Thiền sư Thích Nhất Hạnh trả lời tham vấn

Con phải làm gì khi mẹ nổi giận với ba?

(Trích phần vấn đáp trong khóa tu mùa hè ở Làng và khóa tu dành cho người nói tiếng Đức và tiếng Hà Lan năm 2014)

Câu hỏi: Con phải làm gì khi mẹ nổi giận với ba?

Thầy trả lời: Có nhiều cách lắm! Một trong những điều mà con có thể làm là đến bên mẹ và nói: “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh” (Mommy, there is a cake in the refrigerator). Đây là câu thần chú rất nổi tiếng ở Làng Mai đó, con có biết không? Khi mẹ hoặc ba đang giận và không khí trong nhà căng thẳng không thể chịu nổi thì con hãy đến bên ba mẹ và đọc câu thần chú: “mẹ ơi (ba ơi), hình như có bánh trong tủ lạnh”. Câu đó có ngụ ý là “mẹ ơi, con đang khổ. Con không muốn thấy mẹ giận như vậy. Con không muốn thấy không khí gia đình nặng nề như vậy”. Đó là một cách để nhắc cho mẹ thấy là mẹ đang giận và đang làm cho không khí trong gia đình rất nặng nề, khiến cho chồng con đều không vui. Đó là một cách hay để nhắc cho mẹ: “mẹ ơi, đừng giận nữa, đừng làm cho cả nhà khổ nữa.” Con đừng nên nói: “Mẹ đừng có giận nữa”, mà hãy đọc câu thần chú: “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh” thì mẹ sẽ hiểu ngay. Mẹ sẽ thức tỉnh và thấy là “mình đang làm cho con gái đau khổ, mình không nên làm như vậy”. Và mẹ sẽ cố gắng mỉm cười với con và nói: “Đúng rồi, con đi ra vườn và chuẩn bị bàn ghế, mẹ sẽ mang bánh ra và mời ba ra ăn chung với mẹ con mình luôn”. Mẹ sẽ nói như vậy và không khí gia đình sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn. Mẹ sẽ không còn giận ba nữa và ba sẽ ra ăn bánh cùng với hai mẹ con. Lần sau, khi thấy mẹ hoặc ba đang giận thì con hãy đọc thần chú mà thầy vừa chỉ, “mẹ ơi, hình như có bánh trong tủ lạnh”, con nhớ chưa? Có thể con còn thắc mắc: “vậy nếu không có bánh trong tủ lạnh thật thì sao?”. Không sao hết! Mẹ của con rất thông minh, dù không có bánh thì mẹ cũng sẽ tìm ra một cái gì khác, cho nên con đừng lo!

Câu hỏi: Con phải làm sao để bày tỏ được cơn giận của mình mà không trút sự tức giận đó lên người khác?

Thầy trả lời:

Khi giận, mình muốn bày tỏ cơn giận của mình vì mình nghĩ rằng nếu không bày tỏ ra, nếu cứ đè nén cơn giận thì mình sẽ khổ hơn. Vì vậy mình thấy cần phải nói ra hay phải làm gì đó để bày tỏ cơn giận của mình. Nhưng kỳ thực nói ra một lời gì đó hay làm một hành động nào đó trong khi giận sẽ không giúp ích được gì cho mình cả. Nói và hành động khi đang giận luôn làm cho mình và người kia bị tổn thương.

Bụt dạy đừng bao giờ nói hay làm điều gì để bày tỏ sự giận dữ của mình, vì làm như thế mình sẽ gây ra đổ vỡ nhiều hơn. Thay vì làm cho bớt giận thì mình sẽ càng giận hơn nữa và mình cũng làm cho người kia giận luôn.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là mình phải đè nén cơn giận. Phương pháp hay nhất là mình trở về với tự thân để chăm sóc cơn giận. Tới Làng Mai, mình được học những phương pháp thực tế giúp mình chăm sóc cơn giận. Mình phải học cho được vì đây là một việc rất quan trọng! Trong đời sống hàng ngày có rất nhiều chuyện làm cho mình giận dữ và đau khổ cho nên mình phải học cách chăm sóc cơn giận.

Việc đầu tiên mình làm là không nói gì, không làm gì cả mà chỉ trở về với chính mình bằng phương pháp thở. Mình thở vào thật sâu và nói: “Thở vào, con biết cơn giận đang có trong con!” Mình nhận diện cơn giận. Mình không cố đàn áp nó, mình không chiến đấu với nó, mình chỉ nhận diện nó: “Cơn giận ơi, chào em. Ta biết là em có đó và ta sẽ chăm sóc cho em!”. Đó gọi là nhận diện cơn giận.

Bước kế tiếp là mình ôm lấy cơn giận. Khi thở vào và thở ra một cách có ý thức thì mình chế tác được năng lượng chánh niệm. Năng lượng chánh niệm có công năng nhận diện và ôm lấy cơn giận như một bà mẹ ôm lấy đứa con của mình. Đây là một sự thực tập rất hay! Khi giận thì mình sẽ không nói, không làm gì cả mà chỉ thở và ôm lấy cơn giận. Cha mẹ và bạn bè thấy mình thực tập ôm lấy cơn giận như vậy sẽ rất nể phục vì mình là người có tu tập, mình biết cách chăm sóc cơn giận.

Nếu mình tiếp tục thở vào, thở ra hay đi thiền hành chậm và ôm lấy cơn giận thì cơn giận sẽ lắng dịu xuống. Khi thấy em bé khổ, bà mẹ sẽ ôm em bé vào lòng một cách dịu dàng và em bé sẽ bớt khổ. Cơn giận giống như em bé của mình, trở về chăm sóc cho em bé (cơn giận). Mình nói: “Em bé giận ơi, chào em. Ta biết em có đó, ta không đánh lộn, ta không đàn áp em đâu! Ta sẽ chăm sóc cho em!”. Mình thở trong chánh niệm, đi trong chánh niệm và ôm lấy cơn giận. Có hai loại năng lượng: năng lượng của cơn giận và năng lượng của chánh niệm được chế tác bởi hơi thở. Mình sử dụng năng lượng chánh niệm để nhận diện và ôm ấp cơn giận.

Tôi nghĩ cha mẹ cũng nên thực tập như vậy. Nếu cha mẹ quên thực tập thì mình phải nhắc: “mẹ ơi, mẹ đang giận đó, mẹ hãy chăm sóc cho cơn giận của mẹ nhé. Con sẽ giúp cho mẹ, con sẽ thở với mẹ!”. Mình tới ngồi gần bên mẹ và thở với mẹ. Hai mẹ con cùng ngồi thở và ôm lấy cơn giận. Đây là sự thực tập rất tuyệt vời! Nếu ba giận thì mình có thể tới giúp cho ba: “Ba ơi, hình như là ba đang có chút giận dữ trong ba. Mình thực tập với nhau đi ba! Con sẽ yểm trợ cho ba”. Hai cha con cùng thở với nhau để nhận diện và ôm ấp cơn giận một cách dịu dàng. Mình sẽ có sự lắng dịu sau vài phút thở vào và thở ra.

Những người làm cho mình giận cũng có nhiều sự giận dữ mà không biết cách để xử lý. Vì vậy nên họ vung vãi sự giận dữ ra khắp chung quanh họ. Nhưng mình đã được học phương pháp chăm sóc cơn giận, mình không hành xử như những người đó. Mình không vung vãi sự giận dữ ra khắp nơi và làm khổ luôn những người chung quanh. Mình hãnh diện với chính mình và nói: “Những người kia thật là tội nghiệp! Họ có nhiều giận dữ mà không biết cách để xử lý, còn mình thì biết cách!”. Thấy được như vậy thì mình không còn giận họ nữa, mình muốn nói hay làm cái gì đó để giúp cho những người kia bớt khổ. Vì vậy thay vì giận thì trong tâm của mình phát sinh ra tình thương. Mình không còn muốn trừng phạt nữa mà chỉ muốn giúp cho họ, vì trong tâm mình đã có tình thương.

Tình thương là liều thuốc chữa trị sự giận dữ. Khi tình thương phát sinh thì cơn giận sẽ tắt ngấm. Thật là mầu nhiệm! Tình thương được phát sinh khi mình nhìn người kia và thấy được rằng trong người kia có sự giận dữ và khổ đau. Người đó không có khả năng chăm sóc cơn giận nên trở thành nạn nhân của cơn giận và đã vung vãi cơn giận đó ra khắp nơi. Thấy được như vậy thì mình sẽ không giận nữa và tình thương sẽ phát sinh trong mình. Mình trở nên tươi mát và có thể giúp được cho người kia. Biết được phương pháp thực tập không những mình không đau khổ mà mình còn giúp được cho những người trong gia đình hay bạn bè ở trường bớt khổ hơn. Đây là một phương pháp thực tập rất mầu nhiệm!

Ai trong chúng ta cũng có lúc nổi giận, nhưng không phải ai cũng biết cách xử lý cơn giận của mình. Tôi hy vọng là một ngày nào đó người ta sẽ đem sự thực tập này vào học đường. Các thầy cô giáo cùng các bậc phụ huynh phải biết cách xử lý cơn giận và phải có khả năng chỉ dạy lại cho các em học sinh. Nếu các thầy cô giáo và các bậc phụ huynh làm được thì đương nhiên các em học sinh cũng học được. Khi cha mẹ biết cách thực tập thì con cái sẽ học được từ họ. Đây là sự thực tập rất hay mà mình có thể mang về nhà sau khóa tu!