Nuôi dưỡng bình an khi chăm sóc học sinh cá biệt

 

Câu hỏi:

Tôi năm nay 53 tuổi, là một giáo viên cấp hai, tốt nghiệp môn toán nhưng không dạy lớp mà làm công tác giám thị của một trường Trung Học Cơ Sở lớn trong tỉnh. Tôi không lập gia đình, nên bao nhiêu tâm huyết tôi đều đem vào hết cho công việc, nhất là dạy dỗ học sinh cá biệt, giáo dục các em học sinh khi chúng vi phạm. Trong những năm gần đây tôi bị sốc nặng về các hành vi vi phạm của các em, tôi không còn cách nào giáo dục được những em cá biệt. Thế là tôi tìm hiểu về Phật pháp qua lớp học giáo lý căn bản do một chùa nọ tổ chức. Tôi nghe một số bạn đồng nghiệp đã qui y, bảo là niệm Phật nhiều có tha lực nói học sinh nghe. Tôi chưa biết nhiều về đạo Phật và cũng chưa quy y, tôi chỉ hiểu một cách lờ mờ về đạo Phật.

…Sau khi được quý thầy và sư cô hướng dẫn, tôi cố gắng tập đếm hơ i thở, cố quên đi những phiền muộn, nhưng sao những chuyện đau buồn cứ hiện lên trong những đêm mất ngủ.  Đôi khi ngồi yên lặng đếm hơi thở thấy lòng nhẹ đi một chút. Sau đó, trở lại với công việc lại gặp phải chuyện xui xẻo. Tôi cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, an phận những ngày tháng còn lại chờ ngày nghỉ hưu mà vẫn bị bạn bè, cấp trên chỉ trích. Tôi lại theo phương pháp đếm hơi thở để tìm sự bình an nhưng khó quá, nỗi buồn cứ bao vây mình. Biết là cố chấp sẽ khổ, nhưng khó bỏ quá. Xin giúp tôi làm sao để tìm sự thanh thản cho tâm và để tìm được một giấc ngủ an lành.

 

Sư cô Hội Nghiêm chia sẻ:

Cô H. kính mến!

Mấy hôm nay quý sư cô bận soi sáng (một thời khóa sinh hoạt của đại chúng) nên không trả lời thư cho cô H. sớm như mong muốn được, mong cô không buồn quý sư cô.

Hai hôm nay, ở quanh làng tuyết rơi trắng xóa, bao phủ khắp rừng đồi, khắp nơi đâu đâu cũng thấy tuyết. Nhìn thấy tuyết là thấy lòng mình nhẹ nhàng thanh thoát. Mong gởi được một ít năng lượng an lành nhẹ nhàng này đến với cô. Môi trường chung quanh rất quan trọng, có thể nuôi dưỡng mình rất nhiều, nhưng đôi khi không để ý mình lại đánh mất những điều đáng được nuôi dưỡng ấy. Mình để cho những khó khăn xâm chiếm mình. Thật ra, những khó khăn ấy đâu phải là tất cả con người mình bởi vì mỗi ngày mình tiếp xúc với các em học sinh có mấy tiếng đồng hồ thôi, còn lại là tiếp xúc với những đối tượng khác, với những thành phần khác. Hạnh phúc là một yếu tố quan trọng trong đời sống hằng ngày. Có hạnh phúc, mình sẽ dễ dàng thương yêu, tha thứ, sẽ dễ dàng đi qua khó khăn. Thế nên mình phải ý thức những điều kiện hạnh phúc mình đang có, thí dụ như mình còn đôi mắt sáng để ngắm nhìn, mình có một thân thể khỏe mạnh, không bị ung thư v.v… , để mình biết trân quý chúng hơn. Quý sư cô không biết môi trường chung quanh cô ở như thế nào, nhưng nếu nhìn sâu chắc chắn cô cũng sẽ tìm ra được nhiều điều kiện hạnh phúc mà mình đang có.

Chăm sóc các em cá biệt là một hành động rất đẹp, đáng cho mọi người kính ngưỡng, bởi vì qua đó mình giúp được xã hội rất nhiều. Nếu như những em này không được chăm sóc đàng hoàng thì các em sẽ trở thành những thành phần xấu, và nếu không khéo, các em sẽ gây nên những tệ nạn cho xã hội. Khi đó không những các em lãnh đủ mà mình và những người chung quanh cũng lãnh đủ. Vì thế mình cần nuôi dưỡng ý thức rằng khi mình giúp các em thì đồng thời mình cũng đang giúp đỡ mọi người và giúp đỡ cho xã hội. Tuy nhiên giúp cho những thành phần này không dễ chút nào, bởi vì các em không phải là những người dễ nghe lời. Lại có em đôi lúc tỏ ra bất cần nhưng chính những em này lại là những em cần nhiều tình thương nhất. Có thể các em không nhận được tình thương từ gia đình và những người khác, vì vậy chỉ có tình thương yêu mới giúp được cho các em. Mà tình thương đến từ đâu nếu không phải từ cô và từ các thầy cô giáo khác? Thế nên cô phải tạo ra một môi trường để các em thấy được trường học là gia đình thứ hai của các em, để nếu các em không hạnh phúc trong gia đình thì các em có thể tìm thấy hạnh phúc khi đến trường và coi đây là nhà của mình. Như thế chắc chắc các em sẽ tiến bộ nhiều hơn trong việc học tập. Cô H. có thể kết hợp với ban giám hiệu và nhiều giáo viên khác để tạo được một trường như thế. Khi tạo được môi trường này rồi thì công việc giáo dục sẽ không còn khó khăn nữa. Chăm những em này đòi hỏi mình phải có nhiều thời gian và kiên nhẫn cô H. ạ. Hơn nữa mình cũng cho các em thời gian để thay đổi, không phải hôm nay mình khuyên thì ngày mai mình bắt các em phải thay đổi liền được. Ngoài ra, những em cá biệt là những em dễ bị thầy cô la rầy nhiều nhất, dễ bị bạn bè xa lánh nhất. Như vậy thì làm sao các em có hạnh phúc được. Người mà không có hạnh phúc thì sẽ dẫn đến bất cần, không quan tâm đến những điều chung quanh mình và bên trong mình, không quan tâm đến cả những đức tính tốt của mình. Vì vậy, khi tiếp xúc với những em này, cô H. nên tìm cách khích lệ và khen ngợi nhiều hơn là la rầy. Khi các em được khích lệ và khen ngợi thì các em sẽ tiếp tục nuôi dưỡng những điều tốt đẹp đó. Và mỗi khi những điều tốt được nuôi dưỡng và làm lớn mạnh lên thì những điều xấu tự nó được thay đổi, chuyển hóa.

Cô H. nhớ chăm sóc bản thân cho hay bởi vì nếu cô H. không có hạnh phúc thì cô H. cũng khó thành công trong công việc này. Nếu các em đã như vậy rồi, mà khi tiếp xúc với các em cô H. còn cho ra một nguồn năng lượng giận dữ, bực bội, căng thẳng… thì làm sao các em hạnh phúc mà nghe lời được. Một mình mình thì khó có thể thực tập tốt được nên cô H. có thể tìm tới những tăng thân ở gần nơi cô H đang ở để sinh hoạt thêm. Quý sư cô không biết là cô H. đang ở đâu, nhưng nếu là ở Sài gòn thì có trung tâm Chùa Pháp Vân số 1 đường Lê thúc Hoạch, nếu ở Huế thì có chùa Tổ, gọi là tổ đình Từ Hiếu bên cạnh có ni viện Diệu Trạm cho các sư cô. Nếu ở Hà nội thì có Chùa Đình Quán gần cầu Diễn. Thực tập cũng là thức ăn hằng ngày của mình. Ngoài ra cô H. có thể đọc thêm sách Tiếp xúc với sự sống, Giận, Thiền tập cho người bận rộn…. và nghe thêm băng giảng của Sư Ông Nhất Hạnh để biết thêm cách thức thực tập.

Chúc cô H. có nhiều sức khỏe, có khả năng sống vui trong đời sống hằng ngà để đi qua giai đoạn khó khăn này một cách nhanh chóng và thành công trong công việc giúp đỡ các em học sinh cá biệt. Được như vậy thì nhà trường và xã hội (trong đó có quý thầy quý sư cô) sẽ mang ơn  cô H nhiều lắm.

Thân mến