Vọng tâm thành chân tâm

 

Thiều ơi! Điều quan trọng mà tôi muốn nhắc lại ở đây là trong khi thực hành quán niệm ta chớ nên để sự phân biệt thiện ác, chính tà chi phối để tạo nên sự dằng co.Khi một ý niệm thiện phát sinh, ta chỉ nên nhận diện “một ý niệm thiện vừa phát sinh”. Khi một ý niệm bất thiện phát sinh ta chỉ nên nhận diện : “một ý niệm bất thiện vừa phát sinh”. Đừng lôi kéo hoặc xua đuổi, không yêu mến cũng không ghê sọ. Hãy chỉ nhận diện chúng thôi là đủ. Nếu chúng đã đi rồi thì biết chúng đã đi rồi. Nếu chúng còn đó thì biết chúng đang còn đó. Có cảnh giác rồi thì không có gì cần phải sợ sệt nữa.

Trong khi tôi nói đến người gác cửa đền vua. Thiều có thể tưởng tượng một gian phòng có hai cửa. Một cửa vào và một cửa ra với tâm ta là người gác cửa. Cảm thọ và ý tưởng nào vào là ta biết, chúng ở lại ta cũng biết. Chúng ra đi ta cũng biết. Ví dụ ấy có một khuyết điểm nghe Thiều.

Tại vì trong ví dụ ấy, những người vào ra không phải là ông gác cửa, trong khi đó những cảm thọ và tư tưởng của ta lại chính là ta, là một phần của ta. Đối với sự thiền tập, thì đó là sự náo loạn, sự phân tán, là quân giặc tìm tới công hãm thành trì của sự tĩnh tâm. Tuy vậy, khi ta giận, thì sự giận chính là ra. Khi ta vui, sự vui cũng chính là ta. Khi ta có những ý tưởng, những ý tưởng đó cũng chính là ta. Ta vừa là người diễn kịch vừa là khán giả xem kịch. Ta vừa là tâm, vừa là người quán sát tâm.

Cho nên xua đuổi hay nức kéo không phải là chuyện quan trọng. Quan trọng là nhận biết, Sự quán sát này là sự quan sát không đối tượng hóa, tức là không phân biệt chủ thể và đối tượng. Tâm không nức kéo tâm, tâm không xua đuổi tâm. Tâm chỉ có thể quán tâm, mà sự quán sát đây không phải là sự quán sát một đối tượng độc lập. Hãy nhớ lại công án của Thiền Sư Bạch ẩn : Tiếng vỗ của một bàn tay. Hãy nghĩ đến lưỡi nếm mùi vị của lưỡi. Tâm thức nghiệm về tâm ngay chính trong bản thân của tâm. Điều này quan trọng đặc biệt, cho nên trong kinh quán niệm Phật luôn luôn dùng mệnh đề : “Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ, quán niệm tâm thức nơi tâm thức”. Có người nói sự lập lại của những chữ cảm thọ và tâm thức là để nhấn mạnh. Tôi e rằng họ không hiểu ý của Phật. Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ là quán niệm của cảm thọ trực tiếp nơi cảm thọ, chứ không phải là quán niệm cảm thọ nơi một hình ảnh tạo ra về cảm thọ sau khi đối tượng hóa cảm thọ. Quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ là tâm quán niệm tâm. Đối tượng hóa để quan sát là phương pháp khoa học, không phải là phương pháp thiền quán. Cho nên hình ảnh người gác cửa và những khách vào ra gian phòng tâm thức không phải là hình ảnh hoàn bị để đem ví dụ cho sự quán sát tâm ý. Tâm như con vượn chuyền cành, Kinh hay nói như vậy. Chúng ta hãy tập quan sát con vượn, bám sát lấy nó, đừng để một cử động nào lọt ra khỏi nhãn quan ta. Hãy đồng nhất với nó. Tâm quán tăm như bóng theo hình thì dù tâm ý chuyển đi đâu nó vẫn nằm trong sự kiểm soát của tâm. Kinh thường nói : “cột con vượn tâm lại”. Đó chỉ là một cách nói thôi. Khi tâm thường trực quán tâm thì tâm không còn là một con vượn nữa. Không có hai tâm, một tâm chuyền cành và một tâm đi kéo lại.

Người tọa thiền thường mong “thấy tánh” để giác ngộ chứng đạo. Hành giả mới tập thiền đừng chờ đợi “thấy tánh” và “giác ngộ”. Tốt hơn là đừng chờ đợi gì hết. Nhất là đừng chờ thấy Phật trong khi ngồi thiền. Trong 6 tháng đầu, hãy nỗ lực nhiếp tâm tạo nên trạng thái tĩnh lặng và an lạc. Người tác viên nên thực tập như thế, vừa rũ sạch được phiền não, vừa được nghỉ ngơi an lạc, vừa làm cho tâm hồn tĩnh lặng để cái thấy sáng thêm, để cái nhìn rộng thêm, để tình thương yêu có thêm thực chất.

Thiền tọa là thức ăn cho tâm linh nhưng cũng là thức ăn cho tình cảm và thể chất nữa. Thân thể ta cũng nhờ thiền tọa mà nhẹ nhàng an lạc hơn. Từ sự quán tâm đi tới sự “thấy tánh” con đường sẽ không gian nan lắm đâu nếu thực tập quán tâm thi hành đúng phép. Lúc thiền tọa mà đã tĩnh lặng, hình ảnh tư duy và cảm thọ không quấy động được rồi thì tâm bắt đầu an trú nơi tâm, tâm nhiếp tâm trong một hình thái trực giác mầu nhiệm, không có chủ thể và đối tượng, cũng như ta nhấp một chén trà mà tâm ý không còn phăn biệt, ký ức không còn trấn ngự thì cảm thọ của ta về hương vị trà là 1 cảm thọ trực tiếp, một trực giác mầu nhiễm trong đó không còn có sự phân biệt chủ thể và đối tượng, người uống trà và trà bị uống. Tâm vọng động cũng là tâm, như sóng nhấp nhô cũng là nước. Lúc tâm tĩnh lặng rồi thì vọng tâm cũng là chân tâm. Chân tâm là con người thật của ta, là Phật, là đại thể, duy tính, duy nhất, không bị ngăn cách bởi ranh giới bản ngã, khái niệm và ngôn từ. Tôi không muốn nói nhiều về khía cạnh này đâu Thiều, chỉ đủ để “có đầu có đuôi” thế thôi.