Bố ơi, làm sao Bố con mình hiểu được nhau ?

Hỏi: Từ lúc nhỏ con rất tự hào về gia đình nhưng giờ con không hiểu tại sao bố con lại trở nên đổ đốn sinh ra rượu chè. Con không biết dùng lời lẽ nào có thể khuyên bố. Mỗi ngày bố con say sỉn. Bố không chỉ say không mà còn chửi bới làng xóm làm cho làng xóm ngày càng xa cách với gia đình con.  Mẹ của con đã làm lụng vất vả khi  về nhà đã mệt mà còn phải nghe những lời mắng nhiếc của bố. Mỗi lần con về nhà con thấy tình cảnh như thế con rất buồn mà thương mẹ.

Nhiều lần con muốn tâm sự, thực sự với bố nhưng con không thể nào gần gũi với bố quá lâu. Hơn nữa,con còn điều về chính bản thân con, con không biết giờ con cần gì ở chính mình con luôn tự ti mặc cảm. Con thấy cái tôi trong con quá lớn . Con đã từng nghe các bài giảng ở các chùa nhưng dường như nó không giúp con được mấy.  Con kính xin Thầy cho con 2 lời khuyen. Làm thế nào để bố  và con có thể hiểu nhau hơn và làm thế nào con có thể thoát khỏi cái tôi quá lớn của mình?.

Trả lời:

Em quý mến!

Đọc thư em xong là chị muốn trả lời ngay, chị rất hiểu và cảm thông hoàn cảnh đang là của em. Bởi vì khi nằm trong hoàn cảnh ấy, thì tâm tư cứ bứt rứt khó chịu, đầu óc thì bận rộn bởi  những suy nghĩ, nhưng càng suy nghĩ thì hoàn cảnh thực tại của em càng thêm rối rắm.   Không biết  em đã từng bỏ thời gian ra để suy nghĩ, để nghiền ngẫm vấn đề của bố em chưa? Nhưng để đi qua vấn đề này trước hết em cùng chị thực tập dừng lại một chút đã nhé.

Em có thể đặt hai bàn tay lên bụng và cảm nhận sự phồng xẹp của bụng.

Khi thở vào bụng em phồng lên — khi thở ra bụng em xẹp xuống.

Em thở như thế ba lần,( Vào bụng  phồng lên-  Ra bụng xẹp xuống) em phải đi theo hơi thở vào và hơi thở ra để  cảm nhận sự phồng xẹp của bụng qua hai bàn tay của mình nhé! Mỗi khi chị thở sâu như thế, là lúc chị biết thương mình nhất, hay là lúc chị trở về chăm sóc cho thân tâm, mỗi khi thân khỏe thì tâm cũng nhẹ ( thân cũng là tâm và tâm cũng là thân). Và mọi suy nghĩ cũng dừng lại và thư giãn theo nhịp thở. Khi tâm khỏe nhẹ thì mình nhìn vấn đề rõ ràng hơn, khả năng chấp nhận của mình cũng cao hơn, tình thương và sự hiểu biết  lại có mặt.

Những khi tâm em thanh thản thì em nên nhìn  vấn đề của bố em, em tập đặt vấn đề. Tại sao?  Và tìm hiểu nguyên nhân nào đưa bố đến sự thay đổi như thế. Ví dụ: Bố em là người đang bất mãn bởi công sở làm việc, bất mãn bạn bè, vấn đề kinh tế của gia đình hay do chơi với bạn xấu rồi tiêm nhiễm… Em có thể liệt kê ra tất cả những nguyên nhân mà em thấy, nếu được em cũng có thể hỏi mẹ và mẹ sẽ giúp em. Chỉ cần viết xuống và thấy những nguyên nhân là em đã thấy thương bố rồi.

Khi mình thương một ai đó thì mình sẽ bất chấp hoàn cảnh. Dù người đó có ra sao, thì mình cũng sẽ tìm cách giúp người ấy vượt qua những khó khăn đang là và cải thiện lại đời sống bế tắc của người ấy. Nếu như em không tìm thấy được nguyên nhân và không chấp nhận nguyên nhân thì em thử nghĩ: nếu bây giờ bố em mất đi em có đau khổ không?

Đó là cách mà chị thường áp dụng mỗi khi có vấn đề lớn với ai,  khi ấy chị sẽ dễ tha thứ, bao dung và chấp nhận. Chị rất hiểu và cảm thông với em về việc khó đến và không nói chuyện lâu được với bố. Bởi vì ai cũng thích gần những người vui vẻ tươi mát dễ thương hơn là một người say xỉn, chưởi mắng và khó chịu. Nhưng mình phải làm thôi em à, (vì bố mình là mình). Bố em khổ thì em cũng khổ, mẹ và cả gia đình đều khổ.

Khi có dịp thuận lợi em nên lân mẫn kề cận, quan tâm chăm sóc  hỏi han và kể chuyện  của em cho bố nghe. Chị nghĩ bố em sẽ vui lắm, thực ra thì bố em là người rất cô đơn không thể chia sẻ được nổi lòng của mình cho ai hết nên mới lâm vào hoàn cảnh rượu chè, hay có nhiều nổi bức xúc mà sinh ra chưởi bới làng xóm hay mẹ em …Một người như thế thật là đáng thương em ạ!

Bố em rất cần tình thương, cần sự quan tâm và lắng nghe, nếu em thực sự muốn giúp bố đi ra những bế tắc này thì em phải cố gắng thực tập thôi. Em nên hỏi thăm bố, lắng nghe được những tâm sự của bố thì bố em cảm được có người hiểu  mình thương mình. Chỉ cần hiểu thôi là bao nhiêu tình trạng khó khăn bế tắc được giải quyết.

Cuộc sống vốn có nhiều khổ đau nhưng cũng không ít sự mầu nhiệm, em chỉ cần nhận diện và công nhận những điểm đẹp, điểm hay nơi bố em, những điểm mà  bố đã làm cho em và gia đình. Em chỉ nói như thế thôi là bố em đã có thể nở ra như một bông hoa rồi.Vì ngày trước em rất tự hào về gia đình, thì  bố em đã có một thời sống rất đẹp. Em chỉ cần tưới tẩm lại hạt giống đẹp đẽ ấy nơi bố, để bố có thể nhận ra ngày trước mình đã sống hữu ích như thế nào, và hiểu được sao ngày nay mình lại thay đổi nhiều như thế.  Chỉ cần làm chừng ấy việc thôi là em đã thay đổi được bố em rồi.

Em à, nếu em muốn  thành công thì trước tiên em phải trở về làm mới người bố trong em trước. Mỗi khi người bố trong em có sự hài hòa, mỗi khi nhắc về bố là em thấy thương thôi mà không có một phản ứng nào thì lúc ấy em nói chuyện với người bố bên ngoài dễ dàng hơn.

Em cần có thời gian chuẩn bị và thực tập trước nhiều lần thì sự thành công sẽ cao hơn. Như em tập làm lắng dịu tâm hành, bằng cách :Trở về theo dỏi hơi thở, chỉ thở thôi thì tự động dừng được sự suy nghĩ, em cũng có thể để tâm ý vào mỗi bước chân của mình, em tập chỉ để ý đến sự chuyển động lên xuống của hai chân thôi. Mỗi bước chân như hôn vào đất mẹ, để đất mẹ truyền thêm năng lượng thương yêu cho em. Những bước chân tỉnh thức ấy được gọi là thiền hành em có thể tham khảo thêm trong tàng kinh các. Vậy tới đây chị cũng đã trả lời được cho em rằng, muốn hai bố con hiểu nhau hơn thì em phải hiểu được em hơn.

Còn cái tôi quá lớn kia cũng do sự mặc cảm, tự ti, sự tự hào của em hay bị bệnh sĩ diện, mình thường có thói quen: Xấu thì che tốt thì khoe. Và ít sống thực được với chính mình.

Khi nghe em chia sẻ  về cái tôi quá lớn ấy, thì nó cũng là một tâm hành và chị cũng từng có những tâm hành như thế, mình không muốn ai biết về gia cảnh khó khăn của mình,  mình chỉ thích nói: tôi có một người cha rất tuyệt vời, cha em là  giám đốc, mẹ em là bác sĩ…

Mình quên đi những cái đẹp rất giản dị, bình dân mà vô cùng quý giá. Như mỗi sáng mẹ đi ra đồng, ba em làm thợ mộc, mẹ em đi cấy lúa,… những hình ảnh rất thi ca, rất đẹp mà người nông dân Việt Nam đã làm nên một kho tàng văn thơ vô giá. Điều đó quá dễ thương em nhỉ, vậy mà mọi người lại lãng quên. Trong cuộc sống thì bị chi phối bởi sự  tiêu thụ thiếu chánh niệm, và có nhiều thứ mình mua về mà không bao giờ dùng tới. Có chăng thì chỉ một hai lần… Rồi không gian trong nhà trở thành một cái kho chứa đồ.

Xã hội bây giờ đa phần những người trẻ cho rằng nhưng văn hóa ngày xưa là xa lạ, là quê mùa. Họ nghĩ những thứ đem đến hạnh phúc cho họ là địa vị, tiền tài và sắc dục… nhưng ngược lại những thứ ấy nó mang đến cho nhiều gia đình không ít khổ đau. Có những gia đình ly tán cũng vì mọi người không có mặt cho nhau chỉ lo nghĩ tìm kiếm một chức vị, hay tìm cách hái ra tiền nhanh nhất.Tệ nạn quán xá nhậu nhẹt mở ra khắp nơi… Từ từ rồi nền tảng đạo đức càng ngày càng bị rũ mục, mang đến nhiều tai nạn và khổ đau cho con người. Tình trạng đổ vỡ gia đình ngày càng nhiều. Tuổi trẻ lớn lên mất phương hướng, không biết nương vào đâu để mà tin cậy. Nếu em thấy được những điều như thế thì có gì để cho mình đáng tự hào. Em chỉ cần sống cho có hạnh phúc, biết tha thứ và bao dung đó là những điều kiện thiết yếu, sau là làm việc cho lương thiện, về nhà thì biết thương yêu  giúp đỡ bố mẹ. Làm được như thế là em đã có hướng đi trong cuộc đời rồi. Nhưng tốt nhất em cần có một nhóm bạn cùng thực tập chung để nâng đỡ nhau, hay em tìm tới một tăng thân địa phương mà sinh hoạt để cùng nhau chia sẻ những băn khoăn, những khó khăn mà mình đang gặp phải.

Vậy để vượt qua được những tâm hành ấy em  cần có sự can đảm, dám đối diện với sự thật. Và có lòng tha thứ bao dung với những người có lỗi lầm, bởi vì ai trong cuộc đời mà không một lần lầm lỡ, lên xuống và bức xúc hả em.

Em à! Em còn trẻ lắm, chị tin là em có thể làm được và vượt qua được những chặng đường gồ ghề, những chặng đường ấy sẽ dạy cho em nhiều bài học và nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống. Chúc em thành công.

Quý mến và tin tưởng

chị BBT.