Thử tìm dấu chân trên cát

Một mũi tên rơi hai cờ ảo tưởng

“cũng như dòng suối về gặp đại dương

ngày mai ra đi anh nhớ hát lên khúc ca mùa mới

tiếng hát kia vẳng lại để đủ sức tiễn tôi trên một đoạn đường”

i sẽ không ra đi.

hoặc sẽ ra đi nhưng không bao giờ tôi đến.

nơi khởi hành có trăng mây gió nước, và nơi tôi đến, đón chờ cũng sẽ có hoa vàng trúc tím

là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ

và mầu xanh trời cao trong mắt em sẽ còn mãi mãi, nhưng vì không thấy, thương tôi, em đã bao lần nhắc chuyện ra đi,

sáng nay thức giấc ngủ trăng sao, vũ trụ làm rơi những giọt nước mắt trong như pha lê,

êm dịu sương khuya, hãy khóc cho hồn ngươi thêm đẹp

nước mắt sẽ biến hồn hoang vu thành nơi vườn quê tươi sáng, thanh lương thấm lòng trái đất, nâng niu lộc mướt chồi non,

ngày xưa những khi ngồi nhìn em khóc, tôi cũng đã ưng khóc để được dỗ dành.

ôi thiên nhiên

bà mẹ tóc xanh, xanh mướt đất trời, nụ cười đem về đầy bướm chim hoa lá,

là lá là hoa, em đã có tôi từ vô thỉ

và trong nhận thức mong manh em, tôi thực chưa bao giờ từng hiện hữu tử sinh.

 em có nhớ ngày đầu tiên khi mẹ đưa tôi về, nhờ năm nhóm nhiệm mầu, em mới trông thấy bóng hình tôi hiển lộ?

ngày mai bóng hình mất đi

em hãy mỉm cười

và bình thản tìm tôi trở lại

tìm tôi qua thanh sắc đã sinh và đã mất

để thấy rằng tôi vẫn còn chân thực

chưa bao giờ đi

chưa bao giờ đến

qua thời gian, qua nhận thức, qua chủ khách tồn sinh

tìm tôi và tiện dịp em tìm em

t khám phá nguyên sơ

chỉ cho em thấy rằng em là bất diệt

em sẽ thấy

không có gì đi, mất

và với một mũi tên thôi, em bắn rơi một lần hai lá cờ huyễn tượng

chân như sẽ xuất hiện mầu nhiệm nơi tử sinh.

tôi đang mỉm cười an nhiên trong phút giây hiện tại

nụ cười nở mãi trong bài ca mùa xuân bất tận

trong nụ cười kia em cũng sẽ thấy em còn mãi

bởi vì em quả thực chưa từng bao giờ hiện hữu trong ảo tưởng tồn sinh.

nụ cười hôm nay, ta sẽ nhìn thấy ngày mai

tận cuối đường ảo tượng

không có gì đã qua và đã mất

không có gì sẽ qua và sẽ mất

và suối chim khuyên em hôm nay

“hãy vẫn cứ là bông hoa hát ca.”

Theo tôi, bài này sở dĩ Sở Kiểm duyệt Sài Gòn bỏ là vì những người trong Sở Kiểm duyệt nghĩ tác giả đang tuyên truyền cho lập trường trung lập. Sự thật bài này không dính líu gì tới chính trị. Bài thơ này chỉ diễn tả cái thấy của tác giả về chân như và sinh diệt. Đây là một trong những bài mà Thầy vừa ý nhất. Hồi đầu năm nay, tôi có được Thầy cho đọc bản thảo truyện Tố của Thầy mới viết và tôi thấy nếu ta muốn thấu triệt những ý tưởng và hình ảnh trong bài thơ này thì chúng ta phải đọc truyện Tố; không biết bao giờ Thầy mới cho Lá Bối in tập truyện ấy.

Truyện Tố kể về chuyện một em bé gái chín tuổi bị mù vì thuốc khai quang và một em bé trai tên Thạch Lang từ một mỏm đá sanh ra, nghe tiếng sáo của Tố mà tìm xuống và hai đứa trở thành đôi bạn. Có Thạch Lang một bên, Tố không có mắt mà cũng như có mắt, bởi vì Thạch Lang nhìn và nói cho Tố nghe tất cả những gì nó thấy. Sau cùng, Thạch Lang tìm ra được nước Cam Lộ trên mỏm đá rửa mắt cho Tố khiến cho mắt Tố sáng lại như xưa. Lúc đó Thạch Lang đã trở về mỏm đá. Thạch Lang nói với Tố: “Trong Tố có anh rồi, và từ nay đi đâu Tố cũng có anh bên mình”.

Những biểu tướng sanh và diệt, tự và tha đều chỉ là những biểu tướng, một khi thực chứng được chân như thì những ràng buộc của sanh diệt không còn. Nếu Tố thấy được Thạch Lang là bất sanh bất diệt thì Tố cũng thấy được chính bản thân Tố là bất sanh bất diệt. Phép thiền quán này là một mũi tên mà bắn rơi được một lần hai lá cờ huyễn tượng tức là ảo tượng về sự sanh diệt của Thạch Lang và ảo tượng về sự sanh diệt của Tố. Năm nhóm trong bài thơ vốn là từ chữ ngũ uẩn, tức là sắc thân, cảm thọ, tư duy, hành nghiệp và nhận thức, những yếu tố phối hợp thành “ngã”.