Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Tiêu thụ có chánh niệm

Trích phần vấn đáp trong pháp thoại ngày 29 tháng 7 năm 2014, tại Xóm Trung trong khóa tu mùa hè.

Câu hỏi: Khi con dạy con trai của con sống giản dị, không nên mua sắm, tiêu xài hoang phí thì con trai của con nói rằng nếu ai cũng sống giản dị như Bụt thì xã hội làm sao phát triển được. Phải có tiêu xài mua bán thì nhà máy sản xuất mới phát triển chứ? Con không biết phải trả lời con trai như thế nào, kính xin Thầy giúp con.

Thầy trả lời:

Mình phải thấy được nguyên do sâu xa của lý luận này. Mục đích của con người là có hạnh phúc, nhưng có nhiều người nghĩ rằng mình không thể hạnh phúc nếu không có nhiều tiền để mua sắm. Khi nhìn xung quanh mình thấy nhiều người rất giàu, rất nhiều tiền, muốn mua gì cũng được, muốn sắm gì cũng được nhưng điều đó không có nghĩa là người đó có hạnh phúc. Có những người rất giàu nhưng rất cô đơn, không có bạn, không có ai hiểu mình và có cảm tưởng rằng người ta tới với mình không phải vì tình bạn mà vì mình giàu. Do đó người đó có ít bạn, rất cô đơn.

Tôi đã từng gặp những ông tỷ phú như vậy. Họ rất giàu, họ có nhiều quyền thế nhưng họ không có tình thương, họ rất cô đơn. Vì vậy nếu kết luận rằng có nhiều tiền để mua sắm thì có hạnh phúc là không đúng. Có nhiều người rất giàu, nhiều quyền lực, nhiều danh vọng nhưng họ có rất nhiều khổ đau. Đã rất nhiều người đi tự tử. Quý vị phải giúp cho con trai hay con gái mình biết được điều đó.

Hạnh phúc chỉ có được khi nào mình được hiểu, được thương, cũng như khi mình có khả năng hiểu và thương người khác. Khi mình hiểu được mình, thương được mình; mình hiểu được người khác, thương được người khác thì dầu mình sống đơn giản, ít tiêu xài như các thầy các sư cô ở Làng Mai cũng vẫn có hạnh phúc rất nhiều. Các thầy, các sư cô ở Làng Mai không ai có tài khoản riêng, có nhà riêng, có xe riêng, không mua sắm nhiều nhưng tại sao ai cũng cứ cười hoài. Vậy nên nếp sống đơn giản không phải là nếp sống không có hạnh phúc.

Nếu mình muốn có nhiều tiền để mua sắm thì mình phải làm việc rất nhiều, mình không có thì giờ để chăm sóc, thương yêu chính mình và chăm sóc cho người khác. Vì vậy mình không có hạnh phúc. Nếu ai cũng sống giản dị như Bụt thì hạnh phúc lắm, vì mình có nhiều thì giờ để thương yêu. Cuộc đời của Bụt là cuộc đời của sự thương yêu. Cho nên mình gọi Bụt là Đức Từ Bi. Đức Từ Bi nói nôm na là người biết thương, người có khả năng thương và thương được rất nhiều người. Sở dĩ thương được nhiều người là nhờ mình có tu tập. Nếu không có tu tập thì thương một người cũng khó chứ đừng nói nhiều người. Cứ lên, xuống, hệ luỵ rất nhiều. Cho nên phải học thương. Phải nói cho con trai biết là hạnh phúc không nằm ở chỗ tiêu thụ. Hạnh phúc nằm ở chỗ ta có thì giờ để chăm sóc cho chính mình, cả về thân và tâm, cũng như có thì giờ để chăm sóc và thương yêu những người khác.

Hiểu và thương là hai yếu tố căn bản của hạnh phúc. Nếu không có hiểu thì không có thương. Người  thực sự thương mình là người có khả năng hiểu mình và mình có thể nhận diện người đó dễ dàng. Người đó có khả năng lắng nghe mình. Mình nói điều gì người đó cũng lắng nghe và hiểu được. Còn mình nói điều gì cũng cắt lời mình và chỉ muốn nói cho mình nghe thôi thì mình biết người này không có khả năng lắng nghe, không có khả năng hiểu mình và người đó có thể làm cho mình khổ suốt đời.

Bên Cali có một anh chàng rất thông mình và đẹp trai, tốt nghiệp một trường đại học nổi tiếng, có công ăn việc làm rất tốt và có rất nhiều bạn gái. Anh sống với mẹ. Bà mẹ nhận thấy con trai mình đặc biệt chú ý tới một  trong những cô bạn mà theo bà thì cô này không phải là đẹp nhất. Một bữa, hai mẹ con ngồi nói chuyện, bà nói rằng: Má thấy con chú ý tới cô đó nhưng đó đâu phải là người đẹp nhất. Có rất nhiều người đẹp hơn mà sao con không thương, con lại thương cô ấy. Anh rất ngạc nhiên khi thấy mẹ mình cũng quán sát và biết được điều đó. Ban đầu anh không tìm được câu trả lời nhưng cuối cùng anh cũng tìm ra. Anh nói : Má ơi, tại vì cô ấy hiểu con, cô ấy biết lắng nghe con, cô ấy hiểu được những khổ đau và ước vọng của con. Vậy nên con biết rằng con cần một người như vậy, cần một người hiểu và thương con. Câu chuyện rất đơn sơ nhưng rất rõ là muốn thương thì phải hiểu.

Trong cuộc đời mình, phải có nhiều may mắn lắm mình mới gặp một người có thể hiểu mình. Nếu mình muốn thương một người thì mình cũng phải có khả năng hiểu được người đó, mình phải có khả năng thấy được những khó khăn, những bức xúc, những khổ đau của người đó. Mình phải có khả năng nghe, nhìn và thấy được. Khi mình hiểu được rồi thì mình sẽ thương. Hai chữ hiểu thương khác nhau nhưng kỳ thực nó là một. Khi không hiểu nhau thì đừng nói là thương. Có khi người cha không hiểu được đứa con của mình. Dù đứa con của mình mới chỉ 14, 15 tuổi nhưng nó đã có những khó khăn, khổ đau của nó rồi. Nếu mình áp đặt ý của mình lên đứa con và bắt nó làm, bắt nó nói, bắt nó hành xử theo kiểu mà mình cho là đúng thì có thể mình làm khổ nó thêm.

Nếu mình muốn làm một người cha thật sự thì mình phải có thì giờ để lắng nghe con. Phải biết được những khó khăn, khổ đau của nó trong trường học, trong gia đình, trong giới bạn bè. Phải ngồi nói chuyện với nó. Nếu không hiểu con thì mình không thương con được. Cha nào cũng muốn thương con nhưng có thể mình càng thương thì mình càng làm khổ cho nó, tại vì mình không hiểu. Hiểu là chất liệu làm ra thương. Vậy nên cha phải ngồi nói chuyện với con để hiểu con. Con cũng vậy. Con cũng muốn thương cha lắm nhưng thương không được tại vì không hiểu được niềm đau nỗi khổ của cha. Cho nên hai cha con phải ngồi với nhau, phải có thì giờ cho nhau. Con phải hỏi cha về những khó khăn, khổ đau, bức xúc của cha. Vì cha có những khổ đau của cha nhưng tại vì con không biết cho nên cứ trách móc cha. Khi hiểu được những khó khăn, bức xúc của cha thì tự nhiên con không còn trách cha nữa và hai cha con mới có sự truyền thông. Có sự truyền thông thì mới có sự hòa giải. Vậy nên chất liệu của hiểu đã làm ra thương.

Theo phương pháp của đạo Bụt thì mình phải hiểu mình. Lắng nghe mình trước rồi sau đó mình lắng nghe để hiểu được người kia. Cái hiểu càng lớn thì cái thương càng lớn. Trong liên hệ bạn bè hay liên hệ vợ chồng, cá nhân mình có thể tìm cách hiểu được người kia và mình có thể nhờ người kia giúp cho mình. Ví dụ như mình nói: anh ơi, anh có nghĩ rằng em đã hiểu được anh chưa ? Em có cảm tưởng là em đã hiểu được anh nhưng chưa chắc em đã hiểu được. Vậy anh hãy giúp em hiểu anh hơn . Anh hãy nói thêm về những khó khăn, những khổ đau, những bức xúc của anh để cho em có thể hiểu được anh hơn. Mình đừng nghĩ rằng mình hiểu người kia quá rồi. Thực ra hai mẹ con có thể không hiểu nhau vì hai mẹ con chưa có thì giờ ngồi để tâm tình với nhau.

Hôm qua Thầy có nói chuyện với các em nhỏ. Thầy nói rằng mình thường có cảm tưởng là mình hiểu mẹ mình là ai rồi nhưng thực tình mình không biết gì về mẹ hết. Phải ngồi lại và hỏi mẹ: Mẹ ơi, hồi còn bé mẹ sống ra sao, mẹ có những khổ đau nào, những nỗi niềm nào? Mẹ có thể ngồi nói chuyện với con, con nói chuyện với mẹ. Cái đó rất đẹp, nó giúp cho hai bên hiểu nhau và thương nhau. Điều này đúng với mối liên hệ cha con, bạn bè hay hai người yêu nhau. Chúng ta phải có thì giờ để nhìn nhau, để thấy được những khổ đau của nhau và lắng nghe nhau. Có hiểu thì mới có thương.