Thử tìm dấu chân trên cát

Quán tưởng

trăng tròn đêm nay, xin gọi hết muôn sao về cầu nguyện

và định lực khiến trời rung đất chuyển

tập trung về nơi điểm sáng của tự tâm

có muôn loài làm chứng đây, đau thương đã ngập tràn rồi, mười phương nghe tiếng chuông khuya hãy chắp tay quán từ bi

cho mật ngọt tình thương nơi trái tim ứa thành cam lộ

giọt nước thanh lương, trên lòng đau thế gian, xóa tan sầu khổ

từ đỉnh tâm linh cao chót vót

cam lộ chảy về từng mạch

thấm nhuận đồng xanh, ruộng mía, vườn dâu.

con rắn hổ mang uống xong giọt sương khuya trên đầu ngọn cỏ, bỗng cảm thấy tiêu tan nọc độc trên lưỡi mình

và những mũi tên tẩm thuốc của loài ma nở thành bông hoa khi bay đến

 

Cam Lộ Vương Như Lai!

Cam Lộ Vương Như Lai!

phép mầu hiển hiện

vi hai cánh tay trẻ thơ mũm mĩm, em nghiêng đầu thương yêu ôm con rắn vào lòng

lá xanh vườn xưa, nắng lên trên tuyết trắng

dòng Tào Khê vẫn hướng về phương đông

tịnh thủy trong bình là tịnh thủy trong lòng:

cho súng đạn trần gian khuya nay rơi xuống tan thành cát bụi.

một bông hoa nở rồi

hai bông hoa nở rồi

muôn bông hoa tím vàng lấm tấm trên thảm nhung đồng nội

và thiên đường hé mở một lần với nụ cười trên đôi môi em thơ

Đây là bài thơ về từ bi quán, ca ngợi giọt nước cam lộ từ tự tâm phát xuất, có thể xóa tan sầu khổ của chiến tranh, làm cho súng đạn trần gian rơi xuống tan thành cát bụi. Năm 1966, tuần báo Văn nghệ tại Hà Nội, số 153 ra ngày 1 tháng 4 năm 1966, có đăng một bài phê bình về bài thơ này. Nhan đề bài báo là: “Bảo trẻ thơ ôm con rắn độc, thơ Nhất Hạnh đầy nọc độc.” Theo tờ Văn nghệ thì bài phê bình này được đăng lần đầu trên tạp chí Trí thức mới, số 1, tháng 8, năm 1965, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Giải phóng miền Nam.

“từ đỉnh tâm linh cao chót vót

cam lộ chảy về từng mạch

thấm nhuận đồng xanh, ruộng mía, rừng dâu

con rắn hổ mang uống xong giọt sương khuya trên đầu ngọn cỏ, bỗng cảm thấy tiêu tan nọc độc trên lưỡi mình

và những mũi tên tẩm thuốc của loài ma nở thành bông hoa khi bay đến.

Cam Lộ Vương Như Lai!

Cam Lộ Vương Như Lai!

phép mầu hiển hiện:

với hai cánh tay trẻ thơ mũm mĩm, em nghiêng đầu thương yêu ôm con rắn vào lòng.”

Tôi suy nghĩ thật nhiều, không hiểu tại sao người ta lại không hiểu được đoạn đó. Sau nhiều ngày, tôi tìm ra rằng lẽ người ta đã mang con mắt chính trị mà đọc nó. Người ta có thể cho giọt nước cam lộ là Phật giáo, con rắn hổ mang là đế quốc Mỹ và loài ma là Việt Cộng. Tôi có hỏi Thầy thì Thầy cười ha hả. Ông nói ông không hề có ý ví von như vậy. Hình ảnh con rắn hổ mang đã tới – Thầy nói – vì hình ảnh giọt sương cam lộ trên đầu ngọn cỏ. Rắn hổ mang có thể là bất cứ hình thái bạo lực nào. Còn hình ảnh những mũi tên tẩm thuốc của loài ma thì đã được mượn ở cuộc chiến đấu cuối cùng dưới cội bồ đề trước giờ thành đạo của Phật. Loài ma ở đây có thể là những si mê cuồng vọng trong tâm mình phát hiện, đâu có phải là để ám chỉ một phe phái chính trị nào. Ông nói: “Nếu bài thơ đó mà có dụng ý chính trị thì không còn bài thơ nào trên thế gian là không có dụng ý chính trị.”

Những vị nào đã được nghe bài tán Tào Khê thủy có lẽ sẽ thấy quen thuộc với bài thơ này hơn. Hình ảnh dòng Tào Khê vẫn hướng về phương đông đã phát xuất từ hình ảnh Tào Khê thủy nhất phái hướng đông lưu của bài tán. Cam Lộ Vương Như Lai không là ai khác đức Bồ tát Quan Thế Âm, người cầm tịnh bình và rưới nước từ bi lên để dập tắt lửa ưu phiền đau khổ của thế gian. Trong bài thơ, tác giả nói đến giọt nước cam lộ, nhưng không phải là giọt nước cam lộ đầu cành dương liễu trong tay đức Quan Thế Âm, mà là giọt nước cam lộ phát xuất từ lòng từ bi: chỉ có từ bi mới đủ sức dập tắt ngọn lửa chiến tranh mà thôi.

Tiện đây tôi xin ghi về lai lịch tập thơ Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện theo sự hiểu biết của tôi. Đầu năm 1961, đây là một tập thơ in phức bản (ronéo) gồm khoảng 34 bài chọn trong số gần 500 bài thơ của Thầy (mấy trăm bài này được Thầy chép tay trong một cuốn tập bìa dày mà tôi có nói đến trong lời mở đầu). Số in chỉ là năm chục cuốn. Trong số các bạn trẻ, có nhiều người muốn in. Cái tên Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện của tập thơ là do một anh nào đó trong nhóm “làm làng” để gợi sự chú ý của người đọc thơ, mà không phải là cái tên do Thầy đặt ra. Biết trước là tập thơ sẽ bị cắt xén Thầy vẫn chiều ý các anh chị cho xin phép kiểm duyệt. Nhân dịp thầy Trí Quang về Huế, anh Phúc và tôi mới gởi hai bản ronéo nhờ Thầy đem về xin kiểm duyệt tại Huế, nghĩ rằng sở kiểm duyệt ở đó sẽ ít gắt gao hơn, nhất là khi do thầy Trí Quang đưa xin. Nhưng ba tuần sau, thầy Trí Quang đem trả lại hai tập thơ, nói rằng Thầy không muốn ép họ để cho họ khỏi vì nể mình mà bị bể nồi cơm. Do đó chúng tôi mới phải làm đơn xin đi kiểm duyệt ở Sài Gòn. Sở kiểm duyệt ở đây cắt bỏ hết tập thơ, chỉ chừa lại có bảy bài, và kiểm duyệt bỏ luôn đầu đề của tập thơ. Những bài như Một mũi tên rơi hai cờ ảo tượng không dính dáng gì đến chính trị hoặc hòa bình cũng bị bỏ luôn, có lẽ vì người kiểm duyệt đã có định kiến rồi nên đọc câu nào trong tập thơ cũng thấy chống chiến tranh. Bài Một mũi tên có lẽ được xem như chủ trương “trung lập hóa”.

Thấy bọn trẻ chúng tôi thất vọng quá về chuyện này, Thầy bảo: “Thì cứ nói thầy Thanh Tuệ đem in trọn cuốn đi, không kiểm duyệt thì đã có sao?” Vậy là chúng tôi bàn với chú Thanh Tuệ, quyết định cho in năm nghìn cuốn Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện mà không kiểm duyệt. Đó là vào khoảng đầu năm 1965. Nên biết rằng nhà xuất bản Lá Bối hồi đó còn trẻ lắm, do chú Thanh Tuệ làm giám đốc và chị Thu Hà làm quản lý, chỉ mới xuất bản được có ba cuốn: Bông hồng cài áo của Nhất Hạnh, Tình người của Tâm Quán và Đạo Phật đi vào cuộc đời của Nhất Hạnh. Nhờ bà bác sĩ Ngô Văn Hiệu tặng 50.000 đồng cho nên chúng tôi mới in được hai tác phẩm đầu; luôn đây cũng ghi công đức bác Hiệu như là một trong những người có công đầu trong việc sáng lập nhà xuất bản Lá Bối. Cơ sở của Lá Bối hồi đó nghèo nàn lắm: đó là một căn nhà lụp xụp tọa lạc tại số 411/5 đường Phan Đình Phùng, Sài Gòn.

Chắp tay bán rất mau. Bìa do anh Hiếu Đệ vẽ. Đó là hình hai bàn tay chắp lại cầu nguyện và từ trong hai bàn tay một con bồ câu trắng vỗ cánh bay lên. Nội trong vòng một tháng, năm ngàn cuốn đã được bán hết sạch. Nhưng đó là sách quốc cấm, không được bán công khai. Tại Huế có một cảnh sát vào bảo các nhà sách giấu sách đi, đừng trưng bày, chỉ khi nào khách vào hỏi mới nên đem ra. Đó là bác ta có ý dung túng. Chắp tay được mọi giới ưa thích, kể cả giới thiên tả có liên lạc với bên Mặt Trận. Ai ngờ chỉ một vài tuần sao đó, Đài Phát thanh Bắc Kinh, rồi các đài Hà Nội và Giải Phóng bắt đầu chửi tập thơ, cho tác giả là “lưng chừng” không biết phân biệt thù và bạn.

Đối với những người trẻ có liên lạc với Mặt Trận, sự kiện này làm họ ngạc nhiên không ít. Nhưng sau đó không lâu họ còn phải ngạc nhiên nhiều nữa, vì những bài phê bình về thầy Nhất Hạnh do những cây bút như Hoàng Hà (bài báo trên tạp chí Trí thức mới tháng 8 năm 1965 của Mặt Trận) và Anh Đức (tập truyện ký Bức thư Cà Mau, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội, 1966)… Hồi đầu, Thầy mới bị lên án là “lưng chừng” thôi, nhưng vào khoảng gần cuối năm, Thầy bị lên án rất gắt gao, xem như là dụng cụ của đế quốc Mỹ. Những người trẻ thiên tả không theo dõi tình hình văn nghệ thấy điều đó như một tiếng sét đánh ngang đầu bởi vì họ đã đến với Thầy như một khuôn mặt tiến bộ, thiên tả. Họ không biết rằng sở dĩ có những bài báo lên án Thầy cực lực như vậy là vì cấp lãnh đạo văn nghệ phía xã hội chủ nghĩa đã chỉ thị phải làm như thế. Nguyên nhân sâu sắc không phải là tập thơ Chắp tay mà là loạt bài Thầy viết trên báo Bách khoa khoảng chừng giữa năm 1965 nhan đề là Đạo Phật trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó Thầy đã vạch rõ những điểm đồng và những điểm dị giữa quan điểm Mác xít và quan niệm Phật học về vấn đề sáng tác văn nghệ. Theo tôi, bài này đã minh xác lập trường không Mác xít của tác giả, và đó là nguyên nhân quan trọng nhất của sự chống đối tác giả Chắp tay. Bài này trong khi đề cập đến hướng đi của văn học và nghệ thuật Phật giáo đã dám nói động tới giáo điều Mác xít về văn học và nghệ thuật, vì vậy tác giả mới bị khép về phía có “tư tưởng phản động”. Trong bài này Thầy có nói rằng khởi điểm của Phật giáo và Mác xít giống nhau ở chỗ nhận thức về sự có mặt của những khổ đau trong cuộc đời, nhưng động cơ thúc đẩy hành động của hai bên thì khác nhau: bên Phật giáo thì động cơ là xót thương (từ bi) còn bên Mác xít thì động cơ là sự căm thù. Nói về hiện thực chủ nghĩa, Thầy bảo rằng khi đã mang một lăng kính ý thức hệ rồi thì khó có thể phản ánh thực tại một cách trung thực. Còn với thái độ không tâm của người Phật tử, không bị thành kiến nào ngăn cách, người ta có thể miêu tả thực tại một cách chính xác hơn nhiều. Nội mấy tư tưởng trên kia cũng đủ cho lãnh đạo văn nghệ của bên kia lên án Thầy. Cho đến nỗi đoản văn Bông hồng cài áo của Thầy cũng bị đem ra chửi, cho rằng đoản văn ấy có tính cách chống cách mạng. Trong Bức thư Cà Mau (Văn Học, 1966), Anh Đức nói rằng tác giả Bông hồng cài áo cố ý làm cho người ta chỉ nhớ tưởng tới bà mẹ cá nhân của mình mà quên đi bà mẹ lớn lao là Tổ quốc.

Sau bài “Đạo Phật trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật” tạp chí Bách khoa loan tin sẽ đăng một bài phê bình của nhà văn Vũ Hạnh. Nhưng không biết vì sao, Vũ Hạnh không cho đăng bài phê bình ấy nữa, mà lại tuyên bố rằng bản thảo bài ấy đã bị “rớt mất” rồi.

Bài “Đạo Phật trong lĩnh vực văn học và nghệ thuật” sau đó được in vào trong sách Đạo Phật hiện đại hóa xuất bản cũng vào năm 1965.

Tập thơ Chắp tay cố nhiên không mang số kiểm duyệt. Không biết giới lãnh đạo văn nghệ miền Bắc có để ý tới điều đó không, hay lại nghĩ rằng tập thơ đó đã được ra đời với sự ưng thuận của chế độ miền Nam.

Chắp tay còn được in lại nhiều lần, nhưng lần nào cũng để ở trang hai là “in lần thứ nhất” để cho chính quyền miền Nam không chú ý. Chúng tôi còn nhớ là lần in thứ hai, ở trang áp chót, thay vì đề năm 1965, nhà in đã in lộn thành 1956.