Nỗi niềm trăn trở của tuổi trẻ

Thầy Pháp Tiến trả lời

Kính gửi Thầy và quý thầy, quý sư cô Làng Mai.

Lời đầu thư con xin chào và kính chúc Thầy và tất cả quý thầy, quý sư cô và toàn thể tăng thân Làng Mai luôn mạnh khỏe. Kính mong các thầy, các sư cô giúp đỡ được nhiều người hơn nữa trong việc chuyển hóa bản thân mình để tìm được sự tự do, thảnh thơi và an lạc.

Con năm nay 21 tuổi, con đang là sinh viện đại học tại Sài Gòn. Từ hai năm nay, con từ một kẻ vô thần vô đạo, con có may mắn được biết đến Thầy qua những tác phẩm của Thầy đã được xuất bản. Con chưa đọc thật nhiều về tất cả các tác phẩm của Thầy nhưng một số cuốn mà con tâm đắc thì con luôn sử dụng các bài tập đó để chuyển hóa cảm xúc và cuộc sống của mình. Thực sự sau hai năm thì cuộc sống của con đã có nhiều điều mầu nhiệm. Con may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân bình thường, không có quá nhiều đau khổ và vướng mắc trong gia đình. Con được gia đình nuôi dưỡng cho ăn học đầy đủ và chu đáo. Tuy nhiên, trước tới giờ con vẫn có những cảm xúc bình thường của con người như tiêu cực, giận hờn, đau khổ… Sau hai năm được tiếp xúc với những bài thực tập đơn giản mà Thầy trao tặng, con đã thực tập theo và cảm xúc của con có tích cực hơn nhiều. Con đã làm chủ được phần lớn những thái độ, cảm xúc tiêu cực và hành động cũng như cách ứng xử của mình… Con may mắn vì từ nhỏ đã có nhiều bạn bè tốt và yêu quý con, các thầy cô giáo cũng giúp đỡ con hết lòng trong học tập. Trong gia đình con cũng cũng được mọi người yêu mến. Con cũng may mắn vì có người yêu thương con hết mực và con cũng yêu người đó một cách chân thành và sâu sắc. Con đã cảm ơn số phận vì đã được sinh ra trong một gia đình như thế và con cảm ơn Thầy rất nhiều vì những điều Thầy trao tặng.

Nhưng hôm nay, con viết thư này gửi đến Thầy và quý thầy, quý sư cô để mong muốn giãi bày một tâm tư cũng như một nỗi niềm trăn trở khác của con trong cuộc sống này.

Con đã từng sống ba năm ở Hà Nội trước khi vào Sài Gòn. Qua các phương tiện thông tin đại chúng và các phương tiện truyền thông khác (lẽ trái cũng như lẽ phải) và qua những trải nghiệm cá nhân cũng như thực tế nhìn thấy trên quê hương mình, con đã nhìn ra xã hội Việt Nam đang có quá nhiều đau khổ, dù là ở bất cứ tầng lớp nào, đặc biệt là những người dân nghèo khó: nhân quyền đang bị chà đạp nghiêm trọng, kinh tế sa sút do tham nhũng, lãng phí; xã hội nhiều bất công và tệ nạn do một nền giáo dục lạc hậu và tất cả các phương tiện truyền thông đều bị kiểm duyệt về nội dung trên toàn đất nước… Con xin không kể ra đây nữa những yếu kém và đau khổ của đất nước mình. Con đã đọc những bài về việc Thầy góp ý với Nhà nước Việt Nam về việc đưa đất nước đi lên, nhưng những điều đó thực sự còn xa xôi lắm…

Trước tình cảnh hiện tại, là một sinh viên, một công dân của đất nước con thực sự bất bình và phẫn nộ. Nhưng con luôn tin tưởng vào điều thầy đã dạy và con không bao giờ sống mà không tôn trọng những điều đó. Đó là muốn mang lại hòa bình và hạnh phúc cho người khác thì trước tiên mình phải có sự bình an và hạnh phúc. Thế nên, dù có bất bình trước cái ác, con chưa bao giờ tự cho mình được phép khởi lên những cảm giác hận thù, đau khổ và tuyệt vọng từ trong cả suy nghĩ. Con chỉ có một lòng thương cảm với người dân nước mình và con thấy tội nghiệp cho những người gây nên tội ác đó. Tuy nhiên, con vẫn có những trăn trở về con đường để Việt Nam có tương lai tươi sáng hơn, để người dân thực sự được sống dưới một bầu không khí tự do, dân chủ và an ninh thực sự.

Kính thưa Thầy và quý thầy, quý sư cô, con viết thư này mong muốn gửi đến Thầy và các thầy, các sư cô những tâm tư, nguyện vọng và trăn trở của con. Con mong muốn Thầy cho con một cách nhìn để đối diện với tình hình hiện tại cũng như cho con thêm những lời khuyên để cho con sáng tỏ con đường cống hiến cho đất nước, cho dân tộc những vẫn giữ được sự bình an, thảnh thơi trong tâm hồn?

 

Chia sẻ của Thầy Pháp Tiến

Trong tiến trình của lịch sử, bất cứ  một quốc gia nào cũng phải trải qua những khó khăn tất yếu của nó. Có thể nói dân ta đã trải qua quá nhiều khó khăn và khổ đau, mỗi lần dân ta vượt được khó khăn dân ta càng có nhiều kinh nghiệm quý báu hơn. Chúng ta có quá nhiều bùn, chỉ cần hội đủ điều kiện, chúng ta sẽ cống hiến cho vườn hoa nhân loại đóa sen tinh khiết. Con đường đi lên của đất nước ta sẽ khác rất nhiều các cường quốc khác. Có thể chúng ta đi sau họ vài thập niên, nhưng chúng ta sẽ rút được bài học từ họ rất nhiều. Không chắc giàu có, hiện đại, tiện nghi là con người có hạnh phúc đâu. Lao theo sự phát triển vượt bậc khoa học kỹ thuật, kinh tế, tài chính … theo hướng hưởng thụ, bạo lực mà không có cơ hội trở về chăm sóc đời sống tinh thần, đã vắt kiệt suối nguồn hiểu biết và thương yêu nơi đồng loại, làm cho con người ngày càng bị các chứng bệnh tâm thần do căng thẳng, sợ hãi cô đơn mà ra. Không, đất nước ta sẽ không bao giờ theo con đường đó! Chắc chắn là thế! Dân ta, tổ tiên ta đã khổ đau quá nhiều rồi, đã đến lúc hưởng được hương vị hạnh phúc đích thực, chúng ta xứng đáng để được như thế, và cũng có cơ hội làm ấm lòng tổ tiên cha ông chúng ta. Sự thức tỉnh của một người có thể làm bừng tỉnh cả nhân loại, huống chi là sự thức tỉnh của cả một dân tộc.

Chúng ta có quá ảo tưởng không? Chắc chắn là không. Lịch sử từng xác nhận điều đó trong thời Lý, Trần, thời đại mà con người tỏa sáng nếp sống đạo đức, tâm linh, nó giúp ta vượt thoát được kiếp nô lệ, sống hài hòa với chính chúng ta và các nước láng giềng. Chúng ta là sự tiếp nối của cha ông, chúng ta sẽ làm hay hơn nhiều lắm. Ngày nay một nền đạo đức học, những nguyên tắc hành xử không phải chỉ nằm trong khuôn khổ của một quốc gia mà là toàn cầu để bất cứ một cư dân nào trên hành tinh này, tiếp xúc với nó đều có lợi lạc, đều có thể hòa nhập và áp dụng được. Sự bừng tỉnh không bao giờ bị giới hạn bởi không gian và thời gian, điều nó cần là sự hợp nhất. Sự hợp nhất nơi chính tự thân mỗi người và nơi cả cộng đồng.

Trong nhạc phẩm Về quê của nhạc sĩ Phó Đức Phương ta có các câu hát mà dưới góc nhìn thiền quán nó có giá trị rất sâu sắc. “Nước qua cầu thời gian trôi mau. Nơi bền lâu là nơi lắng sâu. Thiếu quê hương ta về đâu” . Chúng ta sẽ không thể sống nếu chúng ta không có cội nguồn. Nếu chúng ta lạc mất quê hương, gốc rễ, thì chúng ta sẽ không thể nào có điểm tựa vững chắc để xây dựng tương lai. Có thể chúng ta sẽ rơi vào tình trạng phóng thể, sống một cuộc sống không ý nghĩa, không phương hướng. Tác giả khuyên chúng ta; vạn vật không ngừng thay đổi theo thời gian, cuộc sống có hạnh phúc, có vững chãi hay không, nó tùy thuộc rất nhiều vào đời sống tinh thần. “Nơi đậm sâu là nơi lắng sâu.” Phải trở về, phải tiếp xúc với quê hương tuổi thơ của ta. Trở về với sự mộc mạc, chân chất mà đượm nghĩa tình. Đừng quá bận rộn, đừng quá bon chen với cuộc đời để rồi đánh mất một điều gì đó thiêng liêng. “Thiếu quê hương ta về đâu.” Trong tâm thức của mỗi con người, quê hương có thể là chùm khế ngọt, là bánh đa bánh đúc, là bờ đê, lũy tre xanh, tiếng sáo diều hay những hàng dừa soi bóng ven sông… Nhưng quê hương cũng có thể là gánh hàng rong, gốc phố, ghế đá công viên, quán cà phê ven đường, nơi hội ngộ của những người dường như xa lạ trong những ngày chợt nắng chợt mưa. Hay những con phố tấp nập dòng người qua lại với hai bên là những tòa nhà san sát có nhiều bảng hiệu.

Nhưng có một quê hương khác nữa mà chúng ta không thể thiếu được. Đó là sự sống đang có mặt trong mỗi phút giây, chỉ cần hơi thở, bước chân chánh niệm là ta có thể tiếp xúc ngay, ta có thể đã về, đã tới với quê hương đích thực này. Quê hương đích thực này rất rộng lớn, có thể ôm cả quê hương chôn nhau cắt rốn của ta. Ta có thể ở bất cứ nơi nào trên hành tinh này cũng có thể tiếp xúc với nó. Quê hương có mặt ngay bây giờ và ở đây, một quê hương sinh động, và đích thực.

Điều thiết yếu mà chúng ta cần nhắc nhau là, hạnh phúc có mặt ngay bây giờ, nó không phải là một ước vọng xa xôi, nó không phải là điều mong đợi trong tương lai. Những gì ta làm hôm nay đã có chất liệu của tương lai rồi. Ta thấy mọi người xung quanh ta đang rơi vào những trạng huống khó khăn, điều đó làm cho ta một lần nữa ý thức được những may mắn mà mình đang có. Trân quý chúng, mà sống hết lòng. Không phán xét, không phản ứng, chỉ nhận diện thôi. Ta không quay cuồng, ta không lao theo vòng xoáy của xã hội, ta tập dừng lại. Đất nước ta bao đời luôn phải chịu khó khăn do chiến tranh loạn lạc, vì thế  tự do luôn là ước nguyện lớn nhất của cha ông. Nếu chúng ta sống  có  sự tươi mát, thảnh thơi là phần nào đáp lại nguyện vọng của cha ông. Một hơi thở nhẹ, một bước chân vững chãi cũng đủ giúp ta tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Ta hạnh phúc là tổ tiên ta hạnh phúc. Ta biết dừng lại thì ngàn đời trong huyết mạch ta cũng sẽ dừng lại. Một nụ cười vô úy của ta cũng đủ để làm rạng rỡ cả tổ tiên. Ta có bình an, ta có vững chãi, trong tim ta sẽ trào dâng suối nguồn thương yêu và hiểu biết. Trái tim ta mở ra, có thể ôm ấp được tất cả mọi người, dù người đó là người mà ngày trước ta cho là những người xấu, những người làm mục nát xã hội. Trong ta sẽ bừng dậy một ước nguyện, ước nguyện hiểu thương, ước nguyện đi vào cuộc đời mang sự tươi mát và hạnh phúc mà mình có được để giúp người bớt khổ. Đừng đợi xã hội thay đổi, mọi việc nên bắt đầu từ chúng ta. Chúng ta có thể hành trì “ năm phép thực tập chánh niệm” (Five Mindfulness Trainings) không chỉ là năm giới quý báu trong đạo Bụt mà ngày nay đã trở thành nền Tâm Linh và Đạo Đức Toàn Cầu. Sự thực tập này giúp chúng ta tháo bỏ được những sợ hãi, cố chấp, kỳ thị, cuồng tín và hận thù; mang lại hiểu biết và thương yêu đích thực có khả năng đưa tới trí tuệ, chuyển hóa và hạnh phúc cho bản thâ n và cho xã hội.

Như vậy, sống chánh niệm trong đời sống hàng ngày sẽ giúp ta tiếp xúc sâu sắc với quê  hương đích thực. Giúp ta có sự kết nối với cội nguồn, với gốc rễ mà không phải rơi vào tình trạng lạc lõng, mất phương hướng. Chánh niệm mang lại sự tỉnh thức trước những khó khăn, khổ đau trong ta và xung quanh ta. Có thể ta sẽ phải tiếp xúc với khổ đau, nhưng không bị trói buộc, ta không phải là nạn nhân mà là người trải nghiệm. Có như thế trong ta sẽ dâng trào suối nguồn hiểu biết và thương yêu, mang đến cho ta một ước nguyện, giúp mình giúp người vượt thoát khổ đau. Mỗi hơi thở, mỗi bước chân, mỗi nụ cười, mỗi ánh mắt đong đầy bình an, ta sẽ là bồ tát vượt ngàn lớp sóng trần ai, giang rộng đôi tay bảo hộ sự sống, cứu giúp kẻ trầm luân.