Phẩm 07: Hóa thành dụ

Chúng ta hãy đi sang phẩm Hóa Thành Dụ, phẩm thứ bảy, bắt đầu từ trang 211.  Trong phẩm này chúng ta ghi nhận một thí dụ gọi là Hóa thành.  Thí dụ này ở trang 240, đoạn thứ 16.

Thí dụ có một con đường rất dài, dài 500 do-tuần (7) (Yojana), đầy hiểm nguy, đầy tai nạn, rất hoang vắng, và có đủ thứ ghê sợ.  Có một đoàn rất nhiều người muốn vượt con đường này để đến một kho châu báu, do một người đưa đường tài giỏi, thông suốt địa hình địa vật dẫn đường.  Người đó gọi là đạo sư, tức là vị thầy chỉ đường.  Đoàn người đi chưa được nửa đường thì kiệt sức, mỏi mệt và trong tâm phát sanh ra ý muốn không đi nữa.  Đường thì xa và đầy hiểm nguy, tai nạn lại nhiều, đi đến đây thì kiệt sức, họ thối tâm nghĩ rằng chi bằng quay về cho rồi.  Nửa đường muốn thối lui!  Có ai trong chúng ta đã khởi tâm muốn thối lui chưa?

Lúc bấy giờ người dẫn đường khuyến khích: Ráng đi, ráng đi, mình gần tới rồi. Tuy biết đường còn xa nhưng ông dùng những phương tiện, những pháp thuật để làm phát hiện ra một thành phố hư ảo rồi bảo mọi người:  Chúng ta chỉ cần đi một đoạn đường ngắn nữa thì sẽ tới được thành phố đó để dưỡng sức. Nhờ vậy mà mọi người thu hết tàn lực, đi đến được thành phố đó.  Họ được nghỉ ngơi, ăn uống, tắm rửa rất là khỏe khoắn.  Vì thấy sung sướng, khỏe khoắn quá nên mọi người muốn ở lại đó mà không đi thêm nữa.  Đi thêm làm gì cho cực, đến được đây là đủ rồi.  Họ không biết rằng mục đích của họ không phải là đến thành phố này, mà là đến nơi có kho tàng châu báu kia.  Khi vị đạo sư bảo đi tiếp thì mọi người bèn nói: thôi ở lại đây, đi làm chi nữa, mệt quá.  Chắc họ cũng giống chúng mình hiện tại, có người bảo rằng tu như vậy là đủ rồi, đi tạo tịnh độ, đi lập đạo tràng và tổ chức khóa tu làm gì cho cực?  Lúc đi thì phải làm giấy tờ, xin Passport, gặp người làm khó, thôi ở lại Làng Mai cho khỏe thân.  Như thế là mình cũng đang bị kẹt vào hóa thành.

Lúc đó vị đạo sư mới dùng phương tiện và nói rằng, thành phố này có thấm gì đâu?  Đây chẳng qua chỉ là chỗ nghỉ chân của mình, nếu tới được núi châu báu thì quý vị mới không phí uổng cuộc đời của quý vị.  Vị đạo sư tìm đủ mọi phương tiện thuyết pháp, làm cho đoàn người hừng chí lên, và có khả năng từ bỏ trạm ngừng chân, để đi đến chỗ chứa đầy châu báu vàng ngọc.

Bụt cũng thế.  Bụt chỉ cho chúng ta một con đường để đi tới Nhất thiết trí, nhưng mới đi được một phần đường thì chúng ta mệt quá, nên Bụt mới tạo ra một hóa thành, đó là Niết Bàn của Tiểu Thừa.  Khi nếm được hương vị Niết Bàn của Tiểu Thừa rồi thì chúng ta thích quá, chúng ta bèn nói, thôi như vầy là đủ quá cho mình rồi, mình không muốn thêm gì nữa, mình cứ an trú ở đây cũng đủ sung sướng chán.  Vì thương, cho nên ban đầu Bụt bảo: thôi an trú đi, thừa hưởng cái sự mát mẻ của Niết Bàn này đi.  Sau đó một thời gian thì Bụt lại bảo đi tiếp.  Vì có một số trong chúng ta không chịu đi, nên Bụt bảo:  Mục tiêu của chúng ta là đi tới Nhất thiết chủng trí, chứ đâu có phải chỉ đi đến đây thôi!  Sau khi được nghỉ ngơi rồi, chúng ta có thể nghe lời Bụt để đi nốt đoạn đường còn lại.  Ví dụ này cũng rất hay, và hóa thành, có nghĩa là một thành phố được hóa hiện ra để làm chỗ nghỉ chân, mà không phải là nơi đến đích thực của chúng ta.

Đường còn xa, nên bây giờ mời đại chúng đi vào hóa thành để ăn cơm và nghỉ ngơi, rồi trong Pháp thoại tới mình sẽ đi tiếp.



(7) Một đơn vị chiều dài ở Ấn độ ngày xưa, dài bằng một ngày
đường đi bộ, khoảng 15-20 Km.