Khi lá xanh lìa cành

Câu hỏi:

Gần đây, chồng con đột ngột qua đời trong một tai nạn giao thông. Con còn hai đứa con trai nhỏ. Con giận cuộc đời đã không công bằng với chồng con, một người hiền lành, hay làm việc thiện. Con giận chồng đã không cẩn thận để tai nạn xảy ra. Con không thể đi ra khỏi khổ đau, sân hận và bị mất niềm tin vào cuộc sống. Con nghĩ con cần đi dự khóa tu ở Làng Mai.

Con đã cố gắng lãng tránh đau khổ nhưng con biết đó không phải là giải pháp. Con vẫn đi làm nhưng có nhiều lúc không kiểm soát được mình và để cơn giận bộc phát. Xin hãy giúp con.

Thầy Pháp Thuyên trả lời:

Chị thân mến,

Ít ai nghĩ đến việc cái chết sẽ xảy ra với một người trẻ. Nhất là khi người ấy hiền lành, tốt bụng, lại chính là người thân thương sống bên cạnh mình thì càng khó chấp nhận hơn. BBT xin được chia sẻ nổi đau cũng như gởi đến chị đôi lời khích lệ tinh thần. Mong rằng chị sớm lấy lại thăng bằng để còn chăm lo tốt cho hai đứa con thơ. Các cháu còn nhỏ và cũng đang mất cha, mất đi một chỗ dựa tinh thần, đừng để các cháu thiếu thốn thêm tình thương nơi người mẹ mà tội nghiệp.

Tạm thời, tình yêu thương đối với người chồng đã mất chị nên chuyển sang hết cho hai đứa con, dạy dỗ hết lòng và để tâm học hỏi giáo lý mà tu tập. Đó chính là chỗ dựa tinh thần và là nguồn sức mạnh sẽ giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn này. Một bước ngoặc hay một cú sốc trong đời có thể giúp mình thức tỉnh để đón nhận một thông điệp quan trọng nào đó chứ không hẳn hoàn toàn là tiêu cực hay vô nghĩa, vì vậy mà chị cũng đừng quá sầu đau.

Thời của Bụt có một câu chuyện được ghi lại như sau: Một hôm có một người góa phụ khóc lóc thảm thiết xin được gặp và cầu Bụt cứu giúp. Bà bồng trên tay đứa con thơ duy nhất của mình đã chết, mong Bụt làm cho nó sống lại, nếu không được thì bà cũng không còn tha thiết muốn sống nữa. Bụt nhìn bà đầy thương cảm rồi bảo sẽ giúp đứa bé sống lại với điều kiện là bà phải đi tìm và dẫn đến một người mà trong gia đình chưa từng có người thân nào chết. Mừng rỡ vì được Bụt hứa khả nên bà lập tức lên đường hỏi thăm.

Nhưng càng gõ cửa thì bà lại càng thất vọng, vì ai ai cũng lắc đầu bảo rằng họ đều có ít nhất một người thân đã mất. Thất thểu trở về gặp Bụt, bà kể lại sự tình. Bụt dạy bà sự sống là vô thường, mình không thể nào nắm bắt được. Ngay cả chính hình hài của mình một ngày kia rồi cũng sẽ già nua, bệnh tật và chết. Bà nghe xong bỗng nhiên tỉnh ngộ, dứt trừ được khổ đau.

Chị thân mến! Có một bài kinh mà quý thầy cũng như quý sư cô thường đọc tụng để luôn thắp sáng ý thức về vô thường. “Tôi thế nào cũng phải già, tôi không thể nào tránh thoát được cái già. Tôi thế nào cũng phải bệnh, tôi không thể nào tránh thoát được cái bệnh. Tôi thế nào cũng phải chết, tôi không thể nào tránh thoát được cái chết. Một mai này tôi phải lìa xa những gì thân yêu nhất.” Trong từng giây, từng phút, cái chết đang diễn ra ở khắp mọi nơi, với mọi lứa tuổi và nguyên nhân khác nhau. Nhưng thường thường chúng ta đã không ý thức về điều ấy nên khi sự việc xảy đến, tâm mình không thể nào chấp nhận được.

Suy nghĩ mông lung, giận dữ, buồn chán, tuyệt vọng… chỉ là chuỗi tiến trình tâm lý thường tình của khổ đau, hãy ý thức về nó nhưng đừng đi theo nó hay suy nghĩ thêm điều này điều nọ. Thay vào đó chị nên tập trung để ý đến hơi thở vào, hơi thở ra để trở về phút giây hiện tại, tỉnh thức với mọi thứ đang xảy ra trong chị và chung quanh chị. Chị có thể nhìn vào những bông hoa tươi đẹp trước mặt hay phóng tầm mắt ra xa, nhìn lên bầu trời với không gian mênh mông để lái mình trở về với thực tại. Khi một người xem những thước phim quá khổ đau thì sẽ thấy lòng nặng nề, nhưng khi ra khỏi rạp chiếu bóng thì người ấy thấy bầu trời vẫn trong xanh, ánh nắng vẫn ấm áp, chan hòa. Cảm xúc người đó đã được thay đổi. Giải pháp này xem như tạm thời để chị đừng quá chìm đắm vào những cảm xúc tiêu cực. Càng thực tập sâu sắc về hơi thở, buông thư thân tâm cho có bình an thì chị sẽ thấy được nhiều điều hơn.

Bên cạnh đó chị nên tìm các nguồn tư liệu hay pháp thoại để học hỏi tu tập thêm. Quyển sách Không Sinh Không Diệt, Đừng Sợ Hãi của Thầy Làng Mai đã được xuất bản ở Việt Nam có thể giúp được chị phần nào trong việc nhìn nhận về cái chết. Chị có thể liên hệ chùa Pháp Vân, số 1 Lê Thúc Hoạch, Bình Tân, Tp. HCM để biết thêm thông tin các khóa tu học ở tại đó hoặc ở Thái Lan. Cầu chúc chị sớm vượt qua khó khăn, lấy lại thăng bằng và niềm vui trong cuộc sống.

Thân mến chào chị

 

Một sư cô Làng Mai trả lời:

Em thân mến,

Sáng nay chị thức dậy sớm để trả lời thư em. Xin lỗi vì để em chờ hơi lâu. Tuy không trả lời em ngay nhưng câu hỏi của em vẫn thường là đề tài quán chiếu của chị.

Em à, chị biết tai nạn xảy ra là một điều bất hạnh cho em và hai cháu. Chị cảm được nỗi đau của em. Bởi vì ngay chính trong gia đình chị cũng từng có người thân mất vì tai nạn do sự bất cẩn của người khác. Em biết không, lúc ấy chị chưa biết thực tập pháp môn nên rất khổ, chị cũng đi qua giai đoạn trách móc, giận số phận không công bằng và đã khóc rất nhiều. Khi ấy chị chưa biết quay trở về với hơi thở chánh niệm, đi thiền hành hoặc ngồi thiền nên rất là mệt trong một khoảng thời gian dài. Lại bị ám ảnh về cái chết nên chị đã bị trầm cảm. Tuy nhiên sau này khi đã biết đến pháp môn, chị tập nhìn sâu, quán chiếu và vết thương đó của chị đã được chữa lành.

Còn em, rất may là em đã biết thực tập, dù em vẫn còn bị những cảm xúc mạnh trấn ngự, nhưng chị tin là dần dần em sẽ đi ra, em sẽ chuyển bùn thành sen như Sư Ông thường dạy. Em nên cho mình một chút thời gian, vì tai nạn mới xảy ra đây thôi, còn rất là mới, vết thương nào cũng cần thời gian để được chữa lành. Hiện giờ em buồn giận, trách móc, lo phiền, tất cả những cái đó rất  tự nhiên. Làm sao mà không buồn giận, lo phiền, trách móc được hở em. Trước đây em có hai người, bây giờ chỉ còn mình em. Em phải lo cho hai con, vẫn phải tiếp tục làm việc, trông nom mọi việc. Đương nhiên là em sẽ thấy rất cô đơn khi không có ai để cùng bàn bạc, cùng chia sẻ những lo toan. Đó là chưa kể những mất mát về tình cảm vợ chồng.

Chị thấy em rất dũng cảm. Dù đang đi qua tất cả những cái đó, em vẫn đi làm, vẫn lo cho hai con, vẫn biết tìm cho mình một hướng đi lành. Và điều quan trọng hơn hết là em không muốn bị chết cứng trong hoàn cảnh, em ý thức được cơn giận của mình bộc phát từ sự cô đơn, tuyệt vọng vì hoàn cảnh của em mà không đổ thừa cho công việc hay cho bạn đồng nghiệp. Chị cũng thấy em rất sáng suốt cho nên chị tin rằng em sẽ đi qua rất nhanh. Em có nhiều bùn để chuyển hóa như vậy, chắc chắn sau này em sẽ gặt hái được những đóa sen rất to, đẹp và thơm ngát nếu em quyết tâm thực tập trong mỗi giây mỗi phút của cuộc sống hàng ngày.

Nghe em nói chồng em là một người hiền lành, biết làm việc thiện, chị chắc hai em đã có một cuộc sống khá hạnh phúc cùng hai con, có đúng không ? Vì thế tuy cuộc sống chung đó ngắn ngủi nhưng lại rất xứng đáng, bởi vì có những người sống chung với nhau suốt cuộc đời nhưng họ luôn hục hặc, gây gỗ và làm khổ nhau, vậy mà vẫn không bỏ nhau được. Còn em, dù anh ấy phải ra đi sớm như vậy, nhưng anh ấy đã để lại cho em một kỷ niệm rất đẹp về cuộc sống vợ chồng. Sư Ông hay dạy những người bị bệnh nan y là dù cuộc sống của mình tuy ngắn thật, nhưng mình sống mỗi giây mỗi phút cho thật đầy, không phí hoài giây phút nào hết thì dù cho cuộc sống của mình có ngắn hơn người khác mình cũng vẫn thấy rất xứng đáng. Chị mong em có thể nhìn lại quãng thời gian sống với chồng và cảm thấy mình đã may mắn vô cùng khi có được một người chồng dễ thương, hiền và có tâm lành như anh ấy. Em có thể tự nhủ rằng: “Tuy ngắn ngủi nhưng rất là xứng đáng”.

Bây giờ chắc mỗi ngày em vẫn phải lái xe đưa hai cháu đi học, đi làm hay đi chợ. Em có đồng ý với chị là xe cộ ở bên mình đi rất vô trật tự, dù mình có cẩn thận đến mấy, người ta chạy ẩu thì mình vẫn bị họa như thường. Khi đi đường em sẽ thấy luật tương tức rất rõ ràng. Thế nhưng xung quanh ta có bao nhiêu người có ý thức về tương tức? Phần lớn ai ra đường cũng len lỏi, cũng chen lấn để xe mình vượt lên phía trước, ít ai nghĩ đến an nguy của người khác. Họ chưa chắc đã nghĩ đến an nguy của chính họ, nói gì nghĩ đến người khác. Tuy vậy, mình cũng không trách họ được, bởi vì họ đã sống, lớn lên và được đào luyện trong một môi trường như thế. Ngay chính chúng ta cũng vậy, rất nhiều khi ta quên tinh thần “thương người như thể thương thân”, có đúng không em? Mình là mọi người và mọi người chính là mình bởi vì chỉ cần một người bất cẩn là những người khác sẽ bị ảnh hưởng ngay.  Vi thế sự cẩn thận của mình không chỉ giúp cho mình mà còn giúp cho tất cả những người đi đường nữa.

Em à, hai cháu là kết quả của tình thương giữa em và anh ấy, em trân quý, tiếc thương anh ấy thì em càng cần có mặt cho hai con, bởi vì hai con chính là anh ấy, chính là em. Hai con là sự hiện hữu rất thật của anh ấy. Tuy nhiên trước khi em có mặt cho hai con, em cần chăm sóc cho chính mình trước. Chăm sóc chính em chính là chăm sóc cho hai con.

Chị mong rằng em có thể nương tựa vào hơi thở để tự chăm sóc cho mình. Hơi thở của em thật sự thân thiết, thân thiết với em hơn tất cả. Thực tế là không có anh ấy, không có hai con, em sẽ đau khổ cực kỳ, nhưng em vẫn có thể sống được, còn nếu không có hơi thở thì em sẽ không thể sống được dù chỉ là một giây một phút. Hơi thở rất là quý giá, bất cứ lúc nào em cần, em cũng có thể nương tựa được. Khi em cần giúp đỡ lúc nửa đêm hay lúc cô đơn nhất, lúc bạn bè vắng mặt, lúc chồng con không giúp được, không đến được, gọi đến hơi thở là em sẽ được đáp ứng ngay. Hơi thở là một người bạn trung kiên nhất của ta đó em ạ. Thực tập này trong đạo Bụt gọi là nương tựa hải đảo tự thân. Một người sống vững vàng và vui tươi là một người biết nương tựa hải đảo tự thân đó em. Dĩ nhiên là mình vẫn cần nương tựa người thương, bạn bè, nhưng mình phải học cách nương tựa vào mình là chính, để khi những cái kia không có thì mình vẫn có thể tự mình vượt qua khó khăn mà không bị đau khổ nhận chìm.

Khi nào tâm trách móc giận hờn nổi lên, em nhận diện nó và quay trở về hơi thở em nhé.

Thở vào tôi biết tôi đang thở vào

Thở ra tôi biết tôi đang thở ra

Hay

Thở vào một hơi ngắn tôi biết đó là một hơi thở ngắn

Thở ra một hơi ngắn, tôi biết đó là một hơi thở ngắn

Thở vào một hơi dài, tôi biết đó là một hơi thở dài

Thở ra một hơi dài, tôi biết đó là một hơi thở dài

Tập thở như vậy thật miên mật, ngay cả lúc em đi, làm việc, ăn cơm, mặc áo…, sau một thời gian em sẽ thấy tâm mình bình lặng lại và em sẽ từ từ làm chủ được mình mà không để cơn giận bộc phát nữa.

Chị nghĩ em có thể đến Làng tu tập, nhưng đến làng không thôi vẫn chưa đủ. Em cần phải mang làng Mai về nhà bằng cách: thực tập chánh niệm trong mỗi nơi mỗi lúc trong cuộc sống hàng ngày, trong khi đi đứng nằm ngồi làm việc; bằng cách trở về hơi thở ý thức để điều phục cảm xúc và nuôi dưỡng hạnh phúc, nhận diện những điều kiện hạnh phúc khác trong cuộc sống của mình. Như thế em mới có thể vun trồng được những đóa sen từ bùn lầy đau khổ của mình. Chị tin là em có thể làm được.

Em có thể tham khảo thêm các kết nối này để biết mang thực tập chánh niệm vào cuộc sống :

http://langmai.org/thien-duong/thien-tap-cho-nguoi-ban-ron

http://langmai.org/thien-duong/hanh-phuc-la-con-duong

Chị tin là anh ấy vẫn còn ở cạnh em, vẫn đang yểm trợ cho em, dù không ở trong hình hài mà em từng biết. Miễn là em biết cách nhận ra anh ấy, miễn là em biết lắng tâm, có đủ bình an em sẽ nhận ra anh ấy trong nhiều hình thái. Giống như mình đang thương tiếc đám mây vì không thấy nó trên trời nữa, nhưng cơn mưa đang gọi mình « tôi đây, tôi là đám mây đây, bạn không thấy hay sao mà lại đau buồn ». Đám mây bây giờ là một cơn mưa đang rơi xuống tưới tẩm ruộng vườn.

Chị mong em học cách nhận diện những hạnh phúc có sẵn trong em, và chung quanh em. Em phải cho phép em tìm niềm vui trong sự tu tập, cho phép mình cười, cho phép mình thư giãn. Giống như khi một người đang bịnh nặng, đang cần được giải phẫu. Bác sĩ phải bồi dưỡng người đó trước bằng cách cho uống thuốc bổ để họ đủ sức đối đầu với cuộc phẫu thuật, nếu không người sẽ chết trên bàn mổ vì quá yếu sức. Em cũng vậy, hiện giờ em đau khổ, em cần phải được bồi dưỡng chứ không nên giải phẫu khổ đau ngay. Em cần thực tập thở, tập cười, tập buông thư và lấy lại sức, rồi khi nào em có đủ bình an, tươi mát khi ấy em có thể mời đau khổ lên để đối diện với nó. Cần nhất là em không nên để cho mặc cảm chiếm ngự, không nên nói là “anh ấy mới mất, làm sao mà mình có thể vui được, như vậy là có lỗi với anh ấy” Trong tinh thần tương tức, sự bình an, vững chãi và tươi mát của em chính là sự bình an vững chãi và tươi mát của anh ấy và các con.

Em cũng có thể thực tập 3 cái lạy mỗi ngày để thấy anh ấy với em và các con là một (và là một với nhiều cái khác nữa). Em thực tập lạy như thế một thời gian em sẽ thấy cái vui, cái bình an của em là cái vui, cái bình an của anh ấy và của các con. Em có trách nhiệm và nghĩa vụ trong việc thực tập để có được cái vui và cái bình an đó. Cho em, và cho những người em thương. Em có thể in 3 cái lạy ra rồi tự đọc và lạy xuống, trong khi lạy xuống em quán chiếu thêm về những gì vừa mới đọc và soi rọi nó vào trong hoàn cảnh của mình.

Thương chúc em thực tập thành công trong việc nương tựa hải đảo tự thân và tìm lại được niềm tin, niềm vui trong cuộc sống, làm nơi nương tựa cho chính mình và cho các con.

Thương quý và tin cậy.