Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Nghệ thuật thả bò

Trích từ tác phẩm “Hơi thở nuôi dưỡng và trị liệu” – Thầy Làng Mai.

Hỏi: Thưa thầy, có rất nhiều câu hỏi về vấn đề thả bò – những đối tượng của tham đắm và ràng buộc, những ý niệm về hạnh phúc mà mình đang theo đuổi. Có một câu hỏi như thế này: Có phải cái tâm kỳ thị, phân biệt và khuynh hướng muốn phán xét người khác là những con bò cần được buông bỏ không?

Thầy: Khi tôi sử dụng danh từ ”bò,” cái nghĩa căn bản đầu tiên là những ý niệm ta nghĩ là thiết thực cho hạnh phúc của ta. Nó là những gì mà ta chưa bao giờ đặt lại vấn đề như địa vị, sự giàu sang và quyền hành của ta trong xã hội, cơ sở kinh doanh, bằng cấp hay một ý thức hệ v.v… Khi ta đã đạt được những thứ đó rồi, ta lại cảm thấy không thỏa mãn, không hạnh phúc với chúng và ta tiếp tục đau khổ. Đây là lời mời chúng ta nhìn lại bản chất của những con bò của ta để xem chúng có thật sự cần thiết cho niềm an lạc và hạnh phúc của ta không. Nếu ta thấy chúng chỉ là những con bò tạo thêm nhiều sầu khổ, sợ hãi, bất an và ràng buộc, thì ta sẽ có khả năng buông bỏ chúng một cách dễ dàng. Vì vậy tôi xin mời quý vị thực tập nhìn sâu vào bản chất của những con bò – tức là đối tượng hạnh phúc của mình và gọi đúng tên của nó.

Hôm kia tôi có chia sẻ về một người bạn ở Đức về khả năng thả bò của ông ta. Trong số những con bò của ông, có những con bò có tính chất rất lý tưởng, phục vụ nếp sống tâm linh. Ông ta là chủ tịch của nhiều hội Phật Giáo ở Đức. Ông phải tham gia nhiều cuộc họp và làm rất nhiều việc. Việc Phật sự của ông chiếm rất nhiều thì giờ, năng lực và vì vậy nó đã tạo ra nhiều căng thẳng cho ông. Ông không có khả năng dừng lại để thưởng thức từng hơi thở vào, hơi thở ra, không có khả năng đi từng bước thảnh thơi hoặc ngồi yên như một người tự do. Ông rất thành công về mọi mặt – việc đời cũng như việc đạo, thế mà ông không cảm thấy hạnh phúc với đời sống của ông. Vì vậy muốn được an lạc, hạnh phúc và tự do, ông phải thực tập thả bò – tức là buông bỏ bớt một vài con bò của ông. Càng thả nhiều bò, ta càng có nhiều không gian để sống, để thảnh thơi và hạnh phúc. Đó là ý nghĩa của sự thực tập thả bò. Con bò lớn nhất cản trở hạnh phúc và tự do của ta là ý niệm của ta về hạnh phúc.

Có lẽ quý vị đã có công ăn việc làm rồi, nhưng có thể quý vị vẫn nghĩ rằng như thế vẫn chưa đủ và muốn có thêm một công việc thứ hai để kiếm thêm lợi nhuận. Quý vị làm đầu tắt mặt tối, làm thêm giờ, nghĩ rằng mình cần tạo cơ hội để dành dụm thêm tiền hoặc muốn có thêm tiếng vang trong xã hội, cộng đồng. Hết tháng này sang năm nọ, quý vị bị cuốn hút vào trong dòng suy tư như thế. Nhưng một hôm nào đó, quý vị chợt nhận thấy rằng mình chưa bao giờ có được một giây phút hạnh phúc, an lạc thật sự trong cuộc sống, mặc dầu mình đã đạt được địa vị cao trong xã hội, làm ra được nhiều tiền, được nhiều người quý trọng…; và quý vị muốn có hạnh phúc thật sự. Quý vị không muốn bỏ phí thì giờ và năng lực một cách vô ích của mình trong sự lo lắng, giận hờn, chạy theo bóng dáng của hạnh phúc theo hướng ngũ dục và do đó quý vị quyết tâm thả bò. Chúng ta nên thực tập nhìn sâu, nhìn lại và nhận diện cho được bản chất của những con bò để xem chúng có phải là nguồn hạnh phúc đích thực của mình hay không và khi thấy được bản chất của chúng rồi thì ta có thể buông bỏ bớt. Con bò nguy hiểm nhất của ta có thể là một ý thức hệ hoặc một ý niệm mà ta đã trả một cái giá rất đắt để thành đạt. Nghĩ rằng ta sẽ là một người đặc biệt, sẽ được nổi tiếng, sẽ được mọi người kính nể nếu ta đeo đuổi và thực hiện được cái ý thức hệ hoặc ý niệm đó của ta. Nhưng nếu cái đó không thật sự đem lại chân hạnh phúc cho ta, nó làm cho ta ngày đêm ăn không ngon, ngủ không yên, thì nó chính là con bò ta cần phải buông bỏ. Ta có thể chết chỉ vì một ý niệm về hạnh phúc của ta.

Kỳ trước tôi có kể câu chuyện về một ông thầy tu bận rộn trong việc xây chùa. Quý vị có thể nói: ”Thầy tu xây chùa, đúc tượng là việc đáng làm. Đó là Phật sự. Đâu có gì sai trái?” Nhưng trong trường hợp của thầy này, thì trong quá trình xây chùa, thầy đã lo lắng quá nhiều đến nỗi thầy không có thì giờ để thở, để thực tập thiền đi, để uống một ly trà cho thoải mái hoặc để tiếp xúc với sự sống mầu nhiệm đang có mặt trong giây phút hiện tại. Thầy bị cuốn hút trong việc xây chùa và cho đó là công việc quan trọng nhất. Thầy đã hy sinh hạnh phúc, tự do của thầy cho việc xây chùa và nghĩ rằng xây chùa xong rồi hãy thảnh thơi, rồi mới hạnh phúc. Thầy đã hy sinh việc quan trọng nhất của người tu và chú trọng vào những việc không phải là mục đích chính của người tu. Và như vậy thầy bận rộn suốt ngày đêm. Có lần những người cư sĩ thân hữu của thầy tới thăm, trong buổi uống trà, thầy đã than thở với họ là thầy thấy mình bận rộn quá. Nghe thầy nói như thế, họ nói đùa với thầy: ”Nếu thầy cảm thấy bận rộn như vậy sao thầy không xuất gia lại; đi thầy!’’ Người tu thiệt là người có tự do, là người không bị ràng buộc bởi những đam mê, danh lợi và vướng bận dù đó là việc xây chùa, đúc tượng. Vậy thì chùa chiền có thể cũng là một con bò ràng buộc ta. Nói như thế không có nghĩa là thầy ấy không được phép xây chùa, đúc tượng, nhưng có rất nhiều cách để xây chùa và đúc tượng mà không biến công việc xây chùa, đúc tượng thành sự ràng buộc – thành con bò và thầy có thể vẫn là một người tự do trong khi làm những công việc đó. Công việc có trở thành sự ràng buộc, trở thành con bò hay không, hoàn toàn tùy thuộc vào cách hành xử của ta. Thả bò không có nghĩa là buông bỏ trách nhiệm mà chính là buông bỏ những ý niệm, ý tưởng của ta.