Em hạnh phúc là chị vui

22.8.2013

Bạn thân mến,

Tôi sống ở Làng Mai đã được vài năm nhưng mới chỉ xuất gia hồi năm ngoái. Sau khi xuất gia hơn một năm, tôi được tăng thân cho phép về thăm gia đình và để dự đám cưới của em gái ở Toronto, Canada. Đó cũng là lần đầu tiên hầu hết mọi người trong gia đình gặp lại tôi trong chiếc áo người tu. Chuyến về thăm đó rất dễ thương và tôi muốn chia sẻ cùng bạn.

Ai cũng thấy hai chị em tôi có nụ cười và cung cách giống nhau nhưng trong mỗi chúng tôi cũng có rất nhiều điểm khác nhau. Khi còn nhỏ, hai chị em hay muốn thay đổi tính cách của người này theo ý mình. Nhưng rồi  mong muốn ấy  không có  tác dụng tí nào. Sau khi tôi vào đại học, cả hai chị em đều nhận ra rằng mình cần học cách làm bạn của nhau. Dần dần chúng tôi đã biết chấp nhận và trân quý nhau mà không bắt người kia phải thay đổi theo ý của mình nữa. Từ đó tình bạn đẹp đẽ giữa hai chị em tôi đã phát triển và càng ngày càng lớn mạnh. Tình bạn này đã nuôi dưỡng chúng tôi rất nhiều và giúp chúng tôi đi qua nhiều khó khăn thử thách. Tôi rất hạnh phúc vì có em gái đến dự lễ xuất gia của tôi tại Pháp hồi năm ngoái. Và bây giờ việc tôi có thể về dự đám cưới và yểm trợ em tôi là một việc rất có ý nghĩa đối với cả hai chị em.

Một trong những điểm khác nhau giữa hai chúng tôi là em gái tôi ăn mặn và dùng rượu. Đương nhiên là em tôi cũng sẽ đãi khách thức ăn mặn trong đám cưới của mình. Chuyện đó rất bình thường, hầu như ai cũng làm như vậy ở Canada. Còn tôi thì ăn chay từ hồi còn ở tuổi thiếu niên, và tôi cũng không uống một giọt rượu nào trong nhiều năm trước khi đi xuất gia, vì vậy gia đình tôi đã quen với việc tôi không ăn thịt và không uống rượu. Cho nên, tôi tin chắc rằng em gái mình sẽ không bao giờ làm một cái đám cưới không rượu không thịt và không có những thứ khác… chỉ vì tôi. Thường thường tôi không bao giờ ép em làm việc gì mà em tôi không muốn, chuyện đám cưới cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên vì tôi là một người xuất gia, tôi không muốn tham gia vào một buổi tiệc như thế. Chúng tôi đã trao đổi khá nhiều về việc này và cuối cùng đi đến thỏa thuận là tôi sẽ ngồi cùng bàn với hai người khách cũng ăn chay, và chúng tôi yêu cầu những người đó không dùng rượu. Sau khi ăn xong, tôi rời phòng tiếp tân, ra bên ngoài để gặp gỡ, thăm hỏi bạn bè và người thân. Tôi cảm thấy đây là một sự sắp xếp tương đối hợp tình hợp lý. Dù vậy, tôi không chắc là trong tương lai mình có muốn tham dự thêm một cái đám cưới nào nữa hay không.

Trong khi tiệc chiêu đãi chẳng dính líu tí gì tới Phật pháp thì phần nghi thức hôn lễ là lúc tôi có thể chia sẻ về sự thực tập mà mình đang hành trì. Tôi dùng lời giới thiệu của Thầy trong cuốn sách “Khu vườn của thương yêu” (Love’s Garden: A Guide to Mindful Relationships – Tác giả Peggy Rowe) để nói về sự thực tập tưới tẩm có chọn lọc (chỉ tưới những hạt giống  lành), chăm sóc khu vườn của chính mình trước khi chăm sóc khu vườn của người khác, về bốn tâm vô lượng (Từ, Bi, Hỷ, Xả) và sự không kỳ thị. Thật là đơn giản mà lại đẹp đẽ vô cùng. Tôi rất vui khi thấy mình có thể chia sẻ những điều này không chỉ cho em gái, em rể mà còn cho tất cả những ai có mặt trong lễ cưới. Thật hạnh phúc vì khi ấy tôi đã là một biểu hiện của Thầy.

 

Sư cô Trăng Hải Ấn trong lễ cưới của em gái

Làng Mai còn biểu hiện qua nhiều hình thái khác trong chuyến về thăm nhà lần này của tôi. Em gái tôi đã sắp xếp cho bữa ăn tối truyền thống trước ngày cưới (rehearsal dinner) và buổi ăn ngoài trời (picnic) cả gia đình cùng có mặt nhưng không có thịt và rượu mà chỉ có thức ăn chay. Tôi nghe nói có vài người bà con đã không ăn một chút gì trong những lần họp mặt ấy vì thức ăn “hơi lạ” cho họ. Nhưng ít nhất là họ đã tới tham dự và không phàn nàn gì hết. Vậy là hay rồi. Trong buổi ăn tối truyền thống trước ngày cưới, tôi có nghe nói: “Tưởng tượng xem, cả buổi tối không có chút rượu và thịt, vậy mà mình vẫn vui được!” Họ nói mà không biết có tôi ở đó. Chỉ là một nhận xét nho nhỏ thoáng qua thôi nhưng lại vô cùng ý nghĩa đối với tôi. Tôi thấy thật rõ ràng là dù tôi không cần nói gì hết người ta cũng có thể tiếp xúc được với một phần nào đó của tăng thân và văn hóa của người tu. Vậy là họ đã thưởng thức nó một cách vô tư. Nếu tôi cố gắng giải thích tại sao việc không uống rượu là vô cùng quan trọng đối với chúng ta ở Làng Mai thì có lẽ tôi đã không chia sẻ được như tôi đã chia sẻ trong lễ cưới, và người nêu nhận xét đó đã không có được một kinh nghiệm thực tế như vậy. Thầy đã nói rất nhiều lần là những người mới xuất gia cũng có thể chia sẻ giáo pháp được qua sự có mặt của mình, họ không cần đợi đến lúc trở thành giáo thọ. Kinh nghiệm của tôi đã chứng minh lời Thầy nói là đúng.

Một điều thú vị nữa là tôi không biết phải giới thiệu tôi với mọi người trong đám cưới như thế nào. Ở Làng Mai dĩ nhiên là tôi dùng pháp danh của mình bằng tiếng Việt – Chân Trăng Hải Ấn. Với những thiền sinh chỉ đến Làng một thời gian ngắn và không nói được tiếng Việt, tôi dùng “Sister Ocean” để giới thiệu tên mình. Bạn bè người thân trong gia đình thì vẫn quen gọi tôi là Melina. Thật lòng mà nói, tôi thích cả hai tên. Tên khai sinh đã được ba mẹ tôi đặt cho, và vì cả hai người đều đã qua đời, tên của tôi mang theo tình thương đặc biệt của ba mẹ dành cho tôi. Trong khi đó, tên xuất gia của tôi lại là một tứ thơ tuyệt đẹp mà thầy tôi đặt cho tôi. Nó đã đi vào trái tim tôi một cách sâu sắc dù tôi vẫn chưa hoàn toàn hiểu hết ý nghĩa của nó. Cái tên này đã mở cánh cửa để tôi bước vào một khung trời mầu nhiệm. Khi dịch ra tiếng Anh, tên tôi mang một ý nghĩa rất giản đơn nhưng lại vô cùng mạnh mẽ khơi dậy trong tôi một nguồn cảm hứng như đang đứng trước một đại dương mênh mông. Mỗi cái tên đều chứa đựng rất nhiều hạnh phúc và niềm vui.

Tôi biết một vài người trong gia đình và vài người bạn thân sẽ cố gắng để học cái tên mới của tôi, và nếu họ có quên mất cái tên mới này thì họ cũng không lấy gì làm lo lắng. Có lẽ phần đông cũng không buồn nhớ tới việc tôi có một cái tên mới. Một vài người chỉ biết tôi là Melina thôi, nếu tôi nói cho họ biết cái tên mới của mình thì chắc sẽ làm họ rối thêm lên. Do đó, sau khi suy nghĩ cặn kẽ, tôi tự giới thiệu mình trong lễ cưới là: “Tôi là Melina Bondy, chị của cô dâu, và tên xuất gia của tôi là Sư cô Hải Ấn.” Khi có ai hỏi là họ nên gọi tôi là gì, tôi nói “Hải Ấn” và bảo nếu họ không nhớ thì có thể gọi tôi là Melina cũng được.

Ép buộc mọi người phải dùng một cái tên ngoại quốc để gọi mình thì hơi cứng nhắc, còn nếu chỉ dùng tên khai sinh thì có vẻ như mình hơi coi nhẹ chuyện mình đã là một người xuất gia. Tôi cảm thấy đời sống của người tu đã đem đến cho tôi rất nhiều niềm vui nên tôi không thể không chia sẻ nó cho người khác được. Vì vậy, tôi cho họ biết cả hai tên để tùy họ chọn. Cuối cùng rất nhiều người đã gọi tôi là Sr. Ocean vì họ đã cố gắng học tên mới của tôi nhưng lại không tài nào nhớ nổi bằng tiếng Việt. Họ rất vui vì thấy có một cái tên bằng tiếng Anh dễ nhớ và dễ hiểu. Tôi rất cảm động khi thấy sự cố gắng đó của họ. Tôi biết gia đình của một số huynh đệ không bao giờ gọi họ bằng tên xuất gia, vì vậy tôi càng cảm thấy tri ân những người đã gọi tôi bằng tên xuất gia. Họ thấy hạnh phúc chỉ vì chúng tôi có cơ hội gặp mặt, còn tên của tôi là gì thì không quan trọng lắm.

Ngoài ra chuyến về thăm nhà làm tôi càng cảm thấy trân quý hơn cuộc sống của mình khi là một sư cô ở Làng Mai. Khi lái xe trong dòng xe cộ hối hả ngược xuôi ở Toronto, hơn lúc nào hết tôi thấy thật biết ơn việc mình đang được sống ở một miền quê thanh tịnh, không có nhiều xe cộ. Nhìn mọi người bận rộn trang điểm để đi dự lễ cưới, tôi thấy tri ân bộ áo nâu giản dị của người tu và một cái đầu cạo sạch. Khi mua sắm chút đồ gì đó ở siêu thị, tôi có cơ hội để thấy rằng trong thời hiện đại này người ta thật dễ bị sự tiêu thụ lôi cuốn. Tiêu thụ, tiêu thụ và tiêu thụ nhiều hơn. Tôi cảm thấy rất nhiều lần mình đã bị cuốn đi. Nhớ lại hồi xưa, những thứ cuốn mình đi có vẻ như rất tự nhiên: công việc, những sinh hoạt, quảng cáo, điện thoại di động … Rồi những thứ khác nữa, lúc nào cũng có sẵn và nhiều vô số kể. Trở lại Làng Mai, tôi vô cùng biết ơn sự thực tập giới luật. Vì sự thực tập giới luật giúp tôi có thể dễ dàng có một cuộc sống giản dị, đồng thời giúp tôi chế tác được niềm vui và sự bình an mỗi ngày .

Vào cuối chuyến thăm gia đình, một chuyện có lẽ là thú vị nhất đã xảy ra. Tôi đến gặp Eva Gold, một bà thầy trị bệnh bằng nhân điện mà cả gia đình tôi vẫn đến trị bệnh xưa nay. Eva hay sử dụng phương pháp “thử bắp thịt” bằng cách đặt câu hỏi rồi quán sát câu trả lời từ cơ thể của bệnh nhân. Bạn chìa một cánh tay ra, lắng nghe câu hỏi, rồi Eva sẽ dùng lực đẩy cánh tay của bạn, bạn phải dùng lực để cưỡng lại. Thông thường bạn sẽ bắt đầu bằng: “Tôi tên là…” với  tên thật của mình. Sau đó bạn sẽ được mời nói một cái tên khác, thí dụ như: “Tôi tên là Chuột Mickey.” Thường thường khi bạn nói tên thật, cánh tay bạn sẽ mạnh hơn khi nói tên giả vì cơ thể bạn “biết” sự thật sâu sắc hơn tri giác. Khi tôi đến đó, Eva cũng làm thí nghiệm này với tôi, và khi Eva hỏi tên, tôi không biết phải dùng tên nào để trả lời. Do vậy tôi đã sử dụng cả ba tên, và một tên giả. Điều tuyệt vời nhất là cánh tay tôi đã mạnh đồng đều với cả ba tên, và khi nói tên giả thì cánh tay lại yếu hơn. Đó là một sự khẳng định thật đẹp cho tôi. Tôi biết là tôi yêu thích tất cả những cái tên của mình nhưng lại không chắc cơ thể mình sẽ trả lời như thế nào. Cuối cùng thì tất cả đã được khẳng định cho tôi.

Tôi thấy sự kiện mang tính biểu tượng của đám cưới và của toàn bộ chuyến viếng thăm đã làm rõ hơn những gì tôi đã biết.. Tôi không cần phải xóa bỏ quá khứ để trở thành người hoàn toàn mới. Tôi vẫn là một người phụ nữ Canada với tất cả những kinh nghiệm và tên gọi mà tôi có, tôi đồng thời cũng là một sư cô trẻ với rất nhiều điều cần học hỏi. Tôi vẫn là tôi ngày xưa, nhưng tôi cũng rất khác với ngày xưa. Không có gì cần phải lo lắng, và cũng không có gì cần phải xóa đi. Tôi chỉ cần đem giáo pháp vào tim, lắng nghe thật sâu sắc để có mặt và uyển chuyển trong mọi tình huống, và tin vào trực giác của chính mình. Và còn nữa… tin vào sự thực tập … sự thực tập này có một cái tên …Chánh niệm!!!

Sư cô Chân Trăng Hải Ấn

Sư cô Chân Trăng Hải Ấn hiện đang sống và thực tập tại Chùa Cam Lộ, Xóm Hạ, Làng Mai Pháp Quốc. Sư cô thuộc gia đình xuất gia Cây Hoa Đỗ Quyên (Azelia)