Tiếp nối con Đường của Bụt

—Chân Pháp Nguyện–

Hành Trình 30 Năm

Vài Nét VLàng Mai

Làng Mai là tên gọi tắt của Đạo Tràng Mai Thôn, đã được thành lập vào năm 1982. Vì nhu cầu tu học của thiền sinh khắp nơi mỗi ngày mỗi đông, Làng đã thành lập thêm nhiều tu viện trên thế giới như Tu Viện Lộc Uyển ở miền nam California, Tu Viện Bích Nham ở New York, Tu Viện Mộc Lan ở Mississippi, Thiền Đường Nhập Lưu ở Úc, Trung Tâm Thiền Tập Làng Mai Quốc Tế Thailand ở Thái Lan, Phật Học Viện Châu Á ở Hong Kong và Phật Học Viện Châu Âu ở Đức. Tất cả các tu viện trên đều thực tập theo pháp môn của Làng (mời xem bài “Làng Mai qua năm tháng” trong Lá Thư Làng Mai số 35).

Năm tháng gian nan và th thách

Những ngày tháng đầu mới thành lập, Làng còn rất nhiều khó khăn về nơi sinh hoạt. Phần nhiều các xóm đã được mua lại từ những người làm nghề nông và chăn nuôi như nuôi cừu và nuôi bò v.v… Xóm Thượng nguyên là một nông trại và Thiền đường Chuyển Hóa trước đây là một cái chuồng bò.

Mùa Đông ở Làng lạnh lắm. Thời gian đầu chưa có hệ thống sưởi như bây giờ. Quý thầy, quý sư cô khi ngồi thiền phải đem theo mền để quấn cho đỡ lạnh. Khi Sư Ông viết sách, một tay hơ lửa và một tay cầm viết. Điện, nước và tất cả các vật dụng, kể cả thực phẩm trong tu viện đều rất hạn chế, ngày nào trên bàn ăn có đậu hủ là ngày đó quý thầy quý sư cô cho là sang lắm rồi. Mỗi năm Làng lại có thêm nhiều thiền sinh về tu học. Số người càng đông thì càng thấy cơ sở hạ tầng hạn hẹp. Có năm vì tiêu chuẩn tiện nghi kém quá và kết quả là Xóm Hạ đã bị đóng cửa không được phép sinh hoạt. Trường hợp như vầy cũng đã từng xảy ra cho Xóm Thượng và Xóm Mới.

Nhiều lần Sư Ông bị bệnh và mỗi lần như vậy tưởng rằng khó qua khỏi, nhưng nhờ Bụt Tổ gia hộ nên Sư Ông đã phục hồi trở lại. Tuy nhiên đó chỉ là những khó khăn về mặt vật chất. Về mặt tinh thần, tăng thân cũng đã nhiều lần phải đối diện với những khó khăn đáng để ghi vào lịch sử. Chuyện gần đây nhất là tu viện Bát Nhã ở Việt Nam đã bị đánh tan tành vào năm 2009 – một giai đoạn cực kỳ khó khăn và thử thách cho Làng. Bao nhiêu đau khổ và sợ hãi đã đổ xuống đầu những mầm non vô tội. Quý thầy quý sư cô không còn nơi nương tựa trên đất nước đã sinh ra mình và kết quả phải di cư tứ tán. May nhờ Bụt Tổ che chở, quý thầy quý sư cô đã thực tập rất vững chãi theo tinh thần bất bạo động và chúng tôi đã vượt qua được giai đoạn khó khăn này.

Mng Làng 30 tui

Khai mạc triển lãm thư pháp tại chùa Sơn Hạ – Làng Mai

Vào đầu mùa An cư Kiết Đông 2011-2012, trong ngày xuất sĩ đầu tiên tại Nội Viện Phương Khê, Thầy trò ngồi quây quần với nhau trong không khí gia đình bên bếp lửa hồng, hôm ấy Sư Ông đã ngỏ lời rằng: “Năm tới mình sẽ ăn mừng Làng Mai 30 tuổi nguyên năm. Mình có thể tổ chức ăn mừng suốt năm trong mỗi khóa tu.” Có một vài người trong đại chúng cảm thấy hơi lo trước lời ngỏ của Sư Ông. Làm thế nào để có thể tổ chức ăn mừng nguyên năm? Như hiểu được nỗi lo của đệ tử nên Sư Ông dạy tiếp: “Nếu mình tu tập và chế tác được hạnh phúc trong mỗi ngày thì đó là cách thức hay nhất để ăn mừng Làng Mai 30 tuổi rồi. Mình không cần phải tổ chức ăn mừng rầm rộ và sang trọng mới có hạnh phúc. Mình phải có hạnh phúc với những gì mình đang làm trong mỗi ngày, ngay bây giờ.  Đó mới thật sự là ăn mừng.”

Theo lời Sư Ông, chúng tôi đã chia ra thành nhiều nhóm họp bàn với nhiều chủ đề khác nhau để tổ chức ăn mừng Làng Mai 30 tuổi. Tất cả có sáu nhóm: nhóm thuyết trình về lịch sử Làng Mai, nhóm triển lãm thư pháp, nhóm triển lãm pháp cụ mà Sư Ông thường dùng trong khi giảng dạy, nhóm phụ trách triển lãm sách, lại có nhóm làm Lá Thư Làng Mai và nhóm tổ chức các buổi văn nghệ. Những ngày sau đó, đi tới xóm nào cũng nghe mọi người bàn tới những đề tài và cách thức ăn mừng Làng 30 tuổi một cách hăng hái, vui vẻ và đầy hứng thú. Chỉ cần nói tới làm thế nào để ăn mừng Làng Mai 30 tuổi thôi cũng đủ làm cho mình và người nghe có đầy hạnh phúc rồi.

Thời gian chúng tôi có được là 3 tháng để chuẩn bị cho các buổi lễ ăn mừng Làng Mai 30 tuổi. Buổi triển lãm đầu tiên xảy ra trong khóa tu tiếng Pháp vào cuối tháng Tư năm 2012. Quý thầy quý sư cô trong mỗi nhóm được phân chia các công việc khác nhau. Vì cơ sở của Làng còn hạn hẹp nên tăng xá của quý thầy ở Sơn Hạ đã được mượn tạm để dùng làm nơi triển lãm thư pháp, còn thiền đường nhỏ Mây Thong Dong của quý sư cô Xóm Mới thì được dùng làm nơi triển lãm sách và pháp cụ. Dù có rất nhiều công việc cần làm, nhưng chúng tôi đã sắp xếp để mọi người được tham dự trọn vẹn những ngày quán niệm cũng như hai buổi công phu sáng tối. Thời gian còn lại trong ngày, chúng tôi sử dụng vào việc nâng cấp, sơn sửa, dọn dẹp, sắp đặt lại nhà cửa v.v… Hầu hết tất cả các công việc đều do quý thầy và quý sư cô trong ban tổ chức làm. Trong lúc anh chị em làm việc thì một vài huynh đệ tình nguyện ngồi đàn hát cho mọi người nghe khiến khung cảnh trở nên nhẹ nhàng và vui tươi. Cứ vài buổi trưa tôi lại xuống bếp nấu chè để đãi quý thầy. Các huynh đệ ngồi quanh nồi chè, vừa thưởng thức và kể chuyện cho nhau nghe với những tiếng cười giòn, còn gì vui hơn tình huynh đệ như những lúc này? Một sư anh của tôi chia sẻ: “Ở ngoài đời người ta làm việc có thể có rất nhiều tiền, nhưng làm gì có được không khí nhẹ nhàng và hạnh phúc như vầy!” Ở Làng, lợi tức của chúng tôi là niềm hạnh phúc của thiền sinh và sự nuôi dưỡng của chúng tôi là tình huynh đệ. Trong khi tu học và làm việc chúng tôi ý thức rất rõ về điều này.

 

Trước ngày khánh thành các buổi triển lãm trong các khóa tu, quý sư cô phải đi mua hoa về để trang trí các nơi triển lãm. Hoa có đủ màu đủ loại. Các sư cô rất thích hoa nên việc cắm hoa tự nó đã là một niềm hạnh phúc của các sư cô rồi. Mỗi nơi triển lãm cần khoảng sáu đến mười sư cô đến cắm hoa. Người nào cũng có đôi bàn tay khéo léo của các bà mẹ trao truyền nên ai cắm hoa cũng tuyệt vời. Mỗi người có một phong cách khác nhau nên khi nhìn vào, ta có thể biết được đây là tác phẩm nghệ thuật của người nào. Ở các phòng triển lãm, trong khi quý sư cô đang cười với hoa, thì bên ngoài quý thầy đang đàn hát và tập múa lân. Không khí vui tươi như một ngày hội. Đối với quý thầy, quý sư cô, những ngày chuẩn bị để tổ chức các buổi khánh thành ăn mừng Làng Mai 30 tuổi là chất liệu đóng góp để xây nên lịch sử sống của Làng, đồng thời cũng là để cống hiến khả năng và sự có mặt của mình cho tất cả thiền sinh về Làng. Đặc biệt là trước đó một ngày các anh chị em làm việc chung và chơi với nhau rất vui. Chính những giây phút ấy là những giây phút nuôi lớn tình huynh đệ của chúng tôi, và đã để lại trong mỗi chúng tôi những kỷ niệm và những kinh nghiệm “nhớ đời”.

 

Cắm hoa chuẩn bị triển lãm thư pháp

Trong tháng Sáu, có một cô cư sĩ người Mã Lai Á (Malaysia) gốc Hoa, một trong những người đã tài trợ cho phần triển lãm thư pháp. Cô đã có mặt tại Làng vài ngày trước khóa tu. Được biết cô rất thích cắm hoa nên chúng tôi đã mời cô vào ban cắm hoa để làm việc chung với các sư cô cho vui. Cô chia sẻ: “Tôi rất hạnh phúc được làm việc với các thầy các sư cô. Tôi thấy được sự nuôi dưỡng của tình huynh đệ.” Sau này cô thỉnh luôn bốn tấm thư pháp đã được triển lãm để đem về Mã Lai Á. Một trong bốn tấm thư pháp mà cô đã thỉnh là “Be still and heal” (Lắng dịu và trị liệu). Sau đó chúng tôi đã nghe cô kể rằng chính tấm thư pháp ấy đã an ủi được rất nhiều cho một gia đình vừa mới bị mất một người con gái.

Trong năm 2012, chúng tôi tổ chức được tất cả là năm khóa tu tại Làng và tại Phật Học Viện Châu Âu ở Đức và ba khóa tu ở Anh quốc (United Kingdom), Ái Nhĩ Lan (Ireland) và Ý (Italy). Các khóa này do Sư Ông và phái đoàn Làng Mai hướng dẫn. Khóa tu đầu tiên tại Làng cho người nói tiếng Pháp bắt đầu vào cuối tháng Tư có 800 người tham dự kéo dài một tuần; khóa tu tháng Sáu có gần 700 người tham dự kéo dài đến ba tuần; khóa tu mùa Hè có khoảng 4672 người tham dự (tổng số người của bốn tuần) kéo dài suốt bốn tuần; khóa tu cho người nói tiếng Hà Lan có 700 người và cho người nói tiếng Đức có 800 người tại Phật Học Viện Châu Âu, mỗi khóa tu kéo dài đến năm ngày.

 

Lễ ăn mừng Làng Mai 30 tuổi được tổ chức hai lần trong khóa tu tháng Sáu và mỗi tuần trong khóa tu mùa Hè. Lần đầu được tổ chức tại chùa Sơn Hạ. Sau buổi pháp thoại tại Xóm Thượng, Sư Ông hướng dẫn thiền sinh thiền hành từ Xóm Thượng xuống chùa Sơn Hạ. Con đường thiền hành từ Xóm Thượng xuống chùa Sơn Hạ đi xuyên qua đồi thông rất xanh tươi và ngoạn mục, được nổi bật thêm hơn khi có những chậu hoa chùm treo lên đón chào Sư Ông và đại chúng. Dưới những chậu hoa chùm là những câu thư pháp “Nay con đã về nay con đã tới” do Sư Ông viết bằng tám ngôn ngữ khác nhau: tiếng Việt, Hoa, Pháp, Anh, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha và Ý. Câu thiền ngữ này là pháp ấn của Làng Mai. Một cô thiền sinh người Bồ Đào Nha (Portugese) đến gặp chúng tôi khen ngợi về những tấm thiền ngữ ấy và cũng tỏ vẻ tiếc tại sao không có tiếng Bồ Đào Nha của cô. Một thượng tọa khách tăng người Hoa nói: “Tôi rất thích cách quý thầy quý sư cô trang trí. Tuy đơn giản nhưng tôi cảm được rất nhiều tình thương. Nhìn rất đẹp và đầy thiền vị.”

 

Trước chùa Sơn Hạ có một bãi cỏ xanh và cũng là nơi dùng để sinh hoạt trong những ngày lễ ăn mừng Làng Mai 30 tuổi. Tại đây, đại chúng được thưởng thức những buổi hòa nhạc Tây phương do quý thầy và quý sư cô Tây phương trình diễn, và cũng được xem các thầy Việt Nam đánh trống và múa lân. Các em nhỏ Tây Phương cũng như Việt Nam vô cùng thích thú khi coi múa lân và say mê chạy theo níu đuôi lân. Sau khi xem múa lân xong, đại chúng được giới thiệu sơ lược về Làng Mai và buổi triển lãm thư pháp, Sư Ông được mời lên cắt băng khánh thành và hướng dẫn đại chúng vào xem triển lãm.

 

Hòa nhạc tại chùa Sơn Hạ – Làng Mai

Lần triển lãm thứ hai trong khóa tu được tổ chức tại Xóm Mới. Đại chúng lại được xem múa lân, múa hoạt cảnh do các sư cô Xóm Mới và Xóm Hạ trình diễn, sau đó mọi người được mời ăn bánh sinh nhật mừng Làng Mai 30 tuổi. Sau cùng Sư Ông dẫn đại chúng lên xem triển lãm pháp cụ và sách của Sư Ông.

 

Những buổi triển lãm như thế đã đem lại rất nhiều niềm vui và hạnh phúc cho thiền sinh. Có người vì quá hạnh phúc nên cười ra nước mắt. Một cô thiền sinh người Pháp nói: “Tôi không ngờ nó quá đẹp và đầy nghệ thuật đến như vầy. Các thầy và các sư cô là người tu mà sao có thể tổ chức triển lãm một cách chuyên nghiệp như thế?” Một người thiền sinh khác chia sẻ: “Tôi thấy được rất nhiều công sức và tình thương của tăng thân để làm nên buổi triển lãm này.” Sau khóa tu tiếng Pháp, có người vì cảm động quá nên đã chụp hình tất cả những bức thư pháp, làm thành một hiện hình trượt (slide show) và gửi đi khắp nơi cho người khác xem.

 

Trong một buổi khánh thành thư pháp, chúng tôi có chia sẻ với các bạn thiền sinh rằng, chúng tôi phải trải qua 30 năm mới có được ngày hôm nay. Có người rất cảm động khi nghe câu nói ấy. Họ nghĩ rằng Làng Mai đã bước qua một chặng đường khá dài 30 năm, nhưng cơ sở vật chất thì chỉ khiêm tốn có đến chừng này, như vậy có nghĩa là những ngày tháng đầu Làng còn đơn sơ và khó khăn hơn nhiều lắm. Điều quan trọng là họ biết được Làng Mai không chủ trương xây dựng cho hoành tráng, mà chú trọng về sự tu học và làm thế nào để pháp môn của Làng có thể giúp được nhiều người hơn trên thế giới.

 

Năm 2012 đã đánh dấu Làng Mai tròn 30 tuổi. Ba mươi năm, thời gian không ngắn cũng không dài. Đức Khổng Tử có nói: “Tam thập nhi lập”, nghĩa là đến tuổi 30 thì Ngài đã có thể tự lập. Nói một cách khác là Ngài có thể đứng vững trên hai bàn chân Ngài. Nhìn lại đoạn đường Làng Mai đã đi qua trong 30 năm, chúng tôi thật sự không dám tự hào như thế, ngược lại chúng tôi cảm thấy Làng Mai còn nhỏ bé lắm. Là những người con của Bụt, chúng tôi ý thức rằng mình không được xao lãng việc tu tập mà chỉ lo làm công việc, phải sử dụng thì giờ để học hỏi và làm lớn mạnh tâm bồ đề của mình, để mỗi ngày có thể làm cho bánh xe chánh pháp được lan rộng xa hơn. Làm được như thế thì mới đền đáp được bốn ân và mới có thể thực sự lớn lên.

Đạo Bt đi vào cuc đời

Tổ chức và hướng dẫn khóa tu là lý tưởng phụng sự của Làng với tâm nguyện đem đạo Bụt đi vào cuộc đời. Một khóa tu kéo dài năm ngày có thể giúp nhiều người trị liệu được những vết thương trong lòng, hàn gắn mối quan hệ và tái lập truyền thông với người thân, chế tác được bình an và hạnh phúc trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, Làng Mai đã mở cửa suốt năm để chào đón thiền sinh khắp nơi trên thế giới về tu tập. Hàng năm Làng có khoảng từ ba đến bốn khóa tu lớn; đó là khóa tu cho người nói tiếng Pháp, khóa tu tháng Sáu (mỗi hai năm một lần), khóa tu mùa Hè và khóa tu mùa Đông. Trong mỗi khóa tu như thế có khoảng từ 700 đến 1000 người về tham dự. Ngoài các khóa tu hướng dẫn tại Làng, chúng tôi còn có lịch trình giảng dạy của Sư Ông và các vị giáo thọ của Làng đi đến nhiều nơi trên thế giới. Cứ  mỗi hai năm thì Sư Ông và phái đoàn Làng Mai qua Bắc Mỹ hoằng pháp ba tháng. Theo nguyên tắc thì mỗi năm chẵn Sư Ông đi giảng dạy ở các nước Âu châu như Pháp, Đức, Anh, Ái Nhĩ Lan, Hà Lan, Ý v.v… còn mỗi năm lẻ thì Sư Ông đi giảng dạy tại Bắc Mỹ và Á châu. Quý thầy và quý sư cô giáo thọ cũng thay nhau đi ra ngoài để hướng dẫn các khóa tu cho thiền sinh vào mùa Xuân và mùa Thu. Mỗi năm chúng tôi nhận được rất nhiều thư thỉnh mời Sư Ông và các vị giáo thọ đến hướng dẫn các khóa tu từ khắp nơi, nhưng vì Sư Ông đã lớn tuổi và tuy Làng Mai đã đào tạo nhiều vị giáo thọ xuất gia và tại gia trong 30 năm qua, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng cho nhu cầu hiện nay trên thế giới nên phải buồn lòng từ chối nhiều lời thỉnh cầu. Suốt 30 năm qua, Làng đã mở cửa và đã giúp được nhiều người trị liệu những vết thương, chuyển hóa những khổ đau, hòa giải và truyền thông được với những người thương của họ.

 

Tại khóa tu ở thành phố Rome nước Ý vào mùa Thu vừa qua, trong một buổi pháp đàm có một cô thiền sinh mù người Ý chia sẻ:“Đầu thập niên 90, tôi khám phá ra đôi mắt của tôi có vấn đề và tôi không thể nhìn thấy được rõ nữa. Tôi được bác sĩ cho biết là tôi sẽ bị mù trong một vài năm nữa. Khi tôi về nhà báo lại tin này cho mẹ thì mẹ tôi cho biết đây là chứng bệnh gia truyền của giòng họ bên ngoại tôi. Có những người bên ngoại tôi đã bị chứng bệnh này và đã bị mù. Tôi rất buồn và thất vọng trước lời nói ấy vì biết rằng mình sắp sửa bị mù và không có cách nào để chữa trị. Đúng thế, tình trạng kéo dài trong một vài năm kế đó và tôi gần như đã bị mù. Tôi sống rất đau khổ với căn bệnh của mình. Biết được căn bệnh mù của mình vô phương chữa trị nên tôi muốn trở về với cuộc sống tâm linh nhiều hơn để tìm cách học hỏi phương pháp sống an hòa với chứng bệnh tật nguyền của tôi. Đầu năm 1992, tôi được người ta cho biết là sẽ có một ông thầy Phật giáo Việt Nam đến thành phố Rome giảng dạy. Tôi đã lần mò tìm đến nơi Thầy giảng dạy, đó là thầy Thích Nhất Hạnh. Lần đầu tiên được thấy Thầy và được nghe giọng nói của Thầy, tôi biết ngay rằng đây là người Thầy của tôi, người mà bấy lâu nay tôi mong chờ. Giọng của Thầy nhẹ nhàng, truyền cảm với nhiều từ bi. Tôi hạnh phúc lắm! Tại khóa tu này tôi được học về phương pháp thực tập chánh niệm. Mỗi ngày tôi được hướng dẫn thực tập sống chánh niệm trong mỗi phút giây. Tôi học thở, học đi trong chánh niệm, học cách làm giảm bớt sự căng thẳng trong thân và làm lắng dịu tâm mình. Tôi học được nhiều thứ lắm! Đây là pháp môn rất thực tiễn và giúp tôi sống an lành trong thời gian còn lại của đời tôi. Nhờ thực tập chánh niệm, nên trong suốt thời gian qua tôi có thể tự chăm sóc cho chính mình với những điều căn bản trong cuộc sống hàng ngày. Tuy bây giờ tôi không còn thấy được hình sắc của Thầy bằng cặp mắt mù lòa của tôi nữa, nhưng khi nghe lại được giọng nói êm dịu và đầy lòng từ bi kia tôi nhận biết ngay rằng đó là Thầy tôi. Đây là một vị Thầy mà tôi vô cùng biết ơn. Người đã giúp tôi tìm lại được chính mình trong mảnh đời đen tối.” Đại chúng rất cảm động trước lời chia sẻ của cô.

 

Vấn đáp trong khóa tu tại Ý

Theo tình hình thế giới hiện nay, hiện tượng toàn cầu hóa đã làm cho con người thời đại có nhiều căng thẳng, áp lực, lo lắng, tranh đua và bạo động. Vì thế, con người ngày nay rất cần đến nếp sống tâm linh, đặc biệt là những người trẻ. Ở Làng, chúng tôi không ngừng nỗ lực để thành lập những phong trào, những phương pháp tu học vui tươi, lành mạnh và nhẹ nhàng để người trẻ có thể dễ dàng đến tu tập. Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã tiếp nhận những người trẻ vào tăng thân xuất gia. Những người trẻ thường có tâm hồn cởi mở hơn, có khả năng sáng tạo và tiếp nhận, có sức sống mạnh, có tinh thần cách mạng và có “khối lửa” (bồ đề tâm) yêu thương để phụng sự. Vấn đề là chúng ta có biết cách để đào tạo, hướng dẫn họ đi đúng con đường và lý tưởng ban đầu mà họ đã chọn hay không. Ở Làng, Sư Ông và tăng thân luôn khuyến khích, nâng đỡ để những người xuất gia trẻ có thêm niềm tin và khám phá ra những tài năng tiềm ẩn trong mỗi người. Những người xuất gia trẻ vừa thực tập tự mình chuyển hóa, đồng thời làm mẫu mực, giúp cho thiền sinh cư sĩ thực tập và chuyển hóa những khó khăn trong họ. Người xuất gia trẻ là tương lai của đạo pháp, là sự tiếp nối của Bụt và Thầy Tổ, đem đạo Bụt đi về tương lai. Nếu không làm được như vậy thì sau này, các tu viện chỉ là nơi du lịch tâm linh hoặc trở thành viện bảo tàng tôn giáo. Nói chi đến chuyện sau này, hiện tại hiện tượng này đã và đang xảy ra ở rất nhiều nơi. Đến nay thì Sư Ông đã xuống tóc cho gần 800 người xuất sĩ. Ngoài quý thầy quý sư cô đã được Sư Ông xuống tóc, Làng còn có rất nhiều “quả trứng vàng” mà ở Làng chúng tôi thường gọi là “Cây Trà Thơm” đã đến từ các truyền thống hoặc chùa khác để cùng thực tập. Số người xuất sĩ trong cây Trà Thơm tính đến nay có khoảng cả trăm vị và sự có mặt của quý thầy quý sư cô cây Trà Thơm khiến Làng càng thêm phong phú hơn. Chúng tôi rất trân quý sự có mặt với những đóng góp của những cây Trà Thơm này. Trong số 900 người xuất sĩ đang tu tập tại Làng hoặc tại các trung tâm khác của Làng có khoảng 28 quốc gia khác nhau, nên các trung tâm tu học của chúng tôi rất đa dạng và đa văn hóa.

 

Trong chuyến đi hoằng pháp tại Ý năm 2008, số người trẻ tham dự khóa tu khá đông. Ngoài khóa tu ra, chúng tôi cũng đã tổ chức một buổi giảng diễn và sinh hoạt dành cho khoảng 500 học sinh trung học tại gần thủ đô Rome. Trong các buổi pháp đàm, chúng tôi đã hết lòng lắng nghe người trẻ chia sẻ về những khó khăn cũng như những bế tắc mà họ đang đối diện. Có những người trẻ rất cô đơn, lạc lõng, không có đường lối trong cuộc đời. Lại cũng có những người trẻ mang trong mình những vết thương, những khổ đau do gia đình và xã hội gây ra. Họ không có niềm tin nơi họ hoặc những người xung quanh. Họ đã bị lôi cuốn bởi những cảm xúc, cảm thọ của họ, và kết quả của những gì họ đã nghĩ, đã làm và đã nói đều không lành mạnh.

 

Tại phi trường Rome, Sư Ông đã đề nghị thành lập một phong trào gọi là “Wake Up” (Tỉnh Dậy Đi Thôi, Hỡi Người Trẻ!), dành riêng cho người trẻ. Đây là một phong trào sinh hoạt cho một xã hội từ bi và lành mạnh dựa trên nền tảng của Năm giới. Phong trào này là món ăn tinh thần, là sân chơi dành riêng cho những người trẻ có tâm hồn lành mạnh hướng tới một nền đạo đức tâm linh toàn cầu hóa.

 

Phong trào “Wake Up” ngày nay rất thịnh hành. Mỗi năm Làng tổ chức vài khóa tu dành riêng cho phong trào này do các thầy và các sư cô giáo thọ trẻ của Làng hướng dẫn. Các khóa tu được thay phiên tổ chức ở nhiều nơi trên thế giới. Tại quảng trường Trafalgar ở thủ đô Luân Đôn, có lần 5000 người trẻ đã tới ngồi thiền và nghe pháp thoại của Sư Ông. Đây là một phong trào vượt thoát mọi tôn giáo, dù bạn là người trẻ có quốc tịch hay tôn giáo nào thì cũng có thể tham dự được. Các buổi sinh hoạt rất vui tươi và lành mạnh, thích hợp với người trẻ thời nay. Tại các thành phố lớn trên thế giới đều có những tăng thân trẻ sinh hoạt theo phong trào này. Chúng tôi đã tạo ra một mạng lưới mà tất cả thành viên trong phong trào này có thể theo dõi để tu học, chia sẻ và liên lạc được với nhau. Phong trào “Wake Up” không những đem lại những buổi sinh hoạt có ý nghĩa và hạnh phúc cho mình và cho đời, mà còn là một chương trình họp bạn bốn phương rất lành mạnh. Một em sinh viên ở Đức có thể liên lạc và chia sẻ với các bạn sinh viên ở các nước khác. Bạn có thể tìm hiểu thêm về phong trào “Wake Up” qua trang nhà www.wkup.org.

 

Hơn mấy năm qua, Làng đã không ngừng phát triển để đưa phương pháp thực tập chánh niệm của đạo Bụt đi vào cuộc đời bằng những đường lối thích hợp và hữu dụng nhất cho con người thời đại. Chúng tôi đã thành lập chương trình “Applied Ethics” (Đạo Đức Ứng Dụng). Chương trình “Applied Ethics” được thành lập nhằm mục đích đưa thẳng pháp môn thực tập chánh niệm vào ngành giáo dục quốc gia. Đây là một môn học như tất cả các môn học khác: toán, lý, hóa, khoa học v.v… Chúng tôi lấy Năm giới làm nền tảng cho môn học này và chánh niệm là phương pháp để thực tập. Các thầy cô giáo dạy môn học này phải biết thực tập và phải có hạnh phúc thì mới có thể dạy được học sinh. Chúng tôi có chương trình đào tạo các thầy cô giáo tại Làng. Đây là một chương trình rất trẻ và rất mới, đi tới đâu chúng tôi cũng chia sẻ về đề tài này. Chúng tôi đã tổ chức những khóa huấn luyện cho giới giáo chức tại nhiều nước, như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Thái Lan, Bhutan, Pháp, Đức v.v… Tại khóa tu cho dân biểu Hoa Kỳ ở Washington D.C. vào tháng 10 năm 2011 và buổi diễn thuyết tại House of Lords (tòa nhà của thượng nghị viện Anh) ở Anh vào tháng 3 năm 2012, Sư Ông cũng đã đề cập đến vấn đề làm thế nào để đưa môn học “Applied Ethics” vào ngành giáo dục.

 

Trong chuyến hoằng pháp vào năm 2011 tại Bắc Mỹ, Sư Ông và một số quý thầy quý sư cô đã gặp ông Thống Đốc Jerry Brown của tiểu bang California tại thành phố Oakland, CA. Tại một buổi họp, ông Jerry Brown đã được nghe chúng tôi đề cập về môn học “Applied Ethics” và làm thế nào để đưa môn học này vào ngành giáo dục của tiểu bang California. Ông lấy làm thích thú và rất hoan nghênh, ông nói: “Hiện tại tôi làm chủ hai trường học tư, chúng ta có thể thử áp dụng vào hai trường học của tôi trước.” Cũng trong chuyến đi này, Sư Ông đã có buổi gặp mặt với ông Thượng Nghị Sĩ Tim Ryan của tiểu bang Ohio và ông Thống Đốc Martin O’Malley của tiểu bang Maryland và họ cũng hứa sẽ cố gắng giúp đỡ những gì họ có thể làm được để yểm trợ cho việc đem đạo đức học ứng dụng vào học đường.

 

Ở ngoài đời, đến tuổi trưởng thành, những người trẻ cũng phụng sự đất nước bằng cách gia nhập vào quân đội trong thời gian từ ba đến năm năm. Đây là một cách biểu lộ tình thương, trách nhiệm của mình đối với giống nòi và đất nước. Họ ra trận với mục đích là chống giặc ngoại xâm để bảo vệ tổ quốc. Vào tháng 6 năm 2012, chúng tôi có tới thành phố Miami tiểu bang Florida để hướng dẫn một khóa tu cho những cựu chiến binh. Chúng tôi được nghe một anh cựu chiến binh tại trụ sở Chữ Thập Đỏ chia sẻ: “Khi ra trận chúng tôi không sợ chết, còn bây giờ về nhà thì chúng tôi sợ sống.” Tại sao thế? Bởi vì khi trở về anh không có công ăn việc làm và lại bị ám ảnh với những hình ảnh chết chóc, bạo động do chiến tranh gây ra. Anh ta vẫn còn may mắn hơn nhiều người khác là khi trở về thân thể vẫn còn nguyên vẹn, nhưng tâm hồn đã bị tổn thương rất nhiều.

Tiếp nối con Đường của Bụt

 

Ở Làng, chúng tôi có chương trình xuất gia 5 năm cho những ai có bồ đề tâm muốn phụng sự, được rèn luyện và sống theo đời sống phạm hạnh của người xuất gia. Sau 5 năm, nếu thấy thích hợp với đời sống của người xuất gia thì có thể phát nguyện xin tu học suốt đời, còn nếu không thì có thể trở về với cuộc sống trước đây và làm một vị giáo thọ cư sĩ. Tiêu chuẩn cần thiết để gia nhập vào chương trình này rất đơn giản: tuổi dưới 35, có bồ đề tâm phụng sự và muốn tu học theo đời sống của người xuất gia. Chương trình tu học phụng sự 5 năm rất hiền. Ở đây, các bạn trẻ cũng làm việc phụng sự tương đương với việc chống giặc xâm lăng, bảo vệ tổ quốc và thương yêu giống nòi. Giặc thật sự của ta là những “con ma” phiền não, giận hờn, bạo động, tham muốn, ganh tị, kỳ thị v.v… Các bạn trẻ được tu học theo pháp môn chánh niệm để nhận diện, ôm ấp và chuyển hóa các “con ma” ấy. Khi ta có thể ôm ấp và chuyển hóa được các “con ma” ấy thì ta sẽ có nhiều hạnh phúc và tự do. Nếu ta tu học có thành quả thì ta có thể giúp đỡ được rất nhiều cho người thân của ta, cho xã hội, đất nước của ta và cho cả thế giới được bình an, lành mạnh. Đây là những điều mà các bạn trẻ có thể làm được trong 5 năm. Hiện tại, Làng đang có những người trẻ Tây phương tu học theo chương trình này và họ đang có rất nhiều bình an và hạnh phúc trong đời sống xuất gia.

Ngày nay gia đình áo nâu (gồm có 4 chúng) đang có mặt với các chương trình hoằng pháp và cứu tế ở nhiều nơi trên thế giới. Ngoài những người xuất sĩ áo nâu, chúng tôi còn có những người cư sĩ áo nâu trong dòng tu Tiếp Hiện. Dòng tu Tiếp Hiện được Sư Ông Làng Mai sáng lập vào tháng 2 năm 1966. Gia đình Tiếp Hiện đầu tiên được Sư Ông cho thọ giới gồm có sáu người và bây giờ đã có hơn 1,000 người đã tiếp nhận giới Tiếp Hiện và hành trì theo dòng tu này. Đây là những vị Bồ tát hóa thân đi vào cuộc đời để giúp hóa độ chúng sanh. Chương trình Hiểu và Thương tại Việt Nam và Ấn Độ có hơn 300 trường mẫu giáo đều do các vị Bồ tát Tiếp Hiện đầu tư thời gian và tâm lực của mình vào công việc phụng sự. Nếu không có các vị Bồ tát này thì làm sao chúng tôi có thể cung cấp những ly sữa và những bát cơm vào những buổi trưa cho các cháu?

Các vị Bồ tát áo nâu Tiếp Hiện tại Pháp, Anh, Hà Lan, Ý, Thailand, Malaysia, Hồng Kông, Indonesia, Brazil, Canada v.v… đều dùng những phương tiện quyền xảo khác nhau để tiếp tay với Làng làm việc độ sinh: có người lo chuyện dịch sách của Sư Ông; có người giúp in sách; có người giúp chuyển ngữ băng giảng; có người giúp phổ nhạc; có người vào nhà tù giúp các tù nhân tu học; có người giúp tổ chức các khóa tu; có người giúp về việc hành chánh; có người giúp về việc quyên góp tài chánh; lại có người chuyên môn giúp đỡ về mặt pháp luật,v.v.. Mỗi người là một viên ngọc quý của tăng thân. Chúng tôi luôn luôn biết ơn sự cống hiến và có mặt của mỗi người.

Hiện nay có rất nhiều tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai trên thế giới, phần nhiều là tại các thành phố lớn như: New York, San Francisco, Los Angeles, Chicago, Toronto, Quebec, Vancouver B.C, Brasilia, London, Paris, Frankfurt, Berlin, Madrid, Rome, Moscow, Tokyo, Sydney, Melbourne, Singapore, Hồng Kông, Bangkok, Seoul, Beijing, Taipei, Jakarta, Kuala Lumpur, Sài Gòn, Hà Nội v.v… Theo thống kê cho biết hiện nay có hơn 1000 tăng thân trên thế giới đang tu học theo truyền thống Làng Mai. Nước Anh đã có tới 80 tăng thân, nước Đức có 70 và nước Mỹ có trên 500. Vì vậy, địa bàn hành đạo của chúng tôi rất rộng lớn; không chỉ ở nước Pháp hay ở Việt Nam mà rất nhiều nơi khác. Trong quá trình hành đạo của Sư Ông và tăng thân Làng Mai trên 30 năm qua, chúng tôi đi đến nơi nào cũng đều làm công việc quan trọng của người làm vườn (người tu), đó là giúp người dọn dẹp “khu vườn tâm” của họ và gieo những hạt giống lành, nên ngày nay những hạt giống ấy đã được nảy mầm đâm chồi khắp nơi.

Trong mấy năm qua Làng có các thí chủ đến từ nhiều nơi trên thế giới, thành tâm muốn cúng dường đất đai cũng như tài chánh để thành lập các trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai tại trú sở của họ. Sau chuyến hoằng pháp Đông Nam Á vào năm 2010, có những thí chủ ở Malaysia và Indonesia đã nhiều lần ngỏ lời muốn cúng dường đất để làm tu viện cho Làng. Trong khóa tu tháng Sáu vừa qua có một đại thí chủ ở Indonesia cùng gia đình đến Làng tham dự khóa tu. Trong thời gian ông cùng gia đình tham dự khóa tu, họ đã cảm nhận và chứng kiến được sự lợi ích của pháp môn, nên sau khi về tới Indonesia đã mua một miếng đất khá rộng để cúng dường cho Làng làm trung tâm tu học. Vào dịp lễ Giáng sinh trong năm 2012, một phái đoàn gồm có 23 người đến từ Malaysia cũng đến xin phép Sư Ông và tăng thân để thành lập một trung tâm tu học theo pháp môn Làng Mai tại Kuala Lumpur. Ngoài những thí chủ đến từ Indonesia và Malaysia, chúng tôi còn có nhiều thí chủ đến từ các nước như: South Korea, Brazil, United Kingdom, Italy v.v… cũng rất muốn thành lập trung tâm Làng Mai tại xứ sở của họ. Nhưng vì nhân duyên chưa đầy đủ, phần lớn là vì chúng tôi vẫn chưa có đủ người xuất gia để hướng dẫn, nên tạm thời phải từ chối. Chúng tôi đã hướng dẫn họ tu tập, thành lập tăng thân trước, khi nào tăng thân vững mạnh và nhân duyên đầy đủ thì lúc đó thành lập trung tâm không phải là chuyện khó làm. Sư Ông dạy: “Nếu có khay đựng đào to và đẹp mà không có trái đào để vào, thì khay đựng đào kia có cũng bằng không. Vấn đề là phải có trái đào trước, còn khay đựng đào thì lúc nào có cũng  được.” Chúng tôi tin chắc rằng tại quê hương Việt Nam một ngày nào đó cũng sẽ có một trung tâm thực tập Làng Mai rất đẹp.

 

Mấy năm gần đây Sư Ông dành thời gian đầu tư vào chuyện dịch kinh sách ra Việt ngữ. Sư Ông thích dịch và chú giải kinh sách, đặc biệt là những kinh từ Hán tạng. Những tác phẩm đã được hoặc sẽ được phát hành gần đây như: Con Sư Tử Vàng của thầy Pháp Tạng (kinh Hoa Nghiêm), Đạo Bụt Nguyên Chất (kinh Nghĩa Túc), Đập Vỡ Vỏ Hồ Đào (Trung Quán Luận), Rong Chơi Trời Phương Ngoại (kinh Pháp Cú), Kết Một Tràng Hoa (kinh Pháp Cú) v.v… Trong khi dịch kinh từ Hán tạng ra Việt ngữ, Sư Ông đã đối chiếu với bản Pàli. Nhờ đối chiếu giữa hai bản Hán tạng và Pàli, (phần nhiều các kinh điển được ghi chép lại bằng hai thứ tiếng phổ thông này) nên Sư Ông đã tìm được những rơi rụng và sai sót trong quá trình truyền thừa. Sư Ông đã nghiên cứu và giúp chúng ta hiểu được nghĩa lý uyên áo của các kinh này. Đây là lý do chính yếu mà Sư Ông đã đầu tư thời gian của Người vào việc Việt dịch các kinh điển để đàn hậu thế của chúng ta có thể dễ dàng học và hiểu được lời dạy của Bụt một cách đúng đắn. Tất cả các kinh sách đều được Sư Ông dịch ra tiếng Việt dưới dạng văn xuôi rất đơn giản, lưu loát, dễ hiểu nhưng rất phong phú và sâu sắc. Sư Ông dạy: “Khi học kinh thì phải nương vào các kinh liễu nghĩa. Phải hiểu được ý kinh cho rõ ràng và nương vào đó mà hành trì chớ đừng bị kẹt vào danh từ hay khái niệm.” Phải sử dụng ba pháp ấn của đạo Bụt, là Vô thường, Vô ngã và Niết bàn để thanh lọc, điều chỉnh và khôi phục lại nguyên ý của Bụt trong các kinh. Nếu kinh nào mà không mang dấu ấn của tam pháp ấn này, thì đó không phải là kinh liễu nghĩa đích thực của đạo Bụt. Tuy tuổi đã cao, nhưng Sư Ông vẫn luôn luôn không ngừng nghiên cứu và học hỏi. Hơn 70 năm tu tập và hành đạo đã cho Người những kinh nghiệm sống rất sâu sắc và những cái thấy thấu triệt. Có một lần Sư Ông chia sẻ với chúng tôi rằng:“Nếu bây giờ viết lại quyển Đường Xưa Mây Trắng thì Thầy sẽ viết vui hơn và khác hơn.” Nhờ vào lòng từ bi và trí tuệ của Sư Ông, chúng ta có thể thừa hưởng được thêm nhiều cái hay trong kho tàng tuệ giác vô tận của Bụt.

 

Chiếc thuyn tăng thân và s tiếp ni ca Bt

Chiếc thuyền tăng thân Làng Mai đã vượt qua bao sóng gió, bao thử thách và cũng đã đưa rất nhiều người qua được bến bờ bên kia, bến bờ của thảnh thơi, tự do và an lạc trong 30 năm qua, đó là nhờ vào sức mạnh và sự hòa hợp của tăng đoàn cùng nhau lèo lái. Sư Ông là một vị thuyền trưởng vững chãi hướng dẫn cho chúng tôi lèo lái con thuyền tăng thân, là một cây đại thụ làm chỗ cho chúng tôi nương tựa. Cây đại thụ tuy tuổi đã già nhưng lúc nào cũng cho thêm hoa thêm trái. Hoa trái của Sư Ông có thể trổ ra bất cứ lúc nào và ở đâu, cũng như tuệ giác của Sư Ông luôn luôn tuôn chảy như một dòng suối mát.

Chúng tôi rất biết ơn những người đã sáng lập ra Làng Mai cũng như những thế hệ tiền bối đi trước đã có công xây dựng tăng thân. Nhìn lại lịch sử, chúng tôi thấy rất rõ là cuộc cách mạng nào cũng có những người tiên phong dẫn đầu. Đặt chân lên Xóm Thượng chúng tôi thấy được hình bóng và sự tiếp nối của thầy Nguyện Hải qua thầy Pháp Hữu, thầy Pháp Triển và nhiều người khác. Về tới Lộc Uyển chúng tôi thấy được sự tiếp nối của thầy Giác Thanh trong thầy Pháp Dung, thầy Pháp Hải, thầy Pháp Hộ và các thầy các sư cô khác. Khi nghĩ về chương trình cứu tế xã hội, chúng tôi cũng thấy được sự tiếp nối của thầy Thanh Văn và sư cô Chân Không qua cô Xuân, chú Nghiệm, chú Lộc, chú  Đính, chú Nam, chú A, chú Đạm, cô Kỷ, cô Phùng và rất nhiều người trên thế giới.

Chúng tôi thuộc về những thế hệ trẻ, sanh sau đẻ muộn, lúc nào cũng mang ơn sâu nặng trước một bậc Thầy khả kính đã để hết đời mình làm lợi lạc cho chúng sanh. Dù lớn tuổi nhưng Sư Ông không ngừng tìm cách làm mới pháp môn cho thích hợp với căn cơ thời đại, đặc biệt là cho đàn hậu thế của chúng tôi cảm thấy thoải mái để quay về.

Mỗi người trong chúng tôi là một tế bào của cơ thể tăng thân, là một thành phần của chiếc thuyền tăng thân. Trong một cơ thể có rất nhiều tế bào và mỗi tế bào có một nhiệm vụ riêng của nó. Cũng như chiếc thuyền tăng thân, chúng tôi vừa là ván, là đinh, là thuyền trưởng, là chiếc thuyền. Ván có nhiệm vụ chống nước để nước không thể tràn vào lòng thuyền, đinh có nhiệm vụ giữ ván dính lại với nhau, thuyền trưởng có nhiệm vụ lèo lái chiếc thuyền cho đến nơi đến chốn, và chiếc thuyền có nhiệm vụ đưa người qua sông. Nhờ có những thành phần như thế phối hợp lại với nhau nên ta mới có được con thuyền vững chãi đưa người qua đến bờ bên kia. Nói như thế, nối tiếp con đường của Bụt cũng như hành trình 30 năm là phận sự, là hành trình chung của chư Tổ, của Sư Ông và của tăng thân, trong đó có bạn và tôi. Mỗi một người đóng góp một bàn tay vào sự nghiệp của Bụt. Và cứ như thế bàn tay này nối tiếp bàn tay kia.

 

Nhìn lại hành trình 30 năm qua, chúng tôi vô cùng mang ơn Bụt Tổ đã gia hộ. Chúng tôi ý thức rất rõ cuộc đời là vô thường. Một chủ nghĩa nào, một đất nước nào, một tông phái nào rồi cũng có ngày suy tàn; thịnh suy suy thịnh là chuyện muôn đời. Nhưng chúng tôi nguyện sẽ tiếp tục tu học, bước thêm những bước vững chãi và thảnh thơi để cống hiến cho đời thêm 30 năm nữa và nếu Bụt Tổ còn thương tình cho thêm 30 năm kế tiếp. Sư Ông dạy: “Ba mươi năm đầu có thể đi qua chầm chậm, nhưng 30 năm kế tiếp sẽ đi qua mau lắm.” Thầy trò cùng nắm tay nhau mà đi như một dòng sông để leo đồi thế kỷ. Chúng tôi thấy vấn đề không phải là thời gian, dù đó là 30 năm hay 300 năm, nhưng phải thiết kế và đi như thế nào để mỗi giây phút mình có thể đem lại hạnh phúc, bình an và lợi lạc cho mình và cho người. Làm được như thế thì chúng ta mới có thể thừa hưởng được gia tài và tiếp nối được sự nghiệp của Bụt một cách đích thực.

—Chân Pháp Nguyện–