Quán Sở Duyên Duyên

Quán chiếu về đối tượng nhận thức


Trong số những người chủ trương rằng phải lấy hình sắc, v.v…, bên ngoài để làm đối tượng nhận thức cho năm thức là nhãn thức, nhỉ thức, v.v…, có những người cho rằng cực vi là thực thể có khả năng sinh ra nhận thức, lại có những người cho rằng các cực vi ấy khi hòa hợp lại làm ra những cái tướng trở thành đối tượng của nhận thức. Cả hai chủ trương ấy đều sai lầm. Tại sao ?

1.
Đối với năm thức, cực vi có thể là điều kiện (duyên) nhưng không thể là đối tượng nhận thức (sở duyên), bởi vì tướng của cực vi ấy không biểu hiện nơi nhận thức – cũng ví dụ như năm giác quan. (Năm giác quan là điều kiện (duyên) cho thức nhưng không phải là đối tượng cho thức.)

Đối tượng nhận thức là cái tướng trạng được phát khởi ra đi kèm theo với chủ thể nhận thức thì phải có thực thể khiến cho chủ thể nhận thức có thể nương vào đấy mà phát sinh. Nếu cực vi của sắc, v.v…, mà có thực thể có thể sinh ra nhận thức (của năm thức) thì cũng chỉ có thể là điều kiện (duyên) mà không phải đối tượng nhận thức. Cũng giống như con mắt, v.v…, đối với nhãn thức, v.v…, không phải là cái hình tướng của đối tượng nhận thức. Cực vi trong năm thức (nhãn, v.v…,) cũng không thể được gọi là đối tượng nhận thức (sở duyên).

2.
Đối với năm thức, hòa hợp có thể được gọi là đối tượng nhận thức (sở duyên) nhưng không thể gọi là điều kiện (duyên) vì nó không có thực thể, nó cũng giống như một mặt trăng thứ hai (hiện ra khi ta dụi mắt vậy).

Những hình tướng hòa hợp của sắc, v.v…trong năm thức (là nhãn, v.v…) có thể được gọi là đối tượng nhận thức (sở duyên) nhưng không thể nói chúng là điều kiện nhận thức (duyên) như khi con mắt bị bệnh trông thấy một mặt trăng thứ hai. Nó không có thực thể và vì vậy nó không có khả năng làm sinh khởi nhận thức. Vậy thì những hình tướng hòa hợp ấy trong năm thức (nhãn,v.v…) không phải là điều kiện phát sinh ra nhận thức (duyên). Cho nên biết rằng trong hai chủ trương kia, chủ trương nào cũng thiếu khuyết một chân, cho nên cả hai đều sai lầm.

Có người chủ trương rằng các yếu tố sắc, thọ, tưởng, v.v…, mỗi yếu tố đều chứa đựng nhiều tính chất (tướng) và một phần nào của những tính chất ấy trở thành đối tượng trực tiếp (hiện lượng cảnh) của nhận thức. Do đó các cực vi nương vào nhau, mỗi cực vi đều mang theo nó cái tướng hòa tập (samcitakara), và cái tướng ấy là một cái gì có thật, mỗi tướng có khả năng làm phát sinh ra cái nhận thức giống nó. Do đó đối với năm thức (cảm giác) nó cũng có khả năng làm điều kiện đối tượng (sở duyên duyên).

Nói như thế cũng phi lý. Vì sao ?

3.
Những tính chất của cái hòa tập (mà anh nói đó) như cái rắn chắc, cái thấm nhuận, cái sức nóng, v.v…, đối với năm thức (cảm giác) cũng chỉ có thể là điều kiện (duyên) mà không thể là đối tượng (sở duyên) của thức, tại vì chúng vẫn còn mang tướng cực vi.

Những tính chất (tướng) như rắn chắc, v.v…, ấy tuy là có thật nhưng đối với 5 thức chỉ có thể đóng vai điều kiện (duyên) mà không thể đóng vai đối tượng (sở duyên), bởi vì trên nhận thức của 5 thức ấy không có những tính chất (tướng) ấy. Các cực vi của sắc, v.v…, và những cái tướng hòa tập của chúng cũng đều như thế, tại vì trước sau chúng chỉ là những cực vi. (Đã là hòa tập vì sao còn gọi là cực vi được?) Chủ trương rằng năm thức (nhãn, v.v…) có thể tiếp xúc (duyên) tới được cực vi, thì những cái tướng hòa tập ấy đâu cần phát sinh ra nữa ? (phục hữu biệt sinh?)

4.
Tướng trạng các đồ vật như bình, chén,… tuy lớn nhỏ khác nhau, nhưng không phải vì vậy mà cực vi (làm ra chúng) có lớn nhỏ, có khác, vì thế biết là những tướng trạng lớn nhỏ khác nhau kia cũng là không có thật.

(Hỏi) : Các đối tượng nhận thức (sở duyên duyên) ấy đâu phải là hoàn toàn không có ? Nếu nó không phải là hoàn toàn không có, thì cái này như thế nào? (nhược nhỉ vân hà?)

(Trả lời):

5.Cực vi thì giống nhau. Những hình dáng khác biệt kia do cực vi hợp thành chỉ là giả hữu, tách chúng thành cực vi thì tri giác kia không còn tồn tại.

6. Sắc tướng bên trong hiện ra như là có mặt bên ngoài, nhưng đó chỉ là đối tượng của thức (sở duyên duyên), chỉ có thể nói rằng cái tướng trạng ấy chỉ có mặt nơi thức, và có công năng làm phát sinh ra thức.

Ngoại cảnh tuy không có, nhưng có nội thức, giống như có ngoại cảnh hiện ra làm đối tượng cho thức; các thức (như nhãn, v.v…) nương vào tướng ấy để sinh khởi, và từ đó mà phát sinh, có đủ cả hai nghĩa.

(Hỏi):Cái cảnh tưởng bên trong này nếu đã không lìa thức mà có thì nó đồng thời sinh khởi như thế nào mà nó có thể đóng vai trò đối tượng (sở duyên duyên) của thức?

7. Hai cái đi theo nhau, có thể nói đối tượng và chủ thể đồng  thời sinh khởi, cũng có thể nói cái trước (tướng) làm điều kiện phát sinh cho cái sau (kiến), cái trước làm công năng dẫn khởi cái sau.

Cảnh tướng và thức quyết định là đi theo nhau, tuy là đồng thời sinh khởi nhưng cũng có thể đóng vai trò điều kiện (duyên) của thức được. Nhân đó mà biết rằng trong thức cả cái này (chủ thể) và cái kia (đối tượng) không có cái nào đi theo cái nào; tuy chúng đồng thời sinh khởi mà cũng có tính cách nhân quả với nhau. Hoặc tướng trước của thức làm điều kiện cho thức sau, dẫn đến trong bản thân của thức để phát sinh như tự quả của mình, đó là do chủng tử làm phát khởi ra, không sai với lý luận.

Nếu 5 thức sinh thì chúng cũng chỉ duyên tới nội sắc (của thức), làm sao lại nói chúng là điều kiện (duyên) đã làm phát sinh thức?

8. Các chủng tử của sắc, v.v…, trong thức gọi là năm căn, cũng là hợp lý. Chủng tử và cảnh sắc (được chủng tử làm phát sinh) đã làm nhân cho nhau từ vô thỉ.

Do sự so sánh mà ta biết rằng có sự có mặt của các căn. Bởi vì các căn ấy có công năng làm phát hiện ra thức. Cái công năng ấy không phải đã được chế tác ra từ vật chất bên ngoài (ngoại sắc). Các công năng ấy cũng chỉ được phát hiện ra từ thức. Cái lý luận này không có gì là khác lạ. Ta không thể nói công năng ấy là ngoài thức hay trong thức, chỉ có thể nói rằng tất cả các sắc pháp, theo nguyên tắc (công năng phát hiện trên) không thể có mặt ngoài thức. Cái công năng (tạo ra) các giác quan ấy, cùng với đối tượng sắc của nó, từ đời vô thỉ làm nhân (quả) cho nhau. Các công năng ấy khi đạt tới chỗ thuần thục thì làm phát hiện 5 loại cảnh sắc bên trong trên mặt hiện thức, và cũng có công năng dẫn khởi tới (các công năng của) 5 giác quan. Năm căn và năm cảnh ấy, cả hai thứ căn và cảnh, hai cái mà ta nhận diện như là sắc, hoặc là một với thức hoặc là khác với thức hoặc nó là một vừa là khác, đó là tùy ý ta muốn gì thì ta nói. Các thức chỉ sử dụng nội cảnh để làm đối tượng sở duyên. Lập luận này có thể đứng vững.

 

 

觀 所 緣 緣 論
Quán Sở Duyên Duyên Luận
陳 那 菩 薩 造
Trần na  Bồ Tát tạo
三 藏 法 師 玄 奘 奉 詔 譯
Tam tạng Pháp sư huyền Huyền Trang chiếu dịch

諸 有 欲 令 眼 等 五 識。                             以 外 色 作 所 緣 緣 者。
chư hữu dục linh nhãn đẳng ngũ thức。 dĩ ngoại sắc tác sở duyên duyên giả。

或 執 極 微 許 有 實 體。                             能 生 識 故 或 執 和 合。
hoặc chấp cực vi hứa hữu thật thể。     năng sanh thức cố hoặc chấp hòa hợp。

以 識 生 時 帶 彼 相 故。                            二 俱 非 理。         所 以 者 何。
dĩ thức sanh thời đới bỉ tướng cố。      nhị câu phi lý。     sở dĩ giả hà。

1.
極 微 於 五 識                 設 緣 非 所 緣
cực vi ư ngũ thức        thiết duyên phi sở duyên
彼 相 識 無 故                 猶 如 眼 根 等
bỉ tướng thức vô cố   do như  nhãn căn đẳng

所 緣 緣 者。                                          謂 能 緣 識 帶 彼 相 起 及 有 實 體。
sở duyên duyên giả。                          vị năng duyên thức đới bỉ tướng khởi cập hữu thật thể。

令 能 緣 識 託 彼 而 生 色 等 極 微。
linh năng duyên thức thác bỉ nhi sanh sắc đẳng cực vi。

設 有 實 體 能 生 五 識 容 有 緣 義。                                                         然 非 所 緣。
thiết hữu thật thể năng sanh ngũ thức dung hữu duyên nghĩa。  nhiên phi sở duyên。

如 眼 根 等 於 眼 等 識 無 彼 相 故。                                     如 是 極 微 於 眼 等 識。                       無所緣義
như nhãn căn đẳng ư nhãn đẳng thức vô bỉ tướng cố。như thị cực vi ư nhãn đẳng thức。   vô sở duyên nghĩa。

2.
和 合 於 五 識               設 所 緣 非 緣
hòa hợp ư ngũ thức    thiết sở duyên phi duyên
彼 體 實 無 故               猶 如 第 二 月
bỉ thể thật vô cố      do như đệ nhị nguyệt

色 等 和 合 於 眼 識 等 有 彼 相 故。
sắc đẳng hòa hợp ư nhãn thức đẳng hữu bỉ tướng cố。

設 作 所 緣 然 無 緣 義。    如 眼 錯 亂 見 第 二 月。
thiết tác sở duyên nhiên vô duyên nghĩa。     như nhãn thác loạn kiến đệ nhị nguyệt。

彼 無 實 體 不 能 生 故。      如 是 和 合 於 眼 等 識 無 有 緣 義 故。
bỉ vô thật thể bất năng sanh cố。     như thị hòa hợp ư nhãn đẳng thức vô hữu duyên nghĩa cố。

外 二 事 於 所 緣 緣 互 闕 一 支。       俱 不 應 理。
ngoại nhị sự ư sở duyên duyên hỗ khuyết nhất chi。câu bất ưng lý。

有 執 色 等 各 有 多 相。    於 中 一 分 是 現 量 境 故。
hữu chấp sắc đẳng các hữu đa tướng。      ư trung nhất phân thị hiện lượng cảnh  cố。

諸 極 微 相 資 各 有 一 和 集 相。         此 相 實 有 各 能 發 生。
chư cực vi tướng tư các hữu nhất hòa tập tướng。thử tướng thật hữu các năng phát sanh。

似 己 相 識 故 與 五 識 作 所 緣 緣。 此 亦 非 理。  所 以 者 何。
tự kỷ tướng thức cố dữ ngũ thức tác sở duyên duyên。thử diệc phi lý。  sở dĩ giả hà 。

3.
和 集 如 堅 等                     設於眼等識
hòa tập như kiên đẳng   thiết ư nhãn đẳng thức
是 緣 非 所 緣                   許 極 微 相 故
thị duyên phi sở duyên    hứa cực vi tướng  cố

如 堅 等 相 雖 是 實 有。        於 眼 等 識 容 有 緣 義。
như kiên đẳng tướng tuy thị thật hữu。    ư nhãn đẳng thức dung hữu duyên nghĩa。

而 非 所 緣。           眼 等 識 上 無 彼 相 故。
nhi phi sở duyên。        nhãn đẳng thức thượng vô bỉ tướng cố。

色 等 極 微 諸 和 集 相。     理 亦 應 爾。  彼 俱 執 為 極 微 相 故。
sắc đẳng cực vi chư hòa tập tướng。lý diệc ưng nhĩ。  bỉ câu chấp vi cực vi tướng cố。

執 眼 等 識 能 緣 極 微。         諸 和 集 相 復 有 別 失。
chấp nhãn đẳng thức năng duyên cực vi。chư hòa tập tướng phục hưũ biệt thất。

4.
瓶 甌 等 覺 相                        彼 執 應 無 別
bình âu đẳng giác tướng     bỉ chấp ưng vô biệt
非 形 別 故 別                        形 別 非 實 故
phi hình biệt cố biệt             hình biệt phi thật cố

瓶 甌 等 物 大 小 等 者。      能 成 極 微 多 少 同 故。
bình âu đẳng vật đại tiểu đẳng giả。     năng thành cực vi đa thiểu đồng cố。

緣 彼 覺 相 應 無 差 別。
duyên bỉ giác tương ưng vô sai biệt。

若 謂 彼 物 形 相 別 故 覺 相 別 者。              理 亦 不 然。
nhược vị bỉ vật hình tướng biệt cố giác tướng biệt giả。        lý diệc bất nhiên。

頂 等 別 形 唯 在 瓶 等 假 法 上 有。                        非 極 微 故 彼 不 應 執。
đảnh đẳng biệt hình duy tại bình đẳng giả pháp thượng hữu。   phi cực vi cố bỉ bất ưng chấp。

極 微 亦 有 差 別 形 相 所 以 者 何。
cực vi diệc hữu sái biệt hình tướng sở dĩ giả hà。

5.
極 微 量 等 故                   形 別 惟 在 假
cực vi lượng đẳng cố    hình biệt duy tại giả
析 彼 至 極 微                   彼 覺 定 捨 故
tích bỉ chí cực vi            bỉ giác định xả cố

非 瓶 甌 等 能 成 極 微 有 形 量 別。              捨 微 圓 相 故。
phi bình âu đẳng năng thành cực vi hữu hình lượng biệt。      xả vi viên tướng cố。

知 別 形 在 假 非 實。                                又 形 別 物 析 至 極 微。
tri biệt hình tại giả phi thật。                  hựu hình biệt vật tích chí cực vi。

彼 覺 定 捨 非 青 等 物。                          析 至 極 微 彼 覺 可 捨。
bỉ giác định xả phi thanh đẳng vật。     tích chí cực vi bỉ giác khả xả。

由 此 形 別 唯 世 俗 有。                         非 如 青 等 亦 在 實 物。
do thử hình biệt duy thế tục hữu。      phi như thanh đẳng diệc tại thật vật。

是 故 五 識 所 緣 緣 體 非 外 色 等 其 理 極 成。
thị cố ngũ thức sở duyên duyên thể phi ngoại sắc đẳng kỳ lý cực thành。

彼 所 緣 緣 豈 全 不 有。                                 非 全 不 有。            若 爾 云 何。
bỉ sở duyên duyên khởi toàn bất hữu。  phi toàn bất hữu。   nhược nhĩ vân hà。

6.
內 色 如 外 現                        為 識 所 緣 緣
nội sắc như ngoại hiện    vi thức sở duyên duyên
許 彼 相 在 識                       及能生識故
hứa bỉ tướng tại thức    cập năng sanh thức cố

外 境 雖 無。                          而 有 內 色 似 外 境 現。                    為 所 緣 緣。
ngoại cảnh tuy vô。  nhi hữu nội sắc tự ngoại cảnh hiện。    vi sở duyên duyên。

許 眼 等 識 帶 彼 相 起 及 從 彼 生。                                                     具 二 義 故。
hứa nhãn đẳng thức đới bỉ tướng khởi cập tùng bỉ sanh。       cụ nhị nghĩa cố。

此 內 境 相 既 不 離 識。                                 如 何 俱 起。           能 作 識 緣。
thử nội cảnh tướng ký bất ly thức。     như hà câu khởi。   năng tác thức duyên。

決 定 相 隨 故                        俱 時 亦 作 緣
quyết định tướng tùy cố    câu thời diệc tác duyên

或 前 為 後 緣                      引 彼 功 能 故
hoặc tiền vi hậu duyên     dẫn bỉ công năng cố

境 相 與 識 定 相 隨 故。                                雖 俱 時 起 亦 作 識 緣。
cảnh tướng dữ thức định tướng tùy cố。 tuy câu thời khởi diệc tác thức duyên。

因 明 者 說。                       若 此 與 彼 有 無 相 隨。
nhân minh giả thuyết。nhược thử dữ bỉ hữu vô tướng tùy。

雖 俱 時 生 而 亦 得 有 因 果 相 故。                                           或 前 識 相 為 後 識 緣。
tuy câu thời sanh nhi diệc đắc hữu nhân quả tướng cố。     hoặc tiền thức tướng vi hậu thức duyên。

引 本 識 中 生 似 自 果 功 能 令 起 不 違 理 故。
dẫn bổn thức trung sanh tự tự quả công năng linh khởi bất vi lý cố。

若 五 識 生 唯 緣 內 色。                                          如 何 亦 說 眼 等 為 緣。
nhược ngũ thức sanh duy duyên nội sắc。 như hà diệc thuyết nhãn đẳng vi duyên。

識 上 色 功 能                               名 五 根 應 理
thức thượng sắc công năng    danh ngũ căn ưng lý

功 能 與 境 色                          無 始 互 為 因
công năng dữ cảnh sắc        vô thủy hỗ vi nhân

以 能 發 識 比 知 有 根。                       此 但 功 能 非 外 所 造 故。
dĩ năng phát thức bỉ tri hữu căn。       thử đãn công năng phi ngoại sở tạo cố。

本 識 上 五 色 功 能 名 眼 等 根。                                                      亦 不 違 理。
bổn thức thượng ngũ sắc công năng danh nhãn đẳng căn。     diệc bất vi lý。

功 能 發 識 理 無 別 故。                           在 識 在 餘 雖 不 可 說。
công năng phát thức lý vô biệt cố。     tại thức tại dư tuy bất khả thuyết。

而 外 諸 法 理 非 有 故。                          定 應 許 此 在 識 非 餘。
nhi ngoại chư pháp lý phi hữu cố。     định ưng hứa thử tại thức phi dư。

此 根 功 能 與 前 境 色。                               從 無 始 際 展 轉 為 因。
thử căn công năng dữ tiền cảnh sắc。    tùng vô thủy tế triển chuyển vi nhân。

謂 此 功 能 至 成 熟 位。                                生 現 識 上 五 內 境 色。
vị thử công năng chí thành thục vị。    sanh hiện thức thượng ngũ nội cảnh sắc。

此 內 境 色 復 能 引 起 異 熟 識 上 五 根 功 能。
thử nội cảnh sắc phục năng dẫn khởi dị thục thức thượng ngũ căn công năng。

根 境 二 色 與 識 一 異或 非 一 異。                                   隨 樂 應 說。   如 是 諸 識。
căn cảnh nhị sắc dữ thức nhất dị hoặc phi nhất dị。tùy lạc ưng thuyết。như thị chư thức。

惟 內 境 相 為 所 緣 緣。                               理 善 成 立。
duy nội cảnh tướng vi sở duyên duyên。lý thiện thành lập。

 

1.
Cực vi trong năm thức
Là duyên không sở duyên
Trong thức không thấy chúng
Ví như con mắt vậy.

2.
Hòa hợp trong năm thức
Là sở duyên không duyên
Thể của chúng là không
Như mặt trăng thứ hai.

3.
Chất hòa hợp như cứng v.v…
Trong năm thức như nhãn v.v…
Là duyên không sở duyên
Chúng là tính cực vi.

4.
Tướng vật như bình chén
Tuy chúng có khác nhau
Nhưng cực vi không khác
Tướng khác không thật có.

5.
Cực vi nhỏ giống nhau
Dáng khác kia là giả
Tách chúng thành cực vi
Tri giác kia không còn.

6. Nội sắc hiện ngoại sắc
Làm sở duyên cho thức
Tướng của nó trong thức
Giúp làm phát sinh thức.