Thử tìm dấu chân trên cát

Lanka

ngàn năm sóng biếc mơn chân đảo

rào rạt thâm sâu lòng đại dương

đàn trẻ chân không trên cát mịn

da thơm biển mặn. Gió căng buồm…

dừa cao rợp bóng nuôi hương đất

chuối mít xoài thơm vẫn ngọt ngon

mưa dội đèo cao nghe gió gọi

du chân của Phật vẫn chưa mòn

 

nắng lên rực rỡ ngày khai hội

trống nhịp bàn chân sóng nhạc tuôn

tay mềm, nghiêng dáng nâu thôn nữ

gợi ý tiền thân Phật xuống trần.

Sri Lanka là một hòn đảo xanh mướt, phì nhiêu, có rất nhiều chuối, mít, xoài và khóm, thơm. Thầy Nhất Hạnh đến đây để dự một hội nghị các tôn giáo về vấn đề sống chung hòa bình vào khoảng tháng Tư 1974. Thầy kể cho chúng tôi nghe là một hôm Thầy đi xuống bãi biển miền quê gặp mấy chục em bé quê, chân đi trên cát, không có áo, em nào em nấy chỉ mặc quần đùi, da sạm nắng, mắt đen láy và khỏe mạnh. Ở miền này trẻ em chưa bị nhiễm cái nếp sống văn minh của Coca-cola, phim cao bồi và khách du lịch. Cát trắng, dừa cao và biển xanh vẫn còn che chở cho các em. Biển thì thơm, da các em cũng thơm mùi biển, Thầy tới gần ôm các em trong hai tay, nhưng bởi vì ngôn ngữ bất đồng nên không nói với các em lời nào. Bỗng dưng Thầy chợt nhớ là giữa Thầy và các em có sẵn một ngôn ngữ chung có thể dùng được. Thầy bèn chắp tay đọc:

Namo Tassa Bhagavato Arahato Samma Sambuddhassa…

Tất cả các em đều chắp tay hướng về Thầy và đọc tiếp bài tam quy. Ở đây các em bé thuộc kinh tam quy bằng tiếng Pali cũng như các em bé ở Việt Nam thuộc bài Đệ tử kính lạy vậy. Cảnh tượng bãi biển lúc đó chắc là dễ thương lắm. Thầy đến Tích Lan nhằm mùa Phật đản nên đã được xem dân vũ mừng Phật đản. Dân Tích Lan tin rằng ngày xưa hồi tại thế, Phật Thích Ca có đến viếng Tích Lan tới ba lần. Các bộ sử Mahavamsa Dipavamsa cũng có nói như vậy. Theo các sách này thì chuyến viếng thăm thứ ba, vào năm 523, đức Phật có ghi dấu chân trên núi Sumanakuta và dấu chân ấy trải mấy nghìn năm vẫn còn rõ ràng trên núi đá.