Con học không vào vì gia đình không có truyền thông

Hỏi: Hiện nay con đi học nhưng học không vô vì có nhiều những khó khăn trong việc truyền thông với gia đình. Năm nay con chỉ mới 15 tuổi, nhưng dường như con đã chịu nhiều gánh nặng của người học sinh……

Thầy Pháp Dụng chia sẻ:

Sự thực tập thiền sẽ dễ dàng hơn cho con nếu con có một gia đình tâm linh yểm trợ. Gia đình tâm linh cũng là một nơi nương tựa quan trọng như gia đình huyến thống vậy. Nhiều người nhờ biết nương tựa gia đình tâm linh mà có thể chuyển hóa dần dần những khó khăn trong tự thân và giúp đỡ được gia đình mình. Ở Hà Nội, con nên liên lạc với chùa Đình Quán để biết thêm sinh hoạt của gia đình tâm linh của con ngoài đó.

Sư Cô Lương Nghiêm chia sẻ:

Đọc câu hỏi của em, chị thấy thông cảm với em nhiều lắm. Có biết bao nhiêu người trẻ như em cũng đang chịu cùng hoàn cảnh đáng thương này. Chắc là em thương ba mẹ em lắm phải không? Chị nghĩ là vậy. Tội em quá. Những khó khăn trong sự truyền thông trong gia đình của em là những gì? Em không thể nói chuyện với ba hay mẹ hay cả hai? Chị cũng tin chắc rằng ba mẹ em đang buồn lắm bởi vì em đang rất buồn, ba mẹ là em và em là ba mẹ của em. Cha mẹ chị cũng không có hạnh phúc khi sống chung . Không có nỗi buồn nào hơn khi phải chứng kiến cảnh song thân của mình không có hạnh phúc với nhau và chị đã làm nhịp cầu cho hai người thông cảm nhau hơn. Chị cố gắng sống thật dễ thương với mọi người và có một cuộc sống lành mạnh chứa đựng nhiều tình thương, sự cảm thông và không đòi hỏi. Và cha mẹ chị đã lắng nghe chị và chuyển hóa rất nhiều. Đó là món quà quý giá nhất đối với chị. Hãy cố gắng sống một cuộc sống có ý nghĩa vì ta không phải sống cho ta và mà còn cho những người thương của ta nữa em à. Em có cảm như vậy không? Sự đổ vỡ giữa hai người là ngoài ý muốn của tất cả mọi người. Khi em cố gắng tự vươn lên để trái tim tràn đầy tình thương và sự kiên nhẫn, một tương lai tốt đẹp thì ba mẹ em sẽ cũng được như vậy.
Nếu em cố gắng tìm hiểu thêm về những nỗi đau của thế hệ trẻ hiện nay trong xã hội thì em sẽ có thêm sức mạnh tinh thần. Sự “chán nản” nếu được tưới tẩm theo ngày tháng sẽ làm cho tinh thần tự lực tự cường của mình càng hao mòn và khô cạn.
Em có đề cập đến “năng lượng bên ngoài” đã lôi kéo em, không cho em tiếp tục sự thực tập. Chỉ vì tâm trí em đang chán nản, đang không biết phải làm gì cho cuộc đời của mình, một cuộc sống không có mục đích rõ ràng. Một công án trong thiền chưa thể giúp em chuyển hóa những khó khăn mà em đang có ngay. Chị sợ rằng em chỉ có thể đè nén những đau khổ của chính mình mà thôi và có ngày chúng sẽ bùng nổ. Thay vào đó em quán chiếu về cuộc đời mình rằng sau này sẽ ra sao nếu em cứ để thả trôi theo ngày tháng, vô vọng hay sao?. Mục đích sống của em là gì? Hãy hỏi chính mình? Mình phải làm gì để ba mẹ vơi bớt nỗi buồn đau? Em còn rất trẻ, còn nhiều cơ hội làm lại từ đầu lắm, đừng bỏ phí nó em nhé. Em vẫn tiếp tục nghe những bài giảng và đọc sách của Sư Ông hàng ngày để tưới tẩm hạt giống thương yêu và hiểu biết trong em. Cuốn sách “Giận” của Sư Ông đã được in ở Việt Nam. Em nên đọc cuốn sách này bởi vì trong đó những lời dạy của Sư Ông em có thể thực tập trong đời sống hàng ngày. “Cuốn Đường Xưa Mây Trắng” cũng là một trong những cuốn sách của Sư Ông. Cuốn này nói về đời sống của Bụt và có những mẩu chuyện mà khi em đọc xong em sẽ không bao giờ quên. Những câu chuyện đó sẽ giúp em nhiều lắm mỗi khi em giận, chán hoặc buồn. Xin em hãy yên lòng vì các chị cũng đang thực tập với em đây. Đó là cách em chứng tỏ em rất quan tâm và thương ba thương mẹ và thương chính mình nữa. Chúc em thành công.

Sư Cô Chân Không chia sẻ:

Con nên đóng các cánh cửa: mắt thấy, tai nghe… để cho có bình an mà nuôi dưỡng thân tâm mình trước nhất. Đóng bằng cách nào? Đi học về con xin phép bố mẹ cho phép con lên phòng con đóng cửa lại để mà học thôi. Nếu mẹ có than thở về bố, nếu bố có nói không dễ thương về mẹ, con xin phép bố mẹ cho phép con không nghe những gì hết. Con nói: mẹ của con, con cũng thương, mà bố của con, con cũng thương. Nếu bố có thấy cái gì hay và đẹp nơi mẹ thì xin bố nói cho con nghe, mẹ cũng thế, cho con biết bố con có những điều gì hay, tài ba làm sao vì sao mà mẹ ưng bố. Còn nếu như nói lời không dễ thương về bố con, về mẹ con cho con nghe thì đau lòng con quá, con xin phép không nghe, không phải con không tin bố hay mẹ nhưng cho phép con giữ hình ảnh đẹp của bố mẹ để con còn học hành được. Con đi học về, nhất định phải đem quà về cho bố hay mẹ. Quà của con là: trước khi vào nhà con đứng thở cho khoẻ cho nhẹ, mặt buông thư, tươi mát ra và bước vào nhà, cười thật tươi: “Thưa mẹ con đi học về ạ. Mẹ cho con hôn lên trán mẹ một cái đi, mẹ cười đi. Mẹ mà cười thì thật là xinh.” Rồi con thưa mẹ có cần con nhặt rau hay dọn chén đặt bàn gì cho buổi cơm gia đình thì con làm giúp mẹ. Xong, con xin phép vào phòng hay ngồi vào góc để học bài. Bố về nhà con cũng cười tươi đi ra để mừng bố. Trong bữa ăn con xin bố mẹ đừng nói chuyện buồn, con sợ uổng công mẹ nấu nướng lắm. Mà con nuốt cũng không vô.
Sau khi “phỏng vấn” mẹ về những tánh tốt của bố (dĩ nhiên mẹ sẽ kể nhiều tội của bố thì con nói xin mẹ khoan, con chưa muốn nghe, con chưa đủ sức nghe) và “phỏng vấn” bố về những tánh tốt của mẹ và con học thuộc lòng thì hôm nào đó sau khi ăn chiều, trước mặt hai người, con nói: Bố ơi, mẹ nói với con là bố hay lắm như vầy này, như vầy này… (con cứ kể những tánh tốt của bố mà mẹ cho con biết) và con cũng làm như vây với mẹ. Rồi con nói : “Tại sao mà con may mắn thế! Con có bố quá tài ba, mẹ quá đáng yêu…” Nói xong con chạy tới ôm bố mà hôn và ôm mẹ mà hôn. Rồi con nói bố ơi bố hôn mẹ đi! Và con nói mẹ ơi, mẹ hôn bố đi! Có thể có phép lạ xảy ra đó con ạ. Gia đình con chưa quen làm thế nhưng con phải tập làm cho được. Đó là hạnh phúc của đời con. Con cố gắng nhé. Có chư Bụt, chư Bồ tát phò hộ cho con. Có quý thầy, quý sư cô Làng Mai theo dõi và gửi năng lượng cho con.