02 – nghệ thuật sử dụng quyền lực

Khi bực mình hay không vừa ý vì một điều gì trong gia đình hay cộng đồng, ta có khuynh hướng muốn thay đổi ngay lập tức. Ta sử dụng ngay một chút quyền lực đang có trong tay, quyền làm cha, làm mẹ, quyền của người thầy hay quyền của một ai đó. Đây chính là lúc ta phải dừng lại và suy ngẫm. Đó có phải là cách hay không? Hành xử như vậy có thực sự đem lại kết quả tốt không? Hãy nhìn sâu vào bản chất của những gì đã làm ta phật ý, để tìm ra một giải pháp chánh niệm nhất, từ bi nhất.

Khi thấy các đệ tử của mình tu tập thiếu chánh niệm, cố nhiên tôi không mấy vui bởi vì tôi luôn muốn các đệ tử của tôi tu tập nghiêm chỉnh. Nhưng nếu các đệ tử của tôi tu tập không đàng hoàng thì tôi sẽ sử dụng quyền lực của tôi như thế nào? Tôi có thể la mắng, trừng phạt, hay sử dụng quyền của người thầy một cách hung hăng? Nhưng mà, theo lẽ đương nhiên, ông thầy vẫn có thể sai lầm, nhất là một ông thầy mới bắt đầu sự nghiệp giảng dạy. Để giúp đệ tử, tôi phải học kiên nhẫn. Trước hết tôi sử dụng tình thương và tuệ giác, sử dụng những quyền lực ấy, ta có thể tránh việc lạm dụng thẩm quyền. Ta có thể giúp học trò, giúp con trai, con gái, nhân viên của ta mà không gây đau khổ cho ta và cho họ.

Có nhiều cách để chỉ bày, khuyên răn. Nếu ta làm điều đó với tình thương, thì sự chỉ bày, khuyên răn ấy sẽ có hiệu quả và ích lợi. Tuy nhiên nếu không khéo léo, thì dù bạn nói với tâm ý tốt, người nghe cũng có thể tránh xa bạn luôn. Mới đầu ta chưa đủ khéo khi chỉ dạy người khác, nhưng dần dần ta sẽ biết cách làm sao để không gây đau khổ, không làm cho người khác bị tổn thương. Ta phải luôn luôn xét lại xem có phải ta đã sử dụng quyền lực danh vọng, tiền tài, hay một quyền lực hời hợt nào khác hay không?

Nếu thực tập năm nguồn sức mạnh tâm linh là tín, tấn, niệm, định, tuệ nói trên thì đương nhiên ta sẽ tạo được một thứ quyền lực khác: quyền lực lãnh đạo. Bởi vì thiên hạ sẽ tìm đến xin lời khuyên và nương tựa nơi ta.

Một vị lãnh đạo cần phải có ba Đức. Đó là Đoạn đức, Ân đức và Trí đức.

Đức tính đầu tiên cần có để giúp ta sử dụng quyền lực một cách khôn khéo là Đoạn đức, nghĩa là buông xả. Buông xả những gì? Buông xả sân hận, tham dục, và vô minh. Ta phải từ từ học cách chuyển hóa tham dục, sân hận, sợ hãi, vọng tưởng trong ta. Nếu không làm được những việc ấy cho thật giỏi thì ta sẽ không còn được kính nể nữa, ta sẽ tự gây đau khổ cho chính ta và những người khác. Chỉ cần nhìn những nhà chính trị, lãnh đạo đã “thân bại danh liệt” vì những chuyện bê bối tình dục không đâu cũng đủ để biết rằng buông xả tham dục là rất quan trọng. Cho nên buông xả đưa đến quyền lực. Khi gặp một người biết buông xả, tự do, không còn bị tham, sân, si ràng buộc, chúng ta sinh lòng kính trọng và tin theo. Biết buông xả thì được giải thoát, thân tâm được nhẹ nhàng. Điều đó ngoài siêu thị không bán, phải thực tập mới có được.

Một nhà lãnh đạo giỏi còn phải có Ân đức, nghĩa là tâm từ bi. Đó là khả năng dịu dàng, tha thứ, chấp nhận và ôm ấp người khác với tình thương. Nếu ai đạt được khả năng ấy thì sẽ có hạnh phúc và được mọi người kính nể. La mắng hay trừng phạt không làm cho người dưới khuất phục mà chỉ gây thêm xa cách. Chỉ có sự quan tâm, lo lắng, thương mến mới chuyển đổi được tâm người mà mình muốn giúp. Những người thiếu từ bi và tha thứ thường phải chịu đau khổ. Khi biết tha thứ, chấp nhận, ta sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và có thể dễ dàng liên hệ với người khác. Người thiếu từ bi, trong tâm lúc nào cũng bực bội, giận dữ thì chẳng ai muốn đến gần, và như vậy sẽ cô đơn vô cùng. Cho nên, tâm từ bi là nền tảng của hạnh phúc. Nếu các nhà lãnh đạo chính trị thực tập từ bi thì họ sẽ không bao giờ lạm dụng thứ quyền lực dựa trên tiền bạc, danh vọng và địa vị xã hội. Họ sẽ không gây đau khổ cho chính họ và cho những người khác.

Một nhà lãnh đạo giỏi cũng phải có Trí đức, tức là tuệ giác. Kiến thức không phải là tuệ giác. Có người đạt nhiều bằng tiến sĩ, hiểu biết rộng rãi về khoa học, triết học và văn học, có thể nói “thao thao bất tuyệt” nhưng chưa chắc đã có tuệ giác. Tuệ giác là kết quả của khả năng nhìn sâu. Một nhà lãnh đạo đích thực là người có tuệ giác để chỉ cho ta con đường thoát khổ. Ta đang ở trong một hoàn cảnh khó khăn, hoang mang, không hướng đi thì một nhà lãnh đạo đích thực là người có khả năng vạch đường chỉ lối cho ta. Ta thấy ngay con đường thoát vì ta đã được gặp một nhà lãnh đạo có tuệ giác.

Tuệ giác giúp ta dễ dàng giải quyết những khó khăn, xung đột, mâu thuẫn. Nếu không có tuệ giác, ta sẽ luẩn quẩn loanh quanh trong đau khổ, sợ hãi, lo âu. Vì vậy đức tính thứ ba là khả năng nhìn sâu để đạt tới tuệ giác, để có thể giải quyết khó khăn và giúp đỡ người khác.

Thực tập ba đức tính buông xả, từ bi, và tuệ giác đem lại cho nhà lãnh đạo uy quyền thật sự. Chỉ mang danh là một nhà lãnh đạo không thôi thì không đủ. Chức tước không đem lại uy quyền. Khi thực tập chánh niệm đàng hoàng, ta sẽ tỏa chiếu an lạc, vững chãi, thảnh thơi và đạt được thứ uy quyền sâu sắc hơn. Nói ra một lời quần chúng đều lắng nghe vì ta có sự bình an, tươi mát, và khôn ngoan. Một nhà lãnh đạo giỏi là một người chỉ sử dụng thứ uy quyền ấy. Không cần phải cố giành cho được uy quyền. Không cần phải thi thố uy quyền. Uy quyền đến một cách tự nhiên. Nhà lãnh đạo giỏi truyền cảm hứng cho mọi người bằng nếp sống của chính mình. Người ta nghe mình bởi họ thương kính và tin tưởng mình.

Tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất của uy quyền là nền tảng của cung cách sử dụng uy quyền. Ta cần quán chiếu xem thử cách sử dụng uy quyền của ta có đặt nền tảng trên lòng từ bi hay không, hoặc xem thử uy quyền phát xuất từ tâm linh hay từ tiền tài, địa vị. Dù bạn là người đứng đầu một tôn giáo mà không có một đời sống tâm linh, không có tâm từ bi, thì bạn cũng không có uy quyền đích thực. Bạn ra lệnh nhưng người ta nghe theo bạn không phải vì uy quyền đích thực mà vì sợ.

Nếu không thực tập năm nguồn sức mạnh (Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ) và ba đức tính (Đoạn đức, Ân đức và Trí đức) của một nhà lãnh đạo đích thực, thì quyền lực trong tay chỉ gây tác hại cho chính bản thân, bởi vì nếu không có sức mạnh tâm linh thì luôn luôn có nguy cơ bị quyền lực lôi cuốn và trở thành lạm dụng quyền lực. Giả sử bạn là một ông chủ hay một vị thầy. Trong vị thế ấy, bạn có uy quyền và bạn sẽ có xu hướng áp đặt ý muốn của mình lên nhân viên hay học trò của mình. Làm cha làm mẹ hẳn là bạn cũng biết rằng khó có thể thành công nếu dùng uy lực để dạy bảo con cái, cách đó chỉ gây đau khổ cho con cái và cho chính mình. Nhiều người đã hận cha hận mẹ vì cha mẹ đã sử dụng sai lạc uy quyền. Nếu giữa cha mẹ và con cái có tranh chấp thì sự tranh chấp ấy không thể nào công bằng được vì cha mẹ có quyền hơn. Cho dù chỉ nắm một chút quyền, nhưng nếu không có đường hướng tâm linh, ta sẽ có xu hướng sử dụng sai lạc uy quyền ấy. Còn nếu tu tập để nguồn sức mạnh tâm linh càng ngày tăng trưởng trong ta thì ta sẽ có khả năng chuyển hóa và bảo vệ ta cùng những người ta thương khỏi đau khổ, tuyệt vọng.

Khi có quyết tâm thực tập sức mạnh tâm linh, tự nhiên ta sẽ tìm mọi cách tạo ra một môi trường thích hợp giúp ta thường xuyên rèn luyện những nguồn sức mạnh ấy. Tôi đi tu không phải là tôi muốn khác thiên hạ hay tự cô lập và làm một ẩn sĩ. Tôi đi tu chỉ vì tôi muốn dành trọn thì giờ của tôi để giúp những người khác.

Hãy tưởng tượng một vị tổng thống mà chỉ dựa vào quyền lực tâm linh thay vì quyền lực chính trị. Ông ta sẽ dùng mọi cách có được trong tay để đem lại hòa giải, hòa bình và hạnh phúc cho người dân nước mình cũng như nhân dân các nước khác.

Trước khi xuất gia tầm đạo, thái tử Tất Đạt Đa đã thấy rõ phụ vương Ngài tuy nắm trong tay nhiều quyền lực chính trị nhưng vẫn bất lực. Vua Tịnh Phạn biết rõ nạn tham nhũng đang hoành hành trong triều nhưng ông không làm gì được. Vua bị kẹt trong sợ hãi và tham quyền. Bị sợ hãi, sân hận, và vô minh chế ngự thì sử dụng quyền lực chính trị sẽ chỉ đưa tới đau khổ cho chính mình và mọi người xung quanh. Một trong những lý do chính khiến thái tử Tất Đạt Đa từ bỏ gia đình và ngôi báu là vì Ngài đã giác ngộ rằng quyền lực chính trị không thể đem lại hạnh phúc cho Ngài và nhân dân nước Ngài. Thái tử Tất Đạt Đa đã quyết tâm tìm cho ra một thứ quyền lực khác, quyền lực tâm linh.

Nhìn sâu ta sẽ thấy rằng những người giàu có và uy quyền thường rất đau khổ, và làm cho những người khác đau khổ theo. Tuy rằng có uy quyền nhưng họ luôn chìm trong hố sâu tuyệt vọng và đau khổ. Những nhà lãnh đạo chính trị cũng như kinh tế ham thích quyền lực nhưng lại đau khổ vì quyền lực. Đã đến lúc chúng ta phải xét lại ý nghĩa của quyền lực và thay đổi hướng đi của cuộc sống. Triết gia Jean Jacques Rousseau đã viết rằng: “Người mạnh nhất không bao giờ đủ mạnh để mãi mãi ở vị trí lãnh đạo, trừ khi người ấy biết chuyển đổi sức mạnh thành lẽ phải, và chuyển đổi sự khuất phục thành bổn phận.” Sử dụng quyền lực không đúng sẽ nhận lấy sự chống đối từ phía những người dưới quyền. Trái lại, khi dùng chính đáng và có uy lực tâm linh, quyền lực được chấp nhận và kính ngưỡng.

Khi một bên thâu tóm quyền lực và một bên không có quyền thì bên không có quyền luôn có xu hướng nổi loạn. Sự cách biệt quá lớn giữa dân tộc này với dân tộc khác, giữa nhóm người này và nhóm người khác sẽ làm cho quyền lực bấp bênh. Ngay cả khi dường như được người khác chấp nhận thì người cầm quyền vẫn cảm thấy bất an. Nhưng khi quyền lực được dựa trên uy lực tâm linh và là biểu hiện của tình thương, trí tuệ và thoát ly phiền não thì quyền lực ấy sẽ thiết lập được công bằng, duy trì trật tự và có thể đương đầu với mọi thử thách một cách hòa bình mà không cần sử dụng bạo lực hay đàn áp.

Nhiều nhà lãnh đạo kinh tế hay chính trị luôn tranh giành quyền lực và hình như họ không bao giờ thấy đủ. Người Phật tử hay những người có chiều hướng tâm linh cũng muốn có quyền lực, nhưng họ mong cầu quyền lực của tín, tấn, niệm, định và tuệ. Những quyền lực ấy là vô lượng và không bao giờ làm hại ai, kể cả chính mình.

Nhiều người cho rằng tiền bạc đem lại hạnh phúc. Mục đích làm việc của họ một phần là để kiếm tiền. Mà quả thật tiền tài là một thứ quyền lực. Có tiền ta có thể mua bất cứ gì ta muốn. Các nhà chính trị hứa sẽ giúp ta có thêm quyền lực và tiền bạc. Nhiều người tin rằng một chính trị gia giỏi sẽ giúp dân tăng khả năng mua sắm, mãi lực gia tăng. Ta có cảm tưởng rằng mình có quyền khi có khả năng mua sắm bất cứ gì. Mà quả vậy, với tiền bạc, ta không những mua sắm đồ đạc mà còn có thể “mua” được con người, chẳng hạn như “mua” người khác tới dọn dẹp nhà cửa, săn sóc con cái, nấu nướng. Một nhà chính trị giúp dân nhẹ bớt gánh nặng tài chính thì dân sẽ mang ơn. Người dân bị phụ thuộc vào nhà chính trị và quyền thế của nhà chính trị sẽ vững mạnh thêm. Với quyền thế trong tay, nhà chính trị sẽ tận dụng người dân và muốn người dân làm theo ý muốn của mình.

Nếu đủ giàu, ta có thể mua luôn cả một quốc gia bằng cách cho phép quan hệ thương mại và hứa hẹn đặc quyền kinh tế, ta hứa giúp họ phát triển nền kinh tế trong nước nếu họ đồng ý đứng về phía ta trong một cuộc chiến nào đó, v.v… Có quyền lực ta có khả năng “mua” những người khác. Ta có quyền, nhưng nếu sử dụng quyền lực một cách sai lạc, chúng ta sẽ gây đau khổ cho chính mình và cho người khác.

Tiền bạc có thể tạo ra danh tiếng, có thể mua chức vị hay uy tín. Ta có thể viết một cuốn sách và trở nên nổi tiếng dù ta chẳng có mấy tài năng, hoặc ta thuê một người nào đó viết một cuốn sách rồi ta đứng tên tác giả. Những chuyện như thế xảy ra khắp nơi trên thế giới. Tiền tài mua danh vọng là vậy. Càng nổi tiếng thì lại càng kiếm nhiều tiền. Nếu bạn là một ngôi sao truyền hình ai cũng biết mặt thì các doanh nghiệp sẽ thuê bạn quảng cáo cho công ty của họ. Bạn sẽ kiếm được rất nhiều tiền chỉ với một hay hai phút quảng cáo. Bạn đề cao sản phẩm nào, thiên hạ sẽ nghe theo và mua. Tiền bạc đem đến danh vọng, danh vọng đem đến tiền bạc, rồi cả hai đem đến những thứ khác, ví như tình dục. Quyền lực có thể rất nguy hiểm vì quyền lực dễ dàng hủ hóa chúng ta.

Tự thân tiền bạc và danh vọng không xấu, chỉ vì chúng ta không biết quản lý cho nên tiền bạc và danh vọng đã trở nên xấu ác. Cách ta sử dụng tiền tài, danh vọng có thể gây nên đau khổ. Nếu chúng ta khôn ngoan và biết thực tập chiều hướng tâm linh thì tiền tài và danh vọng không thể gây hại được, trái lại chúng còn có thể đem lại lợi ích. Dùng tiền bạc và danh vọng một cách khôn ngoan để giảm thiểu đau khổ và tạo hạnh phúc là một điều có thể làm được. Tiền bạc và danh vọng hữu ích hay nguy hiểm là tùy vào cách ta sử dụng chúng.

Quyền lực tâm linh và chính trị không xung khắc nhau. Vua A-Dục, người đã thống nhất Ấn Độ vào thế kỷ III TCN, đã áp dụng giáo lý của Bụt và trở thành một vị vua nổi tiếng. Ông đã nhận ra rằng giáo lý của Bụt có thể giúp tạo nên một xã hội mới. Ông hạn chế giết gia súc ở mức vừa đủ ăn, khuyên dân chúng tu tập hiểu biết, thương yêu, tránh giết chóc, trộm cướp. Vua A-Dục có quyền lực của một Đại vương (Maharaja) và ông đã sử dụng quyền lực ấy để giúp dân.

Do Thái là một siêu cường quốc tại Trung Đông, có kỹ thuật nguyên tử tối tân, có quân đội hùng mạnh. Ai cũng biết rằng Do Thái có khả năng tấn công, trả đũa và được Hoa Kỳ ủng hộ. Nhưng sức mạnh ấy không đủ để giữ cho đất nước này có an ninh, hạnh phúc. Vì vậy mà dân tộc Do Thái cần phải thực tập những loại sức mạnh khác. Các nhà lãnh đạo Do Thái cần phải để ý tới sức mạnh của sự bình tĩnh, của ái ngữ, biết cảm thông với những đau khổ và khó khăn của các nước khác và đối thoại với các quốc gia ấy bằng ngôn ngữ từ bi. Nếu các nhà lãnh đạo Do Thái biết tu tập năm sức mạnh tâm linh, họ sẽ không sử dụng quyền lực chính trị và quân sự một cách sai lạc gây nên bao đau khổ trong và ngoài nước.

Nếu ta tấn công người khác thì bằng cách này hay cách khác, họ sẽ tìm cách tấn công lại; không thể tấn công chính thức thì họ tấn công không chính thức. Nếu không mang bom trên máy bay, họ sẽ dùng bom theo cách khác. Sử dụng quyền lực sai lầm là nguyên nhân đầu tiên gây nên bao nhiêu đau khổ. Đường lối sử dụng quyền lực không phải là vấn đề tâm linh mà là chuyện sống chết của cả một quốc gia.

Những nhà lãnh đạo kinh tế và chính trị là những người có rất nhiều quyền lực trong xã hội. Họ nắm định mệnh của chúng ta bằng nhiều cách. Chúng ta phải tìm cách giúp họ sử dụng quyền lực một cách khôn ngoan. Khi họ bị kẹt trong đau khổ, sợ hãi, sân hận, nếu không có đủ hiểu biết, thương yêu, họ có thể sử dụng quyền lực một cách sai lầm. Những quyết định của họ có thể không được đa số dân chúng trong nước hay trên thế giới ủng hộ. Chúng ta cần giúp họ tránh sử dụng sai lạc và hủy diệt quyền lực mà chúng ta đã tin tưởng giao phó cho họ. Chúng ta có thể đóng góp từ bi và trí tuệ cho các nhà lãnh đạo ấy để thiết lập lại cân bằng trong họ. Quyền lực tâm linh có thể coi là để giám sát quyền lực chính trị và kinh tế.

Vào thời Bụt có một thầy tên là Bhaddiya. Bhaddiya nguyên là một quan chức cao cấp của vương quốc Sakya. Nhưng Bhaddiya đã từ bỏ tất cả để xuất gia. Một hôm đang ngồi thiền, Bhaddiya bỗng thốt lên “Ôi, hạnh phúc của tôi!” ba lần. Một vị khất sĩ khác nghe được và nghĩ rằng Bhaddiya tiếc nuối quyền lực của chức tước ngày xưa nên đã thưa với Bụt về chuyện đó. Bụt gọi Bhaddiya tới và hỏi lý do. Bhaddiya trả lời: “Kính bạch Thế tôn, khi con còn tại chức con có rất nhiều quyền hành và tiền bạc. Con có những đội quân hộ vệ. Con muốn mua gì cũng được. Nhưng con không được hạnh phúc vì con luôn luôn sợ hãi. Con là nạn nhân của ganh tị, sợ sệt, ghét bỏ và tham lam. Bây giờ thì con không còn lo sợ hay phiền não nữa. Con không có gì để mất, không sợ bị ai ám hại, không cần vệ sĩ bảo vệ. Chưa bao giờ con được tự do và bình an như thế. Vì hạnh phúc quá nên con đã thốt lên như vậy. Con xin sám hối vì đã quấy rầy đại chúng.”

Đây là một câu chuyện rất hay, chứng tỏ rõ ràng giới hạn của quyền lực chính trị và kinh tế, đồng thời chỉ cho ta thấy quyền lực đích thực có thể giải phóng chính ta và giúp người khác tự giải phóng.