Bài 20 – Quán tương tức

1.   
Thở vào, tôi để ý tới mắt tôi / Để ý tới mắt
Thở ra, tôi cười với mắt tôi /  Cười với mắt

2.   
Thở vào, tôi thấy mắt do tứ đại kết hợp mà thành / Mắt do tứ đại thành
Thở ra, tôi thấy mắt do từ đại tan rã mà hoại / Mắt to tứ đại hoại

3.   
Thở vào, tôi thấy mắt chứa đựng ánh nắng / Mắt chứa đựng ánh nắng
Thở ra, tôi thấy mắt chứa đựng đám mây  / Mắy chứa đựng đám mây

4.   
Thở vào, tôi thấy mắt chứa đựng trái đất / Mắt chứa đựng trái đất
Thở ra, tôi thấy mắt chứa đựng khí trời  / Mắt chứa đựng khí trời

5.   
Thở vào, tôi thấy mắt chứa đựng toàn thể vũ trụ  / Mắt chứa đựng vũ trụ
Thở ra, tôi thấy mắt có mặt nơi vạn hữu  / Mắt có mặt nơi vạn hữu

6.   
Thở vào, tôi thấy tính cách tương tức của mắt / Mắt tương tức
Thở ra, tôi thấy tính cách tương tức của vạn hữu trong vũ trụ / Vạn hữu tương tức

7.   
Thở vào, tôi thấy tất cả trong một  / Tất cả trong một
Thở ra, tôi thấy một trong tất cả  / Một trong tất cả

8.   
Thở vào, tôi thấy một là nền tảng cho tất cả  / Một nền tảng cho tất cả
Thở ra, tôi thấy tất cả là nền tảng cho một / Tất cả nền tảng cho một

9.   
Thở vào, tôi thấy tính bất sinh của mắt /Mắt bất sinh
Thở ra, tôi thấy tính bất diệt của mắt /  Mắt bất diệt

 

Bài tập này tiếp nối bài tập thứ mười chín, nhằm mục đích quán chiếu tính cách duyên sinh, tương tức và tương nhập của vạn vật.

Vạn vật vô thường, có sinh thì có diệt và sinh diệt trong từng sát na. Đó là cái thấy ta đạt được khi quán chiếu thâm sâu hơn, ta sẽ thấy vô thường cũng có nghĩa là duyên sinh: vạn vật sinh khởi, tồn tại và biến hoại trên căn bản duyên khởi. “Cái này có mặt vì cái kia có mặt, cái này không có mặt vì cái kia không có mặt, cái này sinh vì cái kia sinh, cái này diệt vì cái kia diệt”, đó là nguyên tắc duyên sinh diễn tả trong các kinh Trung A Hàm và Tạp A Hàm. Quán chiếu sâu sắc hơn nữa, ta thấy rằng vì tất cả đều duyên sinh nên không có gì có tự thể (cá thể) riêng biệt, vì vậy ta thấy vạn vật là không. Không có nghĩa là không có sự có mặt riêng biệt. Cái này chứa đựng cái kia, cái kia chứa đựng cái này. Đó là nguyên lý tương dung (hay tương nhập). Cái này là cái kia, cái kia là cái này. Đó là nguyên tắc tương tức (inter-being hay inter-être). Thời gian chứa đựng thời gian, thời gian chứa đựng không gian, không gian chứa đựng thời gian, không gian và thời gian không thể lìa nhau mà có. Một sát na chứa được thời gian vô cùng, một hạt bụi chứa đựng không gian vô biên, đó là nguyên lý một là tất cả, tất cả là một. Thấy được như thế thì những hiện tượng trước kia ta gọi là sinh, diệt, còn, mất sẽ trở nên huyễn tướng trước mắt ta, và ta đạt tới cái thấy về bất sinh và bất diệt. Tự tánh bất sinh bất diệt này có khi được gọi là pháp giới tánh, là chân như, là niết bàn, là viên thành thật; những ý niệm về sinh, diệt, một, nhiều, tới, đi, dơ, sạch, thêm, bớt,…không còn có thể được sử dụng để diễn tả nó. Chứng nghiệm được tự tính này (mà có khi gọi tắc là vô sinh), ta thoát ly được mọi sự sợ hãi, ràng buộc và sầu khổ. Đó là giải thoát.

Các bài tập mười chín và hai mươi cần được thực tập tinh chuyên và liên tiếp không những trong giờ thiền tọa mà cả trong đời sống hàng ngày.