Lá thư Làng Mai 02 – 1983

Tải về bản PDF

Ngày 20-09-1983.
Chơn Lễ Lê Nguyên Thiều viết.

Kỳ này vì đã có sẵn bài Một Tháng ở Làng Hồng của cô Giao Trinh viết nên tôi xin phép viết tóm lược thôi. Mùa hè năm nay có một trăm mười bảy người về làng tu học, trong số đó có cả thảy là hai mươi chín thiếu nhi. Tất cả đều được ghi tên trong “Sổ Đinh” của làng. Suốt thời gian từ 15-07-1983 đến 15-08-1983 dân làng tự lo liệu lấy hết mọi phương tiện sinh hoạt của làng. Người lớn cũng như thiếu nhi đều cảm thấy có hạnh phúc, và đến giây phút khi rời làng ai cũng tỏ vẻ quyến luyến. Trong khoảng hạ tuần tháng tám và thượng tuần tháng chín nhiều người đã viết thơ về làng cho biết ảnh hưởng tốt do thời gian tu học cùng nhau ở làng Hồng tạo ra trên nếp sống hằng ngày tại địa phương mình. Có người cho biết là thời gian tại làng Hồng đã phục hồi niềm tin của họ nơi dân tộc và nơi tương lai. Có người cho biết là đã có một sự thay đổi lớn xảy ra trong cách nhìn và đời sống hằng ngày của họ. Những lá thơ như vậy làm cho tôi cảm động và vui mừng hết sức. Tôi tự nguyện sẽ đem hết tâm lực mình mà chăm sóc cho làng Hồng. Tôi biết không khí và nếp sống làng Hồng không phải do một người tạo ra mà là do tất cả chúng ta tạo ra. Tôi còn nhớ có lần một anh hỏi Thầy: Có thể làm gì để đóng góp xây dựng làng Hồng. Thầy trả lời:” đi thiền hành, uống thiền trà,  ngồi thiền tọa và tạo ra sự an lạc cho mình”. Đúng như vậy, bằng cách đó, chúng ta làm cho làng Hồng thực sự là làng Hồng, không khí làng Hồng do đó trở nên đầm ấm, thanh tịnh, an lạc, giải thoát. Người về làng nhờ thở không khí ấy mà có an lạc chứ không phải là nhờ những bài thuyết pháp. Có lần anh Joseph Liggett, cao đệ của thiền sư Robert  Aiken từ Hạ Uy Di tới, hỏi tôi tại sao trẻ em làng Hồng dễ thương đến thế – đó cũng là ý kiến của anh Nico Tydeman đến từ Hòa Lan- tôi trả lời: tại vì người lớn an lạc. Anh ta im lặng rất lâu rồi cho biết rằng tại các thiền viện bên Hoa Kỳ, trẻ em không bao giờ được an lạc và hòa thuận với nhau như thế. Đóng góp cho làng Hồng bằng sự thanh tịnh an lạc của mình là đóng góp chính yếu; đóng góp bằng lao tác và tài chính tuy quan trọng thật nhưng lại là thứ yếu.

Để tôi xin nói một vài khuyết điểm của làng trước khi nói đến những ưu điểm đã làm cho tôi cảm động và phấn khởi. Khuyết điểm trầm trọng nhất, như mọi người đều biết là hai xóm chỉ có ba cầu tiêu. Không biết tại sao mà tôi lơ đểnh đến thế trong khi thiết kế. Vào tuần thứ ba, ngặt quá, một  số anh em ở xóm Hạ đã phải đi thực hiện một cái cầu tiêu lộ thiên có che mành nứa để đỡ ngặt. Trong thời gian đó, trong chúng ta có người vì muốn nhường phòng tắm cho người khác đã phải đi vào rừng núi thiên nhiên. Tôi xin hứa là mùa hè năm sau tình trạng sẽ không còn như thế nữa. Chúng tôi đang thiết kế xây dựng thêm bốn phòng tắm(gương sen), bốn cầu tiêu và bốn bồn rửa mặt tại xóm Hạ . Tại xóm Thượng cũng có thêm bốn phòng tắm, bốn cầu tiêu và bốn bồn rửa mặt.

Khuyết điểm thứ hai là sân chơi trẻ em tại xóm Hạ. Vì sân chơi phía sau chưa thiết bị kịp nên các em hay chơi đùa trước  thiền đường và tham vấn đường, gây  trở ngại không ít cho việc đi thiền hành của các bác và các anh chị em. Thế nào sang năm tình trạng này cũng sẽ được cải tiến.

Khuyết điểm thứ ba là những con đường thiền hành ở xóm Hạ. Con đường xuống hồ nước tuy đẹp nhưng khấp khểnh quá, đầy dấu chân bò. Dũng đã dùng máy girobroyeur để dọn phá con đường này nhưng rốt cuộc số người đi thiền hành xuống tới hồ nước rất ít. Tôi có ý định mùa đông năm nay sẽ dọn lại thiền lộ đó và ủi một con đường thiền hành từ quán cây sồi ra tới vườn đào để cho sự thiền hành và thiền tập trở nên dễ dàng. Năm ngoái tại Phương Vân am tôi nhận thấy thiên hạ đi thiền hành rất chuyên cần. Có lẽ vì con đường từ Am lên tới cây thông Thanh Từ rất đẹp. Tôi mong sang năm dân cả hai xóm Thượng Hạ sẽ dành nhiều thì giờ cho việc thiền hành hơn.

Khuyết điểm thứ tư thuộc về chấp tác. Đây là năm đầu tiên cho nên công việc nông trại bị đình đốn khá nhiều trong thời gian làng mở cửa. Theo dự tính thì mỗi ngày sẽ có một giờ chấp tác, nhưng chúng tôi vì phải phụ trách nhiều việc quá nên đã không tổ chức được cho dân làng chấp tác ngoài nông trại, dù rằng rất nhiều người đã tỏ ý tình nguyện chấp tác. Hy vọng sang năm chúng ta sẽ tổ chức được chu đáo hơn.

Bây giờ tôi xin nói đến một vài điều đã làm tôi cảm động và phấn khởi. Điều quan trọng nhất là không khí tin yêu và niềm an lạc mà tôi cảm thấy được trong thời gian làng mở cửa. Các em thiếu nhi tuy rất hoạt động nhưng rất ngoan ngoãn, ngọt ngào và đầy hiểu biết. Người lớn sau khi về làng chừng bốn năm ngày ai cũng trầm tĩnh lại, ít nói hơn và an lạc ra. Các buổi pháp thoại  vừa trang nghiêm vừa gần gũi đã đem lại những lợi lạc rất cụ thể cho người nghe. Những điều Thầy nêu ra vừa đơn giản vừa sâu sắc: Làm thế nào để thưởng thức được những giây phút im lặng. Làm sao để tập ngồi như một đức Phật ngồi, tập đi đứng như một đức Phật đi đứng, nghĩa là luôn luôn an trú trong tịnh lạc. Làm sao rửa bát, giặt giũ, nâng một chén trà lên uống trong sự tỉnh thức và thanh tịnh. Làm sao thấy rõ được những gì đang xảy trong bản thân và nơi những người thương yêu đang chung sống với mình;  làm sao đem sự an lạc cho mình và cho họ.

Hàng tuần, trong khung cảnh trang nghiêm trước đức Phật, phụ huynh và bạn bè, các thiếu nhi được lặp lại ba điểm nương tựa (tam quy) và những lời hứa(giới luật) một cách trang trọng kính cẩn. Làng Hồng không cấp phái quy y để các em cất vào tủ kính mà chỉ tạo cho các em những ấn tượng quy y sâu đậm nhưng sinh động và gần gũi các em hơn.

Các em đã làm cỏ xung quanh những gốc mận mà các em dành dụm tiền quà bánh để trồng trong chương trình giúp trẻ em đói. Điều đó khiến cho cây mận mọc rễ xanh tốt ở đây trong khi các em lại có gốc rễ tình thương và tâm linh mọc ở quê nhà.

Các buổi thiền trà rất thành công. Điều làm tôi cảm động nhất là trong giờ tham vấn luôn luôn có một đạo hữu mặc áo tràng đi thiền hành quanh khuôn viên tham vấn đường để bảo vệ cho giờ tham vấn. Giờ tham vấn quý giá biết bao. Một cuộc đối diện trực tiếp để tham vấn về vấn đề chính yếu của đời mình. Cơ hội đó quả cần được chuẩn bị thật chu đáo.

Các cô giáo và thầy giáo làng đã hết lòng thương yêu dạy dỗ các em thiếu nhi và đã được các em đặt lòng tin tưởng và thương yêu hết mực. Bốn buổi hội thảo về Tương Lai Văn Hóa Việt Nam dành cho người trẻ tuổi đã chiếu rọi được nhiều ánh sáng trong đường đi nước bước của tuổi trẻ. Người lớn tuy có được tham dự nhưng chỉ được phát biểu mỗi khi được hỏi đến. Buổi hội thảo đầu đã do một cô gái hai mươi tuổi đến từ Gia Nã Đại làm chủ tọa, đó là cô Ngọc Hương. Cô Ngọc Hương rời Việt Nam năm mười hai tuổi và như vậy chỉ mới có mười hai tuổi văn hóa Việt Nam. Ấy vậy mà cô ấy đã hướng dẫn cuộc hội  thảo một cách xuất sắc. Cô sử dụng tiếng mẹ đẻ khá giỏi; suốt buổi cô chỉ dùng có hai danh từ tiếng Pháp. Có khi nhìn cô nổ lực tìm từ ngữ Việt Nam để diễn tả ý mình, tôi rất cảm động. Hai lần phải dùng danh từ tiếng Pháp tôi thấy cô cười ngượng nghịu như là để xin lỗi mọi người. Tôi tin rằng cuộc hội thảo hiện giờ đang được tiếp tục tại nhiều nơi trên đất Pháp cũng như ở Thụy Sĩ, Gia Nã Đại,Anh.v..v..Tôi hy vọng các bạn cũng đã tổ chức thiền hành, thiền tọa và thiền trà nơi khu vực mình cư trú.

Tôi cũng muốn nhắc thêm là sau buổi hội thảo đầu về Tương Lai Văn Hóa Việt Nam, các cô gái đều đã đem áo dài ra mặc vào những dịp có pháp thoại, pháp đàm, tụng giới, hội thảo hay thiền trà. Ngày thường, hầu hết mọi người trong làng đều mặc áo bà ba. Chị Yến đã may rất nhiều áo bà ba cho dân làng trong suốt những tuần lễ đầu.

Từ ngày 8.09.1983 đến rạng ngày 11.09.1983, tại làng có hội nghị dành cho tác viên của tổ chức Refugee Action, Bristish Refugee Council và Save the Children từ bên Anh quốc qua. Đây là những tổ chức lo liệu cho người tị nạn. Người chủ trương là bà Julia Meiklejohn, chủ tịch hội Refugee Action. Tổ chức này chăm sóc khoảng sáu nghìn trong số mười lăm nghìn người tị nạn tại Anh. Tổ chức này từng mời Thầy, chị Chơn Không và tôi qua Anh để góp ý nhiều lần nhưng chưa bao giờ chúng tôi qua được. Kỳ này họ qua tới hai mươi chín người, cả Anh lẫn Việt. Người tham dự về phía làng chỉ có Thầy, chị Chơn Không, anh Ngôn, chị Nga, anh Thơ, Dũng, Muồi và tôi. Chị Marie Paule và anh Laurent  đại diện Amnesty International địa phương cũng đến với một người đại diện Secours Catholique ở Miramont.

Chị Tâm Trân định về nhưng vào giờ chót không về được. Trong thời gian hội nghị, quán cây sồi chỉ mở cửa được có một lần, bán chè thưng và sương sa hột lựu. Có cả một phóng viên báo Sud Ouest tới nữa. Trong hội nghị, Thầy có hướng dẫn phép thiền hành cho các tác viên; chị Chơn Không trình bày công tác giúp trẻ em đói và tôi trình bày về kinh nghiệm làm trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Toàn thể hội nghị có đi thăm làng Việt Nam ở Sainte Livrade. Phần lớn tác viên là người Việt tị nạn trốn thoát từ miền Bắc Việt Nam. Vào giờ văn nghệ, họ đã  hát những bài không giống với những bài hát mà ta thường nghe hát tại miền Nam. Không khí hội nghị rất thân ái.

Năm nay, ngoài việc xây dựng thêm phòng tắm, chúng tôi còn dự tính xây cất Tàng Kinh Lâu và làm thêm một dãy cư xá gồm khoảng hai mươi phòng cho mùa hè sang năm. Cách xây dựng sẽ rất đơn giản. Chúng tôi mong có sự góp sức về tài chánh của dân làng. Từ 5 đến 7 quan cho tới 5 hay 7 trăm quan. Xin viết chi phiếu đề tên Lê Nguyên Thiều và ghi rõ : đóng  góp vào việc xây phòng tắm(hay Tàng Kinh lâu hay cư xá).

Trong khi tôi viết lá thư này thì hướng dương đang được gặt. Bắp và nho cũng sắp được gặt hái rồi. Rau tía tô, đậu que, rau muống, khổ qua lên rất tốt. Nhờ có thì giờ chăm bón tưới tẩm, rau muống lên rất xanh non và đã được gởi bán ở Bordeaux và Lyon. Giàn khổ qua giống cho những trái thật lớn, trái lớn nhất cân nặng đến 980 grammes. Thửa bắp ngọt mà Dũng trồng cho dân làng dùng đã ra đầy trái, ngọt hơn bắp ở bìa rừng nhiều. Các cây mận trên xóm Thượng (loại mận mà chúng ta trồng 1000 cây hôm đầu xuân) cho được vài mươi ký. Trái rất ngọt. Noisettes chín nhiều quá mà các em đã về hết nên đành nhường cho sóc rừng. Thỏ rừng làng Hồng năm nay được thoát khỏi bàn tay giết chóc của các anh thợ săn nhờ các tấm bảng Refuge Chasse Interdite mà tôi và Dũng viết và đính vào các thân cây ven rừng. Muồi đã vào keo được rất nhiều lê, cà chua, đậu que, bắp…để dùng vào mùa đông. Làng cũng vừa mua được lưỡi cày, một chiếc rờ mọt và một chiếc bừa covercrop.

Kính chúc quý vị thanh tịnh và an lạc.

MỘT THÁNG Ở LÀNG HỒNG.
Diệu Tâm Võ Phan Thanh Giao Trinh viết.

“Làng Hồng là một quê hương tâm linh cho người tác viên, cũng như Phương Bối là quê hương tâm linh cho chúng ta ngày xưa vậy. Chúng ta phải có Làng Hồng để trở về sau những đợt công tác. Ở đây chúng ta trồng cây, trồng rau thơm, đi bách bộ, chơi với trẻ trong làng, thực tập quán niệm và thiền tọa(…). Làng sẽ có công viên, rừng cây và rất nhiều con đường để đi bộ(…) Thiều và các bạn nên xúc tiến việc thành lập Làng Hồng. Làng Hồng là hình ảnh tươi mát trong lòng mỗi chúng ta. Làng Hồng cũng là hình ảnh ấm áp(…). Mình sẽ săn sóc cho làng, tổ chức sinh hoạt tâm linh cho mọi người. Mỗi tác viên khi về đến làng Hồng là thấy thoải mái. Trong một tháng cư trú tại làng Hồng, người tác viên chơi đùa với trẻ con, (bọn Lê Hải Triều Âm lúc này có lẽ đông lắm), đọc sách, nằm võng, trồng rau, ngồi thiền, rũ bỏ những bụi bặm phiền não, luyện thêm ý chí, thêm yêu thương.” (Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, trang 34 và 35)

Những dòng chữ trên đã được viết ra từ bao nhiêu năm rồi nhỉ…? mỗi lần đọc tới đây, tôi thường đặt cuốn sách xuống, mơ màng…”Quê hương tâm linh” kia quyến rũ quá, có thể nào thành sự thật không, hay sẽ mãi hoài là giấc mộng của tác giả?

Vậy mà hôm nay làng Hồng đã thật sự có mặt, đã là một thực thể. Giấc mộng đã trở nên sự thật.

Tôi thiết nghĩ không cần phải tả làng Hồng nữa. Cứ đọc kỹ lại Bức Thư Làng Hồng số 1 và cuốn Sổ Tay Của Người Về Làng là ta có thể hình dung ra làng. Có thể thêm rằng làng còn đẹp hơn thế nữa. Nhất là hai Thiền Đường và cái Tham Vấn Đường ở xóm Hạ. Chỉ có sàn nhà và trần nhà là được làm lại tử tế, còn bốn bức tường vách bằng đá được giữ nguyên. Sàn lót gỗ rất dày, một bàn thờ rất dày, một tấm liễn hay bức tranh rất nghệ thuật, một bình hoa hướng dương và hai hàng tọa cụ màu trời đêm, không những không phản bội tinh thần thiền mà còn làm cho người bước vào bỗng ý thức và bước những bước chân cẩn trọng.

Năm nay người về làng đông lắm. Nhưng phải ở một tuần trở lên không khí của làng mới thấm vào từng tế bào, và từng nhịp thở của mình mới đi theo nhịp thở của làng được.

Sáu giờ rưỡi sáng, tiếng bảng vang lên đánh thức mọi người dậy. Một ngày mới ở làng Hồng. Nếu nhanh chân dành được phòng tắm thì khỏi phải xếp hàng chờ đợi. Anh Cả hứa năm sau sẽ xây thêm phòng tắm. Làng chỉ có ba nhà vệ sinh mà trung bình mỗi nhà vệ sinh có khoảng từ 25 đến 35 người sử dụng thì kể cũng hơi thiếu. Nếu người đi trước tự giác thì không sao, chứ nếu người ấy cao hứng mà “thiền tắm” hay “thiền rửa mặt” thì cũng hơi phiền!

Đúng bảy giờ sáng, ba hồi bảng báo hiệu giờ ngồi thiền. Thường thường buổi sáng ít có người ngồi thiền hơn buổi chiều, vì một số thích “ngọa” hơn “tọa”thiền. Từ khi tiếng bảng thứ nhất vang lên, tất cả mọi hoạt động đều dừng lại. Mọi người khoát áo tràng, chầm chậm hướng về phía thiền đường và bắt đầu theo dõi hơi thở của mình ngay từ lúc ấy.

Thiền xong là ăn sáng, thường thường là ăn cháo trắng với muối dưa nhưng cũng có khi được ăn cháo đậu đen hay cháo đậu xanh, xôi bắp hay xôi đâu phọng. Sau đó là tản mác ra mỗi người một việc; người nào có ghi tên tham vấn thì xuống gặp Thầy ở Tham Vấn Đường. Trong thời gian ấy thì những người khác thì hoặc chấp tác(nếu có việc) hoặc đi thiền hành.v.v.. tùy ý. Mỗi tuần có bốn buổi thiền trà, cũng tổ chức tại Tham Vấn Đường. Người nào được giấy mời của anh Cả là mừng tíu tít, lo sửa soạn chỉnh tề. Đối với tất cả, được dự thiền trà là cả một niềm vui lớn nếu không nói là một niềm vinh dự. Ai đến làng cũng đều tuần tự được mời, và nếu ở lâu không chừng còn được mời pha trà hay làm chủ tọa nữa là đằng khác! Tuy nhiên số người được dự thiền trà không lên quá mười sáu nên đôi khi phải chờ vài ngày mới tới phiên mình.

Trong buổi thiền trà nào cũng có một hay hai em bé. Phần đông các em ngồi thật ngoan và thật đẹp khiến mấy người bạn ngoại quốc phục lăn! Duy có bé Thanh Thảo sau khi dự buổi thiền trà đầu tiên đã phàn nàn không hiểu vì sao người lớn cứ phải bắt mình ngồi thật ngoan mới được mời. Mà dự thiền trà thì nào có gì đặc biệt, mỗi người chỉ được một cái bánh bé xíu cùng một ly trà, lại không được nói chuyện, không được nhúc nhích nữa. Chỉ thêm mệt!

Chắc lớn hơn chút nữa bé mới hiểu hết ý nghĩa của những giây phút im lặng ấy. Im lặng không phải vì không quen biết hay vì giận hờn, hay vì lúng túng không có chuyện gì nói, mà im lặng vì muốn thưởng thức sự có mặt của nhau. Trong đời sống hằng ngày ta ít có cơ hội để được im lặng như thế. Dường như ta luôn luôn bị bắt buộc phải nói, phải nghe, phải xả giao vì sự im lặng nào cũng có vẻ đè nén và khó chịu. Đối với chén trà cũng thế. Ta thường “nốc” vội một chén trà trước khi đi làm hoặc vào quán cà phê ta cũng bị sự ồn ào náo nhiệt xung quanh làm cho ta không còn biết đến hương vị của trà nữa. Ở trà xá làng Hồng, ta ngồi trong tư thế bán già hay kiết già, và bình thản theo dõi hơi thở. Khay trà sẽ được chuyền đi nhẹ nhàng. Người nhận chén trà sẽ chắp tay lại xá cảm ơn trước khi đón lấy khay trà chuyền cho người sau. Mọi cử động đều được làm trong ý thức, khoan thai, thong thả, có lễ nghi. Nhiều khi tôi thích dự buổi thiền trà chỉ để ngắm những gương mặt bình thản, không nhíu lại vì lo âu hay vì bị thời gian thúc bách. Sau đó có một câu chuyện đậm đà giữa những người dùng trà với nhau. Có khi lại có cả nhạc và thơ nữa. Tôi thường ra khỏi trà xá với một tâm trạng khoan khoái, lâng lâng. Nhiều người nhất quyết phải về tổ chức thiền trà hay “thiền cà phê” tại nơi mình ở để tiếp tục được sống những giờ phút an lạc như thế.

Các em bé được học một giờ tiếng Việt vào buổi sáng và hai ngày một lần, một giờ sử Việt Nam do anh Lễ đảm nhận. Có ba người chuyên lo việc dạy học cho các em và trong thời gian ấy khỏi làm việc gì khác, vì Thầy bảo công việc đó là quan trọng lắm rồi. Các em cũng lấy việc học làm trọng, học bài trả bài cẩn thận và thuộc bài mau đáo để. Hôm nào các em được Sư Ông dạy cho mươi chữ Hán là các em rất sung sướng. Ngoài mê học nhữ Hán, các em còn mê nghe chuyện cổ tích. Bắt được ai kể là các em không từ. Khổ nỗi, thư viện có hai cuốn “kho tàng chuyện cổ tích Việt Nam”, các em đã giànhnhau mà đọc sạch bách. Chỉ có Sư Ông mới có đủ sức thỏa mãn niềm khao khát nghe chuyện ấy; mà Sư Ông kể chuyện thì phải biết, người lớn nghe còn mê tơi huống chi là các em bé. Sư Ông nói dạy Phật Pháp cho các em bằng chuyện cổ tích sẽ có hiệu nghiệm hơn một lớp giáo lý cổ điển.

Đến mười hai giờ trưa là ngọ thực. Ngày thứ hai, tư và sáu phải ăn trong im lặng. Thường thường trước khi  ăn một em bé đã đứng lên quán niệm”Hôm nay trên bàn ăn có những món ăn ngon. Con được ngồi đây với Sư Ông, với ba má, các dì, các chú, các bạn, con không biết ở Việt Nam các bạn có được ăn như con không. Con cầu xin Phật cho họ có đủ ăn, con xin cảm ơn Phật”.Khi em bé ấy quán niệm thì mọi người đứng hoặc ngồi yên, chắp tay và cúi đầu. Lúc ban đầu khi ăn cơm trong im lặng ai cũng thấy là lạ và ngường ngượng thế nào ấy, nhưng khi quen rồi thì ăn cơm rất ngon và nhiều hơn bữa khác! Ở làng Hồng có mọc rau dền, người nông dân Pháp xem đó như là một thứ cỏ dại phải nhổ vứt đi. Nhưng ở làng Hồng chúng được khuyến khích mọc, vì ai về làng Hồng cũng ghiền rau dền, Bé Miu còn đề nghị đổi tên làng Hồng là làng Dền. Tri Thủy hôm mới đến đã e dè không dám gắp thẳng tay vì thấy món rau dền luộc chấm tương ngon quá, cô nàng nghĩ mình nên lễ độ nhường cho người khác. Chờ mọi người ăn xong cô nàng mới xin phép được vét đĩa. Khi thấy những thửa đất dành riêng để trồng dền, có tưới tẩm hẳn hoi, Tri Thủy mới an lòng. Ngoài rau dền ra, “vườn làng” còn cung cấp thực phẩm rất đầy đủ cho dân làng: khoai tây, cà chua, rau muống, đậu que, bí đao và cả khổ qua nữa. Vườn rau là niềm vui và niềm kiêu hãnh của chị Muồi và chú Dũng. Cây nhà lá vườn ngon gấp bội lần những thứ mua ở chợ, có lẽ vì chúng được nuôi bởi những người tỉnh thức và giàu lòng từ bi. Rau dền cũng được dùng thay lá dứa để làm nước cốt xanh khi dân làng cần gói bánh, bởi vì cứ cách một ngày lại có một ngày bán quán. Ở dưới xóm Hạ có quán Cây Sồi do Ngọc Hương và Diễm Thanh dựng lên dưới sự chỉ dẫn của anh Cả. Trên xóm Thượng có quán Cây Đề, nhưng ngoài bản hiệu thì không có mái có vách gì cả. Các bác, các cô, các dì, các cô thi nhau trổ tài làm những món quà đặc biệt Việt Nam để bán với một giá rất phải chăng(một quan hay hai quan), cho nên các em tha hồ ăn hàng. Gia đình nào đông con các em còn được giảm tới 50 phần trăm nữa. Trong một tháng chúng tôi được ăn đủ loại chè: chè thưng, chè bông cau, chè tơn, chè chỏm, chè trôi nước, các loại chè đậu .v..v. hoặc các thứ hàng hấp dẫn khác như bánh bò, bánh tiêu, giò cháo quẩy, chuối chiên, hột  é, sương sa hột lựu, bánh bột bán, bánh ít trần, hủ tiếu, bún riêu..v.v..Thầy nói đã bao nhiêu năm rời Việt Nam rồi mà kỷ niệm thuở bé ăn hàng vẫn là kỷ niệm làm cho Thầy nhớ nhất. Do đó Thầy muốn trẻ em làng Hồng cũng được tận hưởng những thú vui rất Việt Nam ấy. Số tiền thu lượm được sẽ gởi về cho các trẻ em đói ở quê nhà-nghe nói khi làng đóng cửa số tiền đã lên đến 3.460 đồng. Lần nào mở quán cốc, cũng có một hay hai em xin đứng bán hàng và rửa chén. Như thế, em sẽ được ăn quà miễn phí. Nhưng phần lớn các em làm vì thích làm chứ không phải vì quà.

Đến bảy giờ tối là mộ thực. Sau đó thường có văn nghệ thiếu nhi. Nói đến văn nghệ thiếu nhi thì có thể nói hoài không hết. Dưới xóm Hạ có “nhà văn nghệ” với sân khấu hẳn hoi. Còn trên xóm Thượng có khi được đốt lửa trại. Thí dụ như hôm Rằm tháng sáu, các chị đề nghị tổ chức Trung Thu sớm để các em được ăn Trung Thu tại làng Hồng. Thế là bác Tâm Trân, Diễm Thanh, Ngọc Hương, chú Minh Hải và cả Christophe,  lo làm cho các em một cái sườn đèn bánh ú bằng tre và các em tự vẽ hình để dán lên sườn đèn ấy. Đêm Rằm trăng rất to và rất sáng khiến các em rất sung sướng đi rước đèn khắp các nẻo đường làng, vừa đi vừa ca”Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp làng Hồng”.Đối với nhiều em, đây là cái Tết Trung Thu đầu tiên từ khi em rời Việt Nam. Người lớn cũng sung sướng lây và đêm hôm đó, cả hai xóm ngồi bên lửa trại ca hát, văn nghệ với nhau tới quá nửa khuya, khiến Thầy phải đề nghị miễn ngồi thiền sáng hôm sau.

Các em bé làng Hồng có tình thần văn nghệ rất cao và đòi hỏi mọi người cũng phải có tinh thần cao như mình. Do đó nên múa hát chán, các em đề nghị người lớn cũng phải ra trình diễn với sự đồng ý của Sư Ông. Thế là khám phá được bao nhiêu là tài năng bị mai một đi vì cuộc sống hằng ngày. Thí dụ như chị Ngọc Thanh có giọng hát truyền cảm là thế, mà làm sao để Thanh Trang phải mét Sư Ông là:”Cả năm con chẳng nghe mẹ hát lần nào”. Sư Ông bảo Thanh Trang về phải bắt mẹ hát, ít nhất mỗi tuần một lần nếu không Sư Ông sẽ rầy lắm. Có một hôm anh Cả và bác Tâm Trâm đóng vở kịch “Môn thuốc gia truyền”rất là xuất sắc khiến cho dân làng cả hai xóm hết sức ngạc nhiên. Thường thường cuộc văn nghệ kéo dài  đến mười giờ tối là phải về ngồi thiền. Phần đông, từ bảy tuổi trở lên, các em đã ngồi thiền rất chuyên cần. Ngồi trọn buổi không thua gì người lớn, mặc dù Sư Ông có cho phép trước là khi nào mệt hay buồn ngủ các em cứ nhẹ nhàng đứng dậy, xá bàn Phật và lui ra khỏi thiền đường. Bé Thơ bảy tuổi, đã được phần thưởng ngồi thiền đẹp nhất và chuyên cần nhất. Duy có bé Miu cũng đi ngồi thiền chỉ vì không thích ở ngoài một mình trong khi bên ngoài trời sấm chớp ầm ầm, bé Sâm bảo là vì trời cũng làm văn nghệ. Bé Phòng bốn tuổi thì vào ngồi vài phút đã thở ra những tiếng não nuột vì buồn ngủ khiến ai cũng phải phì cười. Thấy những tiếng thở dài đứt ruột ấy có tác dụng tai hại trên thiền giả, Sư Ông cho bé nằm xuống “ngọa thiền” ngay. Tôi thích những buổi thiền đêm ấy; trong ánh nến lung linh, bầu không khí có gì ấm cúng khiến tôi cảm thấy  mình và những người đang ngồi thiền thật là gần gũi, thân thiết. Thầy dạy ngồi và thở kỹ lắm nên thực hành không có chi là khó. Nhưng có một đêm, một con nhện  từ trên trần nhà đã nhắm ngay đỉnh đầu tôi mà nhảy xuống và chọn mặt tôi làm nơi du ngoạn. Tôi xuất định tức thì, vì quả như anh Lễ nói, tôi sợ nhện còn hơn sợ Ma Vương nữa. Thầy nghe chuyện bảo con nhện ấy là một vị bồ tát xuống để thử tôi. Nếu quả đúng như thế thì hôm ấy vị bồ tát bị  thất vọng não nề. Nhưng tôi trộm nghĩ rằng sáng hôm ấy, chị Như Liên và anh Thư cắt cớ đi quét dọn thiền đường từ trên xuống dưới quá sạch sẽ đi khiến mấy chú nhện trên trần nhà trở thành vô gia cư, tối không thấy đường nên trược chân ngã xuống. Báo hại từ hôm ấy trở đi tôi cứ phải vào thiền đường sớm, lật tọa cụ lên xem có vị “bồ tát” nào núp ở dưới ấy không?

Sáng thứ bảy, thay vì ngồi thiền, Thầy giảng Bát Nhã tâm kinh. Thầy còn dạy tụng kinh này sao cho hùng, vì đây là món quà to tát mà bồ tát Quán Tự Tại trao cho ta, với hy vọng là  ta sẽ sử dụng nó chứ không phải để cho ta đặt lên bàn thờ và mỗi ngày đem ra tụng bằng một giọng ủy  mị. Sau Bát Nhã Tâm Kinh là tụng giới luật Tiếp Hiện. Các em bé phải lặp lại với Phật, với Sư Ông và mọi người về ba điểm quay về (tam quy) và  hai lời hứa. Xong các em được ra khỏi thiền đường trong khi người lớn ở lại tụng giới. Nhiều người  tự nguyện sẽ sống theo tinh thần của giới này dù không chính thức thọ giới. Muốn chính thức thọ giới phải tuân theo một số điều kiện trong đó có điều kiện 40 ngày tĩnh tu trong năm là ít nhất. Trong cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Thầy có nói về cách tổ chức “một ngày quán niệm” trong tuần. Không ai có thể chối cải sự cần thiết của một “ngày quán niệm” như thế trong xã hội xô bồ hiện tại. Nhất là những ai muốn sống theo lý tưởng từ bi cứu khổ của đức Phật (nói như Thầy là dấn thân để làm một cặp mắt, một đôi tay để trợ lực cho Quán Thế Âm Bồ Tát). Hơn ai hết, tôi biết vốn liếng từ bi, an lạc của mình rất giới hạn và chỉ có cái “ngày quán niệm ” ấy là giúp tôi đong đầy nguồn sinh lực sau một tuần đua chen chung đụng với người khác. Thế nhưng đi làm đã năm ngày trong tuần rồi, hai ngày còn lại thường bị gia đình, bè bạn xâm chiếm mãi. Muốn giật  lại một ngày cho mình không phải dễ. Phải dứt bỏ một số tập tục, một số thói quen và có thể phải xa lìa một số bạn bè nữa. Tôi có đề nghị với các bạn hãy làm sao về tổ chức sống an lạc, tỉnh thức và ghi lại kinh nghiệm của mình cho người khác có thể học hỏi. Bởi vì nếu chính ta không an lạc trước thì làm sao ta có thể  đem lại sự an lạc cho người khác được?

Chủ Nhật có một buổi pháp thoại buổi sáng và pháp đàm hay hội thảo buổi chiều. Nội dung của những buổi pháp thoại, pháp đàm hay hội thảo này vô cùng súc tích, không thể nói trong vòng một vài hàng.

Bốn tuần ở làng Hồng cũng không thể tóm tắt trong  một bức thư. Tôi chắc chắn đã bỏ sót nhiều điều hay ho và thú vị. Mỗi ngày ở làng Hồng là một ngày hạnh phúc; tôi nhớ hôm mới đến, chị Phượng đưa Thu Hương và tôi xuống Pháp thân tạng gặp Thầy và chỉ mảnh rừng tuyệt đẹp ấy, chị nói: “làng Hồng đây em, hãy ý thức đi”. Tôi đã ý thức từng phút từng giây diễm phúc của mình lúc ở làng Hồng. Ý thức từng niềm vui, từng cái xá chào đầy cung kính trao cho những người dân làng khác trong khi lòng rộn rã niềm vui, ý thức những lời nói hay cả những lúc im lặng của Thầy, vì Joe đã nói đúng:”Thầy dạy ta bằng cách sống của Thầy nhiều hơn bằng lời nói”.

Vậy  mà khi rời làng để trở về đời sống cũ của mình, tôi vẫn có cảm giác yếu đuối và sợ hãi của anh chàng võ sĩ đạo còn non nớt kém cõi mà sư phụ đã bảo xuống núi rồi. Phải một thời gian sau thì những gì mình đã học được và hấp thụ được ở làng Hồng mới bộc lộ ra và tôi thấy thật ra tôi đã mạnh lên nhiều lắm, cứng ra nhiều lắm so với trước kia.

Bây giờ trong mười một tháng chia cách tôi với làng Hồng, sang năm, tôi hy vọng có thể áp dụng những gì đã học, thiền hành, thiền tọa, quán niệm, v.v.. để có thể sống thật an lạc. Có thế tôi mới xứng đáng là dân làng Hồng.

25.8.1983

THƯ CỦA CÔ VÕ THỊ TRI THỦY
(trích lại sau khi được người viết cho phép)

Aix en Provence ngày 2.8.1983.

Kính thưa Thầy, chú Cả, các chú, cô, dì, các bạn và các em,

Vậy là con đã rời làng Hồng. Trời còn mờ hơi sương, dì Bảy đã đưa con đi; Ni sư Như Tuấn còn nhìn theo vẫy tay. Sau đó cô Phượng đưa con ra ga. Lúc đoàn tàu chuyển mình, con nhìn xuống cô Phượng dưới kia, khuôn mặt buồn dù bình thản và con chợt thấy nóng nơi mắt.

Sau những ngày sống tại làng Hồng, con thấy có một chuyển biến lớn lao nơi con; có một cái gì trống làm con bỗng cảm thấy sợ hãi và lạc lõng khi biết mình đang trở về “cõi thế”, sợ hãi khi trở về cuộc sống bon chen vội vã này. Bảy ngày qua cạnh Thầy đã giúp con học được rất nhiều điều mà con chưa định rõ lúc bấy giờ.Những điều ấy nằm trong lòng con một cách an bình mà con chưa có thì giờ để phân tích. Con như thấy được con đường mình đi và điều quan trọng nhất là con tìm lại được niềm hy vọng nơi con người. Hai năm rưỡi qua sống tại đất Pháp, con luôn luôn cố gắng tranh đấu vì nghĩ đến ba con, nghĩ đến lòng thương của ba con đối với con(con không muốn dùng chữ hy sinh vì con tránh dùng những chữ to tát, nghe sao mắc cỡ quá), nghĩ đến nỗi vui mừng của ba khi nghe tin con thành công…chỉ điều đó mới làm con đủ can đảm mà cố gắng. Thế nhưng cố gắng vẫn chưa đủ, bởi nhiều lúc con hoang mang bởi nỗi chán chường và hoài nghi. Chán chường vì thấy mình không làm được gì cho đất nước, hoài nghi khi thấy những người Việt Nam xung quanh sao ích kỷ quá. Vì vậy lắm lúc con cô đơn và chán nản, hết thiết sống nữa. May thay, tại làng Hồng con đã gặp những chú, cô, dì, những người bạn và các em hiền lành, đôn hậu, cởi mở. Con như tìm lại được nguồn yêu thương và tin cậy mà con có khi ở quê nhà: một dì bảy Tâm hiền lành và đảm đang, sư cô Duyên mà cứ mỗi tối thiền xong là hai cô cháu cùng thiền hành đếm sao và nhìn trăng, chị Muồi tận tụy và nhu mì, chị Lễ thật duyên dáng, cô Phượng từ bi, cô Mười với nụ cười độc đáo vào những buổi tọa thiền, chú Sơn chuyên “dành” phần rửa chén, chị Trinh tài sắc vẹn toàn, anh Dũng tuy không nói nhiều nhưng chính cái “vô ngôn” đó mới cảm hóa được kẻ đối diện, em Tí tuy nhỏ nhưng đã hiểu biết rất sâu xa, bé Hạnh Thuần “tự biên tự diễn” các điệu múa, một bé Liên “cưng của cô Thủy” và nào bé Thơ, bé Hiếu, bé Vi… kể sao cho hết các khuôn mặt thân yêu tại làng Hồng.

Và sau những khuôn mặt đó phản phất bóng Thầy. Y như ta nhìn bàn tay thấy hiện lên hình ảnh cha mẹ, thì lung linh sau những khuôn mặt làng Hồng là bóng Thầy, linh hồn của làng Mây Rắc. Buổi sáng nào đây trời hơi mờ lạnh, Thầy dẫn vài anh em thiền hành xuống Pháp thân tạng, Thầy đọc thơ Bướm Bay vườn Cải Hoa Vàng ; bài thơ đọc lên trong một không khí lạnh và tĩnh, ánh sáng lọc qua những cành lá non khiến khung cảnh có một vẻ gì không có thật: thân xác ngồi đó nhưng hồn đã bay về một cõi nào đó của trí nhớ, một vườn rau có dây bầu dây mướp quấn quýt buông thỏng những trái trĩu quả, có những líp cải đã ra hoa và ong bướm chập chờn cạnh những đọt hoa vàng…

Những ngày qua tại làng Hồng khiến con có cảm giác như mình trở lại quê nhà, bát canh rau dền đầu tiên đã trở nên một giai thoại, cử chỉ gắp thức ăn của Thầy làm con bồi hồi nhớ ngày xưa cũng được ba gắp cho con ăn như vậy. Khu vườn nhỏ cạnh Tham Vấn Đường với dây khổ qua ra hoa vàng khiến con ngậm ngùi và thờ thẫn, và trí óc lại bay đi, bay đi, trở về khung trời cũ.

Con ra đi mà một nửa hồn để lại làng Hồng, một chút luyến tiếc, bâng khuâng và chùn chân khi gặp lại cuộc sống bon chen cũ.

Thầy ơi, Thầy có biết lúc về căn phòng con tại đại học xá ở Aix, con nằm khóc nức nở, khóc mà không biết tại sao mình khóc? con không chịu được tiếng nhạc của tụi bạn chung quanh, tiếng cười nói pha trò. Con đóng cửa nằm một mình và không thể sống như tụi bạn, cười đùa như tụi nó. Con như lạc vào một thế giới xa lạ và cảm thấy lạc lõng một cách khủng khiếp. Lạc lõng còn hơn lúc mới đặt chân đến Pháp nữa. Nhưng hôm nay thì con đã quen trở lại nếp sống “trần thế” và đã biết áp dụng những điều đã học vào cuộc sống. Đầu tiên là thiền hành và tập thở những lúc bực mình.

Con cám ơn Thầy nhiều và cám ơn cô Phượng đã giúp con về được làng Hồng và sống những ngày đầm ấm và êm đềm.

THƯ CỦA ANH NGUYỄN BÁ THƯ.
(trích lại sau khi được người viết cho phép)

Từ ngày Thư rời làng Hồng đến nay thấm thoát đã ba tuần. Muốn viết cho chị cả tuần nay nhưng hôm nay mới cầm bút, bụng bảo dạ rằng nếu không viết thì biết đến bao giờ mới có được một lá thư gởi đi.

Trước hết em thăm sức khỏe chị, anh Cả, chị Thiều, ba cháu Tí, Miêu, Tâm, thăm Dũng. Chị cho em gởi lời kính thăm Thầy, không biết Thầy đã rời làng về Sơn Cốc chưa? Thường ngày em viết chữ tháu và xấu, lúc viết thư em tập tập viết chậm cho rõ nét và cũng để tập giữ chánh niệm. Em tập như thế cũng chỉ mới đầu năm nay mà thôi. Hồi trước những lá thơ em viết về cho gia đình càng ngày càng trở nên khô khan, không còn giống như những lá thơ đầu tiên thuở mới sang Pháp, cách nay đã mười năm. Những lời thăm hỏi trở nên thật máy móc, câu chuyện viết trong thơ ngắn dần. Đó là chưa kể tính lười viết thơ càng ngày càng trầm trọng. Nhưng có một lần Thư quyết cách mạng bản thân, tự bảo là phải viết lá thơ nào cho có hồn, không thể khô cứng như trước được, vì trong các thức gởi về nhà: tiền, quà, thuốc…thì có lẽ lá thơ là quan trọng nhất vì nó đem được chút hình ảnh sống của một người con ở xa về cho bố mẹ. Em nghĩ rằng nhờ nó mà sẽ là liều thuốc rất tốt để nuôi dưỡng tinh thần của những người thân đang ở Việt Nam trong cảnh khổ hiện tại. Viết một lá thơ cho có hồn, nói thì dễ nhưng làm thì khó. Mình có ở trong cảnh khổ của gia đình đâu mà cảm nhận được nó! Xa mặt cách lòng mà! Thơ gia đình viết lại hay giấu bớt tình trạng cơ cực ở nhà. Lúc đầu, Thư nghĩ là trước khi viết thơ mình nên đọc thật kỹ các thơ nhà, quán niệm để thấy được hình ảnh sinh sống ở nhà mới gợi lên sự cảm xúc trong lòng mà đem nó ra ngòi bút. Có một chút kết quả, nhưng ý tứ lung tung vì tưởng tượng có vẻ hơi nhiều! Sau này Thư tập viết chậm lại như Thư đã nói lúc nãy, còn về nội dung thì Thư viết tất cả những gì mà Thư đã thấy, đã sống qua trong ngày, trong tuần, trong tháng và viết ra những cái đẹp của các chuyện ấy. Đi dạo trong công viên lúc về chiều, trong công viên không còn ai cả trừ một bà mẹ và một đứa bé độ hai ba tuổi đùa giỡn líu lo với nhau, hình ảnh ấy đẹp quá, Thư sẽ viết thơ về gia đình. Với phương pháp này, một thời gian gần đây , Thư cảm thấy hạnh phúc khi viết thơ, mới thấy là những hình ảnh vụn vặt nhất cũng là những nguồn ý phong phú vô cùng. Nguồn hạnh phúc  ấy chắc chắn sẽ chảy về tới Việt Nam tưới mát cho những người thân thuộc. Điều này Thư cảm được vì những lá thơ ở nhà gởi sang cũng đã nồng nàn hơn xưa.

Lẩm cẩm viết cho chị câu chuyện trên cũng là để nói lên sự lợi ích của hai quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức và Trái Tim Mặt Trời đối với Thư. Chúng đã giúp Thư nhiều lắm để đối phó với nhiều cảnh hỗn loạn của tinh thần: cô đơn, bực dọc vì không hòa hợp được với đời sống Tây phương, phẫn nộ với các bậc đàn anh đã làm cho nước nhà điêu linh, chán nản vì thấy người Việt Nam ra nước ngoài quá ích kỷ và mau mất gốc…

Thư đã đọc quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức lần đầu cách đây năm năm. Thư rất thích, thỉnh thoảng hay đọc lại nhưng hồi đó không có tập ngồi thiền. Mãi đến mấy năm sau mới tập ngồi thường xuyên vì thấy tinh thần mình càng ngày càng “tuột dốc”. Hơn một năm nay Thư chịu khó ngồi nhưng không được nghiêm chỉnh lắm, hơi ” tàng tàng ” thỉnh thoảng lại bỏ, rồi lại tiếp tục. Sự thực tập cứ như mức hàn thử biểu vậy. Nhưng rất may là Thư không bỏ luôn vì trong những lần ngồi thiền, có “một vài lần” Thư tìm thấy được sự an lạc và tự tin rằng: “nếu chịu khó tập thì chắc chắn sẽ đi xa hơn được”.

Năm nay may quá, Thư được đến làng Hồng tập thiền, có nhiều người tu chung, có Thầy chỉ dẫn làm cho em hăng hái. Trong suốt thời gian ở làng em không bỏ một buổi ngồi thiền nào ra cả. Làng Hồng đã cho em một ít trợ duyên, hay là cái chất “xúc tác” trong việc thiền tập. Dư âm vẫn còn mãi đến giờ, khi Thư đã trở về nhà. Bàn Phật được sửa soạn lại. Thư đặt thêm một bình bông và đi hái hoa dại về cắm. Việc ngồi thiền của Thư được “bồi bổ” bằng một vài trợ lực ở làng Hồng. Thứ nhất, Thư mặc áo tràng và cắm nhang chậm rãi. Thư quý cái áo mà Ni sư Như Tuấn tặng lắm, mặc vào là nhớ đến nụ cười hiền lành của Ni sư. Thứ hai sau khi ngồi thiền, Thư đi kinh hành; nhà nhỏ, bước khoảng mươi bước là hết một vòng nhưng điều đó không quan trọng: bước đi và hơi thở mới là điều làm mình chú ý nhất. Thứ ba là Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba la Mật Đa mà Thư đọc mỗi buổi sáng- báo tin cho chị là Thư đã thuộc rồi bảng tiếng Việt. Buổi sáng thức dậy ngồi thiền xong Thư đọc Tâm Kinh. Lạ lắm, khi đọc xong tinh thần Thư có vẻ phấn chấn lên hăng hái khoát áo đi làm. Có gì uy dũng bằng một câu nói đầu tiên mình nói trong ngày là một bài kinh thật mạnh mẽ đập phá tất cả các chấp nhặt thường tình. Bước ra khỏi nhà, lòng bớt đi sự lo lắng cho các công việc phải làm trong ngày. Bản tiếng Việt làm cho Thư cảm nhận dễ dàng hơn bản kinh bằng tiếng Hán. Những câu như “nghe đây Xá Lợi Tử” đọc lên giống như một lệnh truyền.

Hy vọng là lần tới về làng Hồng, Thư có thêm chút tiến bộ trong việc giữ gìn chánh niệm kẻo hoài công Thầy dạy bảo.

Một niềm hạnh phúc lớn lao khác mà Thư tìm được ở làng Hồng là sự gần gũi các em bé Việt Nam. Có đôi lúc Thư trở nên hồn nhiên và đùa với các em như một đứa con nít. Một phần có lẽ vì ngày xưa mình không được hồn nhiên như các em ở làng, một phần có lẽ vì mình đã cảm thấy hơi mệt mỏi từ bao lâu  nay toàn phải nói chuyện với người lớn. Người lớn trước mặt thì có vẻ thân thiện mà sau lưng lại tìm cách đâm chém nhau. Các em khi được dạy phải  thương yêu loài vật thì đến con sâu các em cũng không giết. Người lớn khi đã xích mích với nhau thì giữ lòng thù hận không biết đến bao giờ mới hòa giải, còn các em thì làm hòa với nhau thật dễ dàng; như bé Nhung và bé Hạnh Thuần chẳng hạn, mới gây nhau đó rồi lại hòa nhau đó. Đùa giỡn với các em mình chẳng phải e ngại điều gì cả và chắc chắn là khi yêu mến chúng thì chúng sẽ yêu mến lại. Về nhà Thư lâu lâu lại nhớ đến chúng, mở máy thu thanh ra nghe lại giọng các em hát, rao, cười đùa …mà vui vui.

Tuần rồi Thư lên nhà anh Lễ chơi, gặp cả bác Huệ Đạo, Diệu Nhạn và bé Kim Trang. Buổi tối làm văn nghệ với Hạnh Đoan, Hạnh Thuần, Hạnh Liên và Kim Trang. Hạnh Đoan và Trang sắp một chương trình thật dài, thay phiên nhau giới thiệu, bắt cả chị Hà ra múa. Vui lắm!.

Thư tạm dừng các chuyện “dư âm”của làng Hồng ở đây. Phải nói thêm là chúng cũng là chướng ngại khi tập thiền vì ngồi mà đầu óc cứ nghĩ đến làng…

Việc dạy học cho các em thì Thư thấy việc dạy học đánh vần, đọc chữ là cần nhiều kỹ thuật nhất. Hiện ở bên Mỹ hội giáo dục trẻ em Việt Nam có nghiên cứu cách dạy đánh vần cho phù hợp với trình độ và trí thông minh của các em một cách khoa học. Hiện giờ Thư hơi bận nhưng sang năm sẽ nghiên cứu về vấn đề này. Khi về làng có thể keó các thanh niên thiếu nữ ra để “đạo tạo giáo chức cấp tốc”  mới có thể lo cho các em đến nơi đến chốn, và mới hy vọng có kết quả trong một thời gian ngắn được vì nói chung thời gian ở làng cũng chẳng là bao …”

GỐC RỄ
Chơn Không Cao Ngọc Phượng viết.

Trong ba ngày mồng tám, mồng chín và mồng mười tháng chín năm 1983, xóm Hạ làng Hồng lại rộn ràng với bốn mươi người ra vào tấp nập. Hai mươi chín bạn trẻ khởi hành lúc mười hai giờ khuya ngày 7 tháng 9 năm 1983 từ Anh quốc mà mãi đến tối mịt ngày mùng 8 tháng 9 mới tới được làng Hồng. Mười hai người là người Anh và mười bảy người là người Việt tị nạn. Tất cả đều thuộc ban điều hành của các hội Refugee Action, British Refugee Council và Save the Children Funds. Hai hội đầu vốn là hai trong ba hội lớn nhất Anh quốc lo cho người tị nạn. Tôi cũng không ngờ tất cả đều trẻ như vậy. Hình như không có  người nào quá ba mươi tuổi. Điều khiến tôi cảm động nhất là mặt người nào cũng sáng và đầy thao thức muốn lo cho Việt Nam. Chúng tôi chuyện trò thân mật đêm mồng tám. Sáng mồng chín có cuộc họp giữa Ban Lãnh Đạo người Anh, dân làng Hồng và đại diện các tổ chức Amnesty International địa phương, Secours Catholique địa phương. Sau đó tất cả lên thiền đường nghe Thầy giảng về thiền tọa, thiền hành và giữ gìn chánh niệm trong những lúc dấn thân vào công việc. Tôi có dịp nhìn kỹ từng khuôn mặt, từng nụ cười, từng nét âu lo của mỗi người. Sau buổi giảng của Thầy , tôi lại được chứng kiến các em xúm xít ngồi quanh Thầy để hỏi han về phương thức tu dưỡng bản thân và giúp đỡ người đồng bào tị nạn. Tôi khám phá ra là hai phần ba các em đã trốn thoát từ miền Bắc Việt Nam và chín phần mười là người Việt gốc Hoa. Trưa hôm ấy có cà ri chay do chị Nga nấu rất ngon. Lúc 2 giờ 30 chiều, anh Cả nói chuyện với anh em về kinh nghệm của anh trong mười năm dấn thân vào phong trào và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tại quê nhà. Sau đó anh em đặt nhiều câu hỏi rất thực tiễn về kinh nghiệm làm việc cho người tị nạn tại Anh quốc và những khó khăn anh em vấp phải. Lúc năm giờ chúng tôi ra quán cốc ăn sương sa hột lựu và chè đậu xanh bột khoai trái táo nước dừa. Đến 6 giờ chiều, đến phiên tôi chia sẻ về mấy mươi năm sống và dấn thân cho lý tưởng công bằng xã hội tại Việt Nam. Tôi cũng lại bắt gặp những ánh mắt sáng ngời, không khác gì ánh mắt của các em ở trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội  xưa. Trọn ngày thứ bảy mồng mười chúng tôi đi làng Sainte Livrade thăm nhiều vườn rau quê hương.  Tôi lặng lẽ ngắm nhìn từng ánh mắt, từng nụ cười, từng cử chỉ của các em khi các em mua mướp đắng, cà  pháo, bí đao, bầu, mồng tơi, ớt .v.v.. Có thể bảo từ ước vọng cao xa như là lý tưởng phụng sự cho đến ước vọng gần gũi nhất như bát canh mướp đắng, tôi không thấy có sự cách biệt nhỏ nào giữa tôi và các em, những người tới từ miền Bắc, vừa là người Việt gốc Hoa. Trong buổi thiền trà thứ hai tối hôm mồng mười, tôi mới có dịp chia sẻ sự cảm  động ấy với tám em trong số mười bảy người bạn trẻ miền Bắc Việt Nam ấy.

Tôi vẫn còn nhớ rõ  một bữa tối cách đây mười bốn năm, nhìn trên đài truyền hình Pháp, tôi thấy hình ảnh một lớp mẫu giáo ở miền bắc Việt Nam. Vài mươi em bé khoảng năm tuổi đã xòe bàn tay rất xinh của các em ra mà đọc:

Bàn tay em sạch
móng cũng không đen
em được cô khen
bàn tay sạch nhất.

Lúc ấy bom Hoa Kỳ đang dội xuống nhiều nơi trên miền Bắc, và đạn rốc kết Nga, Tàu cũng đang tàn phá, giết chóc rất nhiều làng xã miền Nam. Không khí căm thù hừng hực bốc nóng cả đôi miền. Tôi đã lạy Phật cho đa số dân Việt Nam cả hai miền Bắc và Nam đừng bao giờ quá đơn giản mà nghĩ rằng tất cả người miền Bắc là những ông Đồng, ông Duẩn, cũng như tất cả những người miền Nam đều là những ông Thiệu. Tôi đã nguyện sẽ cố gắng thương yêu tất cả các trẻ em khổ cực miền Nam và miền Bắc như nhau. Ôi nụ cười và giọng nói của các em trong lớp mẫu giáo miền Bắc năm 1969 ấy sao mà ngọt ngào quá và tôi muốn ôm tất cả các em vào lòng để thương yêu và che chở như là tôi đã ôm các em bé ở Thảo Điền, Bình Khánh, Quảng Nam, Quảng Ngãi…Thế rồi bao nhiêu tan thương đã xảy ra và tôi đã nghĩ là chắc phải còn lâu lắm (có thể là không bao giờ), tôi mới có dịp gần gũi chuyện trò với đồng bào của tôi ở miền Bắc. Ấy vậy mà mấy hôm nay, tại làng Hồng, trên đất Pháp, tôi đã có dịp ăn chén cơm với mướp đắng xào chung với các em miền Bắc, có dịp chuyện trò, ca hát, chia sẻ những thao thức và những kinh nghiệm sống chung, có dịp ngồi hớp tụng ngụm trà bên nhau  trong không khí tỉnh thức và an lạc của những buổi  thiền trà. Sự việc kỳ diệu quá cho đến nỗi tôi đã rơm rớm nước mắt. Cũng trong các buổi thiền trà, tôi có dịp chia sẻ với các em nhận thức của tôi về vài điều đã làm cho tâm trí một số em rối ren. Các em thấy rất rõ là các em sinh ra tại Việt Nam, thương yêu Việt Nam không thua bất cứ bạn bè nào của em. Thế mà chỉ vì bố hoặc mẹ các em có gốc Trung Hoa mà chính quyền Hà Nội đã hành hạ, bắt bớ,đày ải, xua đuổi các em ra biển cả hay đày gia đình các em đi tới các miền rừng thiêng nước độc. Sang đến trại tị nạn, các em được một vài người lớn bảo cho biết  mình là người Trung Hoa và bảo nên khai tên họ Trung Hoa. Nhưng các em có thật là người Trung Hoa không? Tại sao là người Trung Hoa mà các em lại yêu những con đường êm vắng của Hà Nội, tại sao các em lại nhớ quay quắt những thức ăn, những phố xá, những tiếng rao, những lời ca tiếng hát của những miền Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Ninh? Các em lại càng không hiểu tại sao mình yêu Việt Nam như vậy, vì sao mình đã đau khổ vì nhà nước Hà Nội như vậy mà một số các người tị nạn gốc miền Nam lại đi hất hủi các em, tránh né các em, cho các em là kẻ thù của họ? Các em cô đơn. Một mặt các em thương nhớ quê hương, một mặt các em bị quê hương(chính quyền Cọng Sản và những người tị nạn miền Nam nạn nhân của chính quyền Cọng Sản) hất hủi. Các em có nên và có thể chối bỏ quê hương Việt Nam không? Các em có thể nhận Trung Quốc là quê hương của mình không? Làm sao mình yêu mến một giải đất đai nào đó khi mà mình chưa hề sinh trưởng, khổ đau, và cười nói trên giải đất ấy? Tôi nhớ đến một người học trò mà tôi rất thương ở Sài Gòn: em Trung. Trung là người gốc Hoa nhưng em được sinh ra tại miền Nam Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam nhưng cũng bị đày ải bởi nhà nước Cọng Sản nên cuối cùng phải bỏ nước ra đi. Hiện Trung định cư ở Úc. Trung đã viết cho tôi:”Cô ơi, làm sao cô in lại được quyển Hương Rừng Cà Mau để mình đọc lại  nhiều lần và để mình thương nhớ quê hương nhiều hơn”. Trung không có chút mặc cảm nào cả. Em là người Việt vì em sinh đẻ và trưởng thành nơi vùng đất đó. Bao nhiêu kỷ niệm, phong tục, tập quán, thức ăn, thức uống; bao nhiêu nếp sống văn hóa ấy đã nuôi em nên người. Nếu một mai có thể làm được gì cho Việt Nam tôi chắc Trung sẽ không bao giờ từ chối. Tôi đã sống hai mươi chín năm ở Việt Nam và mười lăm năm trên đất Pháp. Tôi có gần ba mươi năm kỷ niệm trên vùng đất Việt Nam đau thương ấy và vì vậy, tôi nguyện làm vơi bớt một phần, dù chỉ là một phần rất nhỏ, những đau thương trên vùng đất ấy, vì tôi hiểu người dân trên vùng đất ấy hơn những người dân các miền đất khác. Mười lăm năm trên vùng đất Pháp tôi cũng đã tạo nhiều ân nghĩa trên mảnh đất này. Tôi đang và sẽ bồi dưỡng cho nền tự do của phần đất này và làm những gì hữu ích cho phần đất này trong khả năng của tôi. Tôi nghĩ, đó cũng là chủ trương của làng Hồng. Làm sao cho trẻ em Việt Nam trên đất lạ được hấp thụ tất cả những gì cao đẹp của cả hai nền văn hóa: cái đẹp của văn hóa Việt Nam và cái đẹp của văn hóa nơi em cư trú.

Cảnh tượng làm cho tôi xúc động nhất xảy ra vào tối ngày mồng 10 tháng 9 năm 1983, lúc đó đã 11 giờ 30 khuya. Giờ khởi hành trở về Anh được dự định là 12 giờ khuya. Một em trai tới đưa cho Thầy một cuốn “Tương Lai Văn Hóa Việt Nam” và xin Thầy viết vài câu gì vào đó để có thể nhắc nhở em “bảo vệ văn hóa dân tộc”. Thầy từ chối không viết. Thầy nắm lấy vai em, thân ái vỗ nhẹ vào chiếc vai ấy và nói:” Cách thức bảo vệ văn hóa dân tộc hay nhất là bảo trọng lấy thân thể mình. Chiến tranh đã gây trên thân thể và tâm hồn ta quá nhiều thương tích rồi. Chúng ta đã khổ đau, nghi kị, đã sợ hãi, đã căm thù, đã tuyệt vọng. Trong chúng ta ai cũng đã mang thương tích. Qua tới bên này, đừng để cuộc sống cướp giật và tàn phá chúng ta thêm nữa. Vì vậy ta phải bảo trọng thân mạng ta. Nếu cái hạt đào còn nguyên vẹn, nó sẽ mọc thành ra cây đào tốt tươi như cũ. Bảo trọng lấy thân mạng tức là bảo trọng lấy hạt đào của dân tộc. Do đó chúng ta phải tập trở lại cách đi, cách đứng, cách uống trà, cách chào hỏi.v.v.. để chúng ta khôi phục lại con người tốt đẹp của chúng ta. Chúng ta khôi phục niềm tin cậy lẫn nhau và niềm tin tưởng ở tương lai. Về bên Anh quốc, các em hãy tổ chức thiền trà, thiền tọa, thiền hành… chúng ta phải tạo một tương lai cho con em, cho nòi giống, cho đất nước”. Trong khi Thầy nói, một em, rồi hai em, rồi tất cả các em khác lần lượt tới quây quần bên Thầy, lắng nghe với tất cả tâm hồn. Cảnh tượng thật là mầu nhiệm. Tôi không còn thấy có sự phân biệt và kỳ thị nào nữa; không còn sự chia cắt gốc Hoa, gốc Việt, miền Bắc, miền Nam. Chỉ còn một đàn con cùng mẹ đang quây quần với nhau, thao thức lo lắng cho ngày mai đất nước.