, đọc gì, tiêu thụ những sản phẩm văn hóa nào, chung đụng và trò chuyện với ai, và những tiếp xúc nào tiếp tục đưa vào trong ta những độc tố đó?

Bước thứ ba là quyết định sống chánh niệm để đừng đưa thêm độc tố vào bản thân: ta nguyện sẽ loại trừ những tiếp xúc và tiêu thụ có thể đưa thêm độc tố vào ta. Ta chọn lọc phim ảnh, sách báo, cẩn thận trong việc tiếp xúc và đối thoại. Điều này sẽ dễ thực hiện nếu những người trong cùng một gia đình hay cùng một đoàn thể nguyện cùng thực tập với nhau. Ta có thể ghi chép rõ ràng những chi tiết này trên giấy. Đây là một phép kiêng khem cho ta; ta sẽ nhờ đó mà phục hồi được sức khỏe tâm thức và sự vui sống. Bài tập này nên được chia sẻ với người trong gia đình hoặc cộng đồng trong đó mình đang sống.