Cuộc đời là trống rỗng

Con xin được hỏi:
Con biết, con là sự tiếp nối của cha mẹ, ông bà, tổ tiên tâm linh và huyết thống. Mẹ con có đời sống rất tâm linh. Bà rất tin tưởng chúa. Nhưng những giờ phút cuối cùng của cuộc đời mẹ, bà lại nói, cuộc đời là trống không, cuộc đời không có gì hết. Điều này đã khiến con bị sốc. Tuy nhiên, thầy đã có giảng, mọi thứ tương tức với nhau. Do đó con nghĩ, từ “không” mà mẹ dùng có thể có nghĩa là không có một cái ta riêng biệt.

Sư Ông trả lời:

Chúng ta là sự tiếp nối của ông bà, tổ tiên. Nhưng do được sinh ra sau, nên chúng ta đã tiếp thu thêm những dữ kiện mới. Đơn cử như là sự thực tập chánh niệm. Sự thực tập này có thể giúp mình tiếp xúc sâu sắc với giây phút hiện tại. An trú trong giây phút hiện tại, ta có thể thấy rõ được quá khứ của mình qua những biểu hiện của tập khí của chính bản thân. An trú trong giây phút hiện tại, ta nhận diện và ngăn ngừa được những hành xử mang lại hậu quả xấu cho tương lai. Chúng ta đã có những phương pháp thực tập rất cụ thể có thể giúp mình tiếp xúc với tổ tiên một cách rõ ràng. Ta thử lấy ví dụ về mối quan hệ giữa hạt bắp và cây bắp. Cây bắp khác với hạt bắp, nhưng nó là sự tiếp nối của hạt bắp. Nếu mọc ở chỗ có nhiều nắng, có đủ nước, cây bắp sẽ rất khỏe, và nó sẽ là một sự tiếp nối rất hay của hạt bắp. Nhưng nếu mọc ở chỗ khô cằn, cây bắp sẽ không thể phát triển bình thường được, hoặc giả nó sẽ chết. Lúc này, cây bắp không thể là một tiếp nối tốt của hạt bắp, hoặc không thể tiếp nối hạt bắp. Mình cũng giống như cây bắp. Nếu có thêm sự tu tập chánh niệm, mình sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về mọi vấn đề của đời sống. Điều ấy giúp mình bước được những bước chính xác hơn những bước của tổ tiên. Tổ tiên có thể đã thiếu một chặn đường, mình có nhiệm vụ phải tiếp tục chặn đường đó để giúp họ đi xa hơn. Chặn đường ấy có thể là những thao thức của tổ tiên trên con đường tâm linh.

Theo cô kể, những giây phút cuối đời, mẹ cô đã nói, cuộc đời là trống không, cuộc đời không có gì hết. Trong đạo Bụt cũng có giáo lý nói về không rất hay. Một vị thiền sư sống ở thế kỷ thứ hai có nói, nhờ không mà tất cả có thể thực hiện được. Nhờ không có một cái ta riêng biệt mà tất cả có thể thành tựu được. Nhờ không có cái ta riêng biệt mà cây bắp có thể nhận được mưa, được nắng. Nhờ không có cái ta riêng biệt mà mình có thể lớn lên,  có thể thực hiện được những hoài vọng. Giả sử, nếu có một cái ta riêng biệt, có một cái ta thường hằng liệu những cô bé, cậu bé có trưởng thành được không? Rõ ràng, mọi vật muốn hiện hữu cần phải có rất nhiều yếu tố giúp sức. Mọi vật không thể tự hiện hữu một mình. Không ở đây là không hiện hữu một mình và không có một cái ta riêng biệt, nhưng nó lại đầy cả vũ trụ vạn hữu, đầy những yếu tố khác không phải là ta. Ví như cái ly nước không có nước trà, nhưng nó đang đầy không khí. Cái ly phải có mặt để có một cái ly không có nước trà. Mình phải nhìn mọi sự mọi vật trong chiều sâu của nó để tiếp xúc được với cái không của mọi sự mọi vật – Không là không đồng nhất, không bất biến.  Nếu đám mây bất biến, nó sẽ là mây hoài hay sao? Nó cần thành mưa, thành tuyết,  rồi cuối cùng chuyển thành nước.