Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Tưới tẩm hạt giống thủy chung

Trích vấn đáp ngày 14.6.2014 tại xóm Hạ, Làng Mai, trong khóa tu 21 ngày (được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Câu hỏi: Thưa thầy, con có một cô bạn, cô có một anh chồng bị chứng bệnh hưng-trầm cảm (manic depressive), một loại vui buồn thất thường. Anh ta đã phản bội cô nhiều lần. Anh ta không chỉ ngoại tình với những người đàn bà khác mà còn làm cho người ta mang thai và cuối cùng phải phá thai. Bây giờ anh ta sống trong sự tuyệt vọng và từ chối mọi sự trị liệu. Anh ta không biết phải làm thế nào. Cô bạn của con cũng không biết phải làm thế nào: chấm dứt sự liên hệ này rồi trở lại giúp anh chồng với tư cách của một người bạn, hoặc giữ sự liên hệ và chấp nhận chồng mình như vậy với hy vọng rằng mọi sự đều vô thường và một ngày nào đó thì sự việc cũng sẽ kết thúc. Con không biết phải nói gì với bạn, phải chăng có hôn nhân là có sự phản bội cũng như có bên trái là có bên phải?

Thầy trả lời:

Có sự phản bội là có sự thủy chung. Chúng ta chưa biết cách tưới tẩm sự chung thủy nơi người kia. Trong mỗi người chúng ta đều có hạt giống của sự phản bội và hạt giống của sự chung thủy. Phản bội và chung thủy là một cặp, vấn đề là biết tưới tẩm. Nếu có chánh niệm, có tình thương thì mình tưới tẩm hạt giống của sự chung thủy nơi người kia, hạt giống đó sẽ lớn mạnh lên và hạt giống phản bội sẽ không có cơ hội biểu hiện ra. Vì vậy cho nên nếu tình trạng này xảy ra thì mình cũng có phần nào trách nhiệm. Mình không thể đổ hết trách nhiệm cho người kia. Đó là điều mình phải thấy trước tiên.

Nếu mình biết thực tập, mình tươi mát và có tình thương thì mình có cơ hội khuyên bảo người kia làm theo mình, tại vì lối sống của mình là sự giảng dạy. Cách mình nói, cách mình nhìn, cách mình hành động chứa đầy sự thương yêu và mình rất tươi vui. Mọi người đều thích tới ngồi gần một người tươi vui như vậy, cũng như là thích tới ngồi gần cây linden. Chúng ta đều thích tới ngồi gần cây linden tại vì cây linden có một thứ năng lượng của sự bình an và sự thư giãn.

Nếu mình biết thực tập, nếu mình tươi mát, kiên nhẫn và có tình thương thì mình có thể giúp cho người kia chuyển hóa. Người kia đại diện cho thế giới, giúp được người kia là mình giúp được thế giới. Nếu không có đủ vững chãi, sự tươi mát và thương yêu thì mình cần có một tăng thân để giúp mình trong sự thực tập.

Mình có một nguồn năng lượng. Có thể lúc ban đầu mình có đủ sự tươi mát, sự vững chãi và tình thương nhưng vì không biết cách giữ gìn và nuôi dưỡng chúng nên khi tình trạng trở nên quá khó khăn thì năng lượng của mình bị hao mòn và mình không thể tiếp tục giúp được cho người kia. Vì vậy một người thực tập giỏi cần có một tăng thân đứng sau lưng. Mình có thể sử dụng nguồn năng lượng rất lớn của chánh niệm, của tình thượng và của sự tha thứ đó để tiếp tục giúp cho thế giới, nhất là giúp cho người kia. Nhìn cho kỹ thì mình thấy người kia rất đau khổ mà không biết làm thế nào để thoát ra. Còn mình thì biết cách và mình có thể chỉ dẫn cho người kia.

Sở dĩ người kia không làm theo sự chỉ dẫn của mình tại vì lời nói của mình chưa đủ khôn khéo, chưa đủ từ bi và tươi mát. Mình phải là một vị bồ tát đầy từ bi và tươi mát. Mình phải thực tập chánh niệm để có thể trở thành một vị bồ tát tươi mát như Đất Mẹ. Đất Mẹ luôn luôn tha thứ và kiên nhẫn. Mỗi khi trở về với Đất Mẹ thì mình được nuôi dưỡng và trị liệu. Là con của Đất Mẹ, mình phải học được phương pháp làm thể nào để có sự tươi mát, sự tha thứ và có tình thương. Và mình đừng để mất đi hy vọng, nhất là khi mình có một tăng thân, một đoàn thể tu học, đứng sau lưng yểm trợ. Mình có thể sử dụng được rất nhiều năng lượng từ đoàn thể đó. Cứ tiếp tục tu tập để nuôi dưỡng sự tươi mát và lòng từ bi thì mình sẽ bớt khổ, tại vì khi có từ bi trong tâm thì mình sẽ khổ rất ít. Lòng từ bi có công năng trị liệu, mình khổ ít hơn và có đủ sức mạnh để giúp được cho người kia. Giúp cho người kia cũng là giúp cho chính mình. Bụt dạy rất rõ: Nếu không thương được chính bản thân thì mình cũng không thể giúp cho người khác bớt khổ.

Vì vậy cho nên câu trả lời rất là rõ: Hãy chăm sóc cho bản thân, nuôi dưỡng lòng từ bi, sự tha thứ, sự tươi mát trong mình và quay về nương tựa tăng thân để được nuôi dưỡng thì mình sẽ giúp được cho người kia và cho thế giới.