Đừng đánh mất cơ hội giác ngộ

 

Thiền Chỉ

Dừng lại tức là chỉ (samatha). Thiền chỉ rất quan trọng. Một trong những cái mình cần phải làm và bắt buộc làm cho bằng được là “đừng làm cái gì hết”, chỉ ngồi yên đó thôi. Chúng ta cứ tưởng rằng làm công việc kia mới khó, làm công việc nọ mới khó nhưng “không làm gì cả” mới thật là khó nhất. Không làm gì cả không  phải là lười biếng ngồi ì một chỗ, không làm gì cả tức là dừng lại được những lăng xăng, lộn xộn trong thân và tâm, không vật lộn, không tranh thủ, không cố gắng… Dừng lại được mọi tính toán, lo toan, mọi kế hoạch, mọi hoạt động, dừng lại trong thân và dừng lại trong tâm.

Muốn dừng cái thân lại thì phải tập ngồi cho vững chãi, cho an tĩnh, phải sử dụng hơi thở để làm yên cái thân. Với hơi thở, mình sẽ giúp cho tâm của mình từ từ dừng lại được. Khi theo dõi hơi thở, ta thấy hơi thở là một cái có thật, và nó đang xảy ra. Khi tiếp xúc được với hơi thở thì mình có thể tiếp xúc được với rất nhiều cái khác nữa, tại vì hơi thở có liên hệ với hình hài của mình. Hơi thở giống như là cửa ngõ mở ra để cho mình đi vào tiếp xúc với hình hài của mình. Cho nên, trong kinh An Ban Thủ Ý có bài thực tập thứ ba là “Thở vào tôi ý thức được toàn thân tôi”. Ở bài thực tập thứ nhất chỉ là nhận diện hơi thở “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào, thở ra tôi biết là tôi đang thở ra”. Sau khi nhận diện được hơi thở rồi thì mình có cơ hội nhận diện được gốc rễ của hơi thở tức là cái thân của mình. Nếu không có thân thì làm gì có hơi thở? Thế nhưng hình hài ở đây phải là một hình hài sống, một hình hài linh động chứ không phải là một cái xác chết.

Khi tiếp xúc được với hình hài rồi thì mình sẽ tiếp xúc được với cái linh động làm ra hình hài, đó là cái tâm. Nếu không có cái tâm ở trong cái thân thì cái thân chỉ là xác chết thôi. Tại vì có tâm thức nên mới có một cái thân linh động. Cho nên, tâm và thân nương vào nhau mà biểu hiện. Không có thân thì không có tâm mà không có tâm thì không có thân. Nên khi tiếp xúc với thân ta có cơ hội tiếp xúc với tâm tại vì tâm nằm ngay trong thân, và thân nằm ngay trong tâm. Khi thiền tập, nên bắt đầu bằng việc theo dõi hơi thở để tiếp xúc với thân rồi tiến đến tiếp xúc với tâm vì thân và tâm dính liền với nhau.

Kinh An Ban Thủ Ý hay ở chỗ đi từng bước một, từ thấp tới cao. Thành ra thực tập hơi thở có ý thức là một cuộc trở về, trước tiên là trở về với hơi thở, sau đó trở về với thân, rồi trở về với tâm. Trở về để sắp xếp, xử lý, để làm cho thân tâm lắng dịu, thoải mái và an ổn. Làm cho thoải mái, an ổn đều thuộc phạm vi của chỉ, tức là dừng lại.

Đối với những người đã quen với thiền tập thì trở về với hơi thở, nhận diện và làm lắng dịu thân tâm là chuyện có thể thực hiện được trong vòng mười giây đồng hồ, rất dễ dàng. Tại vì sự thực tập đó đã trở thành một thói quen của mình rồi nên làm rất mau. Giống như khi lái xe, mình cắm chìa khóa xe vào, nổ máy, vào số và nhấn ga là xe chạy. Chỉ trong vòng một phút là xe đã đi được, chuyện đó dễ như chơi vậy vì ngày nào mà mình không lái xe? Chuyện ngồi thiền cũng như vậy, nếu mình quen đem ý thức về với hơi thở, mình biết thở cho nhẹ nhàng, nương vào hơi thở để nhận diện thân, nhận diện tâm thì mình ôm được cả hơi thở, cả thân và cả tâm thì chỉ cần khoảng mười, hai mươi giây là mình có thể làm lắng dịu, đem bình an lại cho thân tâm.  Khi ấy, ngồi thiền rất dễ chịu, rất hạnh phúc.

 

Chỉ quán nương nhau

Thiền quán đi theo thiền chỉ như hình với bóng, hễ có chỉ là có quán. Tại vì khi để ý tới một cái gì đó thì tự nhiên mình thấy nó rõ hơn. Mà thấy rõ hơn tức là quán. Ban đầu mình chú ý tới hơi thở, chú ý quá thành ra thấy được hơi thở một cách rất rõ ràng. Từ hơi thở ta bắt đầu chú ý tới thân, rồi vì chú ý tới thân nhiều thành ra ta tập trung nơi thân, tập trung nơi thân thì thấy được chiều sâu của thân. Trong khi nhìn vào thân của mình, ta thấy rõ thân thể này chứa đựng cả thân của cha, thân của mẹ, thân của tổ tiên. Chúng ta có tổ tiên là con người, nhưng chúng ta cũng có tổ tiên là các loại động vật, và chúng ta cũng có tổ tiên thảo mộc và đất đá, tại vì con người xuất hiện muộn hơn nhiều loài khác ở trên thế giới. Ban đầu thì chỉ có những sinh vật đơn tế bào xuất hiện ở trong nước rồi từ từ mới có những sinh vật đa tế bào, các loài thảo mộc, rồi các loài động vật và lâu lắm, mãi sau này mới có con người xuất hiện. Cho nên chúng ta không chỉ có nguồn gốc từ con người mà còn có nguồn gốc từ các loại thực vật, động vật và khoáng vật nữa.

Khi chúng ta trở về tiếp xúc với hình hài của mình một cách sâu sắc thì chúng ta thấy tất cả tổ tiên đều ở trong mình, và mình chính là sự tiếp nối của tổ tiên, mà tổ tiên trẻ nhất là bố mẹ, ông bà mình. Nhưng mình không chỉ là sự tiếp nối của con người, mà mình còn là sự tiếp nối của các tổ tiên sinh vật nữa. Khi học về nhân chủng học, sinh học, lịch sử, khảo cổ học thì ta thấy những điều này rất rõ ràng.

Thấy được như vậy rồi thì ý niệm về một cái ngã, một cái ta riêng biệt có thể bắt đầu rã ra. Cái ý niệm về ta giống như một cái nhà tù, một khi bị kẹt trong cái nhà tù đó thì ta có rất nhiều khổ đau. Cho nên sự quán chiếu này giúp chúng ta vượt thoát khỏi ranh giới của nhà tù đó. Nó giúp ta thấy ta không phải là ta, ta là cha ta, ta là mẹ ta, ta là ông bà, là dòng họ, là cả tổ tiên của ta. Trên mặt lý thuyết, điều này có thể được hiểu một cách dễ dàng. Chúng ta có thể học điều đó tại trường, qua sách vở, nhưng đó mới chỉ là hiểu bằng trí năng, bằng lý luận thôi chứ chưa cảm, chưa thấy, chưa chứng thực được điều đó. Tiếp tục quán chiếu thì tới một ngày nào đó, cái thấy chín muồi và ta cảm thấy điều này rất là rõ ràng. Ta cảm thấy đó là sự  thật chứ không phải là điều mình học hỏi bằng trí óc nữa.

Thiền quán cũng vậy. Ta cứ tưởng mình là một cái ngã riêng. Ta quên rằng ngày xưa mình đã từng là bố mình, là mẹ mình, là tổ tiên của mình. Ta quên phắt đi cái giai đoạn đó. Ta tưởng mình là một cái gì hoàn toàn khác biệt. Ta bị cái ý niệm về ngã giam giữ nên cứ ôm khư khư khổ đau từ ấy đến nay. Trong lúc ngồi thiền chúng ta có những bài thực tập:

“Thở vào tôi nhận biết sự có mặt của bố tôi trong từng tế bào cơ thể của tôi, thở ra tôi mỉm cười với bố tôi trong từng tế bào cơ thể của tôi”.

Lần đầu tập như vậy có lẽ ta thấy hơi ngồ ngộ. Bố làm sao mà chui vào trong tế bào của mình được? Nhưng thực tập một hồi thì nó chín, mình bắt đầu thấy được chân tướng của bố. Bởi vì bố trong ý niệm của mình là cái ông ở ngoài mình và nhiều khi mình và ông ấy giận nhau, không buồn nhìn mặt nhau. Cái thấy của mình về bố hiện giờ cũng đang rất là cạn cợt. Có nhiều người sống với bố bốn mươi năm, năm mươi năm mà vẫn chưa biết bố là ai, và cũng không hề biết chính mình là ai. Mình rất chắc ăn, cứ tưởng mình biết mình là ai rồi, mình tưởng mình biết bố của mình là ai rồi, nhưng sự thật thì vẫn còn xa, còn xa lắm.

Như tôi đã kể, có lần tôi hỏi một sư cô:

–          Trông ai mà quen vậy nhỉ? Con là ai, con là ai mà thầy thấy quen quen.

Sư cô đó trả lời:

–          Dạ, con cũng không biết nữa, con không biết con là ai hết.

Nói rất là hay. Đúng là một cặp thầy trò. Thầy biết đùa mà trò cũng biết đùa lại, sư cô nói đùa lại với tôi, nhưng sư cô nói rất thật. Con không biết con là ai hết. Con chưa biết. Mình đang là hành giả, mình đang thực tập nhìn sâu. Mình là ai? Mình chưa biết mình là ai đâu! Mặc dù được nghe thầy giảng rất nhiều nhưng cái thấy biết của mình vẫn chỉ là trên mặt lý thuyết thôi. Phải trở về với hơi thở, phải nhận diện hình hài, phải thấy được cái tâm và phải bắt đầu nhìn cho sâu, càng nhìn càng thấy rõ, cứ nhìn cho sâu sắc và bền bỉ thì từ đó dần dần mới biết được mình là ai.

 

Phút giây giác ngộ

Có một hôm ngồi thiền, nhìn ra núi, tôi thấy rất rõ là mình đang ngồi đây đang nhìn ra ngọn núi, và tôi thấy tất cả tổ tiên của tôi cũng đang nhìn ra núi. Tôi thấy bình minh đẹp quá, rực rỡ quá, như một bản hùng ca. Con mắt đó là con mắt của ai? Cố nhiên là con mắt của mình, nhưng con mắt này cũng là mắt của bố, của mẹ, của ông bà, của tổ tiên. Và nếu không có mắt của bố, mẹ, ông, bà, tổ tiên thì làm gì có đôi mắt này. May mắn được tiếp xúc với Phật pháp, cho nên mình có chánh niệm, và nhờ có chánh niệm nên với con mắt này mình thấy được cái mầu nhiệm, cái rực rỡ của một buổi bình minh. Và mình cũng thấy rằng tổ tiên của mình trong nhiều thế hệ đã lo lắng, đã tranh đấu, bận rộn suốt ngày, suốt đời để đạt tới an lạc. Có thể các vị đó chưa từng có cơ hội ngồi lại thoải mái trên tọa cụ, nắm lấy hơi thở, nhận diện tâm hành và phóng tầm nhìn ra để tiếp xúc với bình minh rạng rỡ đang biểu hiện như một bản hùng ca trước mặt. Khi mình dừng lại thì tất cả tổ tiên đều dừng lại hết, cùng một lúc. Khi mình nhìn ngắm bình minh rạng rỡ thì tất cả tổ tiên đều tiếp xúc với bình minh rạng rỡ hết, cùng một lúc. Mình cho tổ tiên một cơ hội. Có thể là trong quá khứ tổ tiên đã từng có cơ hội, nhưng tổ tiên chưa dừng lại được, chưa tiếp xúc được với sự mầu nhiệm của một buổi bình minh. Còn bây giờ, mình có cơ hội và tổ tiên lại có thêm một cơ hội nữa, khi mình dừng lại được thì tổ tiên cũng dừng lại được.

Có thể nhiều thế hệ trước, tổ tiên muốn dừng lại nhưng không dừng lại được và các vị đang trông chờ nơi mình. Nhờ phước duyên, hôm nay mình có Bụt, có Thầy, có Tăng Thân nên mình đã có cơ hội dừng lại được trong thân và trong tâm của mình, không còn phải bươn chải, trôi lăn nữa. Biết bao nhiêu là mầu nhiệm của sự sống có mặt ở trong tự thân và xung quanh mình, nhưng nếu mình không dừng lại thì làm sao tiếp xúc được?

Giờ phút dừng lại và tiếp xúc được với bình minh rực rỡ và thấy rõ tất cả tổ tiên của mình cũng đang được tiếp xúc với buổi bình minh huy hoàng kia, giờ phút đó là gì nếu không phải là một giờ phút giác ngộ? Giác ngộ không phải là một chuyện quá xa xôi nằm ngoài tầm tay. Giác ngộ là giây phút có thể tới được mỗi khi mình biết dừng lại, tiếp xúc được và bắt đầu thấy. Đây không phải là sự dừng lại của một cái ngã, tại vì mình là sự tiếp nối, mình mang tất cả tổ tiên trong con người mình. Nên khi mình dừng lại được thì tất cả tổ tiên cũng dừng lại được và tất cả đều được giải phóng cùng một lúc với mình. Tại sao mình không trả hiếu cho tổ tiên? Mình dừng lại để tổ tiên cùng được dừng lại. Mình mỉm cười để cho tổ tiên cùng được mỉm cười. Mình nhìn ngắm bình minh để cho tổ tiên cùng được nhìn ngắm bình minh. Không lo sợ, không trông chờ gì nữa, mình có quyền đó trong tay với tư cách là một hành giả.

Mình có quyền năng giúp tất cả tổ tiên của mình dừng lại, buông thư. Đó là giác ngộ, đó là giải thoát. Giải thoát là giải thoát ra khỏi cái gì? Trước hết là thoát khỏi sự bồn chồn, thao thức muốn vươn tới làm một cái gì đó, tìm kiếm một cái gì đó mà suốt đời không đạt được. Bao nhiêu thế hệ đã đi qua như vậy và bây giờ mình đã có cơ hội để làm được việc ấy. Mình tu đây không chỉ tu cho một cái ngã, một cá nhân mà là tu cho cả dòng họ, cả đất nước. Điều ấy mình làm được, tại sao mình không làm? Và cái giây phút ngộ đó có thể là giây phút đại ngộ, vì đâu phải là một cá nhân mà là một dòng họ dừng lại được, mỉm cười được và tiếp xúc được với bình mình rạng rỡ kia. Chuyện đó nằm trong tầm tay của tất cả mọi người chúng ta.

 

Phá vỡ ngục tù

Làng Mai có pháp môn Thiền lạy rất hiệu quả, trong đó có một bài thực tập về ba cái lạy. Cái lạy đầu tiên là để tiếp xúc và chấp nhận tất cả tổ tiên ở trong ta, cả tổ tiên huyết thống lẫn tổ tiên tâm linh, để thấy rằng ta chỉ là sự tiếp nối của tổ tiên, ta đang mang tổ tiên trong mình để đi tới. Cái lạy này không phải là một hành động tín ngưỡng, cầu xin. Lạy đây là một hành động thiền quán, nhìn sâu, có khả năng giúp cho ta phá vỡ được ngục tù của cái ngã bằng cách nhận diện sự có mặt của bao nhiêu thế hệ tổ tiên huyết thống cũng như tâm linh trong con người của mình.

 

Lạy thứ nhất:

Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với tổ tiên và con cháu của con trong hai dòng tâm linh và huyết thống.

Con có tổ tiên tâm linh của con là Bụt, các vị bồ tát, các vị thánh tăng và các vị tổ sư qua các thời đại, trong đó có các bậc sư trưởng của con đã qua đời hay còn tại thế. Các vị đang có mặt trong con, các vị đã truyền trao cho con những hạt giống bình an, trí tuệ, tình thương và hạnh phúc. Nhờ liệt vị mà con có được một ít vốn liếng của an lạc, tuệ giác và từ bi. Trong dòng tổ tiên tâm linh của con, có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi viên mãn, nhưng cũng có những vị mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi còn khiếm khuyết. Tuy nhiên con cúi đầu nhận chịu tất cả là tổ tiên tâm linh của con, vì chính trong con cũng có những yếu đuối, những khiếm khuyết về giới hạnh, trí tuệ và từ bi. Và cũng vì con biết con còn có những yếu đuối và khiếm khuyết ấy cho nên con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con, trong đó có những người mà giới hạnh, trí tuệ và từ bi đáng cho con kính ngưỡng nhưng cũng có những người còn đang chật vật, khó khăn và trồi sụp không ngừng trên con đường tu đạo. Điều này cũng đúng về phương diện huyết thống. Con chấp nhận tất cả các vị tổ tiên huyết thống của con về cả hai phía nội ngoại với tất cả những đức độ, công hạnh và khiếm khuyết của các vị, cũng như con mở lòng chấp nhận tất cả các con cháu của con với những đức độ, tài năng và khiếm khuyết của từng người. Tổ tiên tâm linh và tổ tiên huyết thống của con, cũng như con cháu tâm linh và huyết thống của con, đều đang có mặt trong con. Con là họ, họ là con, con không có một cái ta riêng biệt; tất cả đều có mặt trong một dòng sinh mệnh đang diễn biến mầu nhiệm.

Tổ tiên của ta có những vị rất khí phách, đầy tuệ giác và từ bi, chúng ta tự hào được làm con cháu của liệt vị. Trong chúng ta, mỗi người cũng đều mang trong mình đầy đủ những hạt giống đẹp đẽ ấy, hạt giống từ bi, hạt giống trí tuệ, hạt giống giác ngộ. Và chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được như tổ tiên của mình. Bên cạnh những vị bi trí vẹn toàn ấy, ta cũng có những tổ tiên còn nhiều khiếm khuyết chưa chuyển hóa được, và những yếu kém ấy đã từng gây ra nhiều khổ đau cho ta. Ta phải học cách chấp nhận tất cả, ôm lấy tất cả vào lòng. Bởi vì ta là ai mà không chấp nhận tổ tiên mình? Chấp nhận được thì ta thấy khỏe liền. Với sự thực tập thiền quán, chúng ta có thể giải phóng cho tất cả tổ tiên ở trong ta. Đi cũng là đi cho tổ tiên, ngồi cũng là ngồi cho tổ tiên, thở cũng là thở cho tổ tiên, mỉm cười cũng là mỉm cười cho tổ tiên. Trong khi thực tập như vậy là ta đang công phá thành trì của ngục tù ngã chấp.

Nhìn vào đường thẳng của dòng thời gian thì phía sau lưng của bạn trở thành quá khứ và phía trước mặt bạn trở thành tương lai. Và bạn sẽ thấy tất cả tổ tiên của bạn đều có mặt hết trong bạn. Ở đây không phải chỉ có bạn ngồi mà là tất cả các thế hệ tổ tiên của bạn đều đang ngồi. Nếu bạn vững chãi, thảnh thơi thì tất cả tổ tiên của bạn cũng đều vững chãi, thảnh thơi. Vì vậy sựt thực tập của bạn quan trọng lắm, tất cả tổ tiên đều trông chờ vào bạn.

Chúng ta đã trải qua hàng trăm triệu năm trên con đường tiến hóa, và tổ tiên của chúng ta đã gặt hái được những thành đạt mà bây giờ chúng ta đang thừa hưởng. Chúng ta cũng vẫn đang tiếp tục chuyển hóa cho tất cả tổ tiên để đạt tới những thành quả mới. Nếu ta đạt tới tự do thì tất cả tổ tiên cũng đều được tự do, tự do chính là giải thoát. Trước hết là giải thoát ý niệm về ngã. Trong cái lạy thứ nhất của ba lạy, ta thấy được tất cả tổ tiên ở trong mình, đồng thời ta cũng thấy được tất cả con cháu của mình ở trong mình. Cũng như khi nhìn một hạt bắp, trước khi nó được trồng xuống, dù nó vẫn còn mang hình dạng là hạt bắp nhưng ta đã thấy cây bắp có sẵn trong đó rồi, ta không chỉ nhìn thấy cây bắp nằm trong hạt bắp mà còn thấy những trái bắp trong đó nữa. Đây là một sự thật, nếu không thì tại sao khi ươm hạt bắp vào lòng đất nó lại sinh ra cây bắp? Như vậy thì không chỉ tất cả các thế hệ tổ tiên trong quá khứ nằm trong mình mà tất cả các thế hệ tương lai, con cháu của mình cũng đều nằm trong mình hết. Vì vậy, khi ta mỉm cười thì tất cả các thế hệ tổ tiên và thế hệ con cháu trong ta cũng đang mỉm cười, cho nên ta quan trọng lắm.

Ta đang nắm trong tay một quyền hạn rất lớn, quyền hạn của một vị đại hoàng đế, một vị đại nữ hoàng. Với hơi thở chánh niệm, ta có thể giải phóng cho tất cả các thế hệ của quá khứ và tương lai.

 

Lạy thứ hai:

Năm vóc sát đất, con tiếp xúc với mọi người và mọi loài đang có mặt với con giờ này trong sự sống:

Con thấy con là sự sống mầu nhiệm đang dàn trải trong không gian. Con thấy con liên hệ mật thiết tới mọi người và mọi loài; tất cả những hạnh phúc và khổ đau của mọi người và mọi loài là những hạnh phúc và khổ đau của chính con. Con là một với những người sinh ra đã có khuyết tật, hoặc vì chiến tranh, tai nạn hay ốm đau mà trở thành khuyết tật. Con là một với những người đang bị kẹt vào những tình trạng chiến tranh, áp bức và bóc lột. Con là một với những người chưa từng có hạnh phúc trong gia đình, không có gốc rễ, không có bình an trong tâm, đói khát hiểu biết, đói khát thương yêu, đang đi tìm một cái gì đẹp, thật, và lành để bám víu vào mà tin tưởng. Con là một với người đang hấp hối, sợ hãi không biết sẽ đi về đâu. Con là em bé sống trong nghèo khổ, tật bệnh, chân tay gầy ốm như những ống sậy, không có tương lai. Con là kẻ đang chế tạo bom đạn để bán cho các nước nghèo khổ.

Con là con ếch bơi trong hồ mà cũng là con rắn nước cần nuôi thân bằng thân ếch nhái. Con là con sâu con kiến mà cũng là con chim đang đi tìm kiếm con kiến con sâu. Con là cây rừng đang bị đốn ngã, là nước sông và không khí đang bị ô nhiễm, mà cũng là người đốn rừng làm ô nhiễm không khí và nước sông. Con thấy con trong tất cả mọi loài và tất cả mọi loài trong con.

Con là một với những bậc đại nhân đã chứng được vô sinh, có thể nhìn những hiện tượng diệt sinh, hạnh phúc và khổ đau bằng con mắt trầm tĩnh. Con là một với những thiện tri thức hiện đang có mặt rải rác khắp nơi trên thế giới, có đủ bình an, hiểu biết và thương yêu, có khả năng tiếp xúc với những gì nhiệm mầu, có khả năng nuôi dưỡng và trị liệu trong sự sống, và cũng có thể ôm trọn thế gian này bằng trái tim thương yêu và hai cánh tay hành động của quý vị. Con là người có đủ an lạc và thảnh thơi, có thể hiến tặng sự không sợ hãi và niềm vui sống cho những sinh vật quanh mình. Con thấy con không hề đơn độc. Những bậc đại nhân hiện đang có mặt trên đời; tình thương và niềm vui sống của họ đang nâng đỡ con, không để con đắm chìm trong tuyệt vọng và giúp con sống đời sống của con một cách an vui, trọn vẹn và có ý nghĩa. Con thấy con trong tất cả các vị và tất cả các vị trong con.

Cái lạy thứ hai của Ba Lạy giúp ta buông bỏ ý niệm ta là một cái ngã riêng biệt. Vì nghĩ rằng mình có một cái ta riêng biệt nên mình tự giam hãm mình trong lớp vỏ cô đơn. Ta không thấy được rằng hạnh phúc hay  khổ đau của ta có liên quan chặt chẽ tới mọi người và mọi loài. Và hạnh phúc hay khổ đau của mọi người mọi loài ta cũng có dự phần vào trong đó.

 

Lạy thứ ba:

Năm vóc sát đất, con buông bỏ ý niệm về hình hài và thọ mạng.

Con thấy được thân tứ đại này không đích thực là con, con không bị giới hạn trong hình hài này. Con là tất cả dòng sinh mạng tâm linh và huyết thống từ ngàn xưa liên tục diễn biến tới ngàn sau. Con là một với tổ tiên của con, con là một với con cháu của con. Con là sự sống biểu hiện dưới vô lượng hình thức. Con là một với mọi người và mọi loài, dù an lạc hay khổ đau, vô úy hay lo lắng. Con đang có mặt khắp nơi trong giờ phút này, và từ quá khứ cho tới tương lai. Sự tan rã của hình hài này không động được tới con, như một cánh hoa đào rơi không làm cho sự có mặt của cây hoa đào suy giảm. Con thấy con là một con sóng trên mặt đại dương, bản thể con là nước trong đại dương. Con thấy con trong tất cả các con sóng khác và tất cả các con sóng khác trong con. Sự biểu hiện hay ẩn tàng của hình tướng con sóng không làm suy giảm sự có mặt của đại dương. Pháp thân và tuệ mạng của con không sinh mà cũng không diệt. Con thấy được sự có mặt của con trước khi hình hài này biểu hiện và sau khi hình hài này biến diệt. Con thấy được sự có mặt của con ngoài hình hài này, ngay trong giờ phút hiện tại. Khoảng thời gian tám, chín mươi năm không phải là thọ mạng của con. Thọ mạng của con, cũng như của một chiếc lá hay của các vị Bụt, Thế Tôn, là vô lượng. Con thấy con vượt thoát ý niệm con là một hình hài biệt lập với mọi biểu hiện khác của sự sống, trong thời gian cũng như trong không gian

Trong con người mình không những chứa đựng thời gian mà còn chứa đựng cả không gian. Vì thời gian và không gian tương tức với nhau, thời gian và không gian không phải là hai thực thể riêng biệt, chỗ nào có thời gian là chỗ đó có không gian, vì vậy trong mình có tất cả thời gian, tất cả không gian. Nếu trong không gian có không khí thì trong mình cũng có không khí, nếu trong không gian có sức nóng thì trong mình cũng có sức nóng, trong không gian có đất thì trong mình cũng có đất, trong không gian có nước thì trong mình cũng có nước. Nếu trong không gian có các loại sinh vật, thì trong mình cũng có các loài sinh vật, các loại cỏ, cây, đất, đá. Nếu trong kiếp xưa mình là một con chim thì bây giờ, chính trong giây phút này, mình cũng còn là con chim, mình là một con người nhưng đồng thời mình cũng là một con chim, mình cũng vẫn còn là một bông hoa hồng, mình cũng vẫn còn là một ngôi sao. Đây không phải là thi ca đâu nhé. Đây là một sự thật rất khoa học. Vì chúng ta đều được làm từ những ngôi sao.

Những ngôi sao khi tàn hoại nó trở thành những đám bụi trong vũ trụ, những đám bụi này tìm tới, liên kết với nhau và hình thành nên trái đất. Những sinh vật đầu tiên xuất hiện, mới đầu là những sinh vật đơn tế bào, rồi đa tế bào, kế đến là sự ra đời của những loài thảo mộc, thực vật rồi tới động vật. Và loài người là loài sinh vật trẻ nhất của hành tinh này. Cho nên nói rằng, con người được làm ra từ những ngôi sao hoàn toàn là sự thật. Vì vậy con người của mình chứa đựng tất cả vũ trụ trong đó, cái một chứa đựng cái tất cả. Mình đừng tưởng mình chỉ là mình, mình cũng là một con chim, mình cũng là một bông hồng, mình cũng là một con thỏ, mình cũng là một đám mây. Những thứ đó nếu nhìn kỹ thì đều có ở trong người mình hết. Mỗi khi uống một ly trà là mình đang uống đám mây. Đây chính là thiền quán, tức là một cái nhìn sâu sắc. Và cái thấy này phá tan đi ngục tù của ngã chấp, khi mình thấy rằng con người của mình chứa đựng toàn thể vũ trụ ở trong đó. Mình là một biểu hiện rất mầu nhiệm. Những cái thấy ấy có thể đem lại hạnh phúc rất lớn, nó giúp đập phá đi cái ranh giới của phiền não.

Kinh Hoa Nghiêm đã dùng những hình ảnh rất đẹp để nói về tính duyên khởi, sự tương duyên, tương tức. Cũng trong kinh này, chúng ta được học rằng cái một chứa đựng cái tất cả. Vậy nên mình là cái một nhưng đồng thời mình cũng là cái tất cả. Khoa học bây giờ đã bắt đầu tiếp cận được với sự  thật đó, thấy cái tất cả có mặt ở trong cái một và cái một có trong tất cả. Vì vậy cho nên một giây phút mà mình có niệm, có định và tiếp xúc được với sự thật ấy thì đó chính là giây phút giác ngộ. Khi tiếp xúc được với sự thật này không bằng suy tư mà bằng kinh nghiệm thì có những điều mầu nhiệm xảy ra. Mình không những có an lạc, hạnh phúc, tự do mà mình thấy giống như là mình đã làm được, đã thực hiện được cái mà tất cả những thế hệ tổ tiên của mình từng mong ước nhưng chưa thực hiện được. Hiện giờ mình đang nắm cơ hội trong tay, có nghĩa là tổ tiên mình cũng đang có cơ hội, điều này tùy thuộc vào mình rất nhiều. Đạo Phật chỉ nói về chuyện đó thôi: Thức dậy! Mà thức dậy bằng cái gì? Bằng niệm, bằng định. Có niệm, có định thì chắc chắn sẽ có tuệ. Có tuệ là thức dậy, là tỉnh thức, mà thức dậy rồi thì không cần làm gì nữa. Khi ấy chính mình là người đóng góp được nhiều nhất cho hòa bình và an lạc của thế giới. Tại vì những lo lắng, phiền muộn, bạo động, ưu tư không còn nữa do có giác ngộ. Đời sống của một người tu, của một hành giả là như vậy, dù mình là xuất sĩ hay cư sĩ. Chúng ta đang có một cơ hội lớn và tôi mong bạn đừng đánh mất cơ hội đó, chúng ta phải thực hiện nó ngay trong ngày hôm nay chứ đừng để mười năm, hai mươi năm sau mới làm.