Tâm bồ đề phải được nuôi dưỡng như thế nào?

Năm nay con 28 tuổi, hiện đang sống tại Cần Thơ, Việt Nam. Con có một vài câu hỏi về sự tu tập, kính mong quý thầy quý sư cô giúp con.

1.    Con đang thực tập ngồi thiền và theo dõi hơi thở  theo pháp môn Làng Mai, Lúc đầu con ngồi kiết già, nhưng càng về sau chân trái của con bị đau và có khi không thể ngồi được. Nhưng nếu ngồi bán già thì chân trái của con đỡ đau hơn. Ngồi kiết già thì con sẽ vững hơn là ngồi bán già, nhưng bây giờ chân đau rồi con không biết phải làm sao?

2.    Vì gia đình con có truyền thống tu cũng như có một số vị trong dòng họ đã đi tu nên con đã biết ăn chay từ lúc còn 15 tuổi. Khi còn là sinh viên con cũng thường đi chùa, đi hộ niệm. Nhưng từ khoảng tháng ba năm nay (2009), con có cơ duyên được đi tham những công việc phật sự. Từ đó tâm con trở nên khác thường, không còn ham thích gì về chuyện thế gian nữa. Con nghe băng giảng và thấy tâm rất thanh tịnh. Trong tâm con đã phát khởi ý niệm xuất gia, có lúc nó mãnh liệt đến nỗi con muốn đi ngay nhưng còn một số việc chưa chu toàn được cho cha mẹ con cũng như nghiệp duyên với bạn gái của con, mặc dù tâm con bây giờ đã hướng về Phật rồi. Chính điều này cũng đã gây ra một ít buồn lòng đối với bạn của con. Con phải làm sao đây? Kính mong quý thầy quý sư cô cho con lời khuyên để con có thể vững bước trên con đường tu học của  mình.

Sư cô Nghĩa Nghiêm chia sẻ:

Thương chào  bạn!

Cám ơn bạn đã tin tưởng chia sẻ những thắc mắc của bạn với ban biên tập. Càng ngày càng có nhiều bạn trẻ thực tập ngồi thiền, vì các bạn đã thấy được lợi ích của việc ngồi thiền với cuộc sống hằng ngày. Nhưng cũng có một số trường hợp vì chưa được hướng dẫn cụ thể, nên việc ngồi thiền chưa đem lại nhiều kết quả. Nghĩa Nghiêm xin chia sẻ với bạn một số kinh nghiệm bản thân về những thắc mắc của bạn.

Như bạn đã nói, ngồi thiền theo tư thế kiết già bị đau chân. Theo Nghĩa Nghiêm nghĩ, bạn có thể kiểm tra lại gối ngồi, xem có thẳng hay không, có tạo cảm giác thoải mái cho bạn hay không? Một gối ngồi thiền thích hợp rất quan trọng trong việc ngồi thiền (đối với những người cần có gối ngồi). Sau đó,bạn xem lại tư thế ngồi của bạn. Lưng đã thẳng chưa? Hai đầu gối có chạm đất không? Có ngồi ngay giữa bồ đoàn không? Và quan trọng là bạn phải biết buông thư cơ thể. Có rất nhiều lý do để ngồi thiền bị đau vì không đúng tư thế. Nhưng đôi khi, mình kiểm tra thấy đúng hết, nhưng vẫn bị đau, thì lúc này mình cần  thực tập để vượt qua cơn đau đó.

Trước khi Nghĩa Nghiêm vào tu viện, mỗi ngày Nghĩa Nghiêm tập ngồi một chút. Lúc đầu thì chỉ 2 phút, 5 phút, rồi 10, 20 phút. Nghĩa Nghiêm đã tập trong một thời gian dài. Sau đó, vào tu viện, với thời gian ngồi thiền dài hơn, có những lúc Nghĩa Nghiêm cảm thấy đau không thể chịu nổi, chỉ muốn thả chân ra ngay. Nhưng Nghĩa Nghiêm tự nói, cố lên, chỉ một chút xíu nữa thôi, rồi sau đó, lại chỉ một chút xíu nữa thôi… Cứ tập như vậy, cố gắng như vậy, cho nên bây giờ Nghĩa Nghiêm đã ngồi thiền khá hơn một chút. Dù thỉnh thoảng, Nghĩa Nghiêm cũng cảm thấy hơi đau. Nghĩa Nghiêm nghĩ bạn cũng có thể thực tập như vậy. Nếu quá đau, bạn có thể nhẹ nhàng tháo chân ra, xoa bóp cho máu lưu thông, và gởi tình thương cho cái chân bị đau. Rồi lại bắt chân lên ngồi tiếp. Hi vọng bạn sẽ ngồi thiền thật thoải mái.

Nghĩa Nghiêm rất thích điều thắc mắc thứ hai của bạn. Vì trước khi đi xuất gia, Nghĩa Nghiêm cũng đã từng trải qua những cảm xúc như vậy. Trong gia đình Nghĩa Nghiêm cũng đã có một số vị xuất gia, và ba mẹ Nghĩa Nghiêm cũng biết nhiều về đạo Phật. Cho nên trong Nghĩa Nghiêm cũng có những hạt giống xuất gia tiềm tàng. Lúc đó, nó chưa phát khởi mạnh lắm. Và Nghĩa Nghiêm thường nghĩ rằng, nếu mình đi xuất gia, ba mẹ sẽ như thế nào, ở với ai, ai sẽ chăm sóc ba mẹ lúc tuổi già v.v… Một lần, Nghĩa Nghiêm vào tu viện ở chơi một vài ngày, các sư cô có hỏi:” em có muốn đi tu không?”. Lúc đó, Nghĩa Nghiêm trả lời rằng, con không biết. Vì lúc đó, Nghĩa Nghiêm nghĩ tới ba mẹ, tới bạn. Nếu mình đi tu thì bạn mình sẽ như thế nào?… Lúc đó, Nghĩa Nghiêm phân vân lắm. Nhưng cuối cùng, ngày nọ, một sư cô lớn hỏi Nghĩa Nghiêm lần nữa. Và lần này, Nghĩa Nghiêm cảm thấy rằng, câu trả lời này sẽ là một quyết định lớn trong cuộc đời của mình. Lúc đó, tất cả những băn khoăn, phân vân đi lên rất nhanh và nhiều trong đầu. Cuối cùng, Nghĩa Nghiêm đã trả lời rất nhanh sau 2 giây suy nghĩ, và để cho trái tim tự lên tiếng “Thưa sư cô, con muốn”. Câu trả lời đó đã bắt đầu cuộc đời xuất gia của Nghĩa Nghiêm đó bạn à.

Bạn biết không, sau này, khi nghe Sư Ông giảng, Nghĩa Nghiêm mới biết là nếu muốn đi tu thì cái muốn đó phải trên 100%. Nghĩa là mình không còn phân vân, chọn lựa gì nữa. Lúc đó, tâm xuất gia của mình phải thật mạnh, thật lớn. Nghĩa là nếu mình không đi xuất gia thì sẽ không thể chịu nổi. Sư Ông dạy như vậy đó bạn à. Bạn có thể tự kiểm tra xem tâm xuất gia của bạn được bao nhiêu phần trăm? Và có một cách để biết được chính xác phần trăm của mình. Là bạn có thể lên một chùa, hay một tu viện nào đó, xin được thực tập trong chùa một thời gian, như một người xuất gia. Trong khi thực tập như vậy, bạn sẽ thấy rõ hơn tâm xuất gia của mình, để có thể quyết định dứt khoát và rõ ràng con đường của bạn.

Bạn biết không? Bây giờ, đã là một sư cô. Nghĩa Nghiêm không lo lắng nhiều về ba mẹ như trước đây. Trước đây, Nghĩa Nghiêm nghĩ rằng, nếu mình đi tu là ba mẹ mất một người con. Nhưng sự thực là, bây giờ, ba mẹ Nghĩa Nghiêm đang rất hạnh phúc với thật nhiều con trai và con gái (quý thầy, sư cô, sư chú trẻ). Và một điều rất lạ nữa, là khi đi xuất gia, trong gia đình Nghĩa Nghiêm có những điều được chuyển hóa một cách không ngờ, mặc dù Nghĩa Nghiêm chẳng làm gì hết.

Còn với bạn gái của bạn, Nghĩa Nghiêm nghĩ rằng, nếu mình đã thương nhau thực sự, một tình thương đích thực. Nghĩa là phải có hiểu, hiểu ước muốn của người kia, hiểu tâm tư của người kia, và thương luôn những lý tưởng của người kia. Vì trong tình thương đích thực (true love), thì hạnh phúc của người kia cũng là hạnh phúc của mình. Niềm vui của người kia cũng là niềm vui của mình. Ở Làng Mai, Bát Nhã, có rất nhiều quý thầy, sư cô đã từng có người thương trước khi đi xuất gia, và hiện giờ, quý thầy, sư cô đó vẫn giữ được mối liên lạc tốt đẹp với “người ấy” đó bạn.

Nghĩa Nghiêm tin là bạn sẽ giải quyết được ” một ít buồn lòng” của bạn thật dễ dàng, những mong mỏi với gia đình, với bạn gái…

Chúc bạn luôn vui với con đường mà bạn sẽ chọn.
Thân mến và tin cậy