Thử tìm dấu chân trên cát

Tươi son bền sắt

trăng sao vẫn đẹp đêm Rằm

bãi dương vẫn mướt, sóng tùng vẫn xao

lòng quê dù vẫn khát khao

hoa mai cứ nở đồi cao gọi mời

tháng Tư lá lục hoa cười

cho trăng thêm tuổi, cho đồi thêm xuân

vườn xanh cây mướp trổ bông

trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào

chợ Văn bán sách lầu cao

muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui

xót quê lòng có ngậm ngùi

tin quê dồn dập tới lui chẳng ngừng

ca xưa vắng tiếng chuông ngân

trẻ kia cha mẹ gửi thân tù đày

văn nhân nghệ sĩ bó tay

con thơ nheo nhóc chẳng ai ngó ngàng

sóng xô nghiêng vịnh Thái Lan

bao nhiêu tuổi ngọc chìm làn nước sâu

 

tấm thương, lòng vẫn nguyện cầu

ni đau dường ấy, làm sao đỡ đần?

trước sau xin chớ ngại ngùng

nhng bàn tay ấy tình thâm vẫn tròn

giữ cho bền sắt tươi son

giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào

còn đây nắng gọi đồi cao

còn đây những gốc anh đào trước sân

còn đây trăng đẹp đêm Rằm

còn đây dương mướt sóng tùng năm xưa.

Thầy rất ưa trẻ con. Tại Phương Vân Am, có nhiều anh chị đem trẻ con về. Có đứa ở lại nhiều tuần, trong số đó bé Long, bé Thủy và bé Minh Tâm được ở lại nhiều nhất. Thầy dạy ca dao cho chúng, dạy chúng học và làm cả những bài hát cho chúng nữa. V ì vậy cho nên ta thấy có câu: “trẻ thơ đùa giỡn trước sân nắng đào”. Trong bài thơ Thầy cũng có nói đến việc làm sách nữa. Đó là câu:

chợ Văn bán sách lầu cao

muối dưa đắp đổi hôm nào cũng vui.

Từ 1975 trở đi Thầy không còn dạy học ở Paris nữa, cũng không đi dạy mỗi năm tại các Trường Amsterdam và Nijmegen như trước. Thầy về Phương Vân Am cuốc đất, trồng rau, ngồi thiền, viết văn và làm sách. Thầy đóng sách rất giỏi: ngoài các máy cắt tay, Thầy chỉ cần dùng những viên gạch réfractaire, một cái dũa, một cái bàn chải đánh răng và một cái bánh xe lăn mà có thể đóng sách đẹp và mau không thua gì những máy đóng sách ở thị trường. Tôi học mãi mà làm theo chưa được. Thầy đã dạy cho Vương Hồ, Quỳnh Hoa, Tuk, chú Hương, Triết, Vũ và Lễ, bây giờ người nào cũng biết đóng sách. Tại Phương Vân am chúng tôi cung cấp sách cho nhà Lá Bối ở Sceaux, và bán sách lầu cao ở đây có nghĩa là khỏi phải bước chân xuống đường phố mà vẫn có thể bán sách được. Bản quyền các sách của Thầy xuất bản ở châu Âu và châu Mỹ (khoảng mười bốn cuốn) cũng đủ cho sự mua gạo muối. Thì giờ còn lại, Thầy bảo chúng tôi dành cho cô nhi, cho người tị nạn và những gia đình có người đi học tập. Tôi nhận thấy sáu bảy năm gần đây, Thầy có khuynh hướng chuộng công việc tay chân hơn công việc trí óc. Thầy nói ta có thể thực tập thiền quán dễ dàng hơn khi làm công việc chân tay, miễn là khi công việc chân tay đó không cực nhọc quá như công việc khiêng vác những vật liệu quá nặng. Suy tư và viết văn thường hay làm người ta bị chìm đắm trong dòng tư tưởng, do đó việc quán niệm trở nên khó khăn hơn, nhất là đối với những người mới thực tập. Quét nhà, lau bàn, giặt áo, xếp sách, vào bìa sách, làm cỏ, chăm sóc các luống rau, tưới nước,… Là những việc làm rất thích hợp cho mình quán niệm. Cuốc đất hoặc xới đất, nếu ta làm thật thong thả, cũng có thể đi đôi dễ dàng với việc quán niệm. Thầy thường dạy là nên làm công việc chậm lại một tí để dễ thực tập quán niệm. Thật ra, mỗi khi ta quán niệm, nắm lấy hơi thở, thì tự nhiên động tác của ta nó chậm chạp trở lại và ta nắm được quyền tự chủ. Tôi nhận ra như vậy.

Nhiều lúc đang mải mê làm việc, chúng tôi nghe Thầy hỏi “Mọi người đang làm gì đó?”. Vậy là chúng tôi sực tỉnh giấc mơ “công việc”, vội nắm lấy hơi thở và thực tập thiền quán. Riêng tôi, mỗi lúc đang có quán niệm mà được hỏi như thế thì tôi rất lấy làm vui mừng với chính mình. Mấy người học trò ngoại quốc của Thầy đến làm việc chung như Pierre, Neige, Philippe, Sudarat, Krisana, Martine,… ai cũng đã từng bị hỏi như thế. Có lần nghe Thầy hỏi, Sudarat, người Thái, đã đứng thẳng dậy cười và thưa Thầy bằng tiếng Thái rằng cô “thâm ngàn mi xa ma thí” có nghĩa là cô vừa làm việc vừa quán niệm. “Xa ma thí” là tiếng Thái của chữ Samadhi (tam-ma-đề), có nghĩa là thiền quán. Ngày thứ Bảy nào chúng tôi cũng phải nghỉ việc hoàn toàn vì ngày đó là ngày quán niệm. Chúng tôi tắm giặt, dọn phòng, cắm hoa, làm tất cả những gì mình thích trong tinh thần quán niệm. Về Phương Vân chắc có lẽ có người ngạc nhiên khi thấy một đoàn người, có khi đông tới mười lăm người, cùng leo lên đồi và đi vào rừng chơi mà không ai nói với ai lời nào. Họ đi chầm chậm bên nhau. Đó là họ đang thở và thực tập quán niệm. Có một lần Thầy nói chuyện về phương pháp quán niệm khi sử dụng một cái máy in. Theo Thầy, cái máy in cũng như một con trâu, và mình có thể làm bạn với cái máy in, nhiều khi xóa bỏ được ranh giới giữa mình và máy in nữa, giống như cậu bé chăn trâu và con trâu trong mười bức mục ngưu đồ. Thầy nói: nhiều khi cái máy in cũng khó trị như một con trâu chứng.

Tôi yêu mến đạo Phật và quy y tại Bến Tre năm 1958. Tuy vậy từ đó đến năm 1964, tôi chỉ mới học Phật để biết giáo nghĩa và đi làm cách mạng xã hội theo tinh thần từ bi bình đẳng của Phật giáo chứ chưa nắm được những gì quý báu nhất của đạo Phật. Hồi đó tôi rất ưa đi giới thiệu cái đẹp của đạo Phật và rất sung sướng mỗi khi thuyết phục được một người quy y theo đạo mà mình say mê tôn thờ. Từ 1964 trở đi, tôi mới thật sự tập phép quán niệm do Thầy dạy và thấy cuộc sống biến đổi hẳn. Từ ngày ấy tôi mới biết quý từng giờ phút của sự sống và không để cho thì giờ trôi qua trong quên lãng nữa. Mắt tôi như được mở ra để thấy được nhiều hơn và sâu sắc hơn những nhiệm mầu của sự sống. Tôi không còn nhu yếu thuyết phục các bạn theo “đạo của mình” nữa, nhưng lạ thay, từ đó tôi lại có nhiều bạn quý mến tôi hơn. Nhờ có quán niệm mà chúng tôi có thêm được sự trầm tĩnh và thì giờ để cảm thông được tình cảnh của các em cô nhi bơ vơ, của các chị có chồng đi học tập với một đàn con nheo nhóc, không tìm được sở làm, của những người tị nạn tứ cố vô thân từng bị cướp bóc hãm hiếp.

Trong bài Tươi son bền sắt, Thầy bảo chúng tôi: điều quan trọng nhất là giữ cho tâm lặng giữa cơn ba đào. Muốn có thì giờ và phương tiện để lo cho những người cơ cực lận đận, mình phải sống thật đơn giản về phương diện vật chất mà thâm sâu về phương diện quán niệm. Chúng tôi đã chứng thực được điều ấy, và trong khi có cơ hội làm được một chút gì giúp cho đồng bào cơ cực, chúng tôi vẫn thường xuyên thấy được trăng đẹp đêm Rằm và cảnh dương mướt, sóng tùng của nội tâm.