Con muốn đi tu nhưng con đang phục vụ trong quân đội

Con xin được hỏi:

Con hiện đang sống ở Việt Nam và đây là lần đầu tiên con vào trang nhà. Con đang gặp những điều không suông sẻ trong cuộc sống. Trước đây con biết đến đạo Phật rất tình cờ, sau khi nghe truyện Đường Xưa Mây Trắng thì con mới hiểu được nhiều điều hơn. Hiện nay con đang có một số thắc mắc và nghi vấn, rất mong quý thầy quý sư cô có thể giải thích thêm để con được rõ hơn:

1. Con có quen với một anh bạn học trước con một khóa. Gia đình anh có truyền thống theo đạo Phật, anh được quy y từ năm lớp 3 với Thượng Tọa TTQ. Con thấy anh ấy tu khá tốt, nhưng mọi người đã nhận xét không tốt về anh như anh kiêu, tham vọng, không đối xử tốt với bạn nam mà chỉ tốt với bạn gái,… Con cảm thấy khó hiểu, bởi vì một người theo đạo Phật thì phải được mọi người quý mến chứ? Con có nên tiếp tục liên lạc với anh ấy không?

2. Con đang ở trong môi trường quân đội và không có không gian riêng để niệm Phật. Con mới được nghe truyện An Lạc Từng Bước Chân của Sư Ông, con đang cố gắng thực tập quán niệm hơi thở nhưng chưa thực tập được (vì con phải tốn rất nhiều thời gian cho việc học, chấp hành chế độ,…). Xin quý thầy hãy chỉ con một hướng đi, một con đường đi đến đạo Bụt?

3. Con nghĩ rằng đi tu sẽ tạo điều kiện tốt để con có thể thực tập giáo lý đạo Bụt, nhưng con phải phục vụ trong quân đội 20 năm. Vì vậy con không dám chắc rằng mình sẽ không lập gia đình để chờ đến ngày ra quân cũng như sức ép của gia đình (bởi vì khi muốn ra khỏi quân đội thì phải đền bù một khoản chi phí lớn). Con cảm thấy mệt mỏi với cuộc sống và con cảm thấy đi tu là con đường đến với giải thoát, nhưng con không chắc là con có thể tìm được một vị minh sư để nương theo?

Sư cô Sắc Nghiêm xin được chia sẻ cùng bạn:

Chào em!
Chị rất cảm ơn sự tin tưởng và cởi mở chia sẻ của em với các thầy, các sư cô. Biết tự nhận thấy và nói lên những khó khăn của mình không phải là chuyện dễ dàng có thể làm được. Bây giờ có nhiều người trẻ không ý thức được những gì đang xảy ra cho mình và cũng không có thao thức muốn tìm cho mình một đời sống hướng thượng. Vì vậy nhận được thư chia sẻ của em chị cảm thấy rất vui. Khi trong lòng mình cởi mở và nói ra được những khó khăn thì dường như khó khăn của mình đã được giảm đi rất nhiều phải không em? Mỗi người đứng trước tình trạng khó khăn của mình thường đã tự có cho mình câu trả lời và cách giải quyết nhưng điều quý hơn là biết tham khảo kinh nghiệm của những người xung quanh.

Cuộc sống của chúng ta là một chuỗi dài những liên hệ giữa người với người, ai cũng mong muốn mình có được những mối quan hệ tốt đẹp, những người bạn chân thành nâng đỡ nhau trong cuộc sống. Tuy nhiên điều này không dễ vì chúng ta bị chi phối rất nhiều bởi hoàn cảnh xung quanh. Như trong lời chia sẻ của em về người bạn mà em đang băn khoăn không biết có nên tiếp tục liên lạc hay không. Chị nghĩ rằng em đừng nên vội vàng mà phải cho mình thời gian để tự cảm nhận và tự thấy bằng sự tiếp xúc của chính mình. Trong thư em chia sẻ rằng em nghe những người bạn cùng khóa nhận xét về anh bạn này không tốt. Nhưng đó chỉ là nhận xét của những người xung quanh và mình không nên đồng hóa nó với suy nghĩ, cảm nhận của mình. Như một tờ giấy trắng, khi đã bị vẽ lên đó một đường gạch thì theo khuynh hướng chung khi nhìn vào chúng ta thấy đường gạch đó đầu tiên chứ ít khi nào nhìn thấy tờ giấy trắng tinh ban đầu. Em nên để thêm thời gian, chị tin rằng em sẽ có cảm nhận thực tế của chính mình, phần trăm chân thật, phần trăm những điều thiện lành, phần trăm những điều chưa tốt chỉ có thể do em tự tiếp xúc và biết mà thôi. Bởi vì hiểu về một người cần nhiều thời gian. Bên cạnh đó, trong một người luôn có đầy đủ những tính cách đẹp, đồng thời cũng có những tính cách chưa được đẹp nhưng là người thông minh thì mình phải biết chọn lọc cái gì đẹp, cái gì hay để học hỏi.

Khung cảnh thanh tịnh của chùa là môi trường rất tốt để mọi người đến để tâm tư mình được yên lắng. Tuy vậy ai cũng có khả năng thiết lập được khung cảnh yên lắng đó trong lòng của mình để trở về những khi mệt mỏi, cần được nghỉ ngơi. Em đã có may mắn được tiếp xúc với phương pháp tu của đạo Bụt qua sách Đường Xưa Mây Trắng, An Lạc Từng Bước Chân của Sư Ông. Vấn đề là tưới tẩm thêm và áp dụng những lời dạy, những lời hướng dẫn đó vào sự sinh hoạt hằng ngày. Điều này cũng không quá khó để làm, chỉ cần em có niềm tin và để cho mong muốn của mình qua mức 50% là được. Sư Ông Làng Mai có nhiều phương pháp thực tập thiết thực với đời sống của xã hội ngày nay, cho nên em có thể thực tập mọi lúc mọi nơi mà không phải cần mỗi ngày để ra một khoảng thời gian quá dài rồi không có thời gian làm những việc khác. Ví dụ mỗi ngày khi thức dậy em có thể hít vào một hơi thở thật sâu để ý thức một ngày mới đang đến và thực tập thở theo bài thơ (các thầy, các sư cô gọi đây là bài thi kệ):

“Thức dậy mỉm miệng cười
Hăm bốn giờ tinh khôi
Xin nguyện sống trọn vẹn
Mắt thương nhìn cuộc đời”

Thở vào đọc thầm câu: thức dậy mỉm miệng cười và em mỉm miệng cười chào một ngày mới, mỉm cười để khuôn mặt mình được thư giãn, rạng rỡ. Thở ra đọc thầm câu: hăm bốn giờ tinh khôi với ý thức là ngày hôm nay em có hai mươi bốn giờ để sống, để làm những gì mình có thể làm được, để sống sao cho có ý nghĩa. Mình sẽ sống hết lòng cho ngày hôm nay, không để thời gian trôi qua lãng phí và sẽ tập nhìn mọi người xung quanh bằng con mắt thương yêu, hiểu biết, không nghi kỵ, không giận hờn, trách móc,…Những gì của ngày hôm qua đã qua rồi, những lo lắng, những lầm lỗi,… cũng đã qua và ngày hôm nay là một ngày mới hoàn toàn chúng ta có thể làm tốt hơn, đẹp hơn. Sư Ông đã dịch ra nhiều bài thi kệ như vậy để thực tập trong lúc đánh răng, lái xe, cắm hoa,… và em có thể học hỏi, tham khảo thêm quyển sách “Từng Bước Nở Hoa Sen”.

Ở chùa các thầy, các sư cô thực tập phương pháp “hiện pháp lạc trú”, nghĩa là hạnh phúc với những gì xảy ra trong hiện tại. Thở vào một hơi thở, mình biết mình đang thở vào một hơi thở, và mình hạnh phúc vì mình có thể thở một cách thông suốt, nhẹ nhàng. Bước chân đi mình biết là mình đang bước chân đi, ý thức là mình đang đi không như bị ma đuổi, và mình hạnh phúc với ý thức đó . Ăn cơm thì mình biết là mình đang ăn cơm, làm việc thì biết là đang làm việc,… tất cả đều đem đến cho mình hạnh phúc. Những sinh hoạt hàng ngày này chúng ta đều có cơ hội để làm. Chúng ta luôn có khuynh hướng chạy về phía trước, làm thì luôn muốn cho mau xong để tiếp tục làm một việc khác, liên tục như vậy thì chúng ta sẽ dễ mệt mỏi mà công việc thì có bao giờ xong. Vậy thì tại sao chúng ta không dừng lại, lấy cơ hội đó để thực tập hơi thở và thực tập lòng biết ơn để trân quý, thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống. Sư Ông dạy khi nào chúng ta còn có lòng biết ơn thì khi đó chúng ta còn có hạnh phúc. Một khía cạnh khác nữa của sự thực tập là trong khi chúng ta làm mọi việc với sự ý thức và có mặt cho công việc đó thì chúng ta sẽ thấy rằng tất cả mọi công việc từ nhỏ nhất như đánh răng, súc miệng,… cho đến lớn hơn như học hành, thi cử,… đều có giá trị của nó. Và khi chúng ta có mặt thì sự tập trung sẽ cao hơn, mang lại nhiều hứng khởi và thành quả cũng theo đó mà lớn hơn. Em hãy thử thực tập như vậy, chị tin rằng em sẽ khám phá ra nhiều điều thú vị và nâng mức độ vui sống của mình lên cao hơn.

Hơi thở là người bạn đồng hành thân tín nhất của mình, em hãy cho mình cơ hội làm quen với hơi thở, từ từ làm cho hơi thở điều hòa và yên lắng thì tâm hồn em cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Chị nhớ hoài cảm giác những ngày mới thực tập khi còn là sinh viên với những căng thẳng của thi cử, công việc, học hành. Chị lái xe và trở về với hơi thở của mình, đọc thầm và thở theo câu “thở vào tâm tĩnh lặng – thở ra miệng mỉm cười.” Bấy nhiêu thôi mà lúc đó cảm thấy mình nhẹ nhàng và buông bỏ đi rất nhiều những ưu tư.
Mỗi người tự có cho mình những kinh nghiệm và cảm nhận riêng khi thực hành những phương pháp này. Ở đây chị không thể chia sẻ hết được nên chỉ đưa ra vài đề nghị và em có thể tham khảo thêm bằng cách đọc sách (Từng Bước Nở Hoa Sen, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Trái Tim Của Bụt,…) hoặc nghe băng giảng của Sư Ông.

Em là người có may mắn vì biết trở về với đời sống tâm linh, có mong muốn học hỏi và tu tập theo phương pháp Bụt dạy. Trong em có ý muốn đi tu và đang băn khoăn về hướng đi cho cuộc đời mình. Những mong muốn này rất chính đáng. Chị không trả lời cho em là nên đi tu hay không nên đi tu bởi vì cuộc sống xuất gia không dễ. Nếu có điều kiện em có thể xin nghỉ phép để đến môi trường tu tập theo phương pháp của Sư Ông Làng Mai tại tổ đình Từ Hiếu – Ni xá Diệu Trạm (Thôn Thượng 2 – xã Thủy Xuân – Huế) để tự mình tìm hiểu và cảm nhận, tập sống cuộc đời của một người tu. Sau đó xem lại phần trăm ước muốn đi tu của mình có tăng thêm phần nào hay không, những lo lắng, buồn phiền có được chuyển hóa hay không? Khi đó em sẽ tự có cho em câu trả lời. Trong trường hợp em không thể rời khỏi đơn vị được thì em có thể tự học hỏi và tìm hiểu qua băng giảng, sách, hay lên trang nhà Làng Mai để biết thêm về sinh hoạt tu học của các thầy, các sư cô. Nếu trong khi đọc sách, nghe băng giảng và thực hiện theo những phương pháp, những lời hướng dẫn đó một cách hết lòng, thấy tâm tư mình được mở ra và con đường phía trước rộng hơn thì chắc rằng em sẽ có đủ quyết tâm để chọn cho mình một con đường. Cái chính yếu là ước muốn và sự quyết tâm của mình, ước muốn của mình lớn thì mình có khả năng buông bỏ và sẽ biết cách để đi theo con đường mình chọn.

Tuy nhiên mọi việc không thể giải quyết ngay được, rất cần sự kiên trì và bền bỉ, nhưng đã có hướng rồi thì em cứ vững lòng bước tới, từng bước làm cho cuộc sống của mình nhẹ nhàng, lạc quan, không có nhiều căng thẳng. Và dù sống ở đâu thì chị cũng mong em hãy bắt đầu áp dụng những gì đã được hướng dẫn vào đời sống của mình. Cuộc đời cho mình nhiều cơ hội, mong em biết trân quý những cơ hội của mình và đừng bỏ qua rất uổng.

Thương quý và tin cậy