Nhận diện, chấp nhận và chuyển hóa

Chân Hài Nghiêm

Sư cô Hài Nghiêm người Pháp, thuộc gia đình xuất gia Cây Lê. Là một người xuất gia trẻ, sư cô có ước mong giúp mọi người được chuyển hóa và trị liệu bằng phương pháp thiền tập. Hiện sư cô đang thực tập với đại chúng ở Phật Học Viện Ứng Dụng Châu Âu (EIAB) tại Đức. Sư cô Chân Tại Nghiêm chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Pháp. Trích từ Lá Thư Làng Mai 36.

Chủ nhật, 6/1/2013

Thương gửi Thầy và Tăng thân yêu quý,

Con thực sự muốn tìm những từ ngữ có thể nói lên lòng biết ơn của con đối với Thầy và Tăng thân một cách sâu sắc nhất, nhưng rồi con nghĩ chỉ nói ra điều đó thôi thì chưa đủ, mà cách hay nhất là con cần phải sống đời sống hằng ngày của con trong tỉnh thức, để nuôi dưỡng lòng biết ơn và đền đáp lại tấm lòng của mỗi người trong Tăng thân bằng sự thực tập của mình. Ơn nghĩa này chắc không thể nào con có thể đáp đền trong một đời, chắc chắn là như vậy!

Sư cô Hài Nghiêm (phải) và sư cô Châu Nghiêm và đề án “1000 trái tim” tại EIAB

Sáng nay, trong buổi ngồi thiền, con đã trải nghiệm một điều tương đối mới mẻ. Anh trai lớn của con cũng tham dự buổi ngồi thiền, anh ngồi cùng với quý thầy. Trong suốt 45 phút của buổi ngồi thiền, anh cứ cựa quậy, bẻ ngón tay và thở rất mạnh… Ban đầu con tự hỏi anh chỉ làm ồn một chút rồi sẽ yên trở lại hay là anh sẽ đi ra ngoài vì không thấy thoải mái khi ngồi thiền. Rồi thì những câu hỏi liên tiếp cứ đi lên trong con, liệu anh có nghe được những tiếng ồn mà mình đang tạo ra không? Anh có «nghe được sự yên lặng» của mọi người trong thiền đường không? Anh có cảm nhận được năng lượng khó chịu của mọi người trong thiền đường khi bị quấy rầy không? Chỉ một lúc thôi mà chính con cũng cảm thấy bất an. Con bắt đầu nghĩ ngợi không biết mọi người sẽ nghĩ gì về gia đình mình. Nhưng cũng ngay lúc đó, con không để cho tâm con đẩy con đi về hướng chối bỏ anh ruột của mình, con chọn một hướng đi khác. Con quyết tâm mở lòng ra để chấp nhận hoàn cảnh và những tập khí của gia đình mình mà không mặc cảm, xấu hổ.

Từ từ con nhớ lại ước nguyện ban đầu của mình khi đi xuất gia, như lời Thầy vẫn thường dạy. Vì sao con muốn thực tập thiền, có phải vì con muốn đi tìm sự bình an thực sự trong tự tâm mình? Con đâu phải thực tập để nhằm vui thú với cái yên tĩnh bên ngoài, trong khi bên trong thì tâm con lại tán loạn, rối bời… Và con đã trở về theo dõi hơi thở, mỗi lần cảm thọ bực bội phát khởi vì tiếng ồn do anh con gây ra thì con lại hướng sự chú tâm vào sự phồng xẹp của bụng. Từ giây phút đó, con bắt đầu nghĩ đến trách nhiệm của mình là phải chỉ dẫn cho anh cách trở về chăm sóc chính mình, cách theo dõi hơi thở. Nhưng con cũng hơi ngần ngại, con không biết mình có nên đứng dậy để đến ngồi bên cạnh anh và hướng dẫn cho anh hay không. Con tự nói với mình rằng điều này không làm đại chúng phiền thêm đâu, vì giờ ngồi thiền đã trôi qua khoảng 30 phút rồi.

Con xin dừng lại ở đây một chút, vì con muốn ý thức rằng mặc dù anh trai của con đã rời tu viện sáng nay nhưng anh vẫn đang có mặt ở đây với con trong giờ phút này. Con biết không phải dễ gì mà con cũng như đại chúng ở đây có thể hiểu và chấp nhận vẻ bề ngoài của anh… Thực ra thì trong hai tuần anh con ở đây, con đã thay đổi một cách tích cực cách nhìn của mình đối với anh, và con thấy mình không phải cố gắng nhiều như trước đây để có thể dịu dàng, ân cần đối với anh.

Thứ Hai, ngày 7/1/2013

… Sáng hôm qua, con đã không đến ngồi bên cạnh anh con để hướng dẫn cho anh cách thở, bởi vì lúc đó con nhận ra rằng con đang bị thúc đẩy phần lớn bởi ý muốn làm chấm dứt những tiếng ồn do anh con gây ra. Con không biết bao nhiêu người trong thiền đường cảm thấy khó chịu, bực bội, và có thể mong chờ con làm một cái gì đó để thiết lập lại sự yên tĩnh cho buổi ngồi thiền. Con cũng không biết có bao nhiêu người có khả năng định tâm và thậm chí có thể phát khởi tình thương khi ý thức rằng chính vì những người đang khổ đau này mà tất cả chúng ta cùng ngồi đây. Điều duy nhất mà con biết đó là con đã trải qua tâm trạng muốn chối bỏ anh trai của mình, nỗi lo sợ bị mọi người đánh giá về gia đình, đồng thời con cũng ý thức rõ hơn lúc nào hết là con cần phải thực tập thở và chấp nhận những gì đang xảy ra trong giây phút hiện tại. Cuối cùng thì con cũng cảm thấy nhẹ nhõm khi không còn giận anh nữa, giờ đây con đã có thể thương được anh, điều này làm cho con cảm thấy ấm áp, dễ chịu. Con cũng nhận thấy và có niềm tin rằng tăng thân có đủ tình thương để chấp nhận anh con. Cho dù có thể có một vài người trong tăng thân chưa hiểu hoặc cảm thấy bực bội về chuyện này thì với tình thương mà con dành cho anh cũng như cho chính bản thân mình, con vẫn có thể chấp nhận được điều đó. Con tin rằng điều vô cùng ý nghĩa đối với con là xây dựng và gìn giữ một ngôi nhà ấm áp, thân thương, nơi luôn chào đón tất cả những ai đang và sẽ cần đến trong hiện tại và trong tương lai.

Đã nhiều lần chúng con được ngồi chia sẻ với một sư cô lớn trong tăng thân về chủ đề: liệu tăng thân mình có khả năng hiến tặng pháp môn tu học cho những người bị bệnh rối loạn tâm lý hay không. Một mặt, chúng con thấy rằng tăng thân đã làm được rất nhiều, nhiều hơn những gì mà mọi người có thể nhận thấy được, thông qua việc xây dựng một môi trường lành mạnh và nuôi dưỡng. Nhưng mặt khác thì sư cô lớn và con cũng nhận thấy rằng trước tiên mình cần phải nỗ lực thực tập để nắm vững hơn nữa các pháp môn căn bản, đồng thời học hỏi thêm những phương pháp hỗ trợ để đáp ứng được một cách phù hợp đối với thực trạng khổ đau do rối loạn tâm lý gây ra, vì đây là một căn bệnh khá đặc biệt và phức tạp. Con rất có niềm tin là tăng thân sẽ làm được vì có rất nhiều những vị Bồ tát tài năng trong tăng thân xuất sĩ cũng như cư sĩ, trong đó có các cư sĩ Tiếp hiện. Con nhớ đến một cuốn sách trong đó có chia sẻ về kinh nghiệm của một nhà tâm lý học đồng thời cũng là một người thực tập thiền theo truyền thống Tây tạng, ông đã giúp xây dựng những điều kiện, môi trường thuận lợi để hỗ trợ và chữa trị cho các bệnh nhân bị rối loạn tâm lý. Cuốn sách đó có tên là «The Seduction of Madness» của Tiến sĩ Edvard Podvoll.

 

Năm nay, ước mong sâu sắc nhất của con là ước mong cho sự sống và bình an có mặt khắp nơi trong vũ trụ này, điều đó cũng có nghĩa là nguyện cầu cho tất cả mọi người và mọi loài luôn biết trở về với đất Mẹ. Con thấy là mỗi khi có mặt anh trai của con thì tâm con thường xoay như chong chóng và không thể tiếp xúc được với thân, với đất Mẹ. Nếu chính con không giữ được cho tâm an trú, có mặt với thân và với đất mẹ thì con sẽ luôn bị cuốn đi bởi những trận gió xoáy từ anh trai con. Khi đó, con không thể tiếp xúc được với con người thật của anh trai mình, một con người dễ thương mà con đã từng biết, con cũng đồng thời không tiếp xúc được với những gì đẹp và lành nơi chính mình. Nếu con biết thương chính con, nếu con biết chế tác hạnh phúc trong từng bước chân, từng hơi thở chánh niệm thì những cơn gió xoáy nếu có đến cũng chỉ tạo ra một chút xáo động trên bề mặt nhưng không thể gây chướng ngại hay ngăn cách giữa hai anh em. Đó là một sự khác biệt vô cùng lớn. Con ước gì mình giữ được cái thấy sáng tỏ này trong từng giây phút và chia sẻ nó với tất cả mọi người.

Con cũng muốn xin lỗi đối với tất cả những ai trong tăng thân đã bị ảnh hưởng bởi những khó khăn của anh trai con trong những ngày qua. Con cũng muốn xin lỗi anh trai con cũng như tất cả mọi người trong gia đình huyết thống. Nếu không có cha mẹ và anh chị em thì con không thể nào có mặt trong cuộc đời này. Nhân dịp này, con muốn nói lên lòng tri ân của con đối với Thầy và Tăng thân, đối với gia đình huyết thống, đối với đất Mẹ và tất cả những ai đã giúp con mỗi ngày nhìn cuộc đời với con mắt thương yêu.