Làm sao để hiểu và để giúp con trai tuổi đang lớn

Kính gởi Sư Ông Thích Nhất Hạnh và quý thầy, sư cô Làng Mai

Đây là lần đầu con email đến quý thầy và quý cô mong có sự giúp con qua cơn khó khăn này.

Trước hết, con xin được nói một chút về gia cảnh của con. Con tên là Phượng, hiện đang sống ở Florida với hai cháu trai, tuổi và mười hai tuổi. Gia đình con ly dị cách đây tám năm. Con kính mong quý thầy, quý cô giúp con trong việc giáo dục con cái trong giai đoạn thiếu niên (teenage) .

Tình trạng của Trí hiện giờ là nó rất dễ có những xung đột với mọi người quanh và người nhiều nhất là mẹ của Trí. Trí trở nên hỗn láo với con rất nhiều lần, và việc học rất sa sút. Con không biết mình phải làm gì? Có ai đó có thể cứu giúp con với? Con không biết Thầy có cuốn CD nào hay là sách nói về cách dạy và nói chuyện với tuổi mười sáu. Tuổi của con trai con hay không ? Làm sao con nhận được ?

 

Thầy Pháp Toại chia sẻ:

 

 

Chị Phượng thân mến!

Ở đây quý thầy, quý sư cô đồng cảm nỗi khó khăn, vất vả trong việc giáo dục con ở lứa tuổi thiếu niên (teenage) của chị. Ngoài đời, người ta đặt nặng việc giáo dục là phải thành công theo ý muốn của cha mẹ, theo khuôn khổ, ước lệ nào đó thì được gọi con có hiếu.

Ví dụ: như con phải học giỏi, vâng lời, sau này thành đạt một số công việc nào đó trong cuộc sống, có tiền  nuôi ba mẹ, phụng dưỡng lúc già thì gọi là con có hiếu. Có phải vậy không? Hoặc có những gia đình giáo dục bằng cách: “Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho ngào”. Cách đó nó chỉ đúng chừng mực nào đó thôi chứ dùng roi mà bạo động, lời nói bạo động là thất bại. Làm cho người con tổn thương và ảnh hưởng năng lượng không tốt. Sau này người con tiếp tục hành xử như vậy với các thế hệ sau.

Đối với đạo bụt thì cách giáo dục khác xa, làm sao đạt được hiểu và thương bằng phương pháp bất báo động. Chị phải thấy rằng chị và con là một, vì chị khổ đau thì con lãnh đủ, phải không?  Con nghịch ngợm chị lãnh đủ, phải không?  Biết được điều này, ta chỉ thương mà không hờn giận trách móc, đỗ lỗi hay là phán xét… Chị thương con chính là thương mình. Nếu khi trong tâm còn sự bực bội, giận hờn thì hãy nhớ trở về lời Bụt dạy, nhận diện tập khí đó, rồi nhờ nương vào hơi thở vào – ra. Thở vào biết tôi đang giận, thở ra mỉm cười. Gọi là nắm tập khí mà chuyển  hóa: Thực tập theo kinh QNHT.

Khi nào thân tâm lắng dịu tập khí được chuyển hóa, chị chưa dạy con mà cảm thấy nhẹ nhàng hạnh phúc thì con sẽ hạnh phúc mặc dù chị chưa dạy gì hết. Còn chị đang giận mà dạy con tức là chị đang truyền năng lượng bạo động, người con lãnh đủ và chị cũng lãnh đủ. Đây là quy luật tương tức. Không những đối với con chị mà đối với mọi loài mọi vật chị cũng phải hành xử như vậy.

Giả sử chị dạy con hết lòng, hết sức từ ái, nhẹ nhàng mà con chứng đâu tật đó thì chị vẫn hạnh phúc như thường. Tức là mình đã làm hết phương pháp: mạnh có, nhẹ có, tâm sự có… nếu người con có xảy ra chuyện gì đáng tiếc thì mình cũng không ân hận vì đã hết lòng. Cái chính yếu mình đã thành công trao truyền cho con cái năng lượng của hiểu và thương.

Chăm sóc con như chăm sóc cây cảnh. Nó là một nghệ thuật, người nghệ nhân biết uốn lúc nào, tỉa cành lúc nào, bón phân lúc nào cần để thời gian quán chiếu, học kỷ thuật về chăm sóc cây. Trải qua thời gian và quá trình chăm sóc rất công phu mới đạt thành quả. Ở đây chăm con cũng vậy, trải qua quá trình rất công phu và chị xem như quá trình chăm sóc cây cảnh vậy. Thậm chí chăm con còn khó hơn bởi vì chăm cây, cây nó không phản ứng nhưng chăm người không vừa ý lại phản ứng.

Kết quả hai công trình như nhau, đều là nghệ thuật cả và chị phải biết tạo cho mình cảm hứng, thưởng thức thành quả trong lúc chăm. Chị nghĩ như mình đang chăm bộ áo quần đẹp để đi ăn đám cưới, sinh nhật vậy. Ngoài ra chị phải biết quán chiếu xem có thể do nghiệp lực người con, khi ra đời mỗi người có nghiệp duyên khác nhau. Chị nhìn xem có phải những hạt giống của người con từ ba mẹ, ông bà, tổ tiên truyền lại không, do môi trường xã hội mà em tiếp cận không, lối giáo dục của nhà trường không? Những thứ đó hun đúc nên tính cách của em phải không? Nếu mình hiểu rõ các nguyên nhân trên làm nên con người của XH thời bây giờ thì chị chỉ biết  thương và tìm lối thoát cho mình và cho con. Chúng ta đều là nạn nhân của vô minh của guồng máy xã hội văn minh, kỳ thực có quá nhiều áp lực và báo động.

Giải thoát cho chị và cho con chị bằng cách thực tập theo lời Bụt dạy qua cách sống của chị, gieo những hạt giống tốt cho người con. Tiếp nối tưới tẩm hạt giống đẹp từ ông bà tổ tiên, nơi chị truyền lại qua cách thực tập lời nói ái ngữ, hành động dễ thương ân cần, những đức tính tốt như cần cù, kiên nhẫn, tha thứ, bao dung… công nhận những tài năng của người con. Từ từ người con sẽ tiếp nhận những hạt giống tốt, thấy được công nhận, sẽ nở ra bông hoa cúng dường ngược trở lại. Chị phải có niềm tin ở đạo bụt đó là giáo lý tương tức. Chị đừng bao giờ nghĩ là thất bại, bế tắc… có đi ắt là có đến. Nhưng một điều chị đừng đòi hỏi kết quả như mình đặt ra, đó là mắc bệnh ảo tưởng. Mới làm một mà đòi mười thì làm sao được.

Thực tập theo phương pháp Bụt dạy chọn thức ăn lành mạnh, thương yêu hiểu biết cho mình và cho con. Không nên tưới hạt giống thèm khát, những hạt giống báo động, ủy mị, sầu đau như trong phim ảnh, truyền hình sách báo… những hạt giống này tăng thêm chất liệu khổ đau, sợ hãi và báo động, hận thù. Cho người con ăn những thức ăn mới như pháp thoại của sư ông, nhạc thiền ca, tụng kinh vu lan, kinh sám hối, sám pháp địa xúc…Chị lên trang nhà Làng Mai cung cấp đầy đủ các tài liệu này.

Thực tập như lý tác ý: nếu con mình có nghịch như thế đó cũng là dịp cho chị tu giỏi hơn (phiền não tức là bồ đề ). Nhìn như vậy giúp chị có lối thoát mặc dù con chị vẫn còn chưa như ý chị. Trong đạo bụt có cộng nghiệp nhưng đồng thời có biệt nghiệp. Ngay cả trong môi trường chị đang sống vẫn có cộng nghiệp và biệt nghiệp.

Như thầy nói với chị ở trên do xã hội bây giờ quá nhiều thức ăn độc hại qua đường miệng, mắt, tai ,mũi, lưỡi, thân, ý… nên chị có dịp nghỉ hè đưa hai em về tu viện tu tập. Môi trường ở tu viện năng lượng hiền thiện rất là lớn giúp cho em chuyển hóa nhanh hơn.

Mọi chuyện từ từ được mở ra cho chị nếu như chị biết nắm phương pháp bụt dạy mà thực tập chuyển hóa phiền não, khổ đau. Như phương pháp sử dụng hơi thở chánh niệm, thiền hành, thiền tọa, sám pháp đia xúc… chị lên trang nhà Làng Mai tìm hiểu kỹ những pháp môn căn bản này (Hạnh phúc là con đường). Chúc chị thực tập thành công có kết quả cho quý thầy, quý sư cô biết .

Mến chúc chị có nhiều bình an và hạnh phúc trong cuộc sống.

T. Pháp Toại