Thử tìm dấu chân trên cát

Mây trắng thong dong

nhớ thuở xưa – khi ngươi còn là đám bạch vân bay thong dong

ta theo nguồn múa ca đi về đại dương mênh mông.

ngươi lưu luyến chốn đỉnh cao, lắng tiếng reo cười ngàn thông

ta nhấp nhô trên sóng bạc, lên xuống vào ra muôn trùng

kịp đến khi thấy trần gian quằn quại lệ chảy thành dòng

thì ngươi biến thành mưa, nhỏ giọt tuôn tràn đêm đông

y đen mịt mờ một phương chừ, mặt trời hấp hối

ngươi gọi ta về, cùng nhau giăng tay nổi trận cuồng phong.

lòng thảnh thơi đâu, khi hoa ngàn cỏ núi còn rên siết hận bất công,

ngươi đưa hai tay thiên thần, quyết tâm tháo bỏ cùm gông.

trong khi bóng tối phủ đầy, họng súng đen ngòm bạo lực

xương dồn thành gò cao chừ, trong khi máu đã chảy dài thành sông

 

hai bàn tay ngươi giập nát, thương ôi, xích xiềng vẫn chưa tháo được,

ta gọi sấm sét về bên ngươi, quyết cùng bạo lực mở cuộc thư hùng.

gan dạ hơn người, trong đêm ngươi hóa thành Sư Vương rống lớn

hàng vạn loài ma quái nghe ngươi, đã cầm cập run trong đêm sương

hiên ngang không lùi bước chừ, dù phía trước dày đặc hầm chông,

ngươi thản nhiên đưa mắt nhìn bạo lực chừ, như nhìn vào khoảng không

Sống Chết là chi chừ, ép uổng nhau sao được?

ngươi gọi tên ta mà cười chừ, không một lời rên siết, dù tra tấn cùm gông

y giờ thoát đi, xiềng xích chẳng còn buộc nổi chân thân,

ngươi trở về kiếp xưa mây trắng, thảnh thơi trên bầu trời mênh mông;

Đến, Đi tự ngươi – đỉnh cao nào thích thú thì ngươi dừng lại,

cưỡi trên sóng bạc đầu chừ, ta hát ru ngươi khúc hát bi hùng.

Nguyệt san Phật giáo Việt Nam xuất bản tại Los Angeles, Hoa Kỳ do thầy Mãn Giác chủ trương đã in bài này trong số đặc biệt Mây trắng thảnh thơi bay kỷ niệm Thích Thiện Minh (số 18 và 19, tháng 12 năm 1979). Thầy Thiện Minh là một trong những vị cao tăng Việt Nam hiện đại, đã từng đóng góp lớn lao cho phong trào phục hưng Phật giáo từ 1949 đến 1974. Là một người túc trí và can trường, Thầy đã từng bị ám sát và sau đó bị chính quyền ông Nguyễn Văn Thiệu kết án mười lăm năm khổ sai, sau đó lại bị chính quyền Hà Nội giam giữ trong trại học tập và cuối cùng đã bị bức tử vào ngày 18 tháng 10 năm 1978.

Tại Pháp, thầy Nhất Hạnh được điện báo về hung tin này ngày 21 tháng 10 năm 1978; Thầy đã chỉ thị cho chúng tôi trong Phái đoàn làm ngay một bản tin gửi tới các hãng thông tấn quốc tế tại Paris. Bài thơ được làm ngay tối đó.

Trong tờ Phật giáo Việt Nam in tại Los Angeles, những chữ ngươi đã được in lầm thành chữ người vì vậy hùng khí của bài thơ bị giảm đi khá nhiều. Nay xin trích lại theo nguyên văn trong Dấu chân trên cát.