Quê hương trị liệu mẹ

Thầy Pháp Lữ

Mẹ tôi năm nay 93 tuổi. Mới năm ngoái mẹ tôi còn ở nước ngoài, mùa đông dài đăng đẳng, rét và tuyết vây quanh, mẹ chỉ đi quanh quẩn trong nhà. Sức lực người già không thể nào chịu nổi cái rét -15 độ C, đôi khi -30 độ C bên ngoài, rồi còn phải sợ đi lại không vững. Đường xá phủ đầy tuyết trơn rất dễ trợt chân té ngã. Xương cốt người già giòn rụm, té ngã rất dễ gẫy tay, gẫy chân cho nên suốt cả mùa đông Mẹ đành phải riu ríu ở trong nhà, trừ một hai lần bị bắt buộc đi bác sĩ xin toa thuốc mới. Vì mẹ có nhiều bệnh già như thiếu máu, hay bị choáng váng, mất ngủ, xuống tinh thần, lãng tai và từ từ trở nên lú lẫn, quên ngày quên tháng, quên mất mình vừa ăn cơm xong, lại đòi ăn cơm thêm lần nữa… Bác sĩ lắc đầu cho thêm thuốc bổ não, thuốc ngủ, thêm thuốc trợ tim, thuốc giảm đau nhức, trị phong thấp, thuốc bổ máu, sinh tố và khoáng chất đủ loại… Rồi khi cảm, khi ho, khi nhiễm trùng đường tiểu, khi ăn không tiêu, khi bị tiêu chảy, mẹ lại phải dùng thêm trụ sinh, thêm thuốc đường tiêu hóa.v.v… Tổng cộng cả chục viên thuốc mỗi ngày. Các em thì hết lòng lo lắng cho mẹ. Mẹ đi đâu cũng có người dẫn người dìu. Phòng ngủ sưởi ấm lúc nào cũng 22 độ, chăn ấm, mền dầy cộm vì mẹ rất sợ lạnh. Ăn uống thì mẹ thèm thức gì được thức ấy. Mẹ thèm ngọt nên trong phòng bánh kẹo đủ cả, tẩm bổ bằng sữa Ensure hằng tuần. Sáng thì bánh mì, trưa chiều thì “cao lươn chả phượng”, toàn những món ngon, các món tẩm bổ Tây, Tàu đủ cả, không thiếu một thứ gì. Vậy mà sức khỏe của mẹ ngày càng yếu hơn, đi lại khó khăn, đứng còn không vững dù tay không rời cây gậy.

Cho đến một hôm, cần đứng lên để đi tiểu, mẹ té sóng soài trên nền gạch và đầu bị cắt đứt một đường sâu và dài, máu chảy lênh láng, mẹ như mê man bất tỉnh một lúc lâu. Người già được chăm sóc cực kỳ chu đáo trong các nước tiên tiến, giàu có nên mẹ được đưa vào nằm bệnh viện, được truyền thêm máu vì mẹ vốn thiếu máu, lại bị mất nhiều máu vì vết thương trên đầu.Sau cấp cứu ở phòng hồi sức, mẹ nằm một tuần ở khu giải phẫu, chờ vết thương đã được khâu lại khô mặt và chờ bác sĩ nội khoa khám tổng thể để tìm cách chữa chứng thiếu máu cũng như tình trạng hay quên của mẹ. Tình trạng lú lẫn đáng lo ngại vì người già Tây phương rất dễ bị hội chứng Alzheimer, não bị hư hại, suy thoái đe dọa dẫn đến mất trí càng ngày càng nặng, cho đến lúc có thể hoàn toàn điên loạn mà Y khoa hiện nay chưa tìm ra thuốc chữa.

Và trong suốt trên một tháng nằm bệnh viện, mẹ được tận tâm săn sóc chạy chữa, có lúc phải nằm phòng riêng vì sợ nhiễm trùng… Thật đáng biết ơn chế độ an sinh xã hội xứ người không ngại tốn kém, đã chịu gần hết mọi chi phí.Thật phải hết sức biết ơn đội ngũ y tá, bác sĩ, nhân viên bệnh viện vô cùng nhân hậu, đầy tình người và lòng thương mến, lo lắng cho mẹ, cho mỗi bệnh nhân khác mà không hề có sự phân biệt đối xử dù mẹ là người da vàng tóc đen. Mọi người luôn luôn khuyến khích, giúp đỡ luyện tập cho mẹ để mẹ từ từ ngồi dậy rồi đứng lên đi đứng trở lại dù phải nương vào một dụng cụ tập đi. Cả tháng sau khi bị té, mẹ mới chỉ có thể đi hết sức chậm chạp chừng mười, mười lăm phút mỗi ngày.

Thế rồi cả anh chị em quyết định theo nguyện vọng của mẹ, đưa mẹ về Việt Nam để mẹ có thể chết yên ổn nơi quê nhà, được chôn cất cạnh mồ của Ba vì mẹ rất sợ phải bị thiêu đốt sau khi chết. Vì là anh cả lại là người xuất sĩ, không vướng bận nghề nghiệp, gia đình, tôi được lãnh nhiệm vụ chăm sóc mẹ tại quê nhà. Trước đó tôi lại được tăng thân hỗ trợ về lại nhà ít nhất là trong một năm. Khó khăn đầu tiên là chuyến đi dài trở lại Việt Nam bởi không biết mẹ có đủ sức ngồi máy bay, xe tàu suốt mấy ngày đêm để về lại  quê hương? Trong quá khứ, sau một chuyến đi nhọc nhằn, người già dễ bị kiệt sức, mẹ thường đau ốm cả tháng mà phương tiện y tế của ta thì làm sao so bì được với nước ngoài. Thật không dễ dàng thay đổi môi trường, lối sống. Nhưng, cũng già yếu, cũng bệnh tật mà cả triệu người nước ta vẫn cứ sống được thì nay, cứ ai sao ta vậy, dù gì thì cũng phải cố gắng làm vui lòng mẹ trước đã. Trong hoàn cảnh khó, phải tự lực mà thôi vì không thể mãi mãi trông cậy ở sự giúp đỡ của người khác. Bụt đã dạy phải tự mình làm hải đảo cho mình, phải tìm nơi nương tựa nơi chính mình là gì? Và nếu chưa đủ tin tưởng nơi khả năng của mình là vì mình còn quá nhiều sợ hãi, lòng tin của mình chưa đủ sâu, thì mình cũng có thể cầu xin sự giúp đỡ của Bồ tát Quán Thế Âm vì Ngài thường cứu khổ và cho mình sự không sợ hãi. Sức mạnh tiềm tàng trong mình vừa là tâm linh mà cũng là trí tuệ để ứng phó thích ứng với mọi hoàn cảnh theo trình tự Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ. Vậy thì chuẩn bị cho một chuyến đi nhọc mệt, ta cần gom sức lực và sự tỉnh táo để nắm bắt và tận hưởng những cảnh lạ, những niềm vui của chuyến đi, nghĩa là “Quẳng gánh lo đi” mà vui sống.

Trong chuyến đi ta cần nhiều sức mạnh tinh thần, chánh niệm để biết thư giãn, để biết ăn thật nhẹ dù các món ăn trên phi cơ vừa hấp dẫn vừa miễn phí, không ăn không đành! Nhưng ăn vào bao nhiêu thức béo bổ thì làm sao còn sức lực cho các cơ quan khác của ta, vì bao nhiêu năng lượng phải dùng vào việc tiêu hóa rồi. Mà tim cũng cần có đủ sức để bơm máu nuôi não. Não cần tỉnh táo để giúp ta có những bước chân vững chải. Vậy thì các thức ngon hãy để dành khi đã về, đã tới và khi cơ thể đã có thời gian nghỉ ngơi lấy lại sức. Nhờ sự tỉnh táo, tôi và mẹ tôi không ăn các thức có đường, có bột như bánh kẹo, nước ngọt. Cũng từ chối các thứ béo bổ như bơ, dầu trộn xà lách, các món chiên xào và các món có sữa, có thịt vì chúng đều có rất nhiều chất béo của loài động vật, hết sức khó tiêu. Chất béo từ thực vật qua chế biến cũng rất khó tiêu nên cũng cần tránh các loại đậu, đậu phộng và đậu nành, dầu thực vật và nước cốt dừa. Đó là chế độ ăn uống của chúng tôi trong chuyến đi và suốt tháng đầu ở Việt nam. Chúng tôi chỉ ăn rau và một ít trái cây không quá ngọt như chanh, chanh dây, bưởi, mận, cóc, ổi, thanh long, đu đủ xanh hay vừa hườm hườm màu mỏ vịt để làm gỏi. Tuyệt đối không dùng đường, sữa, dầu mỡ chiên xào và khó chấp nhận nhất là không ăn cơm trắng, chỉ ăn thật ít cơm lức, chừng vài muỗng mỗi bữa ăn. Mẹ không nhai được nhiều rau nên phải phương tiện mà giúp mẹ uống nước rau xay mịn. Chính vì không ăn cơm nên bữa ăn nào cũng nhẹ, ăn luôn luôn bị đói nên mới có thể ăn thêm rau. Vì vậy tục ngữ ta mới có câu “Đói ăn rau” và lẽ dĩ nhiên “đau nhịn đói” hay “đau uống nước – nước rau ” chứ không phải lúc nào cũng phải “đau uống thuốc”.

Sau ba tháng nơi quê nhà, mẹ không còn uống bất cứ viên thuốc nào. Vì bao nhiêu bệnh tật đều lùi bước khi người ta có nhiều niềm vui. Mà mẹ thì vui lắm vì sáng chiều được tụng kinh, được nói thỏa thích tiếng Việt, được dạo bộ cả hai ba tiếng đồng hồ trong vườn nhà hoặc trong khuôn viên chùa làng. Tối ngủ không cần uống thuốc ngủ vì đã có con cháu quanh mình, còn có chi lo lắng mà mất ngủ. Phòng hơi lạnh vì mùa rét, cao nguyên đôi lúc cũng 12 đến 20 độ nhưng phòng thông với gió trăng, mền dù mỏng cũng đủ ấm. Nhờ ăn rau đã cho mình nhiều sức lực, đi bộ giúp cho bắp thịt khỏe mạnh nên tuy không ăn đồ bổ mà mẹ lên cân, lên cả 5 kg trong ba tháng.

Mẹ đang từ từ trở lại cuộc sống thời thơ ấu khi mẹ sống ở vườn quê. Mẹ không còn nói: “Thôi chết mau cho khỏe” mà tìm xem chỗ nào mình trồng cây ổi, chỗ nào cắm dây khoai lang và tận hưởng mùi thơm “điếc mũi” của cây hoa lài lúc về đêm. Bây giờ mẹ cũng có khi ăn bún riêu, có khi đậu hũ cuốn bánh tráng mè, có khi ăn xoài, ăn chuối cau, chuối sáp… Và, lần đầu tiên được ăn gỏi trái vả trộn như người Huế, chút ít thôi nhưng mẹ vui vì mình còn đủ mạnh để ăn còn biết ngon, để tiêu hóa rau và trái cây… Sao mà ngon và lạ, mình ăn cơm thiệt ít mà cũng đủ hả?

Nguyện cầu Mẹ mãi còn nhiều niềm vui giản dị mà ở lâu với con cháu.