06 – Tình thương không biên giới

Khi chạy theo quyền lực giả tạo, hay chạy theo đối tượng của thèm khát, ta sẽ đánh mất một điều tối ư cần thiết cho hạnh phúc – đó là tình yêu thương. Nhờ tuệ giác vô thường, vô ngã và tương tức, ta sẽ có cơ hội tìm thấy tình yêu thương chân thật. Văn hào Pháp Antoine de Saint-Exupéry nói rằng yêu không phải là ngồi nhìn nhau mà là cùng nhìn về một hướng. Theo tôi, thì tất cả chúng ta phải quay về nhìn lại cuộc đời của mình thật sâu sắc để xem thử, bằng kinh nghiệm bản thân, câu nói này có đúng không, và nếu đúng thì đúng tới mức nào.

Mỗi chúng ta đều có nhu cầu và ước muốn, vì vậy khi thương yêu ai, ta có khuynh hướng nhìn vào người đó và hy vọng thấy được nơi người ấy những gì là chân, thiện, mỹ mà ta hằng tìm kiếm. Ta khao khát những gì chân thật. Ta mong cầu những gì thánh thiện, đẹp đẽ, tốt lành. Nhiều người trong chúng ta tin rằng nếu tìm thấy những phẩm chất ấy nơi người kia thì ta không còn thiếu thốn gì nữa và sẽ bớt cô đơn. Tất cả chúng ta đều mong đợi thấy được những đức tính đẹp đẽ đó nơi người khác. Chúng ta thường tin rằng rất ít người hội đủ những đức tính ấy, nên khi thấy những đức tính ấy nơi một người nào đó, ta liền đem lòng thương yêu người đó, bởi vì ta nghĩ rằng ta đã khám phá ra những gì là chân, thiện, mỹ. Phải cẩn thận trong cách tìm kiếm bởi vì tri giác ta có thể sai lầm. Đôi khi những gì ta nghĩ là chân thật chưa chắc thật sự chân thật, những gì tốt lành chưa chắc thật sự tốt lành, những gì là đẹp đẽ chưa chắc thật sự đẹp đẽ. Tình yêu của ta có thể đã dựa trên những tri giác sai lầm để rồi sau một thời gian, ta khám phá ra rằng ta đã nhầm, bởi vì người ấy không phải là hiện thân của chân, thiện, mỹ như ta đang trông đợi, và ta cho rằng người kia đã phản bội, đã làm khổ ta. Ta đi tìm một người khác. Ta có thể thất bại nhiều lần như thế, hết người này đến người khác, rồi ta đâm ra mệt mỏi, thất vọng, chán chường. Cứ như thế, suốt đời ta rong ruổi đi tìm một người trong mộng.

Mới đầu ta có cảm tưởng rằng ta thiếu thốn, rằng ta chỉ “vẻn vẹn nửa phần”. Rồi ta lang thang đi tìm nửa phần còn lại. Như một cái nồi thiếu vung, ta loay hoay đi tìm “cái vung đậy”. Ta bị ám ảnh bởi mặc cảm tự ti rằng ta không có gì đẹp đẽ, tốt lành. Mặc cảm này nằm sâu trong mỗi người. Ta có cảm tưởng rằng ta chẳng đáng gì. Ta không nói ra, có khi ta cũng không ý thức về điều đó, nhưng trong tận cùng sâu thẳm của tâm thức, ta tin rằng trong ta không có gì là chân thật, là thánh thiện, là đẹp đẽ.

Vì mơ ước có được chân, thiện, mỹ mà ta cố gắng chứng tỏ là ta có chân, thiện, mỹ, dù chỉ ở bề ngoài. Trong thâm tâm, ta vẫn nghĩ rằng ta không thực sự thánh thiện, thực sự đẹp đẽ, cho nên ta tìm cách “cải thiện” bề ngoài của ta bằng mỹ phẩm, y phục, ăn kiêng hay giải phẫu thẩm mỹ. Rồi ta học hỏi nghiên cứu này nọ, hoặc làm những việc khác thường để được tiếng là một người có uy tín, có hiểu biết rộng. Rồi ta tự trang điểm bằng những danh hiệu và bằng khen.

Chúng ta đang lừa dối nhau. Tự đáy lòng, ta cảm thấy ta chẳng có gì thánh thiện, đẹp đẽ, nhưng đồng thời ta lại cố chứng tỏ với mọi người rằng ta là hết mực thánh thiện, hết mực đẹp đẽ, hết mực đáng tin cậy. Cứ như vậy tập khí được trao truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác. Và trong khi lừa dối những người khác thì ta lại bị người khác lừa dối. Chúng ta là nạn nhân của nhau. Ta trang điểm để che bớt những cái xấu của mình và người khác cũng làm y vậy.

Khi thành đạo dưới cội cây bồ đề, Bụt đã rất kinh ngạc khi khám phá ra một sự thực, một điều mà chúng ta cũng phải ngạc nhiên: Ngài thấy rằng tất cả chúng sanh đều có tự tính chân, thiện, mỹ, nhưng rất ít người tự biết như vậy. Ta cho rằng chân, thiện, mỹ chỉ có ở một nơi nào khác, ở một người nào khác. Ta không biết rằng tự thân ta đã hội đủ chân, thiện, mỹ. Vậy nên suốt đời ta đi tìm một người nào đó để bù đắp những gì mà ta còn thiếu sót. Khi thành đạo, Bụt đã thốt lên: “Lạ thay – tất cả chúng sanh đều sẵn có tự tính giác ngộ tròn đầy mà không hay biết, vậy nên cứ mãi trôi lăn trong sinh tử, trầm luân, đau khổ kiếp này qua kiếp khác.”

Khám phá ra rằng trong ta có đủ những hạt giống của chân, thiện, mỹ, ta sẽ ngưng rong ruổi tìm cầu. Ta sẽ không còn đi lang thang với mặc cảm thấp kém. Ta sẽ không còn phải lừa dối nhau, không cần trang điểm bởi vì ta đã khám phá ra chân, thiện, mỹ ngay trong ta.

Chúng ta cũng giống như những con sóng mang mặc cảm tự ti, thấy những con sóng khác đẹp và mạnh mẽ hơn mình. Nhưng nếu con sóng tiếp xúc với tự tính là nước, nó sẽ nhận ra rằng nước vượt thoát ý niệm xấu đẹp, cao thấp, hơn thua. Đợt sóng dù lớn hay nhỏ, cao hay thấp cũng đều là nước. Mà đã là nước thì không còn lớn hay nhỏ, cao hay thấp, có đó hay mất đi. Nước vượt thoát mọi ý niệm, không còn sinh tử. Sóng thật ra chỉ là nước và đứng trên quan điểm của nước, tất cả các đợt sóng đều bình đẳng bởi vì chúng chỉ là nước.

Trên đời này, ai cũng đầy đủ tính chân – thiện – mỹ dù là đàn ông hay đàn bà, giàu hay nghèo, sang hay hèn, có học thức hay không học thức, mạnh khỏe hay ốm đau. Vậy thì đâu phải tìm kiếm ở bên ngoài nữa, vì những gì ta tìm kiếm vốn sẵn có trong ta rồi. Tất cả chúng sinh đều có sẵn tự tính giác ngộ thanh tịnh, tròn đầy. Chỉ cần trở về tự thân để tiếp xúc với những gì là chân, thiện, mỹ, khi đó ta sẽ chấm dứt bao nhiêu kiếp rong ruổi tìm cầu. Ta sẽ có niềm tin vững chắc nơi ta và sẽ được hạnh phúc, sẽ có bình an.

Bụt dạy rằng trong mỗi chúng ta đều có sẵn bản tính thiện nhưng ta khó chấp nhận sự thật ấy nếu trong gia đình hay ở chỗ làm ta phải chứng kiến những điều trái tai gai mắt. Phần đông chúng ta tin rằng ít có sự bình an ở nơi làm việc. Ta sợ mình không được thừa nhận. Ta không dám là chính mình. Ta thay đổi cách hành xử theo môi trường để được thừa nhận. Nếu hạnh phúc của ta hoàn toàn tùy thuộc vào quan điểm của những người khác, ta đâu còn tự tin. Và khi không được người khác thừa nhận, ta sẽ đau khổ. Đây là lý do khiến cho ta muốn trở thành một cái gì khác, một người nào khác. Đây chính là gốc rễ của đau khổ.

Một bông hoa không có nỗi lo sợ ấy. Nó cùng vươn lên với những bông hoa khác, hoa tím, hoa vàng, hoa đơn, hoa kép, nhưng bông hoa ấy không bao giờ có ý bắt chước những bông hoa khác. Xin đừng là một bông hoa nào khác. Xin đừng là một người nào khác. Không cần phải giải phẫu thẩm mỹ. Cả vũ trụ đã đến đây góp mặt để bạn biểu hiện ra như thế, đẹp đẽ như thế. Bạn như chính bạn là đẹp lắm rồi. Bạn không cần phải được những người khác thừa nhận. Bạn cần chấp nhận chính mình. Là hoa sen thì hãy cứ đẹp như hoa sen, đừng cố đẹp giống hoa mai. Nếu cứ cố gắng thay đổi mình để mong được mọi người thừa nhận, bạn sẽ suốt đời đau khổ. Hạnh phúc chân thật, quyền lực chân thật là tự hiểu mình, chấp nhận mình, có niềm tin nơi chính mình.

Có một thanh niên đến Làng Mai xin xuất gia. Anh gặp rất nhiều khó khăn vì anh rất mong mọi người chú ý đến vẻ hào hoa và tài năng của mình. Suốt đời chàng thanh niên này khao khát được người khác công nhận. Anh tưởng rằng anh sẽ toại nguyện khi thành một tu sĩ nhưng anh vẫn đau khổ. Khi các bạn đồng tu trò chuyện hay chơi đùa vui vẻ mà anh tới thì bầu không khí đó biến mất. Không phải họ muốn loại trừ anh mà chỉ vì anh cứ muốn mọi người phải chú ý đặc biệt tới mình và năng lượng đó khiến mọi người không thấy thoải mái.

Một ngày nọ tôi nói với anh: “Con muốn được công nhận nên con đau khổ. Bây giờ con hãy thử đến với mọi người với tâm niệm không cần được công nhận, con hãy chỉ là con thôi. Nếu con thực tập chánh niệm để thấy những khổ đau và nhu cầu của những người khác trong tăng thân thì nhu cầu được thừa nhận trong con sẽ yếu đi, khi đó mọi người sẽ dễ dàng chấp nhận con. Và nếu con có khả năng và tài ba thực sự, mọi người sẽ nhận ra ngay.”

Ban đầu thì sư chú cưỡng lại lời khuyên. Tập khí của bao năm khó mà thay đổi. Nhưng dần dần sư chú quên đi nhu cầu được thừa nhận. Hạnh phúc dần dà đã đến.

Ý niệm về chân, thiện, mỹ, về những gì mà ta quý trọng có thể là chướng ngại cho hạnh phúc của ta. Ta tưởng tượng, tạo ra hình ảnh trong tâm trí và ta đau khổ vì những hình ảnh ấy. Ta lo rằng thiên hạ đang phán xét ta. Nhưng chính nỗi lo ấy là nguyên nhân gây đau khổ chứ không phải sự phán xét của thiên hạ. Đau khổ hoàn toàn do tâm tạo.

Thực tập thương yêu theo lời Bụt dạy rất rõ ràng. Đó là sự thực tập tâm vô phân biệt (xả) dựa trên tuệ giác vô ngã. Hiểu rằng tất cả mọi sự, mọi vật đều do mọi sự, mọi vật khác tạo thành thì ta sẽ ngưng đi tìm một con người hoàn hảo hay mong cầu được thừa nhận. Ta tập nhìn mình và người khác như thế. Mọi biểu hiện trên đời tự thân chúng đều mầu nhiệm và ta cũng là một biểu hiện mầu nhiệm của sự sống.

Có khi giữa ta và người không có sự cảm thông. Cũng có lúc ta bị người khác hiểu lầm. Nhưng ta không cần phải đau khổ. Cứ sống cho đàng hoàng rồi chẳng bao lâu sau những hiểu lầm kia sẽ được gỡ bỏ. Ta biết rõ những gì đang xảy ra trong ta. Ta biết rõ tâm thức ta. Nếu ngày nào ta cũng có những ý nghĩ tích cực, tốt đẹp, hiểu biết, thương yêu, cũng nói lời ái ngữ, cũng làm việc lành thì dần dần giá trị của ta sẽ tự hiển lộ. Có thể cần nhiều ngày, nhiều tuần, có khi cần nhiều năm nhưng nếu ta biết rõ mình thì ta không còn phải đau khổ. Thực tập tự tìm hiểu mình, nghĩ những ý nghĩ lành, nói lời lành, làm việc lành sẽ đem lại cho bạn niềm tự tin và chuyển hóa mọi việc.

Ta nhớ rằng sức mạnh tâm linh đầu tiên là niềm tin (tín). Bụt, hay bất cứ bậc chỉ đạo tâm linh lớn nào khác, không bao giờ muốn chúng ta là nô lệ, chỉ biết đặt niềm tin vào một ai khác. Bụt không muốn chúng ta lệ thuộc vào Ngài. Bụt nói rất rõ: “Trong con có sẵn cái mà con đang đi tìm.” Trong tự thân chúng ta đã có một bậc thầy để trở về nương tựa. Hãy đặt niềm tin vào tự tính chân, thiện, mỹ. Phải trở về tự thân để khám phá ra điều đó. Đó chính là bản thể của bạn. Đó chính là nền tảng cho quyền lực đích thực của bạn.

Ta cần nhìn người thương bằng tuệ giác đó, ta nói với người thương rằng: “Mình đừng sống hẹp hòi nữa. Mình nên cùng trở về với tự thân. Đừng lừa dối nhau nữa. Chúng ta không cần lừa dối nhau vì những gì mà hai ta đang đi tìm đã có sẵn trong mỗi chúng ta.” Khi đó ta và người ta thương sẽ thành bạn đồng hành trên con đường đạo, con đường hướng chúng ta vào sự khám phá bên trong chứ không phải tìm cầu ở bên ngoài.

Khi yêu ta cảm thấy mình mạnh mẽ, đầy năng lượng. Ta hạnh phúc vì đã gặp được người tri kỷ. Năng lượng ấy thật trong sáng và đẹp đẽ. Nhưng ta phải biết chăm sóc năng lượng ấy bằng chánh niệm, nếu không thì thương yêu sẽ dễ dàng biến thành đau khổ. Khi đã có hiểu biết, ta sẽ biết nên làm gì hay không nên làm gì để đem lại hạnh phúc và bình an cho người ta thương. Đây chính là tình yêu chân thật. Hãy nuôi dưỡng hiểu biết bằng sự thực tập lắng nghe sâu và nói lời ái ngữ. Không có tình yêu chân thật thì không thể có hạnh phúc.

Tình yêu không dựa trên năm sức mạnh tâm linh thì rất mạo hiểm vì ta dễ bị lệ thuộc vào những nét chân, thiện, mỹ của người kia. Nhưng nếu có chánh niệm và định lực, ta sẽ biết cách điều phục tình yêu, không để cho tình yêu đó gây nên đau khổ cho mình và người yêu. Tình yêu là một năng lượng. Năng lượng ấy có mang lại bình an, thương yêu, và giải thoát hay không? Hay nó chỉ tạo thêm thèm khát, lo âu, và sợ hãi? Giáo lý đạo Bụt khuyên ta nên thương yêu mọi loài chúng sanh như một người mẹ thương yêu đứa con duy nhất. Tình yêu này, đạo Bụt gọi là Từ Bi Vô Lượng, tình yêu thương không bờ bến. Từ bi vô lượng là nguồn năng lượng vô tận. Năng lượng của niệm, định và tuệ sẽ giúp ta chuyển tình yêu thương hạn hẹp thành tình yêu thương không biên giới.

Bụt nói tới bốn yếu tố của tình yêu chân thật: Từ (maitri) khả năng hiến tặng niềm vui, Bi (karuna) khả năng làm vơi nỗi khổ, Hỷ (mudita) khả năng hoan hỷ mỗi ngày, Xả (upeksha) khả năng không kỳ thị, không phân biệt.

Tình yêu chân thật thì không có kỳ thị. Ta thấy được đau khổ của người kia là đau khổ của chính mình, hạnh phúc của người kia là hạnh phúc của chính mình. Dưới ánh sáng của tâm vô phân biệt, hạnh phúc và đau khổ mang tính cộng đồng chứ không còn là vấn đề của một cá nhân. Nếu chúng ta không hiểu người bạn đời, nếu ta không chia sẻ niềm đau nỗi khổ của người ta yêu thì đâu còn là yêu thương mà chỉ là “hưởng thụ”, là sự thỏa mãn nhu cầu cá nhân. Tình yêu chân thật đòi hỏi chăm sóc và kính trọng. Nếu quan tâm chăm sóc và tôn trọng nhau, ta thấy ngay niềm đau nỗi khổ của người kia và ta sẽ không tiếp tục làm khổ người kia như vậy.

Để tình yêu có ý nghĩa, ta cần nuôi dưỡng Bồ Đề Tâm, tâm Từ Bi Vô Lượng. Thực ra tình yêu hạn hẹp cũng có thể hữu ích. Một liên hệ tình cảm (cá nhân) cũng có thể giúp ta có thêm tuệ giác về hoàn cảnh của riêng ta và tình trạng thế giới. Trong liên hệ tình cảm ấy, ta thực tập năm nguồn năng lượng tâm linh (tín, tấn, niệm, định, tuệ), đồng thời giúp người kia phát triển những sức mạnh ấy. Trước hết ta học cách yêu thương một người với tất cả hiểu biết và tuệ giác của ta, rồi sau đó ta mở rộng tình yêu thương đến người khác, rồi người khác nữa, cho đến khi tình yêu thương của ta bao trùm tất cả để trở thành tâm Vô Lượng.

Khi thiền tập, chúng ta quán chiếu sâu sắc để nuôi dưỡng an lạc, và ôm ấp khổ đau để chuyển hóa chúng thành tuệ giác và giải thoát. Vậy thì yêu thương cũng chính là thiền tập. Ta quán chiếu sâu sắc tình yêu của ta để biến tình yêu ấy thành một nguồn sức mạnh tâm linh. Mục đích là biến đổi tình yêu nhỏ hẹp thành tình yêu vô lượng, để hiến tặng cho ta và người khác những món quà lớn nhất: từ bi, chuyển hóa, và trị liệu.

A-nan-đa là em chú bác của Bụt. Một hôm trên đường đi khất thực, ngài thấy khát nước bèn dừng lại bên giếng xin nước uống. Khi ấy thiếu nữ Ma-lăng-già cũng đang múc nước. Ma-lăng-già thuộc tầng lớp hạ tiện. Ở Ấn Độ ngày xưa, những người thuộc giai cấp cao hơn không bao giờ đến gần hay đụng chạm vào những người thuộc tầng lớp hạ tiện vì sợ bị lây dơ bẩn. Vì vậy, khi A-nan-đa đến xin nước, Ma-lăng-già từ chối và nói: “Không, tôi không thể cho Thầy được vì tôi thuộc tầng lớp hạ tiện, tôi không dám làm dơ bẩn Thầy.” A-nan-đa đáp lại: “Theo giáo lý mà tôi được học thì không có sự phân chia giai cấp. Đức Thế Tôn đã dạy chúng tôi rằng tất cả chúng ta đều bình đẳng, vậy xin cô cứ cho tôi nước.” Nghe vậy, Ma-lăng-già vui sướng vô cùng và múc nước cho A-nan-đa. A-nan-đa uống xong, chắp tay cảm tạ đi về. Từ đó Ma-lăng-già đem lòng yêu A-nan-đa. Nàng mất ăn, mất ngủ, tưởng nhớ hình bóng đẹp đẽ, dễ thương của A-nan-đa. Bà mẹ thấy con gái mất ăn, mất ngủ cho nên đã tìm cách giúp con.

Một ngày nọ, nhân khi A-nan-đa đi khất thực, mẹ con Ma-lăng-già mời A-nan-đa về nhà mình để cúng dường. A-nan-đa đồng ý theo về. Khi đến nơi, hai mẹ con Ma-lăng-già dâng lên A-nan-đa một bát nước thảo dược có thuốc mê. Vừa uống vào A-nan-đa đã biết ngay là có gì khác lạ, khó tự chủ và có thể bị lâm nguy. Thầy bèn lập tức thực tập thiền định. Thầy lẳng lặng ngồi xuống và theo dõi hơi thở.

Bụt khi đó có mặt tại tịnh xá Trúc Lâm, Ngài thắc mắc tại sao A-nan-đa đi lâu chưa về bèn sai hai vị tỳ kheo khác đi tìm. Hai vị này đến nhà Ma-lăng-già và thấy A-nan-đa đang thiền tọa bèn đưa thầy về tịnh xá. Thấy vậy, Ma-lăng-già òa khóc nức nở, nên hai vị tỳ kheo đưa luôn nàng về tịnh xá để gặp Bụt. Khi về đến tịnh xá thì tác dụng của thuốc mê đã giảm và A-nan-đa tỉnh táo trở lại. Thầy sụp xuống lạy Bụt, tạ ơn Bụt đã cứu nguy. Khi đó Ma-lăng-già cũng vừa tới nơi. Bụt bảo Ma-lăng-già ngồi xuống và hỏi: “Con yêu thầy A-nan-đa lắm sao?” Ma-lăng-già trả lời: “Dạ, con yêu thầy A-nan-đa nhiều lắm.” Bụt hỏi: “Vậy con yêu cái gì nơi thầy A-nan-đa? Con yêu đôi mắt hay con yêu cái mũi của thầy A-nan-đa?” Ma-lăng-già trả lời: “Dạ con yêu đôi mắt, cái mũi, cái tai, cái miệng của thầy. Cái gì con cũng yêu hết. Không có thầy A-nan-đa chắc con chết mất.”

Bụt bèn nói: “Thầy A-nan-đa có nhiều cái khác mà nếu biết thì con sẽ yêu thầy ấy nhiều hơn.”

“Dạ thưa là những gì ạ?” Ma-lăng-già hỏi Bụt.

Bụt mỉm cười trả lời, “Ví như tình thương rộng lớn, ví như bồ đề tâm của thầy A-nan-đa. Con mới chỉ thấy đôi mắt, cái mũi, cái tai, cái miệng của thầy A-nan-đa thôi. Thầy A-nan-đa còn trẻ mà đã từ bỏ cuộc sống giàu sang để làm một khất sĩ với chí nguyện giúp cho nhiều người. Thầy A-nan-đa không thể nào hạnh phúc với một hay hai người, bởi vì hạnh phúc ấy quá nhỏ hẹp. Vì vậy mà thầy xuất gia. Thầy muốn làm hạnh phúc cho nhiều, rất nhiều người. Thầy có đại bình đẳng tâm, thầy không muốn chỉ thương một người mà thương tất cả mọi người. Bồ đề tâm của thầy A-nan-đa rất đẹp. Nếu con có thể thấy được điều đó nơi thầy A-nan-đa thì con sẽ thương thầy ấy nhiều hơn.

“Nếu con thực sự thương thầy A-nan-đa thì con nên giúp thầy ấy thành tựu được chí nguyện lớn. Thầy A-nan-đa cũng như một luồng gió mát. Nếu con muốn chiếm hữu và nhốt nó vào trong một cái hộp thì con không còn có gió mát nữa. Thầy A-nan-đa cũng như một đám mây thong dong trên bầu trời xanh. Nếu con muốn bắt và nhốt đám mây vào hộp khóa lại thì chẳng khác gì con giết thầy A-nan-đa, bởi vì con sẽ không thấy được những gì đẹp nhất nơi thầy. Nếu mà con thấy được như vậy thì con sẽ thương thầy ấy nhiều hơn và con sẽ thương như thế nào để cho thầy A-nan-đa vẫn là thầy A-nan-đa, cũng như để cho đám mây vẫn là đám mây, thong dong trên bầu trời xanh trong.

“Con không nên nghĩ rằng chỉ thầy A-nan-đa mới có chí nguyện đẹp như vậy. Con cũng vậy, con cũng có chí nguyện đẹp như thế. Con cũng có thể sống như thầy A-nan-đa, nếu con thực sự thương thầy A-nan-đa và thấy được bồ đề tâm của thầy. Con có thể trở về tự thân và thấy rằng trong con cũng có bồ đề tâm, và con có thể phát nguyện với thầy A-nan-đa rằng con sẽ sống như thế nào để ngày càng đem lại hạnh phúc cho nhiều người.”

Nghe Bụt nói như thế, nàng vô cùng ngạc nhiên: “Con chẳng đáng chi cả. Con thuộc tầng lớp hạ tiện, con không thể làm cho ai hạnh phúc được.” Bụt nói: “Có chứ, con đã làm được rồi. Con đã có sẵn trong con những gì là thật, là lành, là đẹp. Ai cũng đều như vậy cả, chỉ cần biết trở về với tự thân thì ta có thể tiếp xúc với những hạt giống của chân, thiện, mỹ trong ta, sẽ phát sinh niềm tin và biết chắc rằng ta có thể đem lại hạnh phúc cho rất nhiều người.”

Ma-lăng-già hỏi Bụt: “Dạ thưa, thật vậy sao? Con có thể xuất gia làm một nữ khất sĩ và giúp cho vô số người như thầy A-nan-đa sao?” Bụt trả lời: “Được chứ. Nếu con tiếp xúc với những gì là chân, thiện, mỹ trong con và khơi dậy tâm từ bi trong con thì con cũng có thể như thầy A-nan-đa và làm cho nhiều người được hạnh phúc.” Được Bụt khai mở tuệ giác, Ma-lăng-già sụp xuống đảnh lễ Bụt. Ma-lăng-già trở thành một sư cô và tình yêu của nàng đã mở rộng thành tâm Từ Bi Vô Lượng.

Cũng vào thời Bụt, có một vị tỳ kheo tên là Vaikali. Thầy Vaikali rất mực quyến luyến Bụt, rất mực thương Bụt, nhưng tình thương ấy thật nông cạn. Đối với thầy Vaikali, Bụt là một thiên thần hào quang sáng chói. Thầy Vaikali rất thích được ngồi gần Bụt. Được ngồi gần Bụt là thầy cảm thấy bình an, hạnh phúc, thỏa mãn rồi. Thầy không mấy để tâm vào lời Bụt giảng, chỉ chăm chú ngắm nhìn Bụt. Thầy ngồi đó, ngay sát Bụt nhưng chỉ thấy “cái bóng mờ” của Bụt, chỉ thấy một phần rất nhỏ vẻ đẹp của Bụt. Thầy Vaikali không thấy được tuệ giác lớn, từ bi lớn của Bụt.

Sau một thời gian, thấy thầy Vaikali tu tập vẫn còn yếu kém, Bụt không cho thầy Vaikali đến gần và không cho thầy làm thị giả nữa. Thầy Vaikali nghĩ rằng mình bị Bụt hắt hủi, Bụt không còn thương mình nên có ý định tự tử. Bụt biết thế nên đã tìm cách cứu thầy Vaikali. Bụt đến gặp thầy và chỉ cho thầy thấy rằng tình thương của thầy không phải là một tình thương sâu sắc của một người xuất gia mà chỉ là sự luyến ái nông cạn. Bụt đã chỉ cho Vaikali thấy rằng nằm trong con người thầy là bản tính chân, thiện, mỹ và Bụt khuyên Vaikali thay vì chạy theo những cái đẹp bên ngoài thì hãy trở về tìm ra những cái đẹp ở bên trong mình.

Ban đầu thì ta say mê một hình ảnh đẹp nào đó. Ta muốn chiếm hữu, rồi vì vậy mà đau khổ. Nhưng sau khi tỉnh ngộ vì nhận ra rằng hình ảnh ấy chỉ là hư vọng, ta gạt nó sang một bên và chạy theo một hình ảnh khác. Ta cứ rong ruổi như thế suốt cả cuộc đời, kiếp này sang kiếp khác, mà không bao giờ gặp được đối tượng đích thực của tình yêu. Nhưng nếu ta gặp được một người luôn vững tin vào bản tính thiện của mình thì ta có thể coi người ấy là tấm gương để noi theo và ta có thể trở về tự thân và tiếp xúc với những gì chân, thiện, mỹ trong ta. Khi đó ta sẽ hạnh phúc, và không còn lang thang rong ruổi. Ta có thể thương yêu tất cả mọi loài chứ không phải chỉ một người, với tình thương yêu đó, ta phụng sự cuộc đời không mỏi mệt. Đây chính là những gì Bụt đã làm suốt cả cuộc đời Ngài: cứu độ và thương yêu tất cả chúng sinh.

Bậc minh sư là người có khả năng chỉ cho ta thấy rằng trong ta cũng có một minh sư, và ta nên trở về nương tựa bậc minh sư trong ta hơn là quyến luyến một đạo sư bên ngoài, bởi vì một đạo sư bên ngoài có thể là một đạo sư giả mạo. Một vị thầy chân chính sẽ luôn khuyên ta trở về tiếp xúc với vị thầy trong ta. Nếu quy y với đạo sư trong ta thì ta sẽ không bao giờ thất vọng. Nếu đợt sóng luôn luôn tin tưởng vào tự tính là nước thì đợt sóng đó không bao giờ thất vọng.

Cũng như bậc đạo sư đích thực chính là ta, đối tượng của tình yêu đích thực cũng chính là ta. Phải biết thương yêu chính ta, phải biết trở về với bản tính chân thật, để nhận diện những gì tốt lành, những gì là chân, thiện, mỹ trong ta. Rồi khi ấy ta sẽ có thể nhận diện những đức tính ấy trong người khác. Khi đã có thể nhận diện được tính chân, thiện, mỹ đích thực trong ta và trong người khác, ta sẽ không còn bị hình tướng bên ngoài lừa gạt. Khi thương yêu ai, ta có bổn phận nhìn người ấy mà không có tri giác sai lầm. Thiện đích thực chứa mỹ đích thực và chân đích thực. Đây là tuệ giác tương tức. Điều chân thật luôn luôn đẹp đẽ, việc tốt lành luôn luôn đẹp đẽ. Và những gì đẹp đẽ luôn là chân thật, luôn là tốt lành.

Ta cùng thực tập với người thương, tiếp xúc với chân, thiện, mỹ nơi bản thân để giúp được ta và giúp bao nhiêu người khác. Đây là con đường của Bụt. Dù cho ta là người xuất gia, là vợ hay chồng, là bạn gái hay bạn trai, thì đừng tự lừa dối mình và lừa dối người khác, và cũng đừng bị người khác lừa dối. Ý thức rằng những gì mà ta đang tìm đã có sẵn trong ta, đó là một giác ngộ rất lớn. Nhờ vậy mà đau khổ chấm dứt và ta sẽ được hạnh phúc.