Bạn ấy mắng nhiếc, nguyền rủa con

Hỏi: Con có một người bạn (cùng giới), lúc mới tiếp xúc thì con không hề có gì đề phòng, dè dặt gì cả, con xem bạn ấy như là chị em, đối xử thoải mái, rất nhiều khi tỏ ra thân thiện… Nhưng một ngày đó, bạn con có một chút không vui nên không những đã nguyền rủa mắng nhiếc con, mà những gì con sơ hở, hoặc bạn ấy không đồng ý, bất bình từ lâu bỗng nhiên trở thành những thứ công cụ sắc bén nhất để tấn công, chửi bới con.
Theo tinh thần xây dựng tình anh em huynh đệ như Sư Ông đã giảng, thì con nên tiếp tục qua lại với bạn đó. Nhưng nếu qua lại, con thì sẵn sàng bỏ qua tha thứ, mà bạn ấy thì lại cứ tiếp tục cái thói “bới lông tìm vết”. Nếu như vậy thì con phải làm sao?

Sư cô Chân Không chia sẻ:

Con phải bình tĩnh nhìn kỹ lại xem, trong thời gian qua lại gần đây nhất, con có vụng về nào không? Khi con ngồi yên hồi tưởng lại, con sẽ thấy ‘hình như mình cũng có đụng chạm sơ sơ.’ Không hề gì, có thể con chỉ trách bạn chút xíu thôi. Nhưng… có thể con trách nhẹ bạn ấy trước mặt một người thứ ba, người thứ ba đó có thể là người mà bạn con đã gắn tạo một hình ảnh đẹp để làm cho người kia phục bạn. Không ngờ con nhắc bạn không đúng lúc, không đúng địa điểm, bạn con bị quê trước mặt người kia nên mới giận dữ vậy. Vì con không nói rõ nên đây sư cô chỉ đoán lờ mờ thôi. Còn chuyện “vạch lá tìm sâu”, theo sư cô nghĩ là như vầy: Ban đầu con nói năng hay hành xử gì đó hơi vụng về một lần đầu, hơi chạm tự ái bạn, bạn ấy hơi tổn thương nhưng tình bạn còn vui nên bỏ qua. Lần thứ hai con lại vụng về làm bạn tổn thương, nhẹ thôi, nhưng cũng đau. Bạn lại bỏ qua. Năm sáu lần nho nhỏ thôi, nó chồng chất thành một khối quạu, bực, to như cục lửa. Lần chót con cũng vụng về, nho nhỏ thôi… nhưng đã nhiều lần rồi, bạn chịu hết nổi, bạn lôi ra kể tội một lô thật dài để trách. Trong tình bạn, hay tình yêu, hay tình cha con, tình mẹ con cũng vậy, xa nhau thì nhớ thương nhưng gần nhau thì lờn, không quý lắm. Cái cây tình bạn hay tình yêu sẽ héo mòn và sẽ chia tay thôi. Người có tu học theo Sư Ông Làng Mai dạy là mình ráng tập làm mới tình thương của mình với người mà mình trân quý mỗi tuần một lần. Muốn học về Pháp môn Làm Mới của Làng Mai phải lắng nghe quý thầy hay quý sư cô diễn giải, đề nghị nguyên một buổi trình bày, rất là tỉ mỉ. Hay lắm, nhưng đại cương là :
1/ Tập nói lời trân quý nhau.Trân quý thiệt, khen vì người đó có điểm này, điểm này khiến mình rất cảm kích. Nhưng nhớ: phải là điều trân quý thật, không được nói nịnh, nói lời không chân thật.
2/ Nói lời xin lỗi về vụng về của mình. Nếu trong thời gian qua, mình có vụng về có thể làm cho người kia buồn thì mình xin lỗi. Có thể mình vô tình làm cho người kia buồn mà mình không hề biết, mình xin người kia nói ra và bỏ qua cho mình. Nhưng mình chỉ xin người đó nói ra cái vụng về của mình một cách dễ thương, biết điều và hòa ái chứ đừng “vạch lá tìm sâu một cách cay cú khiến mình quá đau”.
3/Nói thật những gì người kia đã vụng về làm cho mình quá đau nhưng không lên án, phê bình. Chỉ nói rằng mình đau, mình không hiểu vì sao người kia lại hành xử như vậy, nói năng như vậy. Chắc có lý do gì nó nằm phía bên kia của sự việc mà mình chưa rõ. Mình muốn người kia chia sẻ cái lý do đó để mình học thêm.
Con nên nhớ : Phần đông ai cũng thế, khi mà ai vụng về, lỡ nói gì khiến mình đau, mình nhớ hoài. Nhưng khi mình vụng về làm cho người khác đau mình ít khi để ý lắm, lại dễ quên nữa chứ. Có thể con rất bộc trực, sống hết lòng với mọi người nhưng cũng khá vụng về, thỉnh thoảng có làm người nầy đau người kia đau mà họ không nói ra. Sư Cô cũng vậy đó con ạ, không có giỏi hơn con đâu. Chỉ giỏi hơn là khi nhớ lại lỗi mình thì đi xin lỗi liền và không tự ái mặc cảm gì hết.
Sư Cô chỉ bày cho con cách quán chiếu như trên và sau khi nhìn sâu như sư cô đề nghị thì tùy con quyết định nên tiếp tục chơi với bạn đó hay không. Sống kề người đó tại chỗ con biết rõ hơn sư cô. Nếu quán chiếu mà thấy lỗi phần con thì con chơi lại với bạn và nhớ làm mới tình bạn mỗi tuần theo tuần tự 3 giai đoạn như sư cô đề nghị. Nhưng nếu quả thật bạn đó có nhiều tập khí khó khăn quá thì con nên giữ một khoảng cách để che chở cho con không bị hụt hẫng khi cách hành xử của bạn vượt quá tầm tay hiểu biết của con. Chúc con nhiều may mắn!