03 – Nghệ thuật chánh niệm

Hãy tưởng tượng sức mạnh của những hành động sẽ đến mức nào nếu chúng ta tập trung tâm ý hoàn toàn vào từng hành động.

Nhiều công ty lớn biết dành những khoản đầu tư đáng kể cho bộ phận Nghiên cứu và Phát triển vì họ biết rằng muốn công ty phát triển thì phải cải tiến không ngừng và nhạy bén nắm bắt thông tin. Điều này cũng đúng với “nghiệp vụ” chế tác chánh niệm: chúng ta cần phải “đầu tư” vào việc phát triển tuệ giác để được dẫn dắt, bảo vệ, và đi đúng đường.

Tất cả đều liên hệ với nhau. Thân tâm mạnh khỏe an lạc, gia đình yên vui là điều kiện thiết yếu cho sự thành công trong sự nghiệp. Bảo trọng thân tâm, giữ thân tâm luôn mạnh khỏe, an lạc là đầu tư căn bản nhất. Chúng ảnh hưởng đến gia đình và môi trường làm việc, nhưng trước hết, chúng làm đẹp cho cuộc sống.

Chánh niệm là sự đầu tư căn bản, là chìa khóa giúp ta nhìn vào đời sống nghề nghiệp. Chánh niệm là năng lượng của sự tập trung tâm ý (định lực), là khả năng có mặt một trăm phần trăm cho những gì đang xảy ra trong ta và chung quanh ta, là phép lạ giúp ta thực sự sống trọn vẹn từng giây phút và cũng là yếu tố căn bản để chữa lành, chuyển hóa và tạo an hòa trong gia đình, nơi làm việc và trong xã hội. Hoa trái của sự tu tập chánh niệm là nhận biết rằng an lạc có sẵn trong ta và chung quanh ta, ngay bây giờ và ở đây. Chánh niệm là một trong năm nguồn năng lượng tâm linh, đồng thời cũng là nền tảng cho những hành động phản ảnh quyền lực đích thực. Nếu không biết tạo nên một môi trường chánh niệm trong gia đình hay ở nơi làm việc, ta sẽ chỉ đầu độc thêm cho cuộc sống của mình và gia đình mình mà thôi. Nhiều nhà doanh nghiệp đã nhận ra sự thật đó.

Không có chánh niệm, ta khó cảm thấy thỏa mãn hoàn toàn với quyền lực kinh tế hay chính trị. Chánh niệm giúp ta trở về tự thân và nhìn sâu vào hoàn cảnh của mình. Chúng ta làm việc, nhưng chúng ta cũng đem tới chỗ làm những khó khăn, những niềm đau nỗi khổ riêng tư. Chánh niệm giúp ta ôm ấp và hiểu rõ đau khổ. Chánh niệm là căn bản chuyển hóa và chữa trị.

Vậy thì làm sao để có chánh niệm? Đây là một thực tập rất đơn giản nhưng cũng đầy thử thách. Thực tập chánh niệm đòi hỏi khi làm bất cứ việc gì cũng làm hết lòng, đầu tư một trăm phần trăm tâm ý vào cả những việc đơn giản nhất như nhặt một cây bút, mở một cuốn sách hay thắp một nén hương. Khi còn là một chú tiểu, tôi phải thắp hương trong chính điện nhiều lần trong ngày. Tôi đã được dạy là phải cầm cây hương lên bằng hai tay, tay trái đặt lên tay phải. Cây hương rất nhẹ, tại sao lại phải dùng cả hai tay? Lý do là tôi phải chú tâm một trăm phần trăm vào sự việc đơn giản là cầm nén hương trong tay. Khi quẹt một cây diêm và châm cây hương vào ngọn lửa, tôi cũng phải để tâm một trăm phần trăm. Đó là thực tập chánh niệm.

Khi uống trà, hành động rót trà vào chén cũng là một hành động thiền tập nếu ta rót trà trong chánh niệm. Đừng nghĩ tới quá khứ. Đừng nghĩ tới tương lai. Đừng lo phải làm gì ngày mai. Hãy chỉ chú tâm vào việc rót trà. Hãy đầu tư một trăm phần trăm vào giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Ai cũng biết rót trà, ai cũng biết uống trà, nhưng mấy ai biết rót trà trong chánh niệm và uống trà trong chánh niệm? Lý do là vì chúng ta luôn có xu hướng quên lãng hiện tại, vì chúng ta bị tập khí lôi cuốn. Tập khí là một thói quen, năng lượng của nó rất mạnh mà chúng ta phải thực tập để chuyển hóa. Càng chế ngự được tập khí thì chúng ta càng có khả năng sống trọn vẹn mỗi ngày.

Trong công việc, ta có thể cảm thấy có trách nhiệm với những ai đó, hay chỉ với riêng mình. Ý thức trách nhiệm là tốt. Ta cũng muốn thành công trong công việc, nhưng vì thiếu chánh niệm cho nên ta để cho ước muốn thành công cuốn hút. Ước muốn ấy sẽ trở thành một tập khí, thúc đẩy ta, làm ta không còn khả năng uống trà trong giây phút hiện tại, ngay cả khi nước trà đã vào miệng mà ta cũng không ý thức. Ta đang uống những dự án, những lo âu, những khó khăn của mình.

Theo lời Bụt dạy, sự sống chỉ có mặt trong hiện tại, ngay bây giờ và ở đây. Bụt nói: “Quá khứ đã qua rồi, tương lai thì chưa đến. Ta chỉ thực sự sống trong giây phút hiện tại.” Nếu đánh mất hiện tại thì sẽ đánh mất sự sống. Quá rõ ràng. Chánh niệm là một nguồn năng lượng và thực tập chánh niệm sẽ giúp ta trở về với giây phút hiện tại để tiếp xúc với sự sống. Phép thực tập này đòi hỏi thời gian và sự nâng đỡ. Thiếu thời gian thực tập và không có môi trường thuận lợi thì khó mà thành công. Có khi đồng nghiệp của ta cũng muốn cùng ta thực tập nếu họ được truyền cảm hứng.

Bạn có thể có một ngôi nhà rất đẹp và một khu vườn đầy hoa. Bạn biết là trong vườn của mình có hoa, nhưng bạn lại không có thì giờ để thưởng thức. Bởi vì tâm trí bạn đang bị ám ảnh bởi những thắc mắc cần giải đáp, những vấn đề cần giải quyết. Bạn muốn bạn là “số một.” Thỉnh thoảng chắc bạn cũng đã thoáng giác ngộ rằng bạn có một vườn hoa rất đẹp và phải dành chút thì giờ để thưởng thức. Đó là do thiện chí. Rồi bạn ra vườn đi dạo, ngắm những nụ hoa đẹp, nhìn thảm cỏ xanh. Nhưng chỉ sau vài bước bạn đã bỏ cuộc, vì bạn đang có quá nhiều bận tâm về công việc. Như một nhà độc tài, mối bận tâm đó không cho bạn cơ hội tiếp xúc và thưởng thức những mầu nhiệm của sự sống bây giờ và ở đây.

Khi còn là một chú tiểu mới mười sáu tuổi, Thầy tôi đã dạy tôi cách đóng cửa với sự chú tâm một trăm phần trăm. Một hôm Thầy sai tôi đi làm một việc. Tôi hăng hái, hấp tấp, đi nhanh ra và khép cửa vội vàng. Thầy kêu tôi lại: “Này con, con lại đây.” Tôi trở lại, đứng vòng tay chờ. Thầy tôi nói: “Con đi ra lại và khép cửa cho đàng hoàng coi.” Đó là bài học đầu tiên của tôi về thực tập chánh niệm. Khi đó tôi đi ra trong chánh niệm, ý thức từng bước đi, nắm lấy cánh cửa trong chánh niệm, và mở cửa trong chánh niệm. Kể từ đó Thầy tôi không còn phải dạy tôi cách đóng cửa lần thứ hai.

Khi nắm tay một em bé, ta hãy để tâm một trăm phần trăm vào bàn tay em. Khi ôm người thương trong vòng tay cũng thế. Hãy quên hết tất cả. Hãy thực sự có mặt, thực sự tỉnh thức trong khi nắm tay, trong khi ôm. Điều này trái ngược hẳn với cách sống và làm việc của ta trước đây. Chúng ta từng có thói quen làm nhiều việc cùng một lúc. Vừa trả lời e-mail vừa nói điện thoại. Trong khi đang họp về một dự án này, ta viết xuống những ghi chú cho một dự án khác. Kỹ thuật hiện đại hứa hẹn sẽ giúp ta làm được nhiều việc cùng một lúc. Bây giờ, chỉ với một máy nhỏ chúng ta có thể gửi e-mail, nghe nhạc, điện thoại, và chụp hình. Năng lượng bị phân tán như thế thì còn gì là năng lượng?

Thay vì luôn làm nhiều việc cùng một lúc, ta phải tập thói quen chỉ làm mỗi lần một việc. Chánh niệm cần phải được luyện tập. Ta rất thông minh và hiểu ngay như vậy, nhưng như thế không có nghĩa là ta có thể làm được ngay. Ta phải thực tập và tự rèn luyện mỗi ngày.

Trước hết, phải thực tập chánh niệm để thấy được bản thân, sau đó ta chú ý tới gia đình của mình vì gia đình là tổ ấm. Không thể chỉ quan tâm đến nghề nghiệp mà sao lãng gia đình được. Có thể gia đình ta đang có đau khổ, sợ hãi hay lo lắng. Chánh niệm giúp nhận diện niềm đau nỗi khổ và chuyển hóa chúng. Bạn có thể nói với chồng mình rằng: “Em biết rằng anh đang đau khổ. Em đang có mặt cho anh đây. Chúng ta hãy cùng nhau ôm ấp niềm đau nỗi khổ đó và chuyển hóa chúng.” Bạn cũng nói như vậy với vợ của bạn: “Anh biết rằng em đang đau khổ. Anh đang có mặt cho em đây. Chúng ta hãy cùng nhau ôm ấp niềm đau nỗi khổ đó và chuyển hóa chúng.” Chánh niệm là khả năng có mặt một trăm phần trăm. Khi thương, món quà quý nhất mà ta hiến tặng người ta thương là sự có mặt đích thực của ta. Ta không thể mua khả năng hiến tặng niềm vui và chuyển hóa khổ đau.

Sau đó chánh niệm sẽ giúp ta hiểu rõ tình hình tại nơi làm việc. Dù ở địa vị nào, một giám đốc có hàng trăm nhân viên hay một công nhân làm việc một mình, với chánh niệm, ta đều có thể quán chiếu và nhận biết ưu điểm hay khó khăn cũng như đau khổ trong công ty. Ta sẽ nhận diện được những niềm đau nỗi khổ, những lo sợ của đồng nghiệp hay nhân viên và nói: “Tôi đang có mặt cho anh, cho chị đây. Tôi biết rằng anh, chị đang đau khổ. Chúng ta sẽ cùng nhau ôm ấp và chuyển hóa niềm đau nỗi khổ đó. Chúng ta sẽ tìm mọi cách để giải quyết khổ đau của chúng ta.” Sự thực tập này chẳng khác gì thực tập cho bản thân hay cho gia đình mình. Năng lượng của chánh niệm và khả năng nhìn sâu sẽ giúp ta tìm ra tuệ giác để chuyển hóa tình trạng và chữa lành.

Chánh niệm là khả năng có mặt một trăm phần trăm. Năng lượng của chánh niệm giúp ta nhận biết những gì đang có mặt chung quanh ta. “Những gì” đó có thể là chính ta, có thể là người thương của ta. Nếu không có khả năng trở về với giây phút hiện tại, bây giờ và ở đây, thì không thể nào nhận diện được chính mình, nhận diện được hạnh phúc cũng như khổ đau của mình. Không có khả năng có mặt đích thực thì không thể nhìn rõ những người khác và sẽ khiến họ có cảm giác bị bỏ quên, bị hiểu lầm hay ghét bỏ. Rồi họ sẽ đau khổ và từ đó làm bạn đau khổ. Nếu không có chánh niệm thì không thể giúp mình hay giúp người, không thể thành công trong công việc. Nếu không có chánh niệm thì bất cứ quyền lực nào trong tay cũng chỉ là tạm bợ và không đem lại thỏa mãn rốt ráo.

Chánh niệm rất cụ thể. Khi chú ý tới hơi thở là ta đã có chánh niệm rồi. Thở vào, ta chú ý tới hơi thở vào từ đầu cho tới cuối và nhủ thầm “vào”. Thở ra, ta chú ý tới hơi thở ra từ đầu cho tới cuối và nhủ thầm “ra”. Với hành động đơn giản ấy, thân tâm ta hợp nhất và ta sẽ thực sự có mặt. Chánh niệm cũng có thể có mặt trong một bước chân. Những lúc bạn bước đi, hãy đầu tư một trăm phần trăm vào mỗi bước chân và nhớ kết hợp bước chân với hơi thở một cách tự nhiên. Để ý xem ta bước mấy bước trong mỗi hơi thở vào, mấy bước trong mỗi hơi thở ra. Để giúp thêm, ta có thể nói thầm “vào”, “ra” khi bước. Ví dụ như khi thở vào bước ba bước, thì nói thầm “vào, vào, vào”. Khi thở ra bước bốn bước thì nói thầm “ra, ra, ra, ra”. Nếu thực tập trong nhà thì có thể đi chậm lại, cứ mỗi hơi thở vào bước một bước, mỗi hơi thở ra bước một bước. Còn thực tập ở ngoài trời thì tùy theo hơi thở của bạn dài hay ngắn, trong mỗi hơi thở bạn có thể bước hai, ba, hay bốn bước. Không nên cố ép hay thay đổi nhịp thở vì làm như vậy bạn sẽ thấy mệt. Chỉ hoàn toàn chú tâm vào bước chân và hơi thở. Thực tập này rất đơn giản nhưng hiệu quả vô cùng. Nhờ bước chân chánh niệm, hơi thở chánh niệm mà ta có thể trở về với tự thân, thực sự có mặt và tỉnh thức.

Phải hiểu chánh niệm trên bình diện vật lý. Thực tập trở về với cơ thể, trước hết, ta phải chế tác chánh niệm bằng hơi thở ý thức và bước chân ý thức, rồi sau đó nhận diện rằng cơ thể ta đang có đây và ta dịu dàng ôm ấp lấy cơ thể mình bằng chánh niệm. “Cơ thể ta ơi, ta biết ngươi có đó và ta sẽ săn sóc cho ngươi.” Cơ thể ta trở thành đối tượng thương yêu của ta.

Nếu không biết cách chăm sóc, không biết cách buông thư cơ thể, không để cho cơ thể có cơ hội nghỉ ngơi tức là ta đã không thương yêu cơ thể mình. Ta biết rằng cơ thể ta có khả năng tự chữa lành vết thương. Khi đứt tay ta biết rằng chỉ cần làm sạch vết thương và cơ thể ta sẽ tự lo liệu. Ta có thể hoảng sợ nếu quên đi rằng cơ thể ta có khả năng tự điều trị. Chỉ cần có cơ hội nghỉ ngơi là cơ thể có thể tự chữa lành mà chẳng cần thuốc men gì nhiều.

Khi một con vật bị thương nặng, nó biết phải làm gì. Nó tìm một chỗ vắng, nằm thật yên, nghỉ ngơi hoàn toàn trong vài ngày, không ăn uống gì hết. Nó rất khôn ngoan. Chỉ khi nào vết thương lành hẳn nó mới ra săn mồi. Có lúc, ta cũng có tuệ giác đó, nhưng chúng ta đã đánh mất khả năng biết nghỉ ngơi. Mới bắt đầu cảm thấy khó chịu ta đã hoảng hốt chạy đến bác sĩ xin đủ mọi thứ thuốc, chỉ vì ta không biết rằng, để cho cơ thể nghỉ ngơi là phương pháp điều trị hay nhất.

Có nhiều người than phiền rằng họ không có thì giờ đi nghỉ hè. Số khác có thể sắp xếp được để đi nghỉ hè, tuy nhiên lại không biết cách nghỉ ngơi. Chương trình nghỉ hè đầy ắp và sau kỳ nghỉ họ lại càng mệt mỏi hơn.

Chúng ta phải học cách buông thư toàn thân. Trong tư thế nằm, ta chú ý và buông thư từng phần của cơ thể, bắt đầu từ trên đầu và đi dần xuống dưới lòng bàn chân. “Thở vào, tôi ý thức toàn thân tôi. Thở ra, tôi buông thư toàn thân tôi. Thở vào tôi ý thức hai mắt tôi. Thở ra tôi mỉm cười với hai mắt tôi.” Cứ tiếp tục như thế với từng phần của cơ thể. Thay vì tia X-quang, ta “soi” cơ thể ta bằng tia Chánh Niệm. Soi đến một phần nào hay bộ phận nào của cơ thể đang bị đau yếu thì ta dừng lại lâu hơn, sử dụng năng lượng của chánh niệm để ôm ấp và mỉm cười với phần cơ thể hay bộ phận đó, làm như thế cơ thể sẽ bình phục mau hơn. Ta tự thực tập như thế mỗi ngày hay với những người trong gia đình, khi đã quen thuộc rồi, ta có thể hướng dẫn một buổi thực tập thiền buông thư cho bạn bè hay cả gia đình. Ta cũng có thể khuyến khích những người khác trong gia đình hướng dẫn buông thư toàn thân như vậy cho mọi người. Trẻ em rất có khả năng hướng dẫn người khác trong phép thực tập này.

Khi đã có khả năng ôm ấp cơ thể và giải tỏa căng thẳng, giúp cơ thể phục hồi, ta có thể trở về với tự thân, với những cảm thọ và những tâm hành của ta (chi tiết của phép thực tập này được trình bày tại Phụ lục A). Mỗi chúng ta đều có kinh nghiệm về những cảm thọ dễ chịu hay cảm thọ khó chịu. Một trong những công năng của thực tập chánh niệm là chăm sóc cảm thọ khổ đau. Thường thường ta không muốn đối diện khổ đau bởi vì ta không biết cách chăm sóc khổ đau. Ta cũng thường nghĩ rằng nếu tâm đủ mạnh thì ta sẽ không còn cảm thấy đau khổ, rồi ta tìm cách che lấp khổ đau. Thay vì “thay chốt” và mời lên những hạt giống tích cực từ vùng tàng thức, ta lại trốn chạy những cảm thọ khó chịu bằng những hành động tiêu thụ thiếu chánh niệm. Ta bật ti vi lên, hoặc mở một cuốn sách, hay nhấc điện thoại, hay làm một việc gì đó để che lấp niềm đau nỗi khổ, sợ hãi, tuyệt vọng đang trấn ngự. Nhưng khi tiêu thụ những sản phẩm để tạm thời che lấp khổ đau thì ta cũng đồng thời đưa vào thân và tâm những yếu tố độc hại như tham dục, sợ hãi, lo lắng và làm cho tình thế càng thêm tồi tệ.

Cách hay nhất là ta phải trở về với tự thân. Hãy sử dụng năng lượng của chánh niệm để nhận diện và ôm ấp niềm đau nỗi khổ trong ta, như một bà mẹ ôm ấp đứa con mình. Chánh niệm là mẹ, đau khổ, buồn phiền, tuyệt vọng là con. Giữa mẹ và con không có tranh chấp. Năng lượng của chánh niệm sẽ nhận diện, ôm ấp và thoa dịu niềm đau. Khi nghe con khóc, người mẹ lập tức buông tất cả công việc xuống, chạy đến ôm em bé vào lòng. Mẹ có thể không biết lý do đã làm cho bé khóc, nhưng chỉ cần ẵm bé trong vòng tay với tất cả sự dịu dàng, thương yêu cũng đủ làm cho bé nín khóc. Cũng thế, ta có thể không biết rõ lý do đã làm cho ta đau khổ, buồn phiền, tuyệt vọng, nhưng nếu ta biết ôm ấp những khổ đau đó bằng năng lượng chánh niệm thì tức khắc ta cảm thấy tâm mình lắng yên, êm dịu lại vì năng lượng của chánh niệm đã hòa nhập vào năng lượng của khổ đau.

Hãy tưởng tượng một đóa hoa trong nắng sớm. Hoa chưa nở nhưng tia nắng đang ôm ấp hoa, năng lượng mặt trời đang thấm dần vào hoa. Mặt trời không chỉ chiếu quanh đóa hoa. Tia nắng mặt trời thấm vào hoa một cách tự nhiên và một giờ sau hoa sẽ bừng nở. Chánh niệm là mặt trời ôm ấp đóa hoa cảm thọ.

Nếu cứ để mặc, không chăm sóc nỗi sợ hãi, hờn giận, và tuyệt vọng thì những cảm xúc tiêu cực đó sẽ biến thành sức mạnh tàn phá. Nếu biết chế tác chánh niệm thì chánh niệm sẽ nhận diện và ôm ấp những cảm thọ khổ đau ấy. Thực tập hơi thở và bước chân chánh niệm không những nuôi dưỡng, tưới mát thân tâm mà còn giúp nhận diện và ôm ấp khổ đau. Thay vì sử dụng năng lượng để đè nén khổ đau, ta hãy sử dụng năng lượng đó để bảo toàn cơ thể. Ôm ấp khổ đau sẽ nuôi lớn chúng ta.

Nếu được cùng người thương ngồi trong chánh niệm (ngồi thiền), đi trong chánh niệm (đi thiền) thì sức mạnh của chánh niệm càng tăng gấp bội nhờ sự đóng góp của năng lượng thực tập từ người thương. “Mời anh/mời em đến đây cùng ngồi thiền với tôi, thiền hành với tôi. Tôi cần có anh/có em bên cạnh.” Nghe vậy, người thương sẽ đến, sẽ cùng ngồi, cùng đi với ta. Phối hợp năng lượng, ta sẽ dư sức ôm ấp khổ đau.

Càng có đông bạn hữu thực tập chung, năng lượng càng thêm mạnh. Năng lượng tập thể giúp cho sự thực tập ôm ấp niềm đau nỗi khổ dễ dàng hơn nhiều. Cho nên trong một cộng đồng mà mọi người cùng thực tập với nhau thì càng vui, hiệu quả lớn gấp bội, và năng lượng ngày càng thêm thâm hậu. Được năng lượng tập thể ấy bao bọc, ta sẽ thấy khỏe khoắn thêm ra và hiệu quả chữa trị đến rất nhanh.

Năng lượng chánh niệm giúp ta ý thức những gì đang xảy ra. Thở vào và biết rằng đang thở vào, đó là chánh niệm về hơi thở. Uống trà và biết rằng đang uống trà, đó là chánh niệm khi uống trà. Khi đi và biết rằng đang đi, thưởng thức từng bước chân, đó là chánh niệm khi đi. Những thực tập ấy chế tác năng lượng chánh niệm, giúp cho ta thật sự tỉnh thức, thật sự có mặt để tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống, để được nuôi dưỡng và chữa lành.

 

Năm Phép Thực Tập Chánh niệm

Một hôm cư sĩ Cấp Cô Độc đưa năm trăm thương gia đến gặp Bụt. Nhân dịp này Bụt chia sẻ với các vị thương gia ấy một bài pháp mà nội dung được ghi lại trong “Kinh Người Áo Trắng.” Kinh dạy cho các thương gia và những người cư sĩ phương pháp sống có hạnh phúc trong giờ phút hiện tại, bây giờ và ở đây. Cụm từ “hiện pháp lạc trú” được lặp đi lặp lại ít nhất là năm lần trong kinh. Hạnh phúc lớn nhất là biết mình đang đi trên đường chánh. Hạnh phúc lớn nhất là có nghề thích hợp, phát huy được tâm hiểu biết, thương yêu. Hạnh phúc, trách nhiệm và chánh niệm liên hệ với nhau. Một doanh nhân trên đường tạo dựng hạnh phúc phải chăm sóc bản thân trước nhất. Nhờ thực tập chế tác năng lượng chánh niệm mà có được hạnh phúc và từ đó có khả năng chăm sóc người khác. Biết bao nhiêu yếu tố của hạnh phúc đang có sẵn ngay bây giờ và ở đây.

Kinh Người Áo Trắng dạy rằng nền tảng của nếp sống chánh niệm và hạnh phúc là Năm Phép Thực Tập Chánh Niệm (Năm Giới Quý Báu). Năm phép thực tập này giúp ta có được quyền lực đích thực, tức là quyền lực tâm linh. Cốt tủy của sự thực tập chánh niệm chính là Năm Giới Quý Báu này.

Năm phép thực tập chánh niệm (Năm Giới Quý Báu)

Phép Thực Tập Chánh Niệm (Giới) Thứ Nhất: Tôn Trọng Sự Sống
Ý thức được những khổ đau do sự sát hại gây ra, con xin học theo hạnh đại bi để bảo vệ sự sống của mọi người và mọi loài. Con nguyện không giết hại sinh mạng, không tán thành sự giết chóc và không để kẻ khác giết hại, dù là trong tâm tưởng hay trong cách sống hằng ngày của con.

Phép Thực Tập Chánh Niệm (Giới) Thứ Hai: Tôn Trọng Quyền Tư Hữu
Ý thức được những khổ đau do lường gạt, trộm cướp và bất công xã hội gây ra, con xin học theo hạnh đại từ để đem niềm vui sống và an lạc cho mọi người và mọi loài, để chia sẻ thì giờ, năng lực và tài vật của con với những kẻ đang thật sự thiếu thốn. Con nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Con nguyện tôn trọng quyền tư hữu của kẻ khác, nhưng cũng nguyện ngăn ngừa kẻ khác không cho họ tích trữ và làm giàu một cách bất lương trên sự đau khổ của con người và của muôn loài.

Phép Thực Tập Chánh Niệm (Giới) Thứ Ba: Không Tà Dâm
Ý thức được những khổ đau do thói tà dâm gây ra, con xin học theo tinh thần trách nhiệm để giúp bảo vệ tiết hạnh và sự an toàn của mọi người và mọi gia đình trong xã hội. Con nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của con. Con ý thức được rằng những hành động bất chính sẽ gây ra những đau khổ cho kẻ khác và cho chính con. Con biết muốn bảo vệ hạnh phúc của mình và của kẻ khác thì phải biết tôn trọng những cam kết của mình và của kẻ khác. Con sẽ làm mọi cách có thể để bảo vệ trẻ em, không cho nạn tà dâm tiếp tục gây nên sự đổ vỡ của các gia đình và của đời sống đôi lứa.

Phép Thực Tập Chánh Niệm (Giới) Thứ Tư: Lắng Nghe Và Ái Ngữ
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu chánh niệm gây ra, con xin học theo hạnh ái ngữ và lắng nghe để dâng tặng niềm vui cho người và làm vơi bớt khổ đau của người. Biết rằng lời nói có thể đem lại hạnh phúc hoặc khổ đau cho người, con nguyện chỉ nói những lời có thể gây thêm niềm tự tin, an vui và hy vọng, những lời chân thật có giá trị xây dựng sự hiểu biết và hòa giải. Con nguyện không nói những điều sai với sự thật, không nói những lời gây chia rẽ và căm thù. Con nguyện không loan truyền những tin mà con không biết chắc là có thật, không phê bình và lên án những điều con không biết chắc. Con nguyện không nói những điều có thể tạo nên sự bất hòa trong gia đình và đoàn thể, những điều có thể làm tan vỡ gia đình và đoàn thể

Phép Thực Tập Chánh Niệm (Giới) Thứ Năm: Chánh Niệm Trong Tiêu Thụ
Ý thức được những khổ đau do việc sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, cho thân tâm gia đình và xã hội con. Con nguyện không uống rượu, không sử dụng các chất ma túy, không ăn uống hoặc tiêu thụ những sản phẩm có độc tố, trong đó có một số sản phẩm truyền thanh, truyền hình, sách báo, phim ảnh và chuyện trò. Con biết rằng tàn hoại thân tâm bằng rượu và các độc tố ấy là phản bội tổ tiên, cha mẹ và cũng là phản bội các thế hệ tương lai. Con nguyện chuyển hóa bạo động, căm thù, sợ hãi và buồn giận bằng cách thực tập phép kiêng cữ cho con, cho gia đình con và cho xã hội. Con biết phép kiêng khem này rất thiết yếu để chuyển hóa tự thân, tâm thức cộng đồng và xã hội.

Năm Giới Quý Báu là giới tướng cụ thể của thực tập chánh niệm mà ta có thể áp dụng trong đời sống hằng ngày, tại nơi làm việc hay trong gia đình. Tinh thần chánh niệm này cũng được tìm thấy trong tất cả các truyền thống tôn giáo, tín ngưỡng khác như Ki-Tô giáo, Do Thái giáo, Hồi giáo, Ấn Độ giáo. Dù truyền thống tôn giáo của bạn không phải Phật giáo, bạn vẫn có thể tìm thấy những yếu tố của Năm Giới Quý Báu này trong kinh điển hay gốc rễ tín ngưỡng của bạn. Như thế bạn sẽ hiểu rõ truyền thống của bạn hơn. Bạn không thể hạnh phúc nếu bị mất gốc rễ.

Những thực tập này không phải do một ai áp đặt mà là kết quả của công phu tu tập. Ta chấp nhận Năm Giới Quý Báu, bởi vì dưới ánh sáng của chánh niệm, ta thấy rõ rằng khổ đau sẽ tràn ngập nếu không hành trì Năm Giới Quý Báu.

Năm Giới Quý Báu không phải là năm điều cấm đoán mà là năm lời phát nguyện sau khi ta quán chiếu về khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Đây là một thực tập và là một quyết định phát xuất từ tuệ giác của chính ta. Theo tôi, Năm Giới Quý Báu là năm thực tập đích thực về tình thương, về tâm từ bi.

Giới Thứ Nhất là thực tập bảo vệ sự sống. Bởi vì tôi yêu sự sống, bởi vì tôi thương mọi loài sinh vật, cho nên tôi quyết tâm thực tập chánh niệm, nguyện không tán thành sự giết hại. Vì sự sống là vô cùng quý báu, tôi nguyện bảo vệ sự sống, không phải chỉ bảo vệ sự sống của con người, mà cả sự sống của mọi loài khác, nghĩa là sự sống của loài vật, cỏ cây và đất đá, bởi vì sự sống của con người được làm bằng sự sống của những loài không phải là con người, muốn bảo vệ con người, ta phải bảo vệ những loài không phải là con người. Đây là giáo lý của “Kinh Kim Cương,” một tác phẩm vi diệu và xưa nhất về sinh môi. Muốn bảo vệ con người, ta phải bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước, không khí, động vật, cỏ cây và đất đá. Đây là cốt tủy của Phép Thực tập Chánh niệm Thứ nhất. Nếu muốn bảo vệ môi trường, xin mời bạn đọc “Kinh Kim Cương,” bạn sẽ thấy rằng bảo vệ loài vật, cỏ cây và đất đá tức là bảo vệ tất cả mọi người, đàn ông, đàn bà, trẻ em. Đây là thực tập thương yêu.

Giới Thứ Hai là thực tập hạnh bố thí. Nơi đâu cũng có nghèo khổ. Sự chênh lệch giàu nghèo gây nên rất nhiều đau khổ. Vì thế, chúng ta phải sống thế nào để giảm thiểu đau khổ. Chúng ta nguyện chia sẻ thì giờ và tài lực với những người thật sự thiếu thốn. Đây là hạnh bố thí đích thực. Chúng ta sống đơn giản hơn để có nhiều thì giờ giúp những người khác. Chúng ta nguyện không lấy làm tư hữu bất cứ một của cải nào không phải do mình tạo ra. Giới Thứ Hai cũng là giới thực tập thương yêu.

Giới Thứ Ba là thực tập bảo vệ cá nhân và gia đình. Chúng ta nguyện không tà dâm và cưỡng bức tình dục. Giới Thứ Ba này cũng là thực tập thương yêu chân thật. Chúng ta nguyện không ăn nằm với những người không phải là vợ hay chồng của ta. Nhìn sâu, chúng ta thấy thân và tâm không phải là hai thực thể riêng biệt, ta không thể tách rời thân và tâm. Kính trọng thân tức là kính trọng tâm. Nếu thân không được kính trọng tức là tâm không được kính trọng. Muốn có thương yêu phải có kính trọng. Không có kính trọng thì không thể có thương yêu chân thực.

Trong xã hội hiện nay, tình dục bừa bãi đang là một hiện tượng phổ biến; tình dục chỉ với mục đích thỏa mãn xác thịt. Chúng ta lẫn lộn tình yêu với tình dục. Tình dục không hẳn là tình yêu. Khi yêu, ta trao tặng cho người yêu những gì quý giá nhất, đó là tấm lòng của ta. Chúng ta đã biết rằng thân tâm là một. Trong nội tâm ta có những vùng bí ẩn, linh thiêng, có những niềm đau nỗi khổ, có những ước vọng khát khao – những cấm thành – mà ta muốn giữ kín. Và chúng ta chỉ có thể chia sẻ những tâm tình sâu kín, chỉ mở cửa cấm thành cho người ta thương mà thôi.

Đối với thân cũng vậy. Thân thể ta cũng có những tử cấm thành mà không ai được vào nếu không được phép. Tuệ giác đó đã có sẵn trong truyền thống văn hóa của ta, nhưng ta đã đánh mất một phần nào sự kính trọng đối với những vùng linh thiêng của cơ thể ta. Giới Thứ Ba bảo vệ ta cũng như những người khác, giúp tránh khỏi đau khổ.

Giới Thứ Tư là thực tập truyền thông, thực tập hạnh ái ngữ. Lời nói có thể có tác dụng rất mạnh nhưng cũng có thể chỉ là “tiếng gào thét trong hư không”. Chưa bao giờ loài người có nhiều phương tiện truyền thông như ngày nay: thư điện tử, điện thoại cầm tay, fax, vô tuyến truyền hình, đài phát thanh, báo chí. Tuy thế chúng ta vẫn là những ốc đảo cô đơn. Truyền thông trong gia đình, trong xã hội, giữa các quốc gia vẫn rất ít ỏi. Bởi vì chúng ta không biết cách lắng nghe nhau, chúng ta không có khả năng nói chuyện sao cho có ý nghĩa. Cần phải khai mở lại cánh cửa truyền thông chân thực. Khi không thể truyền thông thì ta sẽ bị bế tắc, ta sẽ bệnh. Càng bệnh ta càng khổ và làm cho những người khác khổ theo.

Lời nói có thể có tác dụng xây dựng hay tàn phá. Lời nói có chánh niệm có thể đem lại hạnh phúc. Lời nói thiếu chánh niệm có thể hủy diệt sự sống. Một lời nói nếu đem lại bình an, hạnh phúc là một món quà quý giá nhất mà ta có thể trao tặng.

Giới Thứ Tư cũng nhắc nhở ta rằng lời nói chánh niệm đi đôi với hạnh lắng nghe sâu. Chúng ta lắng nghe với tất cả sự chú tâm và lòng từ bi, thực sự có mặt để lắng nghe. Mục đích duy nhất là giúp người kia cảm thấy yên tâm mà bộc lộ tất cả nỗi lòng và giải tỏa được khổ đau.

Giới Thứ Tư có liên hệ với Giới Thứ Năm bởi vì Giới Thứ Năm là thực tập chánh niệm khi tiêu thụ. Tiêu thụ không chỉ là khi ăn mà còn là khi xem, khi đọc và khi nghe. Nhìn vào cách ta tiêu thụ, người khác có thể đánh giá được con người của ta. Nếu nhìn sâu vào các thứ ta tiêu thụ hằng ngày, ta sẽ thấy rõ con người thật của chính ta. Chúng ta cần ăn, cần uống, cần tiêu thụ, nhưng nếu thiếu chánh niệm khi ăn, uống và tiêu thụ thì ta có thể hủy hoại thân tâm ta, và phản bội tổ tiên, cha mẹ cùng các thế hệ mai sau.

Phải chánh niệm về những gì ta đưa vào cơ thể và tâm thức. Hãy tự hỏi, “Hôm nay tôi đã đưa vào thân tâm những độc tố nào? Tôi đã xem phim gì? Đọc sách gì? Đọc báo gì? Nói chuyện gì?” Chánh niệm là nhận diện những độc tố của phim ảnh, sách báo, chuyện trò, rồi quyết định kiêng cữ những độc tố ấy. Hãy tự nhủ: “Ý thức được những khổ đau do sự sử dụng ma túy và độc tố gây ra, con xin học cách chuyển hóa thân tâm, xây dựng sức khỏe thân thể và tâm hồn bằng cách thực tập chánh niệm trong việc ăn uống và tiêu thụ. Con nguyện chỉ tiêu thụ những gì có thể đem lại an lạc cho thân tâm con, cho thân tâm gia đình và xã hội con.”

Giới Thứ Năm có thể được xem như là một sự cam kết to lớn, khó thực hiện, và không thuận theo ý muốn của ta. Nhưng cứ bắt đầu thực tập, ta sẽ thấy cuộc sống thư thái hơn, thấy hạnh phúc hơn. Vậy thì phải hành động ngay đi. Hãy tu tập theo Chánh Đạo, làm tất cả những gì có thể làm được để bảo vệ và đem an lạc đến cho tất cả mọi người, mọi loài. Rồi ta sẽ không còn sợ hãi. Cho dù phải trải qua những lúc khó khăn như bệnh tật, hiểm nguy hay đối mặt với cái chết thì tâm ta vẫn được bình an. Đó là kinh nghiệm của chính bản thân tôi.

Trong cuộc chiến Việt Nam, tôi biết một quân nhân Hoa Kỳ. Anh có nhiều thiện chí, anh muốn phục vụ đất nước anh, anh chống cộng nên anh tình nguyện sang Việt Nam. Nhiệm vụ quân sự của anh là đi giết địch ban đêm. Có nhiều làng mà ban đêm quân du kích về tuyên truyền. Chính phủ Miền Nam không có bằng cớ rằng dân làng đã hợp tác với quân du kích, nhưng cơ quan tình báo Hoa Kỳ cho rằng trong làng có người hợp tác với quân du kích và cần phải tiêu diệt.

Nhiệm vụ của người quân nhân Hoa Kỳ này là ban đêm tới nhà người bị tình nghi để giết. Anh ta không dùng súng (để tránh gây tiếng động) mà chỉ giết bằng dao. Sáng ra, dân làng tìm thấy xác người bị tình nghi kia sẽ nghĩ rằng người này bị du kích giết. Trong thời bình, nếu giết người thì bị ra tòa. Nhưng trong cuộc chiến Việt Nam thì không có tòa án. Nếu nghi ai là kẻ thù thì chỉ việc ban đêm tìm tới nhà ám sát, không để lại dấu tích. Ta loại trừ những ai mà ta nghi là thuộc phe bên kia. Không tòa án, không xét xử, không chi cả.

Nhiều năm sau cuộc chiến Việt Nam, người quân nhân Hoa Kỳ ấy đã kể cho tôi nghe câu chuyện trên khi ông bị bệnh và sắp từ giã cõi đời. Tôi đã chứng kiến đau khổ cùng cực của ông trong giai đoạn cuối cuộc đời. Không chỉ đau nhức trong thân mà còn đau khổ tột cùng trong tâm. Hành động năm xưa bây giờ trở lại ám ảnh ông, ngày cũng như đêm. Chỉ sau khi bộc bạch hết tội lỗi ngày xưa, ông mới cảm thấy bớt đi phần nào đau khổ.

Mỗi hành động của ta sẽ trở về lại với ta. Con dao ta dùng để giết chết người kia – hành động hãm hại kẻ khác – sẽ trở về trừng phạt chính ta. Chỉ có ta, chứ không một ai khác, biết được lý do vì sao ta đau khổ. Trong trường hợp ấy thật khó mà được chết bình an. Cho nên hạnh phúc lớn nhất là biết được rằng ta đang đi trên đường chính. Ta không làm một việc gì tàn hại sinh mạng, cỏ cây hay đất đá. Một tâm hồn bình an sẽ giúp ta vượt qua những khó khăn, hiểm nguy không chút sợ hãi, và có thể chết trong bình an. Đây là một điều rất quan trọng. Không thể chần chừ được nữa.

Không ai có thể thực tập Năm Giới Quý Báu một cách toàn hảo, kể cả Bụt. Mục đích không phải là thật hoàn hảo mà là chánh niệm về những hành động của mình, ngay cả khi phạm lỗi. Nếu đi lạc trong rừng, ta thường nhằm hướng sao Bắc Đẩu để tìm đường ra. Ta theo hướng sao Bắc Đẩu với mục đích là về nhà chứ không phải lên trên sao Bắc Đẩu. Năm Giới Quý Báu được ví như sao Bắc Đẩu, chúng ta không phải thực tập cho toàn hảo. Thực tập chánh niệm là ánh sáng dẫn đường chỉ lối. Ta biết rằng ta đang đi trên đường chính trực. Có con đường tâm linh, con đường của tình thương và sự hiểu biết, ta cảm thấy hạnh phúc vì biết rõ hướng đi của mình. Hạnh phúc sẽ trong tầm tay vì ta đang đi trên con đường của tâm từ bi, con đường bảo vệ sự sống. Đây là một điều rất quan trọng. Thực tập Năm Giới Quý Báu sẽ bảo vệ và nâng đỡ chúng ta.

Năm Giới Quý Báu có đặc tính phổ quát. Thọ trì Năm Giới Quý Báu, ta trở thành đệ tử cưng của Bụt, con chiên ngoan của Jesus. Bụt, Jesus, Abraham, Mohamed luôn đồng hành với chúng ta trên con đường tu tập.