Con tu không tiến

Con xin được hỏi:

Kính thưa quý thầy, quý sư cô!

Con năm nay 33 tuổi, đã lập gia đình, con cũng ăn chay được ba năm. Tuy ở xa Sư Ông nhưng con luôn theo dõi mọi hoạt động Sư Ông qua báo chí và Net. Con rất muốn tham dự những khoá tu do Sư Ông hoặc tăng thân Làng Mai tổ chức nhưng  khoá tu thường kéo dài ba đến bốn ngày nên chúng con không thể tham gia được. Chúng con chỉ rảnh vào dịp tết Nguyên Đán. Con xin mạn phép hỏi vào thời gian trên tăng thân có thể tổ chức khóa tu được không ?
Con có mua rất nhiều sách và băng đĩa do Sư Ông giảng nhưng sự tu tập của con không tiến triển bao nhiêu, con chỉ ngồi thiền được khoảng 20 đến 30 phút là không thể ngồi được nữa. Con rất mong nhận được sự chia sẻ.


Sư Cô Lĩnh Nghiêm chia sẻ cùng bạn:

Bạn mến!

Tôi rất tán thán công đức ăn chay và lòng khát khao tu tập của bạn. Thực sự là tu tập mà không có tăng thân bên cạnh quả rất khó khăn.

Hàng năm, tại tu viện Bát Nhã có tổ chức hai khoá tu lớn kéo dài từ ba đến bốn ngày vào dịp hè và dịp tết Nguyên Đán. Ngoài ra, hàng tháng vào ngày chủ nhật đầu tiên tại Bát Nhã cũng tổ chức một ngày tu chánh niệm. Bạn có thể liên lạc với tu viện Bát Nhã theo địa chỉ: Tu viện Bát Nhã thôn 13 xã Đambri- Bảo Lộc – Lâm Đồng, điện thoại : 063.751627    / 063.751970  /  063.751518

Bạn thân mến!
Ngồi thiền chỉ là một trong vô số cách tu tập thôi. Trong tư thế ngồi ngay ngắn thì việc hành thiền trở nên dễ dàng hơn đối với rất nhiều người nhưng không phải là tất cả. Tại làng Mai chúng tôi cũng chỉ ngồi thiền 30 phút vào buổi công phu sáng, sau đó tụng kinh 30 phút. Buổi tối cũng chỉ ngồi thiền 30 phút và tụng kinh 30 phút. Tuy nhiên chúng tôi thực tập thiền trong suốt cả ngày trong mọi sinh hoạt. Thiền có hai dạng : Thiền chỉ và thiền quán. Thiền chỉ là khả năng dừng lại mọi suy nghĩ vẩn vơ đưa thân trở về với tâm, có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại. Thiền quán là khả năng tập chung cao độ để nhìn sâu sắc một vấn đề nào đó.

Nếu ngồi thiền khó khăn thì bạn có thể thực tập thiền hành, tức là đi trong chánh niệm, đi mà chú tâm vào từng bước chân kết hợp với theo dõi hơi thở. Thở vào bạn bước hai hay ba bước, thở ra bạn bước hai hoặc ba bước tuỳ theo hơi thở dài hay ngắn. Nên tìm một nơi khung cảnh thơ mộng, rộng rãi như công viên, vườn hoa, bờ hồ để đi thiền hành mỗi ngày. Bạn cũng có thể áp dụng bước chân thiền hành mỗi khi phải di chuyển bằng hai chân, từ phòng làm việc ra bãi gửi xe, từ phòng khách ra ngoài sân… Bạn áp dụng thiền tập trong lúc  ăn cơm, uống nước. Khi ăn, hay uống bạn chú tâm vào việc ăn, uống mà đừng để tâm lo lắng những chuyện đâu đâu. Hơi thở là một phương tiện cực kỳ quyền sảo giúp thân trở về với tâm, khi thở vào bạn biết rõ là mình đang thở vào, khi thở ra biết rõ là mình đang thở ra. Công năng của hơi thở rất lớn, Sư Ông của chúng tôi luôn dạy “hơi thở giúp chúng ta đi rất xa, có thể dẫn tới giải thoát”. Vì vậy, nắm vững hơi thở của mình trong mọi động thái của đời sống hàng ngày là một điều hết sức cần thiết nếu bạn mong muốn tu tập có kết quả. Thiền buông thư cũng là một pháp môn rất hay tôi muốn sơ lược chia sẻ với bạn. Mỗi khi bạn có căng thẳng, mệt mỏi hay đau nhức trong thân thì mong bạn trước hết trở về với hơi thở, buông bỏ mọi lo lắng, bận rộn xuống, theo dõi hơi thở làm lắng dịu tâm. Sau đó buông thư mọi cơ bắp trên thân thể, cho cơ thể được thư giãn hoàn toàn, sau ba phút, năm phút hay mười phút bạn sẽ thấy thân tâm của mình rất khoẻ khoắn. Khi đang làm việc tại công ty bạn có thể ngồi yên trên ghế thở vào thở ra và buông thư toàn thân trong vài phút. Phương pháp thực tập này có thể áp dụng trong tư thế ngồi, đứng, nằm đều được cả.

Tu tập là có kết quả ngay lập tức chứ không phải đợi tới một tương lai xa xôi. Hễ có tu là có hạnh phúc. Chỉ cần trở về với hơi thở là có bình an, lúc đang giận mà chú tâm vào hơi thở thì cơn giận sẽ giảm xuống. Khi tâm đã an tĩnh mình mới có khả năng nhìn sâu sắc vào vấn đề để thấy được nguyên nhân của những buồn vui mà kiểm soát cũng như giả quyết chúng.
Giữ gìn chánh niệm trong mỗi lời nói, hành động, suy nghĩ sẽ đem lại an lạc cho bản thân và những người xung quanh. Nếu càng tu càng thấy vui, càng thấy tình thương trong mình lớn hơn và đem niềm vui, hạnh phúc tới cho những người xung quanh thì đó là tu đúng . Còn cứ cố cắn răng ngồi thiền cho lâu tới khi xả thiền chỉ thấy cơ thể đau nhức, tâm trí bực bội và lại văng cái bực bội của mình lên người khác thì đó không phải là tu mà là hành xác.

Tại công ty xin bạn chú tâm hết lòng vào công việc. Khi ở nhà xin bạn dành trọn vẹn sự có mặt cho vợ con mà đừng nghĩ gì tới công việc, hay những chuyện không đâu.

Thường xuyên sử dụng câu cảm ơn, xin lỗi và khen ngợi người khác dù là việc nhỏ.  Vì đó là cơ hội để biểu lộ sự quan tâm tới người xung quanh. Khi gặp chuyện không vừa lòng thì bạn đừng vội lên án hay trách móc nặng lời mà nên sử dụng những câu nói giảm, nói tránh để người nghe dễ tiếp nhận. Và rồi ai gần bạn cũng cảm thấy thoải mái, an toàn, vui vẻ. Như vậy là bạn đang thực hiện hạnh nguyện của một vị bồ tát đem niềm vui tới cho mọi người.

Chúc bạn tu tập ngày càng có nhiều an lạc.