Thử tìm dấu chân trên cát

Bướm lạc quê hương

lá tía tô

hương mùa thu mới chín

chim hót lá xanh

trời mây bình lặng

một buổi sáng hiền, chim câu xòe đôi cánh

hòa bình

trẻ thơ vươn tay ôm lấy

nụ cây mừng giọt nắng

hoe vàng sân cỏ rộng

mười năm

bướm lạc quê hương.

Ở Phương Vân am, tác giả trồng đủ các thứ rau thơm: húng, tía tô, kinh giới, ngò, quế, persil (mùi tây), céleri (cần tây), ciboulette (hành, hẹ)… cộng với các thứ rau tần ô, cải cay, cải ngọt, bí ngô… Vườn rau của Phương Vân am giống hệt một vườn rau của quê hương, nhất là khi hoa cải nở vàng và bươm bướm bay đầy vườn. Mỗi khi đi đâu xa hơi lâu là Thầy nhớ khu vườn. Ở xa, trời nóng, nâng cốc nước lọc trên tay giải khát Thầy cũng nhớ đến những luống rau thơm:

cốc nước lọc trên tay

nắng đã mấy hôm

ngoài trăm dặm

mấy luống rau thơm

đợi tôi về

tưới mát

Có một chú bé mười hai tuổi tên là Long và hai cô bé sáu tuổi và bảy tuổi là Minh Tâm và Thanh Thủy thường đến chơi và ở lại. Buổi sáng bốn ông cháu hay ra vườn. Thủy và Tâm chạy chơi trong nắng, còn Long thì giúp Sư ông nhổ cỏ, vun bón và tưới tẩm khu vườn. Thầy thường đặt bài hát mới cho chúng hát. Bài hát nào cũng có mặt của khu vườn: cây mướp, cây cà, con ốc, con sâu, trái bí, bông hồng.

Trong một bài hát Thầy viết riêng cho lũ “người lớn” của chúng tôi hát, có một bài mà trong đó có mặt nhiều thứ rau thơm:

đất mẹ cho em hương quế, tần ô,

tía tô, cây húng, cây ngò huyền diệu

mai đây xanh tươi núi đồi quê hương

mai đây lộc đời lên nhanh

ngt lời ca dao, toàn dân ca hát

ngọt lời ca dao, màu xanh đưa bước chân người…