Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Sự thực tập khó khăn nhất

Trích vấn đáp ngày 28.9.2013 trong khóa tu “Chuyển hóa và trị liệu – nghệ thuật khổ đau” tại tu viện Bích Nham, Mỹ (được chuyển ngữ từ tiếng Anh)

Câu hỏi: Theo Thầy thì sự thực tập nào là sự thực tập khó khăn nhất?

Thầy trả lời:

Theo tôi thì thì sự thực tập khó khăn nhất là không để bị tràn lấp bởi tuyệt vọng. Chìm đắm trong tuyệt vọng là điều tệ hại nhất có thể xảy ra cho chúng ta.

Tôi nhớ hồi đó trong chiến tranh, chúng tôi không thấy chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm cả, như là cuộc chiến cứ kéo dài và kéo dài mãi vậy. Những người trẻ đến gặp tôi hỏi:

  • Thưa thầy, thầy có nghĩ là chiến tranh sẽ sớm chấm dứt hay không?

Thật khó mà trả lời câu hỏi này tại vì mình không thấy chút ánh sáng nào ở cuối đường hầm, nhưng nếu trả lời rằng “tôi không biết“ thì mình sẽ tưới tẩm hạt giống tuyệt vọng trong lòng những người trẻ. Tôi đã thở vào, thở ra một lúc rồi nói:

  • Này các bạn, Bụt đã dạy là tất cả đều vô thường. Chiến tranh cũng vô thường và nó cũng sẽ chấm dứt một ngày nào đó thôi. Chúng ta cứ tiếp tục làm việc cho hòa bình.

Hồi đó chúng tôi, các thầy, các sư cô và các Phật tử cư sĩ cùng nhau thành lập Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, một tổ chức giống như “Đoàn thanh niên phụng sự Hòa Bình“ (Peace Corps) của J. F. Kennedy vậy. Chúng tôi đi vào những vùng chiến để giúp cho đồng bào bị thương. Chúng tôi lập những trại tị nạn để giúp cho người dân trở về đời sống bình thường và xây dựng lại những ngôi làng đã bị dội bom. Có một ngôi làng tên Trà Lộc, nằm không xa vùng quân sự giữa miền Bắc và miền Nam. Trà Lộc bị dội bom và bị phá hủy hoàn toàn. Chúng tôi gồm các thầy, các sư cô và các vị cư sĩ đã giúp xây dựng lại, nhưng ngôi làng lại bị dội bom và bị phá hủy lần nữa. Các tác viên xã hội hỏi tôi là mình có nên xây dựng lại hay không. Tôi nói:“Xây dựng lại“. Chúng tôi xây dựng lại, rồi làng lại bị dội bom, rồi xây dựng lại… bốn lần như vậy.

Nếu bỏ cuộc thì mình sẽ bị tuyệt vọng nên chúng tôi cứ tiếp tục xây dựng lại và xây dựng lại… Vì vậy điều khó khăn nhất là đừng để mất đi hy vọng, là đừng để bị đắm chìm trong tuyệt vọng. Và chúng tôi đã đi qua hai cuộc chiến như thế. Chúng tôi đã chứng kiến những người lính bạn đến để tiêu diệt và để bị tiêu diệt, những người lính Mỹ trẻ đến để giết người và để bị người giết. Chúng tôi biết có đến 50 ngàn người lính Mỹ đã chết ở Việt Nam và hàng trăm ngàn người bị thương, trong đó còn rất nhiều người vẫn còn đang được trị liệu về tâm lý.

Trong những trường hợp có quá nhiều khổ đau như thế, nếu không có sự thực tập thì mình sẽ không sống sót được. Chúng tôi thực tập như thế nào để duy trì được niềm hy vọng và lòng từ bi. Và khi các nhà báo đến đặt những câu hỏi như là “Quí vị nghĩ như thế nào về những người lính Mỹ trẻ đến việt Nam để giết người và để bị người giết?“ thì chúng tôi trả lời:

  • Họ cũng là những nạn nhân. Chúng tôi không thù ghét họ. Họ là nạn nhân của một chính sách không được thông minh cho lắm, một chính sách dựa trên sự sợ hãi, sợ rằng cộng sản sẽ nắm trọn vùng Đông Nam Á. Họ là những nạn nhân, họ phải đến Việt Nam để giết người và để bị người giết. Chúng tôi thông cảm cho họ.

Vào năm 1956 tôi được mời sang Hoa Kỳ và có cơ hội được nói chuyện với dân Mỹ về chiến tranh Việt nam. Lúc đó có nhiều người trẻ giận dữ đứng lên nói:

  • Thầy không nên tới đây. Thầy nên về Việt Mam mà chiến đấu với đế quốc Mỹ. Thầy phải tiêu diệt những người lính Mỹ ở đó.

Câu trả lời của tôi là:

  • Theo tôi thì nguồn gốc của chiến tranh là ở đây mà không phải là ở Việt Nam. Những người lính trẻ đến Việt Nam chỉ là những nạn nhân. Vì vậy chúng tôi phải đến để nói cho dân Mỹ biết rằng chiến tranh không giúp ích gì cho dân tộc Việt Nam cả.

Nếu không có sự hiểu biết và thương yêu thì mình có thể tự đánh mất mình trong sự giận dữ và thù hận. Mình sẽ không nói được những lời như thế để giúp cho người Mỹ hiểu được và thay đổi chính sách. Ở Hoa Kỳ lúc đó có phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam. Người ta đòi hòa bình, và nếu không được thỏa mãn thì họ sẽ trở nên rất giận dữ. Có rất nhiều sự giận dữ trong các phong trào hòa bình. Trong chuyến đi vận động kêu gọi hòa bình ở khắp nước Mỹ tôi đã nói với họ như thế này:

  • Nếu có quá nhiều giận dữ trong lòng thì quí vị sẽ không thực hiện được hòa bình. Quí vị phải là hòa bình trước khi quí vị làm được hòa bình. Sự hiểu biết rất là quan trọng. Quí vị phải biết làm thế nào để viết một lá thư thật dễ thương cho ông Tổng thống hay cho Quốc hội nói là quí vị không muốn chiến tranh. Và nếu quí vị viết một lá thư chứa đầy sự giận dữ thì họ sẽ không thèm đọc thư của quí vị.

Tôi đã có thể nói như vậy và đã đóng góp một phần nào trong việc chấm dứt chiến tranh. Sự hiểu biết về khổ đau làm phát sinh ra tình thương trong chúng ta. Chúng ta sẽ thoát ra khỏi sự tuyệt vọng, sự giận dữ và có thể đóng góp vào công việc kêu gọi hòa bình.