Thử tìm dấu chân trên cát

Rừng không

rừng

ngàn thân cây

một thân người

lá cành đưa tay vẫy

tai nghe tiếng suối gọi

mắt mở toang trời tâm

nụ cười hàm tiếu kia

nở trên từng chiếc lá

có rừng cây ở đây

vì có thế gian đó

nhưng tâm đã theo rừng

khoác áo mới mầu xanh.

Tại lớp thực tập thiền học ở Centre Quaker International Paris, Thầy đã giảng bài thơ này cho các thiền sinh. Bài thơ được làm trong rừng Othe. Hai câu:

có rừng cây ở đây

vì có thế gian đó

Là hình ảnh trong kinh Trung A Hàm (kinh Cùlasunnata) dạy về phép Không Quán. Khi người hành giả bỏ làng mạc và chợ búa vào ngồi tịnh trong rừng, thì người ấy thấy không có làng mạc và chợ búa mà chỉ còn có rừng. Nhờ xa làng mạc chợ búa mà những phiền não về làng mạc chợ búa không còn, và rừng cây cho người hành giả một ít thanh tịnh. Nhưng hành giả phải biết rằng: tuy hành giả chỉ nhận thức rừng cây, không nhận thức làng mạc và chợ búa, nhưng không phải như vậy mà làng mạc và chợ búa không hiện hữu. “Tôi biết rừng cây có đây, vì làng mạc chợ búa có đó”. Khi hành giả bỏ rừng cây để chỉ còn giữ lại đất. Bỏ đất để chỉ còn giữ lại không gian, bỏ không gian để chỉ còn giữ lại Nhận thức, bỏ Nhận thức để chỉ còn giữ lại Không, bỏ Không để chỉ còn giữ lại Phi tưởng và Phi phi tưởng… Thì hành giả cũng vẫn quán chiếu theo luật “cái này có vì cái kia có”, và do đó hành giả nhận được chân được rằng Không quán không phải là phủ nhận hiện hữu mà chỉ là nhận thức hiện hữu trên nguyên lý duyên sanh mà thôi.