Ngày em hai mươi tuổi

Kính thưa đại chúng!

Hôm nay là ngày 13 tháng Chạp năm 2001. Chúng ta đang ở tại xóm Hạ, chùa Cam Lộ, trong khóa tu mùa Đông. Hôm nay Ban Biên Tập của tập kỷ yếu 20 năm Làng Mai yêu cầu tôi nói một bài về Làng Mai để có thể đánh máy ra và in vào. Có nhiều chuyện để kể thành ra tôi không biết nên bắt đầu chỗ nào.

Sáu Cây Tùng Lọng

Ngày 28/9/1982, chúng tôi tìm ra được Xóm Hạ. Trước khi tìm ra Xóm Hạ thì chúng tôi đã tìm ra Xóm Thượng nhưng ông chủ của Xóm Thượng không chịu bán đất. Ông có một người con trai. Vợ ông ta muốn bán đất cho Làng Mai để lấy tiền cho con trai làm vốn. Nhưng ông Dezon, chủ của khu đất thì không muốn vì ông rất yêu quý mảnh đất ấy, ông vốn là một người nông dân nên không nỡ buông mảnh đất đã gắn bó với mình suốt bao năm trời. Lần đầu đến thăm Xóm Thượng tôi ưng ý ngay lập tức vì Xóm Thượng rất đẹp, tôi rất thích con đường thiền hành ở đó. Nhưng vì chủ nhà  chưa chịu bán nên chúng tôi đành phải tìm một chỗ khác, và chúng tôi đã tìm ra Xóm Hạ. Mặc dù tìm được Xóm Hạ rồi nhưng chúng tôi vẫn muốn có Xóm Thượng nên vẫn tiếp tục theo đuổi Xóm Thượng. Năm đó có nhiều mưa đá nên vườn nho của ông Dezon bị hư hoại vì vậy ông ta rất bực mình tăng giá đất lên cao. Thật ra ông tăng giá đất không phải để có nhiều tiền mà tăng để cho mình khỏi mua, vì ông vẫn không muốn bán. Nhưng mình ưng quá nên dù đắt vẫn mua.

Chúng tôi quyết định mở cửa Làng ngay năm đó, tức là năm 1983, mua đất vào mùa đông năm 1982 và mở cửa làng vào mùa hè năm 1983. Vì vậy từ mùa đông 1982 tới mùa hè 1983 thầy trò phải làm việc khá nhiều. Trước đó, mỗi mùa hè chúng tôi mở cửa ở Phương Vân Am cho thiền sinh tới tu tập. Phương Vân Am nằm ở miền Đông Nam của Paris. Nhưng am nhỏ quá, không tiếp đón được nhiều thiền sinh. Thế nên thầy trò tôi đã đi về miền Nam kiếm đất để làm một trung tâm tu học có thể tiếp đón được nhiều người. Bài thơ "Ảo hóa" đã được tôi làm ở Phương Vân Am. Hồi đó không gọi là Làng Mai mà gọi là Làng Hồng tại vì tôi còn hoài niệm về Làng Hồng ở Việt Nam. Làng Hồng là một trung tâm tu học mà Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội và Dòng Tiếp Hiện dự trù thành lập để làm chỗ tu dưỡng cho những người tác viên xã hội. Hồng đây có nghĩa là cây hồng, trái hồng chứ không phải là hoa hồng.

Thật ra trước đó chúng tôi đã có Phương Bối Am ở miền cao nguyên Trung phần, ở Blao. Nếu quý vị từng đọc cuốn  Nẻo Về Của Ý và từng đọc Fragrant Palm Leaves hay là Feuilles odorantes de Palmier thì quý vị đã biết chút ít về Phương Bối Am. Phương Bối Am cũng là một loại Làng Hồng, được thành lập vào những năm 1950, nơi đây cũng là một trung tâm tu học. Nhưng vì nó cách thành phố xa quá đi, nên Dòng Tiếp Hiện và trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đã muốn có một Làng gần hơn. Khi viết quyển Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức tôi cũng đã có nói tới Làng Hồng và mãi tới tám năm sau thì điều tiên đoán trong Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức được thực hiện. Chúng tôi “tậu” được Làng Hồng.

Ban đầu chúng tôi tính trồng hồng nhưng thấy không thực tế nên cuối cùng đã chuyển sang trồng mai. Chúng tôi còn khá ngây thơ, nghĩ là nếu trồng nhiều mai thì đó là một nguồn kinh tế tự túc. Nhưng vốn không phải là nông dân chuyên nghiệp nên chúng tôi đã không thành công lắm. Chúng tôi đã hưởng hoa nhiều hơn là trái. Hồi ấy sư cô Chân Đức từng ghi tên học tỉa mai một tuần lễ và cô cũng có khả năng tỉa mai, nếu không tỉa thì mai không thể lớn lên được và không có trái. Nhưng sức của cô chỉ tỉa được vài chục cây là cùng trong khi mình có tới 1250 cây mai.

Chúng tôi bắt đầu trồng mai ngay vào năm đầu của Làng mở cửa, tức là năm 1983. Trong số những cây mai được trồng đó có những cây được trồng bằng tiền túi của các em thiếu nhi về Làng tu học. Các em nghe rằng trong bảy năm mai sẽ có trái, trái đó sẽ được phơi khô, bán và lấy tiền gởi về nuôi trẻ em đói ở Việt Nam và những nước nghèo đói. Vì vậy nhiều thiếu nhi đã để dành tiền túi mà trồng cây mận. Hồi đó mỗi cây mận mang tên một em bé Việt Nam hay một em bé ngoại quốc nhưng số lượng các em bé Việt Nam đông hơn. Mỗi em phải có 35 quan Pháp thì mới có thể trồng được một cây mai. Còn nếu không có đủ 35 quan Pháp thì em phải chung vốn với một em khác mới có thể trồng được một cây ở Làng Mai, nghĩ rằng cây đó để nuôi trẻ em đói nên các em rất vui sướng. Và chúng tôi đã cố gắng để trồng đủ số lượng 1250 cây. Đó là con số của tăng đoàn nguyên thủy của Bụt. Vào tháng 5 năm 1983, chúng tôi ấn hành tập: Sổ Tay Của Người Về Làng bằng tiếng Việt, sau đó mấy tháng cuốn sách ấy được ấn hành bằng tiếng Anh.

Đầu năm 1983 trên Xóm Thượng chúng tôi bắt đầu trồng cây. Những cây đầu tiên là tùng lọng, phía trên của cây tán xòe ra như một cái lọng. Hôm đó chúng tôi đã trồng được sáu cây tùng lọng dưới sự cộng tác của một bác nông dân trong vùng cùng với chiếc máy đào đất. Đất Xóm Thượng toàn đá, đào tới đâu là có đá ở đó nên phải có máy mới đào được. Ngày hôm ấy trời mưa và mọi người đều ướt nhẹp. Sau khi trồng xong tùng lọng thì tôi ngã bệnh và nằm luôn ba tuần lễ. Trong Làng ai cũng lo. May quá, sau đó tôi dậy được và bắt đầu ăn cháo.

Khóa tu mùa hè gọi là Summer Opening. Mùa hè đầu tiên có 117 thiền sinh về tu học. Trong mùa tu học này chúng tôi chưa có thiền lạy, chưa có thi kệ nhật dụng nhưng đã có thiền tọa, thiền hành, thiền trà và tham vấn. Hồi đó chưa có các thầy các sư cô nên tôi phải hướng dẫn thiền sinh từ đầu tới cuối, từ A tới Z. Từ thiền ngồi qua thiền trà đến thiền hành. Tôi phải đi sửa lưng của từng người cho thẳng, đầu của từng người cho ngay ngắn. Hồi đó chưa có cuốn Thiền Hành Yếu Chỉ tức là tập sách viết về phương pháp thiền đi. Trước khi Làng mở cửa đã có một Lá Thư Làng Mai, nhưng hồi đó gọi là Lá Thư Làng Hồng. Lá Thư đó chỉ có 3 trang nhưng đọc cũng vui lắm.

Tôi xin đề nghị Tết này mình sẽ photocopy Lá Thư Thứ Nhất, Lá Thư Thứ Hai, Lá Thư Thứ Ba dán lên tường cho mọi người đọc. Các bạn của chúng ta sẽ biết những gì xảy ra trong năm đầu của Làng Mai. Những chi tiết như tôi trồng xong tùng lọng và ngã bệnh nằm luôn ba tuần cũng được ghi chép trong ấy. Mùa thu năm đó có Lá Thư Làng Hồng Số Hai, tường thuật đầy đủ về những gì đã xảy ra trong khóa tu mùa hè khiến mọi người rất hạnh phúc.

Ngay mùa hè đầu tiên mà đã có thiền sinh Tây phương về tu chung với người Việt. Vào mùa hè thứ hai có 232 người về tu, mùa hè thứ ba có 305 người, mùa hè thứ tư có 396 người, mùa hè thứ năm có 452 người, mùa hè thứ sáu 463 người, mùa hè thứ bảy 483 người, mùa hè thứ chín 1030 người. Tới 1996 thì vào mùa hè có 1200 người về. Vào mùa hè 1998 có 1450 người về Làng tu học. Mùa hè 1999 thì có 1500 người và vào năm 2000 thì số lượng thiền sinh tăng lên 1800. Cố nhiên không phải là 1800 người về Làng một lần, tại vì có người chỉ về hai tuần, có người về ba tuần, có người về một tuần, và có người về luôn bốn tuần. Có người về hơn bốn tuần vì sau khi về bốn tuần thì thấy thích quá nên đòi ở lại. Nói như vậy không có nghĩa là thiền sinh chỉ về mùa hè. Trong các mùa khác cũng có thiền sinh về để tu học. Những năm đầu thiền sinh ngoại quốc được ở Xóm Thượng. Thiền sinh gốc Việt Nam và Á châu thì ở Xóm Hạ để được ăn thức ăn quê hương.

Những cây tùng gọi là Cedre Atlantica mà quý vị thấy ở Xóm Thượng cũng được trồng vào năm đầu. Hồi mới trồng chúng chỉ cao có 1m20. Những cây đó lên chậm lắm và càng lớn chúng càng đẹp. Ba trăm năm nữa thì sẽ rất đẹp. Cedre Atlantica dịch là Tùng Đại Tây, có hai loại: một màu lục, một màu lam. Mỗi khi đi thiền hành ở Xóm Thượng chúng ta đều xuất phát từ cây tilleul, cây bồ đề. Qua thiền đường Chuyển Hóa, chúng ta gặp bên tay phải những cây tùng đại tây, những cây Cedre Atlantica. Bây giờ chúng đã đẹp rồi. Mỗi khi đi ngang qua những cây tùng đại tây đó tôi hay nghĩ tới các sư chú, các sư cô. Tôi thường hay đứng lại để ca ngợi "sư chú này làm ăn khá quá", tại vì các cây tùng đó lên rất tốt tươi, rất xinh đẹp. Tôi thường nhìn và thấy đó là một sư chú hay một sư cô đang lớn lên rất mạnh khỏe trên đất Làng Mai. Mỗi khi đi ngang qua chúng tôi hay dừng lại để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những cây tùng ấy. Hai mươi năm qua, bây giờ các cây tùng ấy đã lớn, không còn là những cây tùng nhỏ bé một thước hai như ngày xưa. Ở Làng Mai cũng có nhiều cái đã lớn như các cây tùng. Không những là các sư cô sư chú đã lớn, các Phật tử cư sĩ đã lớn, mà những pháp môn thực tập cũng lớn lên. Cả những kinh nghiệm học hỏi và thực tập của mình cũng lớn như những cây tùng.
 

Làng Mai vô tướng

Năm 1983, đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống tôi đã thấy hoa mai nở trắng cả đồi. Đó là cái nhìn trong bản môn. Bây giờ chúng tôi đã có thêm các trung tâm Làng Mai tại Mỹ, Việt Nam, Đức, Thái Lan, Úc.

Có nhiều người khi tới Làng Mai rất ngạc nhiên vì nó không giống với những gì mà họ tưởng tượng. Có thể trong đầu quý vị ấy nghĩ rằng Làng Mai chắc phải ghê gớm lắm. Đối với phái đoàn của Hiệp Hội Phật Giáo Trung Quốc, chúng tôi đã cảnh báo trước với họ rằng bên chúng tôi không có gì hết, chỉ toàn là cây thôi, thiền đường và tăng xá được xây dựng lại từ chuồng bò. Đã nói rất nhiều lần mà khi qua tới họ vẫn còn ngạc nhiên như thường. Họ không ngờ Làng Mai lại nghèo, đơn sơ và thanh bạch như thế. Tôi nhớ hồi xưa khi hòa thượng Tắc Phước ở bên Úc qua, ngài đem theo một cái máy thu hình (camcorder). Khi tới Làng ngài rất ngạc nhiên và nói: "Làng Hồng không có gì hết à?" Mà đúng là Làng Hồng không có gì hết: không có một mái chùa cong, không có một tượng Phật lớn. Vì vậy cho nên ý niệm của bạn về Làng Mai và sự thật về Làng Mai rất khác nhau.

Hồi hòa thượng Minh Cảnh sang thăm viếng Làng Mai. Ngài mới tới đây độ chừng hai tuần hay ít hơn hai tuần. Ngài nói: "Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một rờ." Ngài đã thấy, ngài đã rờ, nhưng mà chưa chắc ngài đã biết được sự thật về Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn tới trước, và cố nhiên cái thấy của Thượng tọa đã khác với cái thấy của hòa thượng vì thượng tọa Nguyên Chơn đã có cơ hội thấy những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Nhìn vào Làng Mai như thế nào để thấy được những yếu tố không phải Làng Mai của Làng Mai. Thượng tọa Nguyên Chơn đã được đi Hoa Kỳ, đã được tiếp xúc với tăng thân của Làng Mai ở Hoa Kỳ, và vì vậy thượng tọa thấy được Làng Mai sâu hơn hòa thượng Minh Cảnh. Nhưng thượng tọa Giác Trí lại đã được thấy Làng Mai sâu sắc hơn vì thượng tọa Giác Trí đã được đi theo những chuyến hoằng pháp tại Châu Âu, đã đi Đức, đã đi Ý, đã thấy được tăng thân Làng Mai tại Đức, tại Ý; và vì vậy cái thấy của thượng tọa Giác Trí đã rất khác. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta có một cái thấy về Làng Mai.

Thầy Pháp Cần lớn lên ở bên Đức, học ở bên Đức và qua tu ở Làng Mai. Năm vừa rồi được tháp tùng phái đoàn đi Đức, thầy Pháp Cần đã khám phá ra một nước Đức rất mới. Trong suốt những năm ở Đức thầy ấy chưa bao giờ được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Đức. Về Đức lần này thầy thấy rõ ràng rằng ở bên Đức số lượng những người Việt và những người Đức tu học theo pháp môn Làng Mai rất đông. Có những pháp thoại ba ngàn người Đức tham dự, có những pháp thoại bảy ngàn người Đức tham dự, có những buổi thiền hành bốn ngàn người Đức tham dự. Trở về nước Đức, thầy khám phá ra một nước Đức hoàn toàn mới lạ. Làng Mai đang nằm trong nước Đức thế nhưng ở bảy, tám năm bên đó mà thầy không thấy. Chúng ta phải tìm thấy sự thật bằng con mắt vô tướng.

Những yếu tố không – phải – Làng – Mai nằm ở khắp nơi, nằm ở trong lòng mình. Thầy Pháp Đôn cũng vậy, lớn lên ở tiểu bang Florida, đã đi chùa bên đó, đã được gặp tôi trong một khóa tu bên Mỹ, đã qua Làng tu học. Mùa thu vừa rồi được tháp tùng tôi và phái đoàn đi Mỹ, thầy đã khám phá ra một nước Mỹ rất mới. Tại vì lần đầu tiên thầy được tiếp xúc với tăng thân Làng Mai ở bên Hoa Kỳ, khắp nơi, khắp nơi. Vì vậy, tới đây với một cái camcorder để thâu hình chưa chắc thâu được Làng Mai. Làng Mai không phải là một ngôi chùa Việt Nam đặt trên mảnh đất Âu châu. Trong Làng Mai ta thấy có văn hóa Ấn Độ, ta thấy có văn hóa Trung Quốc, ta thấy có văn hóa Việt Nam, ta thấy có văn hóa Tây phương. Vì vậy nhìn Làng Mai cho kỹ ta thấy có những yếu tố không phải là Làng Mai nằm ở trong Làng Mai. Cho nên Làng Mai cũng là một đối tượng thiền quán. Nhìn càng sâu, ta thấy càng rõ. Nếu không thì nhìn Làng Mai ta chỉ có một khái niệm rất cạn, rất mơ hồ về Làng Mai. Nếu nhìn Làng Mai cho kỹ thì mình thấy Làng Mai cũng bất sinh và bất diệt.

Ngày xưa khi đi thăm tu viện Kỳ Viên, Jeta Grove, ở Ấn Độ tôi thấy tu viện Kỳ Viên không còn nữa. Có một phái đoàn khảo cổ Nhật đang khai quật khu đất tu viện Kỳ Viên, phát hiện ra nền móng của nhiều tu viện san sát nhau. Tất cả tu viện Kỳ Viên đều đã bị san bằng theo thời gian và đất cát đã phủ lấp lên. Bây giờ nhờ đoàn khảo cổ đó khai quật nên chúng ta mới thấy rõ ràng những tu viện rất lớn nằm bên nhau san sát. Chúng ta nhận ra được đây là chánh điện, đây là tăng xá, đây là giảng đường. Nhưng tu viện Kỳ Viên đâu phải không còn? Vì khi chúng ta đi qua các nước khác, thấy các tu viện ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên hay Tây Tạng thì chúng ta lại thấy rằng Kỳ Viên vẫn còn đó trong những hình thức mới của nó. Vì vậy Kỳ Viên tính là bất sinh bất diệt. Làng Mai cũng vậy. Ví dụ ngày mai này họ đóng cửa Làng và có người xây cất siêu thị ở Xóm Thượng và Xóm Hạ thì Làng Mai vẫn còn, còn dưới những hình thái mới của nó ở khắp nơi, nhất là trong lòng chúng ta. Vì vậy, tới Làng Mai, ta phải nhìn Làng Mai cho kỹ để thấy được tính bất sanh bất diệt của Làng Mai, thấy thực tại của Làng Mai vượt ngoài các tướng.
 

Đường xưa mây trắng

Năm đầu khi mở cửa Làng Mai vào mùa hè, tôi thường hay cư trú trên phòng của cư xá Hồ Đào gần với cây Tilleul. Ở dưới có quán sách và ở trên là phòng tôi ở. Vào năm đầu và năm thứ hai chúng ta có ít phòng lắm nên tôi đã ngủ chung với mấy thiếu nhi. Bốn năm đứa trẻ ngủ chung với tôi và ban đêm các cháu đã nằm lăn ra khắp nơi. Bài hát: “Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời…” tôi có chủ ý làm cho thiếu nhi hát. Tôi nghĩ là thiếu nhi phải hát chứ tụng thì chưa đủ.

Hôm đó tôi ngồi thiền buổi chiều trong thiền đường Yên Tử. Trước mặt tôi có một tảng đá vì các bức tường của thiền đường Yên Tử đều được xây hoàn toàn bằng đá. Đang ngồi thiền thì tự nhiên những nốt nhạc của bài hát: “Con về nương tựa Bụt, Namo Buddhaya” đi ra. Sau đó tôi sửa lại: “Con về nương tựa Bụt, người đưa đường chỉ lối cho con trong cuộc đời” rồi mới tới: “Namo Buddhaya”. Tôi tự nghĩ: Mình đang ngồi thiền chứ đâu phải đang sáng tác nhạc. Thôi để ngồi thiền xong rồi sẽ sáng tác tiếp”. Nhưng ngồi một lát nữa thì những nốt nhạc lại trở về. Tôi nghĩ: “Thôi, nếu đã như vậy thì mình sáng tác ngay lúc này”. Và trong khi ngồi thiền tôi tiếp tục sáng tác bài: “Con về nương tựa Bụt”. Ngồi thiền xong thì tôi ra thâu bài hát vào băng nhựa vì sợ quên.

Trong thời gian thiền sư Baker Roshi tới thăm Làng Mai, tôi đã khởi thảo tập sách hướng dẫn về thiền đi. Sau đó thì những bài thi kệ nhật dụng bằng tiếng Việt được sáng tác. Tôi còn nhớ là hồi đó tôi viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong quán sách của xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh. Tay phải tôi viết còn tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Tôi đã viết những chương của Đường Xưa Mây Trắng với rất nhiều hạnh phúc. Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với Đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết, mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc.

Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá. Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ ba anh em ông Ca Diếp. Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chãi là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công.

Chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Mình đã thành Phật rồi, mình đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình mình vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của em. Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công. Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được. Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh. Đó là chủ tâm của tác giả, giúp cho người ta khám phá lại Bụt như một con người và lột ra hết các vòng hào quang thần dị người ta đã choàng lên cho Bụt. Không thấy Bụt như một con người thì người ta sẽ tới với Bụt rất khó.
 

Rue de la goutte d’Or

Tôi rời đất nước năm 1966, vào tháng năm. Lúc đó chiến tranh Việt Nam đã đi đến mức khủng khiếp. Tôi nghĩ rằng mình phải ra đi để cất lên tiếng kêu gọi hòa bình. Tôi chỉ muốn đi vài tháng thôi rồi về. Lúc đó trường đại học Cornell ở Ithaca mời tôi qua để giảng một loạt bài về tình hình ở Đông Nam Á. Người đứng ra mời là George Kahin, giáo sư chính trị học ở tại trường Cornell. Tôi đi ra để nói rõ là dân Việt Nam không muốn đánh nhau nữa, chỉ muốn ngồi xuống thương thuyết với nhau để đi tới một giải pháp hòa bình và các cường quốc lớn trên thế giới đừng dùng Việt Nam làm một chỗ để tranh giành ảnh hưởng nữa, đừng sử dụng ý thức hệ cũng như bom đạn trên đất nước nhỏ bé đó.

Trong chuyến đi này, tôi có nhờ một tổ chức hòa bình là Fellowship of Reconciliation, gọi là hội thân hữu hòa giải sắp đặt. Đó là một tổ chức có tính cách tôn giáo và tâm linh, không phải là một tổ chức chính trị. Họ bảo trợ cho tôi để tôi có thể đi khắp nơi trên nước Mỹ và các nước Âu Châu và Úc Châu để nói lên tiếng nói của những người khao khát hòa bình. Trong chuyến đi đó tôi đã đi Mỹ, đã đi hầu hết các nước Âu Châu và sau đó tôi đi Úc, đi Tân Tây Lan, đi Phi Luật Tân và đi Nhật. Trong quá trình vận động hòa bình này, tôi được báo tin rằng chính quyền Việt Nam không muốn cho tôi về đây nữa. Vì vậy tôi đã bị lưu đày từ tháng năm năm 1966 đến bây giờ. Hồi đó, gần như mỗi đêm đều có nằm mơ về nhà. Tất cả bạn bè, học trò và công việc lý tưởng của mình đều ở Việt Nam. Nào là Viện Cao Đẳng Phật học, Viện Đại Học Vạn Hạnh, tuần báo Hải Triều Âm, trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, nhà xuất bản Lá Bối. Tất cả công việc đó, tất cả học tăng nam và nữ đều ở Việt Nam. Vì vậy không về được Việt Nam tôi rất buồn. Tôi bị lưu đày vì đã dám cất lên tiếng kêu gọi hòa bình.

Trong những giấc mơ tôi thấy tôi đang leo lên một cái đồi rất xanh, có những cây rất đẹp và có những căn nhà rất xinh xắn. Thường thường leo tới lưng chừng đồi thì tôi tỉnh dậy và nhớ rằng mình đang bị lưu đày. Giấc mơ này cứ lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi đi làm việc rất hăng hái. Có khi chỉ ngủ một đêm ở thành phố, và khi làm việc tại thành phố đó xong thì phải bay đi thành phố khác. Thời gian ngồi trên máy bay là lúc nghỉ ngơi vì xuống máy bay, vào đến phi trường là phải họp báo, phải nói chuyện. Tôi đã đi tới rất nhiều các thành phố lớn ở Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu. Có lúc thức dậy ở khách sạn, tôi không biết là tôi đang ở đâu. Hồi đó các thành phố ở Âu Châu không có chùa. Tổ chức bảo trợ cho tôi là một tổ chức hòa bình có khuynh hướng tôn giáo mà trụ sở đặt ở Newark, New York. Họ lo cho tôi về vấn đề chuyên chở và lưu trú, và họ cử một vị phụ tá đi theo. Hồi đó làm gì có phụ tá người Việt nên mỗi khi bị cảm tôi phải nhờ phụ tá người Mỹ cạo gió. Mà phụ tá người Mỹ làm sao biết cạo gió, nên tôi phải huấn luyện cho người đó để anh ta có thể cạo gió được.

Lúc đó tôi đã biết tu tập chánh niệm, biết cố gắng an trú bây giờ và ở đây, cho nên trong mỗi hơi thở, trong mỗi bước chân tôi đều có thực tập làm quen với cảnh vật và con người ở tại Âu Châu. Cây cối ở đây khác, chim chóc khác, hoa cỏ cũng khác và người cũng khác. Tôi phải tập làm quen và chơi với trẻ em ở Âu Châu: trẻ em Đức, trẻ em Pháp, trẻ em Ý; làm bạn không phải với những ông thầy tu đạo Bụt mà làm bạn với những ông mục sư Tin Lành, những ông linh mục Công giáo, và thực tập nhận diện những cái mầu nhiệm của hiện hữu đang có mặt xung quanh mình. Tôi thực tập rất đàng hoàng và sau đó vào khoảng một năm hay một năm mấy thì giấc mơ kia không trở về nữa. Tôi đã chấp nhận cả trái đất là quê hương của mình.

Từ năm 1968 đến 1975 tôi thành lập và hướng dẫn một phái đoàn hòa bình của giáo hội Phật Giáo Việt Nam tại Paris. Cuối năm 68, đầu 69 đã có hội nghị hòa bình tại Paris và khi thăm dò thì biết bộ ngoại giao chính phủ Pháp đồng ý cho mình mở một trụ sở của Phật Giáo tại Paris. Nhưng khi mình triệu tập hội nghị Phật Giáo Việt Nam tại Paris, mời tất cả các đại diện Phật giáo Việt Nam tại các nước về họp ở Paris thì bộ ngoại giao lại không cho, bộ ngoại giao ép mình phải đem cái hội nghị đó về Fontaienbleau dưới áp lực các phái đoàn Hà Nội, Sài Gòn và Mỹ.

Ban đầu trụ sở của phái đoàn Phật giáo Việt Nam là ở tại Maisons Alfort, ngoại ô Paris. Sau đó, vào tháng 5 năm 1970 thì mới dời trụ sở đó về Paris, đó là số 11 đường La Gtoutte d’Or ở Paris 18 è. Trước đó tôi đã sáng tác được cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa (Lotus in the Sea of Fire), được xuất bản bằng tiếng Anh, rồi bằng tiếng Đức, rồi bằng một số các thứ tiếng khác trong đó có tiếng Nhật. Cuốn này cũng được in chui ở Việt Nam nhiều lần. Sư cô Chân Không hồi đó có giúp vào việc in chui, phát hành chui sách này và bị bắt. Sư cô bị bắt tại Huế vì có trong người một cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa, được xem như tài liệu hòa bình. Sư cô được chuyển về nhà giam ở Sài Gòn.

Hồi đó tôi cũng sáng tác và gửi về nhà một tập thơ gọi là Tiếng Đập Cánh Loài Chim Lớn cũng đã được sư cô in chui. Nhà xuất bản ở bên Mỹ cũng có in của tôi một tập thơ gọi là The Cry of Vietnam, in tiếng Anh và sau đó được dịch ra nhiều thứ tiếng khác. Trong thời gian làm việc tại Maisons Alfort tôi có xuất bản cuốn Love in Action và một tập khảo luận gọi là Đối Thoại Cánh Cửa Hòa Bình, đối thoại giữa những người quốc gia và những người cộng sản, (Dialogue, the Key to Vietnam Peace). Sau đó một thời gian phái đoàn Phật giáo Việt Nam được dời về thành phố Sceaux, 69 Boulevard des Granges mà số điện thoại là 7.02.67.33. Trong thời gian làm việc tại Sceaux tôi có sáng tác được Vấn Đề Nhận Thức Trong Duy Thức Học, tôi có viết được Văn Lang Dị Sử, Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận I. Trong thời gian đó tôi được nhận vào dạy ở trường Ecole Pratique des Hautes. Etudes trong ngành gọi là Science Historique et Philologique (khoa học lịch sử và bác ngữ). Chính trong thời gian giảng dạy đó mà tôi tìm ra được sự thật là Tuệ Trung Thượng Sĩ không phải con của Trần Hưng Đạo mà là anh ruột của tướng Trần Hưng Đạo. Hồi đó tôi cũng viết cuốn Nẻo Vào Thiền Học nhưng không phải bằng tiếng Việt. Nó được một nhà xuất bản ở Paris đặt viết bằng tiếng Pháp, và khi xuất bản tên là Clés du Zen.

Sau 1975, khi Mỹ rút khỏi Việt Nam và chính quyền miền Bắc nắm hết cả miền Bắc lẫn miền Nam thì tăng thân ở Paris rút về Phương Vân Am. Phương Vân Am cách một giờ rưỡi từ Paris, và là chỗ mà trước đó mỗi cuối tuần mình đều về để tu dưỡng. Tại Phương Vân Am tôi đã sáng tác được Bưởi, Trái Tim Mặt Trời, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận II Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III. Trong thời gian ở Phương Vân Am này, từ 1975 đến 1982, cho đến khi tìm ra Làng Mai thì tôi, sư cô Chân Không và một số các vị khác trong tăng thân đã tổ chức cứu trợ thuyền nhân, đã thuê ba chiếc tàu, một chiếc tên là Leapdal, một chiếc tên là Roland, và một chiếc tên là Saigon 200 để đi cứu thuyền nhân trên biển. Mục đích của mình là vớt người trên biển để chở một cách bí mật tới các nước như Úc… Lúc ấy trên thuyền của mình đã có 550 thuyền nhân, nhưng sau đó công tác bị lộ, tôi cũng như sư cô Chân Không bị dẫn độ, tức là bị đuổi ra khỏi Tân Gia Ba, vì văn phòng của mình hoạt động bí mật ở Tân Gia Ba. Tân Gia Ba có một chính sách rất không nhân từ đối với thuyền nhân. Mình bị lộ vì các nhà báo đi săn tin, nếu không thì mình đã có thể chở các thuyền nhân đó bị giao cho Ủy Ban Tị Nạn của Liên Hiệp Quốc và phải ở trong các trại tị nạn ba năm, bốn năm hoặc năm năm mới có thể đi định cư. Rất tiếc. Trong cuốn Thử Tìm Dấu Chân Trên Cát sư cô Chân Không có kể lại câu chuyện đi cứu trợ thuyền nhân trên biển. Mời quý vị đọc.

Như quý vị đã biết, ở Phương Vân Am, mỗi mùa hè mình cũng mở cửa cho thiền sinh tới tu học nhưng vì cơ sở bé nhỏ quá nên mình mới có ý đi về miền Nam để kiếm một chỗ lớn hơn. Sư cô Chân Không, trước khi rời Việt Nam để qua giúp tôi, đã làm việc với trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội rất đắc lực. Và sư cô Chân Không đã có mặt với tôi bắt đầu từ năm 1968 cho tới bây giờ, đã yểm trợ tất cả các công tác về hòa bình, về xã hội của tôi một cách liên tục, không có một giây phút nào ngưng nghỉ, không có một giây phút nào thối chí và muốn bỏ cuộc. Cố nhiên là tôi có rất nhiều các bạn và các đệ tử khác, nhưng có người đã bỏ cuộc nửa chừng, bởi vì trên đường tranh đấu cho hòa bình, nhân quyền và xây dựng tăng thân, có rất nhiều hiểm nguy, khó khăn và trở ngại. Có thể là vì có những khó khăn nội tâm hay khó khăn ngoại cảnh mà nhiều người phải bỏ cuộc nhưng sư cô Chân Không đã đi bên tôi từ đầu đến cuối như một chiến hữu, chưa bao giờ có tư tưởng bỏ cuộc nửa chừng.
 

Sen búp từng cánh hé

Tôi xuất gia ở Việt Nam, lớn lên ở Việt Nam, học Phật ở Việt Nam, tu tập ở Việt Nam nhưng có chứng đắc ở Tây Phương. Trước đó tôi cũng đã từng dạy nhiều thế hệ học tăng rồi. Chính năm 1962 tại trường đại học Princeton nơi tôi cư trú, tôi bắt đầu có những cái thấy rất sâu sắc, hoa trái của sự thực tập. Nếu đọc cũng giống như chuyện tôi đi tu vậy. Vì hoàn cảnh Việt Nam lúc đó rất căng thẳng, và khi qua tới Princeton tôi thấy trường đại học này giống như một cái tu viện, xa hẳn những đòi hỏi cấp bách của thời thế. Tôi có thì giờ rất nhiều để đi thiền hành, để làm chín những cái thiền quán chưa được chín lúc đó. Mùa hè năm 1962 tôi viết cuốn Bông Hồng Cài Áo. Bông Hồng Cài Áo là một tập văn rất đơn sơ, nhưng đó thực sự là hoa trái của tuệ giác. Đó là lần đầu giáo pháp ‘‘Hiện Pháp Lạc Trú’’ được diễn tả.

Tất cả chúng ta đều có một bà mẹ. Mẹ thơm như chuối ba hương, ngon như xôi nếp một và ngọt như đường mía lau, vì vậy ta đừng sống hờ hững mà phải sống cho có ý thức. Đó là cái thấy Hiện Pháp Lạc Trú. Mình sống như thế nào để những cái thấy mầu nhiệm của cuộc sống đừng vuột khỏi tầm tay mình, mình phải sống sâu sắc với mỗi giây phút trong hiện tại. Vì vậy cho nên có thể coi Bông Hồng Cài Áo là cái hoa đầu tiên nở trên sự giác ngộ của tôi. Và từ đó trở đi thì cái thấy ấy cứ một con đường đó mà đi tới. Bài thuyết pháp hay nhất mà ngắn nhất của tôi là ‘‘đã về, đã tới’’. Chỉ có bốn chữ thôi, và sáng nay tôi đã nói với sư em Châu Nghiêm rằng bốn chữ ‘‘đã về, đã tới’’ có thể coi là pháp ấn của Làng Mai. Bất cứ một bài thuyết pháp nào, bất cứ một giáo lý nào mà đi ngược lại tinh thần ‘‘đã về, đã tới’’ thì đó không phải đích thực là giáo lý và sự thực tập của Làng Mai. Dấu ấn ‘‘đã về, đã tới’’ đã phát hiện ngay từ năm 1962 trong tác phẩm rất nhỏ bé tên là Bông Hồng Cài Áo.

Và trong thời gian hoạt động cho hòa bình ở ngay tại Paris thì tôi cũng đã sáng tác tác phẩm gọi là Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức. Sách này viết năm 1974. Tôi đã viết cuốn đó vì thương các bạn xuất gia và tại gia đang phục vụ tại trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội trong một hoàn cảnh lửa đạn rất là nguy hiểm. Cuốn đó viết xong thì được gửi về Việt Nam in. Bên này tôi nghĩ rằng các bạn Tây Phương của mình đang yểm trợ công cuộc vận động hòa bình cũng có thể được thừa hưởng giáo lý đó cho nên Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức đã được dịch ra tiếng Anh, The Miracle of Mindfulness. Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là một cuốn sách dạy mình an trú trong hiện tại, sống chánh niệm, biết cái gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại.

Giữa Bông Hồng Cài Áo năm 1962 và Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức năm 1974 là mười hai năm, tôi đã sáng tác rất nhiều. Quý vị có thể thấy trong những sáng tác đó diễn biến của cái thấy của tôi. Đó là quá trình Sen Búp Từng Cánh Hé. Một điều có thể ghi nhận là trong cuộc đời mình, tôi đã có cơ hội mang Đạo Bụt Đại Thừa về tắm lại trong dòng suối Nguyên Thủy thì tôi đã có cái thấy, đã có sự chứng đắc về Hiện Pháp Lạc Trú. Về lại với nguồn suối Nguyên Thủy thì cái thấy đó lại được chứng nghiệm rõ ràng hơn. Cuốn Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức đã được nhà xuất bản Beacon ấn hành, và cho tới nay, sau mấy chục năm, cuốn sách vẫn tiếp tục bán được như thường. Bán dài dài. Vì vậy quý vị có thể nói là Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức là một cuốn sổ tay, là một thiền phổ mà quý vị có thể chia sẻ cho những người muốn thực tập pháp môn của Làng Mai. Người nào chưa đọc Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức thì nên tìm mà đọc. Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức (The Miracle of Mindfulness) đã xuất bản ít nhất là trong ba mươi thứ tiếng. Thiền chánh niệm là phép thực tập căn bản ở Làng Mai, và chánh niệm có nghĩa là an trú trong hiện tại, thấy được cái gì đang xảy ra trong hiện tại, tích cực cũng như tiêu cực. Những cái tích cực để nuôi dưỡng, những cái tiêu cực để chuyển hóa. Hai mươi năm của Làng Mai đã giúp tôi học hỏi được rất nhiều, đã giúp cho tăng thân của Làng Mai lớn lên rất nhiều.
 

Liên hệ thầy trò

Hồi xưa tôi đã từng đào tạo học tăng, nam cũng như nữ. Tôi rất thương yêu thế hệ tăng ni sinh trẻ tuổi, lo cho họ hết mình. Tôi đã nghĩ rằng lo cho họ là đủ, mình khỏi cần phải có đệ tử. Khi sang tới ngoại quốc tôi vẫn giữ tâm niệm đó. Cho tới một ngày tôi thấy rõ ràng rằng nếu không có cái liên hệ thầy trò với người đệ tử thì sự thực tập của người đệ tử không đi xa được. Tôi đã từng giảng dạy ở các thiền viện ở Hoa Kỳ và ở Âu Châu. Trong khi giảng dạy cho họ thì có liên hệ thầy trò, nhưng sau đó thì liên hệ đó trở thành lỏng lẻo, vì vậy họ không lớn lên được. Họ không thực tập một cách miên mật và liên tục giáo lý của mình, vì liên hệ thầy trò không có. Vì vậy sau đó tôi đã quyết định có những người đệ tử xuất gia và những người đệ tử tại gia. Tôi khám phá ra được rằng cái liên hệ thầy trò rất quan trọng, không những cho học trò mà cho cả tôi nữa. Và tôi đã được học rất nhiều khi có những người đệ tử sống và thực tập chung với tôi, những người đệ tử xuất gia và tại gia.

Làng Mai đã đóng góp rất nhiều, không những cho đạo Bụt Âu Châu, Mỹ Châu mà còn đóng góp rất nhiều cho đạo Bụt ở Việt Nam. ‘‘Làm Mới’’ là một pháp môn. Nếu không có những người đệ tử xuất gia ở Làng Mai thì tôi đã không sáng tác được sách Bước Tới Thảnh Thơi. Bước Tới Thảnh Thơi là một cuốn sách giáo khoa, là nền tảng thực tập cho người sadi và sadini. Cuốn sách giáo khoa của sadi và sadini mà hiện giờ các nước Phật Giáo đang sử dụng đã được sáng tác cách đây 400 năm. Các thầy Châu Hoằng và Vân Thê đã sáng tác cuốn đó. Trong 400 năm, các cô các chú đã chỉ dùng một cuốn đó thôi. Tôi nghĩ rằng nó cũ quá, xưa quá, không còn thích hợp nữa. Do đó thầy trò Làng Mai đã ngồi xuống và sáng tác được Bước Tới Thảnh Thơi trong đó có tới 39 thiên uy nghi thay vì 24. Mười giới được trình bày một cách rất thực tế, rất mới, với giới tướng thật đẹp và đầy đủ. Nếu không có giới xuất gia ở đây thì mình cũng không có Nhật Tụng Thiền Môn để cống hiến cho Việt Nam. Hiện bây giờ ở Việt Nam có rất nhiều chùa đang sử dụng Nhật Tụng Thiền Môn. Chúng ta đã có nghi thức tụng giới tỳ kheo, tỳ kheo ni bằng tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Pháp. Chúng ta đã có những giới bản dùng trong các giới đàn truyền giới bằng tiếng Việt, bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Vì cần dạy đệ tử xuất gia ở Làng Mai nên chúng ta đã sáng tác ra những tư liệu đó mà ở quê nhà, các chùa, các tu viện, các Phật học viện có thể sử dụng.

Chúng ta hãy nói tới một ví dụ là tác phẩm Trái Tim Của Bụt. Trái Tim Của Bụt là Phật pháp căn bản để dạy cho người xuất gia và nó đã được sử dụng, đang được sử dụng bởi các giáo thọ trẻ ở Việt Nam để giảng dạy trong các trường Phật học cơ bản. Chính nhờ vào giáo trình đó mà chúng ta có khóa tu 21 ngày cho người Tây phương cũng lấy tên là Trái Tim Của Bụt. Sách Trái Tim Của Bụt cho người Tây Phương là cô đọng cuốn Trái Tim Của Bụt cho người xuất gia tại Làng Mai, vì tại Làng Mai các thầy, các sư cô phải học chương trình này cả năm trong khi Trái Tim Của Bụt cho người Tây Phương chỉ học trong 21 ngày. Vì vậy cuốn Trái Tim Của Bụt bằng tiếng Việt giàu có và nhiều tư liệu hơn cuốn The Heart of the Buddha’s Teachings bằng tiếng Anh và bằng tiếng Pháp rất nhiều. Các vị giáo thọ trẻ ở Việt Nam dùng Trái Tim Của Bụt làm tài liệu giảng dạy và họ cũng sử dụng nhiều tư liệu khác của Làng. Chúng ta có những khóa học cho người xuất gia như là khóa ‘‘Kinh Samidhi, hạnh phúc mộng và thực’’, khóa Đại Tạng Nam Truyền, khóa Đại Tạng Bắc Truyền, khóa Duy Thức Tam Thập Tụng, khóa Duy Biểu 50 bài tụng, khóa Nhiếp Đại Thừa v.v.. Những khóa ấy nhắm vào người xuất gia nhưng những người cư sĩ cũng được thừa hưởng. Chúng ta đã sáng tạo ra chương trình Bốn Năm Đào Tạo Người Xuất Gia. Ngày xưa đào tạo cần mười năm, bây giờ ta đào tạo trên căn bản bốn năm và khi học xong bốn năm thì đã có khả năng tổ chức những khóa tu, hướng dẫn những ngày quán niệm. Và thường thường sau năm năm thì người xuất gia được làm lễ truyền đăng.

Ở Làng Mai chúng ta có ba hình thức giáo thọ: các vị giáo thọ tại gia và các vị giáo thọ xuất gia danh dự. Tuần sau chúng ta sẽ làm lễ truyền đăng cho một số vị xuất gia và tại gia. Nếu kể hết số lượng của những vị xuất gia được truyền đăng tại Làng Mai, kể cả những vị sắp được truyền đăng là chúng ta đã truyền đăng cho khoảng 70 vị. Nếu kể cả những vị giáo thọ tại gia thì số lượng các vị đã được truyền đăng và đi giảng dạy các nơi là trên 100 vị. Những vị xuất gia đã được truyền đăng tại Làng Mai và đang giảng dạy tại Việt Nam cũng nhiều.

Tại Làng Mai, người xuất gia được học những lớp rất dài và rất sâu mà phần lớn nhờ vào những khóa tu mùa đông. Ví dụ như lớp học về Truyền Thống Sinh Động Của Đạo Bụt, như khóa ‘‘Thực tập ở Làng Mai’’ (The practice of Plum Village), khóa ‘‘Đại Tạng Nam Truyền’’ hay khóa ‘‘Đại Tạng Bắc Truyền’’ trong đó có rất nhiều kinh lớn như kinh Duy Ma, kinh Bát Nhã, kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm được giảng dạy. Một số các bài giảng đó đã được làm thành sách để cho những người xuất gia ở Việt Nam được thừa hưởng. Vì vậy cho nên sự học hỏi và tu tập của các vị xuất gia ở Làng Mai cũng đóng góp nhiều cho sự học hỏi và tu tập ở quê hương cũng như ở Âu châu và Mỹ Châu.

Khi bắt đầu có đệ tử xuất gia, tôi học hỏi được rất nhiều. Cái liên hệ thầy trò trực tiếp và thường xuyên làm cho tôi thấy được cách giáo dục nào có thể đưa tới sự thành công chắc chắn. Về sự phối hợp giữa giáo lý và hành trì luật nghi ta không thể phân biệt ra được. Trong quá trình dạy dỗ và thực tập thì mình đã sáng tạo ra được những pháp môn rất mầu nhiệm mà những người tại gia và cư sĩ cũng có thể thừa hưởng được. Những quan niệm như tăng thân, tăng nhãn, làm mới, soi sáng, thiền lạy, đệ nhị thân,v.v.. là những hoa trái của sự thực tập và học hỏi ở Làng Mai, được sử dụng trong giới xuất gia mà cũng được sử dụng trong giới tại gia nữa. Sự có mặt của các sư cô, sư chú ở Làng Mai đã đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc. Có lẽ một trong những lý do căn bản là sự dấn thân của họ, sự cam kết dâng hiến cả cuộc đời của họ trong sự tu học và quyết tâm đi trên con đường lý tưởng chung.

Ở Làng Mai, các thầy, các sư cô đều có nguyện ước sống với nhau như một gia đình, sống mãi mãi với nhau như một gia đình, tu học với nhau và đi làm việc với nhau.
 

Hạt giống đi xa

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy và đào tạo nhiều lớp tăng sinh, ni sinh nhưng chưa bao giờ tôi có hạnh phúc nhiều như vậy. Vì thầy trò sống với nhau, thực tập với nhau nên mỗi ngày tôi đều kiếm cách để trao truyền tất cả những gì tôi đang có; giống như chiếc lá chuối đầu trao truyền lại cho chiếc lá chuối thứ hai, thứ ba… Hạnh phúc mà các sư cô, sư chú trao cho tôi rất lớn.

Không biết vì lý do gì mà các sư cô, sư chú ở Làng Mai người nào cũng xinh đẹp, dễ thương, có con mắt rất sáng, có nụ cười rất tươi. Không biết có phải là vì trước khi đi tu họ đã đẹp sẵn hay nhờ đi tu mà họ đẹp ra? Hay là vì lý do cha mẹ thường thường thấy con mình đẹp hơn con người khác? Nhưng mà sự thực tôi thấy các sư cô sư chú Làng Mai rất đẹp, dầu họ gốc Âu Châu, Mỹ Châu hay Á Châu. Điều này quý vị chắc cũng có nhiều người đồng ý với tôi. Xong lễ xuất gia thì đã thấy họ đẹp hơn liền. Mới có mấy giờ đồng hồ sau lễ xuất gia mà thấy mặt mày họ đã rạng rỡ hơn, hai mắt họ đã sáng hơn, miệng cười đã tươi hơn. Đó là do quyết tâm, do giới thể, do sự dấn thân của người tu. Và ngồi với các sư cô sư chú để uống trà, để pháp đàm, để nói chuyện hạnh phúc trong hiện tại và trong tương lai là một trong những chuyện tôi ưa làm nhất. Tôi để thì giờ cho các sư cô, sư chú rất nhiều và những giờ đó đem lại cho tôi rất nhiều hạnh phúc.

Tôi rất muốn ở trong các chùa của mình có một số các vị cư sĩ cùng thực tập chung với các sư cô sư chú để trở thành một cây cầu bắc ngang giữa những người xuất gia và những người tại gia bên ngoài. Những người đó thực sự đáng gọi là cận sự: rất gần gũi, rất hiểu biết thì mới chuyển được tuệ giác, hạnh phúc của tăng đoàn xuất gia tới tập đoàn của người cư sĩ. Và đó là một trong những lý do khiến cho mình đi tới trên sự phát triển dòng tu Tiếp Hiện. Trong dòng Tiếp Hiện có rất nhiều người cư sĩ, họ là cư sĩ nhưng không phải như những người cư sĩ khác. Họ có 14 Giới và 14 Giới của họ là một cây cầu nối liền tăng đoàn những người xuất gia với đoàn thể những người cư sĩ.

Hiện bây giờ chúng ta đang có những cố gắng thành lập những cộng đồng những người tại gia do những người tại gia hướng dẫn như cộng đồng Inter Sein bên Đức do ba vị giáo thọ Đức hướng dẫn; cộng đồng Clear View ở Santa Barbara Mỹ cũng do hai vị giáo thọ Mỹ hướng dẫn. Chúng ta mong rằng trong những năm tới của thế kỷ 21 sẽ có những tăng thân tại gia như vậy được thành lập khắp nơi trên thế giới do những người Tiếp Hiện tại gia lãnh đạo. Chúng ta cũng hy vọng rằng có rất nhiều cơ sở, trung tâm thực tập chánh niệm mà không có màu sắc tôn giáo, gọi là Mindfulness Practice Center, được thiết lập ở mỗi thành phố để cho mọi người bất luận tôn giáo nào, chủng tộc nào đều có thể đến để thực tập, cảm thấy thoải mái, cảm thấy mình không cần phải bỏ đạo gốc mà theo một đạo mới. Thực tập của Làng Mai bây giờ phải vượt khỏi ranh giới của tôn giáo. Điều này tôi thấy thật rõ.

Trong chuyến đi Trung Quốc vừa rồi, khi gặp Ủy Ban Tôn Giáo Nhà Nước tăng đoàn của mình có tặng cho họ một bức bút pháp có chữ ‘‘The Spiritual Dimension’’ (Chiều Hướng Tâm Linh). Ý của mình muốn nói là Trung Quốc đang phát triển về mọi mặt: kinh tế, giáo dục, nghệ thuật, chính trị, nhưng mà người ta vẫn khổ nếu mà người ta không có chiều hướng tâm linh trong đời sống và hoạt động của mình. Vì vậy yểm trợ cho đạo Bụt để đạo Bụt có thể đóng góp cho phần tâm linh ấy thì sẽ giúp người ta bớt khổ. Cách đây độ chừng mấy tuần, trường đại học y khoa Genève có mời tôi qua giảng một bài về bộ óc của con người. Họ tổ chức một tuần lễ gọi là Semaine du Cerveau (tuần lễ về bộ óc) và họ quy tụ những nhà khoa học thần kinh, những nhà khoa học về não bộ để chiếu thêm ánh sáng vào lĩnh vực đó. Tôi đâu phải một chuyên gia về óc mà họ vẫn mời. Là tại vì người ta muốn có một cái thấy về phương diện tâm linh. Rồi Davos, tức là hội nghị quốc tế của những nhà doanh thương lớn cũng mời tôi. Tôi đâu phải một nhà doanh thương, vậy mà sao họ cũng mời? Là tại vì họ thấy giới doanh thương và chính trị cũng có những đau khổ, lo lắng, sợ hãi và họ cần tới một chiều hướng tâm linh. Rồi trường y khoa Harvard cũng vậy, mời tôi cho một ngày quán niệm cho các bác sĩ, cho các nhà khảo cứu y khoa. Trong khắp các lãnh vực, người ta đang cần một chiều hướng tâm linh để bớt lo lắng, khổ đau và sợ hãi. Vì vậy đạo Bụt phải vượt khỏi cái giới hạn tôn giáo của mình để đi tới như một nguồn tuệ giác không có màu sắc tôn giáo. Điều này mình thấy rất rõ và đó là sứ mạng của Đạo Tràng Mai Thôn. Các thầy, các sư cô, các phật tử cư sĩ biết rằng mình phải đem đạo Bụt ra phụng sự cho đời không phải với tính cách một tôn giáo mà với tính cách một nguồn tuệ giác, một truyền thống thực tập. Mình phải đem đạo Bụt vào trong nhà tù, mình phải đem đạo Bụt vào trong trường học, trong bệnh viện, trong nhà cảnh sát. Làm thế nào để cho những người đó sống với đời sống của họ một cách thoải mái, giảm bớt khổ đau. Vì vậy cho nên chúng ta rất cần học hỏi cống hiến phương pháp thực tập chánh niệm như thế nào để có thể áp dụng được trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội mà không bị hạn hẹp bởi hình thức tôn giáo.

Đứng về phương diện hoạt động của Làng Mai, chúng ta đã mở những khóa tu không những chỉ ở Làng Mai mà ở khắp các nước Âu Châu, Mỹ Châu và Á Châu. Chúng ta đã mở các khóa tu cho sự thực tập trong các gia đình. Chúng ta đã mở các khóa tu cho các em thiếu nhi (chỉ cho các em thiếu nhi thôi), nhiều lần ở Mỹ, ở Úc và tại Âu Châu. Chúng ta đã mở các khóa tu cho các nhà tâm lý trị liệu tại Mỹ Châu và Âu Châu. Chúng ta đã mở các khóa tu cho các cựu chiến binh, cho các nhà hoạt động sinh môi, cho các bác sĩ và các y tá, cho những nhà hoạt động hòa bình. Chúng ta đã đem đạo Bụt vào trong tù. Mỗi năm chúng ta đều có những khóa tu như vậy, do các vị giáo thọ của Làng Mai tổ chức hoặc do tăng đoàn ở Làng Mai đi tổ chức. Và năm nay trường đại học y khoa Harvard muốn tôi qua để nhận một giải thưởng của họ. Họ nói các khóa tu đó đã giúp người ta trị liệu và bớt khổ rất nhiều. Chúng ta không phải là bác sĩ, không phải là những nhà tâm lý trị liệu nhưng những khóa tu đó đã đã đem lại sức khỏe, niềm vui và hy vọng cho hàng ngàn người mỗi năm. Vì vậy họ muốn công nhận sự thật đó bằng một giải thưởng.

Nói như vậy có nghĩa là chúng ta đã vượt qua được cái ranh giới về tôn giáo và đi vào cuộc đời. Trong quá trình lớn lên của Làng Mai, chúng ta đã hiện đại hóa được sự học hỏi và sự thực tập của đạo Bụt. Giáo lý của chúng ta được quần chúng tiếp nhận một cách rất hồ hởi, một cách hoan hỷ. Mỗi khi chúng ta tổ chức một khóa tu thì Phật tử từ các truyền thống khác nhau đều tới tu tập, không kỳ thị. Dù theo truyền thống thiền Nhật Bản hay thiền Cao Ly, thiền Vipassana hay là thiền Miến Điện, họ đều tới tu học và cảm thấy thoải mái trong các khóa tu của chúng ta. Pháp môn và sự thực tập của chúng ta giống như mẫu số chung cho các hệ phái Phật Giáo. Chúng ta đã cống hiến sự học hỏi đó, sự thực tập đó cho tất cả các giới trong xã hội: giới tâm lý trị liệu, giới bảo vệ sinh môi, giới bác sĩ, giới doanh thương. v.v.. đủ hết. Có những nhà doanh thương sau khi đã dự khóa tu tổ chức tại Làng Mai nói rằng hai ba tháng sau mà họ vẫn tiếp tục có thêm tuệ giác. Những hạt giống được gieo trong khóa tu từ từ nảy sinh và cho họ thêm tuệ giác, cho họ biết nên đi con đường nào và không nên đi con đường nào. Chúng ta đã trình bày được giáo lý và những pháp môn tu tập mà người trẻ và người trí thức Tây phương có thể hiểu được, chấp nhận được và áp dụng được. Đó là một thành công lớn của Làng Mai nhưng không phải là công trình của một người hay công trình của một vài năm. Đây là công trình của ba mươi năm trong đó có hai mươi năm của Làng Mai và công trình của cả tăng thân.

Chúng ta đã trình bày được Năm giới với ngôn ngữ không Phật Giáo. Năm giới là sự biểu hiện rất trung thực, rất sâu sắc không những giáo lý của đạo Bụt mà cả sự hành trì của đạo Bụt. Và Năm Giới được trình bày như là Chánh Niệm, là sự thực tập cụ thể của Chánh Niệm chứ không phải là những cấm cản. Và chúng ta cũng đã trình bày được 14 Giới Tiếp Hiện như là tinh ba giáo lý và sự thực tập của đạo Bụt. Cho đến nỗi những người không thuộc về Phật Giáo cũng tụng Giới Tiếp Hiện. Chúng ta đã thành lập trên dưới 800 tăng thân ở khắp nơi trên thế giới. Tại những thành phố lớn như Luân Đôn cũng đã có gần 10 tăng thân, vì thành phố quá lớn. Tại những thành phố nhỏ cũng có những tăng thân. Ngay tại bên Do Thái cũng đã có những tăng thân của Làng Mai. Ở Việt Nam có hàng chục ngôi chùa và những tăng thân khác đang thực tập theo pháp môn của Làng Mai. Nếu chúng ta chưa thấy được trên dưới 800 tăng thân đó thì ta chưa thấy được Làng Mai. Bên Úc, bên Đức cũng vậy, có rất nhiều tăng thân.

Năm ngoái ngồi ở Luân Đôn trong khóa tu tôi thấy rất cảm động khi các thiền sinh ở Edinburgh viết thư cho tôi. Có mười mấy lá thư từ Edinburgh. Edinburgh ở miền Bắc Anh Quốc, thuộc Tô Cách Lan (Scotland). Tôi chưa bao giờ bước chân đến thành phố Edinburgh, vậy mà thiền sinh ở đó viết thư cho tôi rất tha thiết. Họ nói về sự thực tập của họ, hạnh phúc của họ và về tăng thân được thành lập ở thành phố đó. Tại sao tôi chú ý đến Edinburgh. Tại vì hồi xưa tôi có một người bạn đồng tu xuất gia đã từng đi du học ở Edinburgh. Vị đó đã được gửi đi Colombo để học Phật Giáo, nhưng học được vài năm thì hơi chán nên đã xin qua Anh để học và đã được gửi tới Edinburgh. Vị đó đã học nhân chủng học nhiều năm và đã về Việt Nam nhưng không để lại dấu vết nào cả. Còn tôi chưa bao giờ bước chân tới đó, vậy mà những hạt giống của Làng Mai đã đi tới và mọc lên từ vùng đất đó. Đó là điều làm tôi rất ngạc nhiên và rất vui. Có những vùng đất mình chưa bao giờ bước tới nhưng những hạt giống đã bay tới.

Chúng ta biết rằng ở nước Pháp có một loại cây cỏ nhỏ gọi là Bồ Công Anh (pissenlit, tiếng Anh là dandelion). Khi hoa chín rồi thì trở thành màu trắng và mỗi hạt có những cái cánh, bay đi rất xa. Gió có thể đưa những hạt hoa bồ công anh này bay xa hàng chục cây số. Những hạt giống mà tăng thân Làng Mai gieo cũng đi xa lắm. Nó đi vào trong nhà tù, nó đi vào các tu viện kín của người công giáo.

Hôm chúng tôi kết thúc khóa tu ở Phổ Đà Sơn, trú xứ của bồ tát Quán Thế Âm ở Trung Quốc, thầy trò đang chuẩn bị hành lý để đi ra tàu thì có một thiếu nữ chạy vào. Thiếu nữ Trung Hoa đó từ Thượng Hải tới. Cô ta đã được đọc một cuốn sách của tôi bằng tiếng Hoa, không phải là cuốn Đường Xưa Mây Trắng. Khi tới Phổ Đà Sơn, nghe nói có thầy Nhất Hạnh đang giảng dạy ở chùa Phổ Tế, cô ta rất ngạc nhiên. Cố nhiên là cô ta đã đọc được rất nhiều sách Phật rồi, nhưng khi đọc được tới cuốn sách ấy thì cảm thấy rằng mình tìm ra được con đường, tìm ra được lý tưởng của mình. Đang đi trên cầu thang từ nhà bước xuống sân thì tôi thấy cô ta bước xuống và lạy xuống. Sư cô Chân Không đã hướng dẫn cô ta đến. Cô ta vừa lạy vừa khóc, tại vì không ngờ lại được gặp tác giả cuốn sách mình hâm mộ ngay trên đất nước Trung Quốc của cô ta. Điều này chứng tỏ rằng những hạt giống mà tăng thân gieo trồng đi rất xa, xa lắm và mình không thể tưởng tượng được. Nó đi xa trong không gian và nó sẽ đi xa trong thời gian. Vì vậy nên mình không thể biết Làng Mai nằm ở đâu. Không phải tới Meyrac hay Loubès – Bernac hay Dieulivol thì thấy được Làng Mai đâu.

Còn về dòng Tiếp Hiện: Ngày xưa, hồi sư cô Chân Không và chị Nhất Chi Mai thọ giới thì chỉ có sáu người trong chúng chủ trì thôi. Bây giờ thì dòng Tiếp Hiện đã lên tới khoảng 700 người và hiện có mặt khắp nơi trên thế giới.

 

Fleur de Cactus

Hôm nay là ngày 13 tháng 12 năm 2001, chúng ta đang ở tại xóm Hạ, trong Khóa tu mùa đông. Bây giờ là 11 giờ sáng. Chúng ta nói tiếp bài pháp thoại hồi sáng bằng tiếng Việt.

Hồi sáng tôi có nói tới những Lá Thư Làng Mai số 1, số 2 và số 3 mà mình sẽ phóng lớn ra để cho mọi người cùng được đọc nhân dịp Tết năm nay. Nhân tiện, tôi xin nhắc quý vị là có một tác phẩm khác tôi viết trong năm thứ hai của Làng Mai là . Tý là tên một em bé trai khoảng 10 tuổi tên thật là Hải Triều Âm, là dân làng từ năm đầu. Nó là con của anh Lê Nguyên Thiều, là một trong những người cốt cán của Làng Mai trong năm đầu và năm thứ hai. Anh Lê Nguyên Thiều cũng đã là học trò của tôi ngày xưa ở Việt Nam và cũng đã từng làm tổng thư ký của trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội. Anh đã vượt biên qua và sau đó được mình mời về để xây dựng Làng. Hồi anh Thiều đưa gia đình về thì anh chị có ba đứa con. Đứa con đầu là Tý, em trai Tý là Miêu – nó sanh năm mèo – và tên thật của nó là Thiều Quang, đứa con thứ ba mới sanh được có mấy ngày thì tới Làng, nó tên là Chó Con, tên chữ là Nhật Tâm. Nhật Tâm tức là trái tim mặt trời. Anh Thiều đã đọc được cuốn Trái Tim Mặt Trời trong trại tị nạn và đặt tên con là Nhật Tâm. Nhật là mặt trời, Tâm là trái tim. Ngày mà gia đình này về tới Làng Hồng là giữa mùa đông, cháu bị bít bùng trong một cái giỏ suốt trên xe lửa. Rồi vì là mùa đông giá buốt nên cháu ở luôn mấy tháng trong phòng. Hôm đó trời hửng nắng, mẹ cháu mới đưa cháu ra ngoài và đó là lần đầu tiên nó được thấy bầu trời. Lần đầu thấy bầu trời xanh rộng lớn như vậy nó hơi hoảng, vì lâu nay nó chỉ thấy những cái nho nhỏ thôi. Cái phòng là cái lớn nhất rồi, bây giờ thấy một khoảng không gian xanh rộng như vậy thì nó hoảng. Nhưng chỉ trong vài giây sau đó nó lấy lại được sự bình tĩnh, và cười lên được. Tôi được chứng kiến giây phút đó. Tý là một em bé mười tuổi. Tôi đã viết một cuốn sách lấy tên là Tý. Cuốn sách đó có hai tập, tập đầu tên là Tý, Chiếc Lá Ổi Non, và cuốn hai là Tý, Cây Tre Triệu Đốt. Sách này ít người được đọc lắm, vì mới in có mấy trăm bản thôi. Nếu quý vị đọc được bộ sách này thì sẽ biết rõ những gì đã xảy ra trong năm đầu và năm thứ hai của Làng Mai. Mình phải tìm cách để tái bản cuốn này. Ngày xuất bản cuốn đó là ngày 22 tháng 2 năm 1984, tức là trước khi mở cửa Làng vào mùa hè năm thứ hai. Ngày 27 tháng 9 năm 1984 thì tôi đã viết xong Thi Kệ Nhật Dụng bằng tiếng Việt và vào ngày 5 tháng 11 năm 1984 thì viết xong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận III. Ngày 23 tháng 5 năm 1985 tôi viết xong kinh Pháp Ấn và ngày 2 tháng 9 năm 1985 thì chúng ta đã có thiền đường Hoa Quỳnh, Fleur de Cactus, ở Paris. Ngày 3 tháng 8 năm 1986 thì chúng ta có Kinh Quán Niệm Hơi Thở bằng tiếng Việt và tháng chạp năm 1986 thì tôi viết Đường Xưa Mây Trắng tới đoạn Bụt nhập Niết Bàn. Tôi đặt bút xuống và thở. Rồi sau đó tôi yêu cầu độc giả đọc tới đó cũng đặt sách xuống và thở. Đó là ngày 22 tháng Chạp năm 1986, tôi ngồi viết bên lò sưởi đốt bằng củi.

 

Đi như một dòng sông.

Hồi tháng 5 năm 1966, khi rời khỏi Việt Nam tôi không nghĩ là sẽ đi lâu, nhưng rốt cuộc đã bị kẹt phải ở lại. Thành ra tôi giống như một tế bào của một cơ thể bị văng ra khỏi cơ thể, rất nguy hiểm. Như một con ong bị tách biệt ra khỏi đàn ong. Chúng ta biết rõ một con ong bị tách biệt ra khỏi đàn không về được thì con ong đó sẽ khô, sẽ chết. Nhưng mà tôi đã không khô, không chết là tại vì tôi đã đi qua xứ người không phải với tư cách một cá nhân mà với tư cách một tăng thân, vì sự nghiệp của tăng thân. Đi để kêu gọi hòa bình vì lúc đó những công tác về văn hóa, giáo dục và xã hội ở Việt Nam rất lớn. Mình có Viện Đại Học Vạn Hạnh, mình có trường Cao Đẳng Phật Học, mình có nhà xuất bản Lá Bối, mình có tạp chí Hải Triều Âm, mình có trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội đang làm việc khắp nơi trên đất nước và mình có một phong trào tranh đấu cho hòa bình Việt Nam. Tôi đi với những cái đó trong trái tim nên tôi không thể nào khô được. Nếu đi với tính cách cá nhân, đi kiếm một địa vị, một ít danh lợi thì tôi sẽ khô héo, nhưng vì mang theo được tăng thân cho nên qua bên này, vấn đề sống chết là thành lập tăng thân. Vì vậy tôi đã thành lập tăng thân với những người giúy mình vận động hòa bình. Những người tới để giúp tôi, những ông mục sư, linh mục, giáo sư đại học, sinh viên, học sinh, mình đã đến gặp họ, kết thân và mời họ đi vào con đường phụng sự cho hòa bình. Trong khi tiếp xúc với những cá nhân, những đoàn thể rất ưu tú về hòa bình và công bình xã hội, tôi thấy họ có những khó khăn. Hoạt động một hồi thì họ cũng bị chia rẽ, mỏi mệt và thối chí. Vì vậy đến với nhóm nào, với người nào tôi cũng chia sẻ phương pháp thực tập của tôi. Vì thế trước khi mình có tăng thân quy tụ về một chỗ thì mình đã có tăng thân như từng yếu tố cá nhân ở khắp nơi rồi. Mục sư Kloppenburg ở Bremen bên Đức là một người rất có cảm tình với tôi. Tuy là một vị mục sư Tin Lành nhưng ông đã cổ động, tổ chức cho tôi đi diễn thuyết và kêu gọi khắp nơi trên nước Đức và đã giúp tôi dịch và xuất bản cuốn Hoa Sen Trong Biển Lửa bằng tiếng Đức. Ông cũng đã giúp phương tiện tài chánh để tôi có thể gửi về yểm trợ cho trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội tiếp tục công tác và cũng đã giúp tôi tổ chức những hội nghị hòa bình ở Paris. Trong văn phòng của ông có treo một tấm hình của tôi. Ông không treo hình chúa mà cũng không treo hình của bất cứ ai. Điều đó chứng tỏ ông là một người bạn rất thân.

Ở Hòa Lan có mục sư Hannes de Graff của giáo hội Dutch Reform Church cũng rất yểm trợ tôi. Trên bước đường đi vận động hòa bình cho Việt Nam, tôi đã kết giao với rất nhiều bạn hữu trong giới tôn giáo, trong giới nhân bản, và trong giới trẻ. Khi tôi thành lập Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam tại Paris thì những người trẻ tới tình nguyện giúp tôi nhiều lắm. Họ tới nhận làm không công thôi, bữa trưa thì mình cho họ ăn sơ sài, sau bữa tối thì họ ở lại để ngồi thiền. Có người về nhà ăn cơm rồi trở lại. Có người ở lại để ăn chiều sơ sơ với mình rồi ngồi thiền. Tối nào cũng ngồi thiền cả. Những người tới giúp mình cũng biết thực tập thiền hành, biết ngồi thiền và biết ca hát. Hồi đó mình chưa có những bài hát của Làng Mai như bây giờ nên mình chỉ lựa chọn những bài hát nào lành mạnh, nhất là những bài hát có tính cách tâm linh và nhân bản. Hồi đó những bài hát như là By The River Side hay là Where have all the flowers gone?, đã được hát rất nhiều, sau đó mới có mấy bài của Trịnh Công Sơn. Hồi làm việc cho phái đoàn Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất ở Paris, mình tổ chức ngồi thiền cho thiền sinh tây phương có mặt ở Paris mỗi tuần một lần tại trụ sở của những người Quaker Center ở đường Vaugirard. Và những người trẻ tuổi, những thanh niên tới văn phòng của phái đoàn thì thường thường được chỉ dạy cho cách buông thư (deep relaxation) và ngồi thiền. Vì vậy hạt giống đã được gieo rất nhiều và mỗi khi mình tổ chức Summer Opening – Mở cửa Làng Mai thì nhiều người tới lắm. Từ một tế bào bị đánh văng ra khỏi tăng thân ở quê hương mà tôi đã làm được một sinh hóa thân (cloning) và không những tôi đã không khô như một con ong lìa tổ mà từ một tế bào tôi đã trở thành một cơ thể. Cơ thể đó đã trở thành một tăng thân như hôm nay ta thấy.Vì vậy điều quan trọng là mình phải đi với một trái tim đầy ắp tăng thân thì mình mới không khô chết. Hôm trước tôi có nói là nếu quý vị tới được Làng Mai rồi thì hãy đem cả Làng Mai về nhà chứ đừng đem ít hơn. Đem Làng Mai về nhà thì mình sẽ sống lâu hơn và mình biết rằng giáo lý và sự thực tập “đã về đã tới” luôn luôn đi đôi với giáo lý “đi như một dòng sông mà đừng đi như một giọt nước”. Đi với tư cách của một giọt nước thì nửa đường mình sẽ bốc hơi, còn đi với tư cách của một dòng sông thì chắc chắn mình sẽ tới biển. Chưa bao giờ tôi đi như một giọt nước cả, luôn luôn đi với dòng sông.

Trong những năm bị lưu lạc tại quê người, chưa bao giờ tôi có cảm tưởng bị cắt đứt với tăng thân ở Việt Nam. Năm nào cũng sáng tác, cũng gởi bản thảo về. Và năm nào ở nhà cũng tìm cách để xuất bản sách của tôi. Đến khi sách bị cấm in thì lại được chép tay hoặc in chui, hoặc in dưới một bút hiệu khác. Ngay từ hồi phe quốc gia chống cộng còn nắm quyền thì sách tôi cũng đã không được ký tên Nhất Hạnh rồi, phải ký bằng hàng chục cái tên khác: B’Su Danglu, hay Thạc Đức, hay Tuệ Uyển, hay Minh Hạnh, tại vì cái tên Nhất Hạnh đã bị kiểm duyệt – đó là tên của một người đang kêu gọi hòa bình – bên chính quyền cộng sản cũng vậy. Sách của tôi được xuất bản dưới những tên khác nhưng rồi độc giả cũng nhận ra được. Trong thời gian những người cộng sản lên nắm chính quyền thì việc in chui rất khó. Vì vậy có phong trào chép tay. Chép tay nhiều quá đến nỗi cán bộ phải triệu tập dân chúng lại để học tập là đừng có chép tay sách của ông nớ. Nhưng sau đó thì từ từ phong trào in chui sách và sang chui băng của tôi trong nước được đồng bào tự động phát động. Nhiều người cán bộ cũng có cơ duyên được đọc sách và nghe băng giảng của tôi. Có nhiều người thích lắm, bề ngoài họ làm ra vẻ muốn tịch thâu, làm khó làm dễ nhưng có khi họ làm lơ, để cho mình có thể in chui hay phát hành chui được.

Hồi mới thành lập phái đoàn Phật Giáo Việt Nam tại Paris, có rất nhiều khó khăn. Hồi đó trụ sở thì nhỏ mà cư trú thì quá đông người. Đủ mọi thứ khó khăn: khó khăn về giấy tờ cư trú, khó khăn về cơm áo. Có những bữa mà sư cô Chân Không – trước đó là giáo sư trường đại học khoa học Sài Gòn – phải đi xin ngủ nhờ ở một nhà hàng ăn vì không có chỗ ngủ. Đại chúng thay vì mua gạo đàng hoàng thì mua tại các tiệm bán đồ ăn súc vật (grainetterie) loại gạo tấm dành bán cho chim ăn vì gạo đó rẻ lắm, gạo bể (broken rice). Có một bữa ông bán hàng hỏi mình: “Nhà quý vị có nhiều chim lắm hả?” Vị mua gạo trả lời: “Nhiều lắm, chín con, con nào con nấy to như thế này này” (giơ tay làm hiệu). Nhưng cuộc sống rất vui. Tôi kiếm được một chỗ dạy học, lương tháng khoảng 1 000 quan Pháp. Và những người khác cũng đi kiếm công việc. Sư cô Chân Không đi dạy toán, kèm trẻ để có thêm tiền. Phương Vân Am mình đã mua được với giá 35 000 quan Pháp, làm chỗ nương tựa cho tăng thân hồi đó và thầy trò đã dụng công xây dựng nó thành một trung tâm tu học. Phương Vân Am hiện nay vẫn còn, mai này mình sẽ tổ chức một cuộc đi hành hương Phương Vân Am cho vui. Nơi đó tôi đã viết được nhiều sách và làm được nhiều thơ. Phương Vân Am ở bên rừng Othe rất đẹp và khí hậu lạnh hơn ở đây. Có một thời gian tôi đi học nghề in. Hiện bây giờ tôi in sách và đóng sách khá giỏi. In trong chánh niệm, đóng sách trong chánh niệm. Tôi đã in hàng chục cuốn sách, đóng hàng chục ngàn cuốn sách. Hồi đó Lá Bối chưa dời sang Mỹ. Bàn tay này (Thầy giơ tay phải lên) tuy làm thơ được, viết thư pháp được nhưng mà in sách và đóng sách cũng được. Tại vì tôi đi học nghề đàng hoàng. Thầy trò đã sống một phần trên tiền bán sách. Sư cô Chân Không đem bản thảo Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức bằng tiếng Pháp đi bán cho nhiều nhà xuất bản. Không có nhà nào mua cả. Có một nhà xuất bản nói rằng: “Cuốn sách này hay quá nhưng ông này chưa ai biết tên, thành ra sợ in ra bán lỗ, không dám mua”. Đó là tình trạng của hồi đó. Nhưng khi tôi đã nổi tiếng bên Mỹ rồi thì các nhà xuất bản bên Pháp lại giành nhau để mua.

Cho đến ngày hôm nay, có nhiều vị trong tăng đoàn ngày xưa vẫn còn tiếp tục ngủ trong những cái nóp gọi là túi ngủ (sleeping bag). Sư cô Chân Không cho đến ngày hôm nay cũng vẫn còn ngủ trong túi ngủ. Còn tôi ở Làng Mai thì thường ngủ trên một tấm ván ở dưới có kê bốn viên gạch và một tấm nệm mỏng. Không phải vì vậy mà không có hạnh phúc. Mình không hề có ý muốn xây dựng một cái chùa rất đẹp ở đây. Khi bán được bản quyền một cuốn sách thì tiền đó mình thường dùng để cứu trợ trẻ em đói, cứu trợ nạn nhân bão lụt. Trong thời gian làm việc tại Paris, Phái đoàn Phật Giáo Việt Nam đã vận động bảo trợ được trên 9 000 cô nhi do chiến tranh Việt Nam tạo ra. Mình không yểm trợ việc thành lập những cô nhi viện mà chỉ đi kiếm những gia đình của các ông chú, bà thím, ông nội, bà ngoại của em bé để gởi em bé vào. Mình gởi về cho mỗi gia đình ấy mỗi tháng 25 quan Pháp để cho em bé đó có đủ cơm ăn và giấy bút đi học. Hồi đó tôi có nhiều công việc lắm, những mỗi ngày vẫn phải dịch hồ sơ cô nhi. Tôi được trao mỗi ngày 20 hồ sơ cô nhi. Những hồ sơ cô nhi do tác viên xã hội của mình ở Việt Nam thiết lập và gởi qua Paris. Trong hồ sơ có hình của em bé, tên cha, tên mẹ, lý do tại sao cha chết, chết ở đâu… Mình phải dịch ra tiếng Hòa Lan, tiếng Pháp, tiếng Đức để đi kiếm người bảo trợ. Những người bảo trợ một em bé phải đóng 25 quan Pháp. Thường thường cách làm việc của tôi là nâng hồ sơ cô nhi lên, nhìn vào mắt em bé và thở. Thở chừng được ba bốn hơi thì năng lượng từ bi trào lên, trái tim mình đầy sự thương cảm và mình bắt đầu dịch. Mình dịch rất mau, dịch rất dễ thương cũng vì đã có chất từ bi tuôn ra ngòi bút. Vì vậy khi người ta đọc đơn xin bảo trợ, họ cho rất mau. Có một cô thiền sinh người Hòa Lan gốc Đan Mạch đã giúp chương trình bảo trợ cô nhi rất hăng hái đến nỗi cô đã đi học tiếng Việt. Tiếng Việt cô đã đủ giỏi để cô có thể dịch được những hồ sơ cô nhi. Hồi đó văn phòng của mình đầy những hồ sơ, hồ sơ cô nhi và hồ sơ Phật Giáo các tỉnh. Hiện bây giờ mình vẫn còn giữ đầy đủ tài liệu hồ sơ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ trung ương đến các tỉnh. Chính ở đây mình có tài liệu nhiều nhất về Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất từ năm 1966 đến 1974 chứ không phải ở Việt Nam.

Ngày hôm qua Fei Fei hỏi tôi: “Thầy làm việc cực nhọc như vậy mà đã gặt hái được kết quả Thầy mong muốn chưa?” Tôi hỏi lại: “Con muốn thầy gặt hái cái gì nữa? Mỗi giây phút của sự sống của thầy đều là hạnh phúc, đều là sự gặt hái cả. Ví dụ như con ngồi uống trà với thầy đây. Thầy trò ngồi với nhau như vậy đâu phải là để phóng tâm tới một cái gì khác. Ngồi uống trà với nhau như vậy là hạnh phúc rồi. Nói pháp thoại cũng là hạnh phúc, đi thiền hành với các con cũng là hạnh phúc. Tổ chức khóa tu, làm nở được những nụ cười trên môi của các thiền sinh cũng là hạnh phúc. Con muốn thầy gặt hái cái gì nữa?” Công việc của mình phải là hạnh phúc, và giáo pháp của mình là “Hiện Pháp Lạc Trú”. Mỗi bài thuyết pháp của tôi phải phản chiếu được pháp ấn của Làng Mai là “Đã Về – Đã Tới”.

Nói chuyện về Làng Mai mà nói vài giờ đồng hồ thì làm sao nói hết. Vì vậy tôi xin tạm chấm dứt ở đây. Có cơ hội mình sẽ nói tiếp.