Tụng bản III KINH Con đường vào duy nhất

Tụng bản III

KINH CON ĐƯỜNG VÀO DUY NHẤT

(Nhất Nhập Đạo Phẩm, Tăng Nhất A Hàm 12)

Do Dharmanandi – Đạt Ma Nan Đề – Đời Đông Tấn (317 – 420 AD) dịch từ Phạn ra Hán văn

Nhất Hạnh dịch ra quốc văn.

 

I

Tôi được nghe những điều như sau hồi Bụt còn ở tại tu viện Cấp Cô Độc trong vườn cây của thái tử Kỳ Đà, cạnh thành Xá Vệ. Một hôm, đức Thế Tôn gọi các vị khất sĩ và bảo:

Có một con đường có thể gọi là con đường duy nhất đưa vào Đạo, có năng lực làm cho hành (nghiệp) được thanh tịnh, trừ khử được mọi buồn lo, làm cho mọi khổ não vắng mặt, và giúp chúng sanh đạt được trí tuệ lớn và chứng được niết bàn. Đó là con đường diệt trừ năm trở lực ngăn che và quán niệm bốn phép ngưng tụ tâm ý[1]. Tại sao gọi đó là con đường duy nhất? Bởi vì đó là con đường chuyên vào nhất tâm. Tại sao gọi là đạo? Bởi vì đó là tám phẩm của con đường các bậc hiền thánh: một là kiến giải chân chính, hai là tư duy chân chính, ba là hành động chân chính, bốn là phương thức mưu sinh chân chính, năm là phương tiện cần mẫn chân chính[2], sáu là ngôn ngữ chân chính, bảy là quán niệm chân chính, tám là định lực chân chính. Con đường của tám phẩm chân chính ấy gọi là Đạo, nên có thể gọi nó là con đường duy nhất đưa vào đạo.

Năm trở lực ngăn che là gì? Đó là tham dục, giận hờn, trạo cử, hôn trầm và nghi ngờ, những trở lực cần phải san phẳng.

Quán niệm về bốn phép ngưng tụ tâm ý là gì? Vị khất sĩ quán nội thân trong nội thân để trừ bỏ ác niệm và dứt bỏ buồn lo, tự quán ngoại thân trong ngoại thân để trừ bỏ ác niệm và dứt bỏ buồn lo, tự quán cả nội thân và ngoại thân nơi nội thân và ngoại thân để trừ bỏ ác niệm và dứt bỏ buồn lo.

Vị khất sĩ quán cảm giác nơi cảm giác bên trong, quán cảm giác nơi cảm giác bên ngoài để đạt tới an lạc, quán cảm giác nơi cảm giác cả bên trong lẫn bên ngoài để đạt tới an lạc.

Vị khất sĩ quán tâm nơi tâm bên trong để đạt tới an lạc, quán tâm nơi tâm bên ngoài để đạt tới an lạc, quán tâm nơi tâm cả bên trong lẫn bên ngoài để đạt tới an lạc.

Vị khất sĩ quán pháp nơi pháp bên trong để đạt  tới an lạc, quán pháp nơi pháp bên ngoài để đạt tới an lạc, quán pháp nơi pháp cả bên trong lẫn bên ngoài để đạt tới an lạc.

II

Vị khất sĩ quán thân bên trong như thế nào để mà tự an lạc?

Ở đây, vị khất sĩ quán thân này trong bản chất và trong sự vận hành của nó, thấy từ đầu tới chân, từ chân lên đầu, toàn là những yếu tố bất tịnh không đáng tham tiếc. Lại quán rằng thân này có lông, tóc, móng tay, răng, da, thịt, gân, xương, tuỷ, não, mủ, màng ruột, dạ dày, tim, gan, tỳ, thận, vị ấy đều quán biết, nước tiểu, phân, hai tạng sinh và thục, nước mắt, nước dải, mạch máu, mỡ mật, vị ấy đều quán biết, không có gì đáng tham tiếc. Như thế các vị khất sĩ nên quán thân mà đạt tới an lạc, trừ khử ác niệm và dứt bỏ buồn lo.

Lại nữa, vị khất sĩ lại quán thân này để thấy bốn đại chúng là đất, nước, lửa, gió và phân biệt rạch ròi bốn đại chúng ấy. Cũng như người đồ tể khéo tay hay một người học trò đồ tể, bày các phần của thân thể con bò ra và phân biệt rằng đây là chân bò, đây là trái tim bò, đây là thân bò, đây là đầu bò… vị khất sĩ quán thân thể mình cũng phân biệt bốn giới rõ ràng như vậy: đây là đất, đây là nước, đây là lửa, đây là gió. Như thế vị khất sĩ do quán thân mà đạt tới an lạc.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Nên quán thân này để thấy có nhiều kẽ hở đang làm chảy ra nhiều chất bất tịnh. Cũng như kẻ kia nhìn vườn tre hay bụi lau[3], vị khất sĩ quán thân này có nhiều kẽ hở đang chảy ra nhiều chất bất tịnh.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thấy thây người chết đã một ngày, hoặc hai ngày, hoặc ba, bốn, năm, sáu, bảy ngày, thân thể phình trương hôi hám, bất tịnh, rồi quán lại tự thân và thấy rằng thân thể mình cũng không khác: thân ta đây cũng sẽ không thoát cái hoạn đó. Vị khất sĩ lại quán thây người chết bị diều quạ trông thấy bay đến mổ ăn, hoặc bị các loài thú dữ như cọp, beo, chó sói tìm thấy đến xé ăn, rồi lại quán tự thân và thấy rằng thân thể mình rồi cũng không khác: Thân ta đây rồi cũng sẽ không thoát được cái hoạn đó. Đó gọi là vị khất sĩ do quán thân mà đạt tới an lạc.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thây chết bị ăn nửa chừng, nằm rơi rớt dưới đất hôi hám bất tịnh, rồi quán lại tự thân và thấy rằng thân thể mình rồi cũng không khác: thân ta đây rồi cũng sẽ không tránh được tình trạng đó.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thây chết mà da thịt đã nát hết, chỉ còn xương dính máu, rồi quán lại tự thân và thấy rằng thân thể mình rồi cũng sẽ như thế không khác. Vị khất sĩ quán thân này như thế.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thây chết chỉ còn là một bộ xương dính vào nhau bởi những sợi gân, rồi quán lại tự thân và thấy rằng thân thể mình rồi cũng sẽ như thế không khác. Vị khất sĩ quán thân này như thế.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thây chết chỉ còn những đốt xương rơi rớt mỗi nơi một khúc, xương tay, xương chân, xương sườn, xương vai, xương sống, xương bánh chè, xương đầu lâu, mỗi thứ một nơi, rồi quán lại tự thân và thấy rằng thân thể mình rồi cũng không khác: thân ta rồi cũng không tránh khỏi tình trạng đó, thân ta rồi cũng sẽ tàn hoại như thế. Vị khất sĩ quán như thế để đạt được an lạc.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thây chết (chỉ còn những đốt xương) trắng như màu vỏ sò, rồi quán lại tự thân và thấy rằng thân thể mình rồi cũng không khác: thân ta rồi cũng sẽ không tránh khỏi tình trạng đó. Vị khất sĩ quán tự thân này như thế.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Quán thây chết (chỉ còn những đốt xương) màu xanh lè, không có gì đáng tham tiếc, hoặc màu giống như tro đất không phân biệt được, như thế vị khất sĩ quán tự thân mình và trừ bỏ ác niệm, không có lo buồn: “thân này là vô thường, là một vật có thể phân tán”. Như vậy vị khất sĩ tự quán trong thân, tự quán ngoài thân, tự quán cả trong và ngoài thân, để hiểu được rằng không có gì là  (thật ) cả.

 

III

Vị khất sĩ quán cảm giác nơi cảm giác như thế nào?

Khi có cảm giác khoái lạc, vị khất sĩ biết là mình có cảm giác khoái lạc, khi có cảm giác khổ đau, biết là mình có cảm giác khổ đau, khi có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau, biết rằng mình có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau, khi có cảm giác khoái lạc về vật chất, biết rằng mình có cảm giác khoái lạc về vật chất, khi có cảm giác khổ đau về vật chất, biết rằng mình có cảm giác khổ đau về vật chất, khi có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau về vật chất, biết rằng mình có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau về vật chất, khi có cảm giác khoái lạc không thuộc vật chất, biết rằng mình có cảm giác khoái lạc không thuộc vật chất, khi có cảm giác khổ đau không thuộc vật chất, biết rằng mình có cảm giác khổ đau không thuộc vật chất, khi có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau không thuộc về vật chất, biết rằng mình có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau không thuộc về vật chất. Như vậy vị khất sĩ tự quán cảm giác bên trong.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Vị khất sĩ khi có cảm giác khoái lạc, thì không có cảm giác khổ đau, và biết rằng mình đang có cảm giác khoái lạc. Khi có cảm giác khổ đau, thì không có cảm giác khoái lạc, và biết rằng mình đang có cảm giác khổ đau. Khi có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau, thì không có cảm giác khoái lạc hoặc khổ đau, vị ấy biết rằng mình đang có cảm giác không khoái lạc cũng không khổ đau. Vị ấy quán về sự sinh khởi của các pháp như thế mà tự đạt an lạc, và cũng quán sát được sự tàn hoại của các pháp, hoặc quán về sự sinh khởi hoặc tàn hoại của các pháp. Cảm giác sinh khởi trong hiện tại, vị ấy có thể thấy và biết được, có thể quán sát nguồn gốc của các cảm giác ấy và không nương tựa vào chúng để tham đắm và sinh ra các tâm niệm trần tục. Trong đó cũng không có sợ hãi, vì không sợ hãi nên đạt được niết bàn. Sinh tử đã hết, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sẽ không còn bị sinh ra nữa. Hiểu và biết mọi điều đó một cách chân thực, đó là phương cách vị khất sĩ quán niệm về cảm giác nơi cảm giác để trừ khử tạp niệm và chấm dứt lo sầu. Quán niệm về cảm giác bên trong và bên ngoài là như vậy đó.

 

IV

Sau gọi là quán tâm nơi tâm để mà tự an lạc?

Khi nội tâm vị khất sĩ có tham dục, vị ấy biết là có tham dục, khi không có tham dục, biết là không có tham dục, khi có giận hờn biết là có giận hờn, khi không có giận hờn biết là không có giận hờn, khi có si mê biết là có si mê, khi không có si mê biết là không có si mê, khi có ái dục biết là có ái dục, khi không có ái dục biết là không có ái dục, khi không có ái dục biết là không có ái dục, khi có thu nhiếp biết là có thu nhiếp, khi không có thu nhiếp biết là không có thu nhiếp, khi có tán loạn biết là có tán loạn, khi có tán lạc biết là có tán lạc, khi không có tán lạc biết là không có tán lạc, khi có phổ biến biết là có phổ biến, khi không có phổ biến biết là không có phổ biến, khi có khoáng đạt biết là có khoáng đạt, khi không có khoáng đạt biết là không có khoáng đạt, khi có vô lượng biết là có vô lượng, khi không có vô lượng biết là không có vô lượng, khi có định biết là có định, khi không có định biết là không có định, khi chưa giải thoát biết là chưa giải thoát, khi đã giải thoát biết là đã giải thoát. Vị khất sĩ quán niệm tâm nơi tâm là như vậy.

Vị ấy quán sự sinh khởi của các pháp, quán sự tàn hoại của các pháp, hoặc quán cả sự sinh khởi lẫn sự tàn hoại của các pháp, quán niệm về các pháp như thế để mà tự đạt an lạc. Vị ấy có thể thấy, có thể biết, có thể quán sát những gì (mà kẻ khác) không thể quán sát, không nương tựa và không phát khởi các tâm niệm trần tục. Vì không phát khởi các tâm niệm trần tục cho nên không còn sợ hãi, vì không còn sợ hãi nên không còn dư báo, vì không còn dư báo nên đạt niết bàn, sinh tử đã hết, phạm hạnh đã thành, việc phải làm đã làm, không còn thọ sinh nữa và biết hết những điều đó một cách chân thực. Vị khất sĩ tự quán tâm nơi tâm, bên trong cũng như bên ngoài, để trừ bỏ loạn niệm và dứt bỏ lo sầu là phải làm như thế.

 

V

Sao gọi là quán pháp nơi pháp?

Vị khất sĩ khi tu tập yếu tố giác ngộ về niệm thì nương vào phép quán, nương vào nguyên tắc vô dục, nương vào sự diệt tận và buông bỏ các ác pháp, khi tu tập yếu tố giác ngộ về trạch pháp, tinh tấn, niệm, hỷ, định, xả, thì cũng nương vào quán, nương vào nguyên tắc vô dục, nương vào diệt, tận và buông bỏ hết các ác pháp. Vị khất sĩ ấy tu quán pháp nơi pháp như thế.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Giải thoát được ái dục, trừ bỏ được các pháp ác (bất thiện), có giác, có quán[4], có tâm hoan hỷ, vui trú ở sơ thiền mà tự vui thích, đó gọi là vị khất sĩ quán pháp nơi pháp.

Lại nữa, các vị khất sĩ ! Bỏ giác bỏ quán, trong tâm phát sinh hoan hỷ, chuyên chú nhất tâm, thành không giác không quán, duy trì lạc và hỷ, đi vào nhị thiền mà đạt an lạc, đó gọi là vị khất sĩ quán pháp trong pháp.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Bỏ mừng vui, tu buông xả, thường hằng tự giác, vui những điều mà các vị hiền thánh sở cầu, hộ và niệm (đều) thanh tịnh, đi vào tham thiền như thế là vị khất sĩ quán pháp trong pháp.

Lại nữa, các vị khất sĩ! Bỏ tâm khổ vui, không còn lo, không còn mừng, không khổ, không lạc, xả niệm đều thanh tịnh, vui vào tứ thiền, như vậy là vị khất sĩ quán pháp nơi pháp. Vị ấy quán về sự sinh khởi của các pháp, về sự hoại diệt của các pháp, hoặc quán về sự sinh khởi lẫn hoại diệt của các pháp mà tự an lạc, đạt được chánh quán (niệm) trong hiện tại, có thể thấy có thể biết, trừ bỏ loạn tưởng, không còn nương tựa vào đâu nữa, không còn khởi niệm thế tục. Do không khởi niệm thế tục nên không sợ hãi, do không sợ hãi, nên sinh tử liền dứt, phạm hạnh đã thành, điều căn bản đã làm xong, không còn thọ sinh nữa, mà biết được tất cả mọi sự một cách chân thực.

 

VI

Này các vị khất sĩ, nương vào một con đường vào đạo đó, chúng sinh có thể đạt được thanh tịnh, xa lìa sầu não, không còn tâm niệm mừng lo nữa, thực hiện được trí tuệ khương kiện và chứng niết bàn. Đó là con đường diệt năm sự ngăn che và tu tập bốn sự ngưng tụ tâm ý vậy. Các vị khất sĩ nghe Bụt nói xong đều tỏ vẻ hoan hỷ và đem những điều người dạy ra thực hành.



[1] Nguyên văn: tư duy tứ ý chí

[2] Nguyên văn: chánh phương tiện

[3] Vườn tre và bụi lau có kẽ hở

[4] Vitarka vicara, tân dịch là có tầmtừ