Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Tết Thầy

Chân Trung Hải

Ngày về

Nếu cần lấy một sự kiện để ghi nhớ cho năm nay đó chính là sự kiện này: Sư Ông về Thái. Không năm nào là không đầy sự kiện, năm này cũng thế, cũng rất đầy và có vẻ như những năm càng về sau thì càng đầy. Nhưng sự kiện này là ngoại lệ, là nằm ngoài các tính toán sắp đặt và nằm ngoài mong ước của mọi người. Đó là một quyết định lớn, một quyết định đặt tất cả các quyết định trước đó của tất cả những ai liên quan vào chỗ bị động. Nhưng đó là một sự bị động tích cực.

Thế nào là một nhân cách lớn? Có phải đó chính là sự ảnh hưởng tích cực của nhân cách ấy lên những nhân cách khác một cách sâu rộng và lâu dài? Sư Ông là một người có nhân cách ấy.

Cái Tết chỉ đến một lần

Hàng mộc già ngoài hiên đồng loạt trổ hoa từ mấy hôm nay. Chưa bao giờ cây mộc trắng tinh ngập hoa như lần này. Trăng non mong manh qua lớp mây mỏng phủ lên không gian thơm tho kỳ diệu này thêm một tầng kỳ ảo thơm tho nữa. Cửa sổ rộng mở ngay sau lưng cho tôi cảm nhận được trọn vẹn sự ảo diệu tinh khôi ấy. Về đây, bạn sẽ được đón tiếp bởi ánh trăng ấy, bởi hương mộc ấy và đặc biệt hơn cả là bởi cái không khí đoàn viên như Tết này.

Một cái Tết sớm mà lại là một cái Tết được mong đợi hơn bất cứ một cái Tết nào. Bởi vì đơn giản rằng đây không phải là một cái Tết cứ mỗi năm lại đến mà là cái Tết chỉ đến một lần. Quyết định về Thái Lan của Sư Ông mang đến cái Tết chỉ đến một lần này.

Một cái Tết bình thường không thể nào có được không khí chuẩn bị rộn ràng và hết lòng như cái Tết đặc biệt này. Đại chúng làm việc hết công suất. Không phải là hai thời như khóa tu chấp tác, cũng không phải ba thời như lúc Bát Nhã đón Sư Ông năm 2007, chỉ một thời thôi: đã bắt đầu và hãy còn chưa kết thúc. Tất cả tài lực, nhân lực, năng lượng, thời gian và tình thương đều đang quay về biển lớn của niềm vui phụng sự. Đây thực sự là một món quà tuyệt diệu mà cái Tết đặc biệt này hiến tặng cho mọi người. Không có ai đứng ngoài cái Tết này. Nói cách khác, cái Tết này ôm được hết tất cả vào lòng. Do đó, mới gọi là Tết Thầy, vì trong lòng Thầy luôn có chỗ cho tất cả mọi người.

Thất Nhìn Xa đang được “lật tung” lên. Nói đúng nghĩa đen. Phòng ngủ, phòng ăn, phòng uống trà, phòng tập, phòng tắm, phòng bếp, phòng thị giả, cầu thang, tầng hầm, vườn cây, lối đi,… đều đang được xây dựng lại. Một thất Nhìn Xa mới đang chuyển mình để đón Sư Ông. Không phải chỉ  có thất Nhìn Xa, tất cả các con đường trong tu viện cũng đều đang bị “lật tung” lên. Từ xe ủi, xe múc, xe lu, xe tải, xe thùng, xe bê tông, xe phun nước, xe cẩu,… cho đến xe đạp, xe rùa đều đang hoạt động hết công suất.

Xóm Trời Quang, xóm Trăng Tỏ cũng đều được “xới tung” lên. Hơn 100 anh chị em xuất sĩ sẽ tới trong mấy ngày tới. Chưa hết, gần 200 cư sĩ cũng sẽ tới trong mấy ngày này. Cửa nhà phòng ốc đều phải được sắp xếp lại.

Lòng mỗi người cũng đang được “xới tung” lên. Thầy về đó, là thật, đúng là thật. Hầu hết đại chúng đều chưa được gặp Sư Ông từ mùa Xuân 2013, nghĩa là đã gần 4 năm, trong đó có hơn phân nửa là chưa từng được gặp Sư Ông lần nào. Ai mà không muốn được một lần thăm Sư Ông, đặc biệt là các em chưa từng được gặp Sư Ông, cái mong muốn ấy lại càng thiết tha bồng bột. Nhưng sức khoẻ của Sư Ông đã như thế, khoảng cách địa lý lại như thế, chúng lại đông như thế, thực sự là không có ai muốn nuôi nỗi hy vọng mong manh ấy. Thế nhưng nỗi vô vọng kia trong phút chốc bỗng trở nên vô nghĩa khi sự hiện diện của Sư Ông tại nơi này đang được đếm ngược bằng giờ và là một sự thật đã không thể không thành. Những mảnh đất tâm hồn vô vọng được phá toang, được xới cày tới tận gốc rễ và những mầm non của hội ngộ đoàn viên đang lớn dậy từng giờ. Lòng tôi cũng được xới tung. Lòng bạn cũng được xới tung. Đúng là một cái Tết lạ lùng.

“Với mảnh chân tâm đợi Người”

Những mảnh chân tâm chờ đợi ấy sáng nay lúc mười giờ đã hòa vào nhau trở thành một khối  yêu thương rộng lớn. Buổi sáng, nắng chia sân trước thất Nhìn Xa thành hai nửa đậm nhạt nhưng những mảnh lòng thành của mấy trăm con người đứng bên nhau giữa sân lại hòa quyện vào nhau thành một thể hùng vĩ uy nghiêm. Khi chiếc xe chở sự chờ đợi ấy tiến vào khoảng sân, sự chờ đợi ấy bỗng đồng loạt vụt tắt, nhưng thay vào đó, một biển sóng lặng thinh cuồn cuộn dâng lên trong từng ánh mắt rực sáng thương yêu. Tiếng hát “đã về đã tới” được ai đó khởi xướng đúng lúc và cũng được đại chúng hòa vào đúng lúc, hùng tráng và thân thương. “Chưa bao giờ hát bài ‘đã về đã tới’ mà cảm thấy đã như sáng nay” – một sư chú đã nói như thế khi trở về tăng xá.

Sư Ông được đưa xuống xe bằng cửa sau. Hai thị giả bồng Sư Ông từ trên xe xuống chiếc xe lăn nhỏ đã được chuẩn bị sẵn bên dưới. Đại chúng bao bọc một vòng chung quanh rất ấm cúng và đã có nhiều tiếng nấc xen trong những tiếng hát, đã có nhiều giọt ngọc tan vào những hạt nắng. Những bàn tay búp sen nơi trái tim và những dòng sáng tinh khôi từ đôi mắt đều đã hướng về người ngồi trên chiếc xe lăn đang được các vị thị giả đưa vào hiên thất Nhìn Xa.

Tôi đứng ngay cửa xe khi cửa mở, tôi đứng ngay lưng vị thị giả khi nâng chiếc xe lăn. Bỗng cánh tay trái của Sư Ông giơ cao, một ngón tay chỉ ngược lại hướng đi lên thất. Vị thị giả nào đó nhận ra rồi nhanh trí nói lớn lên rằng “Sư Ông muốn thăm đại chúng”. Vừa kịp thấy ngón tay, vừa kịp nghe tiếng nói là cùng lúc đó bàn tay của Sư Ông đã đưa lên cố lấy mũ ra khỏi đầu. Chiếc xe quay lại nhìn về phía đại chúng vẫn đang chắp tay quy hướng chân thành. Cái quay lại và đặc biệt là cái đưa tay lấy mũ ấy không hiểu sao lại làm tôi nghẹn cả cổ họng và nóng nhòe hai mắt. Nhưng tôi kịp an tịnh hơi thở và đã thưởng thức được trọn vẹn khoảnh khắc nghẹn ngào ngọt lịm ấy. Một khoảnh khắc nhiệm mầu của im lặng. Niềm vui đoàn tụ ngời sáng và sâu lắng trong một khoảng lặng vô tận vô cùng.

“Sư Ông bị trúng gió, xin Sư Ông lên nghỉ rồi sẽ thăm đại chúng sau”, tiếng một vị thị giả cất lên và chỉ một cái nhìn, các vị thị giả hiểu ngay là mình được phép. Chiếc xe được bốn vị nâng lên cầu thang rồi đưa vào phòng nghỉ trên thất. Biển người chầm chậm giãn ra trong không gian rộng lớn của thất Nhìn Xa rồi lặng lẽ tan vào buổi sáng đoàn viên uy nghiêm hùng tráng.

Tết rồi đó, Thầy về rồi đó.

Vừa được cạo gió xong là Sư Ông đã muốn đi thăm đại chúng! Sư Ông đã thăm rồi, vì đã luôn ngự trị nơi từng mảnh chân tâm ấy một cách vô cầu vô nguyện mà bất tận bất tuyệt.

“Thế nào Sư Ông cũng sẽ ở Thái Lan dài lâu”. Đó là mong muốn của tất cả mọi người ở đây nhưng khi được một sư chú nói ra với chữ “thế nào” hùng biện ấy thì ai cũng thấy vừa thỏa mãn vừa tò mò. “Vì sao lại ‘thế nào?”. Sư chú trả lời rằng vì thiên nhiên và con người ở Thái Lan sẽ làm cho Sư Ông khỏe hơn và bởi vì Thái Lan có thể làm cho Sư Ông trị liệu tốt nên Sư Ông sẽ ở lại Thái Lan lâu dài. “Nhưng nếu sức khoẻ của Sư Ông không tốt hơn khi ở Thái Lan thì sao?”. Câu hỏi rất khó. Tưởng rằng sư chú sẽ chịu thua nhưng không ngờ chữ “thì” của sư chú đáp lại chữ “nếu” khó khăn ấy là một chữ “thì” rất đặc biệt: “Thì Sư Ông sẽ không đủ sức để về Pháp và do đó Sư Ông thế nào cũng sẽ ở lại Thái Lan lâu dài”. Đúng là một chữ “thế nào” rất “hùng biện”, sự hùng biện của một tình yêu thương chân thành!

“Mặt tận mặt, lòng tận lòng”

Tiếng hát từ hiên trà tăng xá vẫn còn vang vang trong đêm trăng. Mấy phút nữa thôi chuông chỉ tịnh sẽ được thỉnh lên và niềm vui rộn ràng nhộn nhịp ấy sẽ được nhường chỗ cho niềm vui lặng lẽ, nhẹ nhàng.

Chiều nay tôi và thầy Pháp Niệm được lên thất Nhìn Xa thăm Sư Ông. Thị giả cho biết là Sư Ông không khỏe mấy và lại đang bị đau nhức. Vào phòng, thấy Sư Ông nằm bất động, tiếng thở tuy đều nhưng vẫn không giấu được sự đau nhức. Nhìn chân phải của Sư Ông co duỗi được, tôi thấy một niềm vui nhen nhóm trong lòng tuy biết rằng sự tiến triển đó được đo bằng những cơn đau của Sư Ông. Bỗng Sư Ông quay đầu, mở mắt nhìn. “Bạch Sư Ông, con là Pháp Niệm và Trung Hải”, thầy Pháp Niệm thưa khẽ. Sư Ông gật đầu hai  cái cũng rất khẽ nhưng mắt đã mở to hơn và nhìn thẳng với trọn vẹn sự tinh anh. Thầy Pháp Niệm quỳ phía cuối giường đưa tay bóp chân cho Sư Ông, tôi cũng tiến lại quỳ sát mép giường trong khi mắt vẫn không rời ánh nhìn từ ái, yêu thương, quyến luyến và thỏa mãn của Sư Ông. Bỗng Sư Ông đưa cánh tay trái ra một cách rất dứt khoát rồi ôm đầu từng đứa con vào lòng một cách nhẹ nhàng, âu yếm như những ngày xưa. Tôi đã rất cảm động và đã lưu giữ được cảm thọ đặc biệt ấy bằng những hơi thở trọn  vẹn ngon lành nhất. Sư Ông lại nhắm mắt nghỉ ngơi, hai anh em im lặng bóp chân cho Sư Ông một lúc rồi Sư Ông mở hẳn mắt ra nhìn và lần này Sư Ông đã cho người đối diện thấy rằng trong cái nhìn ấy vẫn còn đầy đủ sự tinh anh và uy nghiêm của một bậc tôn sư.

Sư Ông cười nhiều lần chiều nay và đã có lần cười ra tiếng. Thị giả rất vui và mấy em trong phiên trực ấy sau đó đã nói rằng niềm vui của Sư Ông chiều nay rất khác, bên cạnh nét tươi tắn còn có cả sự thỏa mãn của một nỗi mong chờ nào đó đã lâu không tìm thấy.

Được nhìn thẳng vào đôi mắt tinh anh từ ái mà uy nghiêm hùng vĩ của Thầy trong một khoảng cách gần bằng không như chiều nay là một niềm vui rất lớn, và lớn hơn cả khi  lòng mình được ánh mắt ấy đón nhận một cách trọn vẹn. Nhiều năm rồi không được trực tiếp hầu Sư Ông nhưng hai lòng vẫn như thể chưa từng xa cách.

“Trời cao, trăng vẫn thênh thanh như thuở trước,
Lòng sâu, người mãi tự tại tới ngàn sau
Tròn khuyết thăng trầm vẫn mãi còn nhau.
Mặt tận mặt, lòng tận lòng. Tri kỷ!”
Những trăn trở dịu dàng

Khi lòng rộng rãi và biết trân trọng sự có mặt của những người bạn tu chung quanh, đời tu bỗng nhiên trở thành một cuộc hẹn và dễ dàng thưởng thức. Sư Ông lại vào thăm tăng xá sau giờ ăn sáng. Hình ảnh Sư Ông là một chất xúc tác lớn cho ta tiếp xúc với biển lòng thênh thang nơi mà mỗi khi quay về mình liền có khả năng làm dịu dàng đi những trăn trở.

Tôi vẫn hay tự lừa dối mình bằng những trăn trở lớn lao, rằng có trăn trở những điều lớn lao ấy thì mình mới trở nên lớn lao! Gần đây, tôi bắt đầu biết làm dịu dàng đi những trăn trở ấy bằng hơi thở, bằng những tác ý như lý, bằng sự buông xả và bằng sự chấp nhận. Và tôi bỗng nhận ra rằng, thì ra người ta lớn là do người ta có khả năng làm dịu được những trăn trở lớn. Đó là đức hạnh, nếu chữ đức hạnh có thể được hiểu như thế, của kẻ bốn mươi tuổi: “Tứ thập bất hoặc”. Bất hoặc là gì nếu không phải là khả năng làm dịu dàng những trăn trở, là khả năng tháo tung những trăn trở và là khả năng mang những trăn trở về chan hòa trong biển lòng vô tận. Sự có mặt của Sư Ông lập tức mang lại sự dịu dàng ấy trong lòng người. Đó là Tết.

“Chén trà ấm trong hai tay
Bỗng dịu dàng bao trăn trở”.

Thắp lại lửa lòng

Tôi vừa pha một ấm phổ nhĩ, làm thong thả và thưởng thức từng động tác trong hương thơm cổ kính đang nhè nhẹ tỏa ra từ những thớ trà màu nâu đen. Tôi đã lại thấy lòng mình cháy bừng niềm vui học tập và phụng sự. Thì ra là lửa lòng vẫn có thể được thắp lên bằng những việc làm nho nhỏ như thế. Từ nay, tôi đã biết cách nhóm lòng bằng những việc nho nhỏ ấy. Không gian của lòng người là bất tuyệt, chỉ là tản mác và bị ngăn cách hay ràng buộc mà thôi. Tháo tung được thì ta trả lại được cho không gian tưởng nhỏ bé ấy sự bất cùng bất tuyệt vốn có của nó. Lòng nhóm được rồi thì ngọn lửa tự sẽ biết hân hoan.

“Lòng vừa nhóm, lửa cũng vừa hân hoan”

Gió đời bốn phương tám hướng dù có nghênh ngang đến mấy cũng chẳng thể nào làm tắt  được ngọn lửa đang cháy đều trong sự bảo hộ ấy của chánh định.

Lối về qua con đường vắng đã cho tôi một nụ cười vô hình vô dạng nhưng khoáng đạt thênh thang như thế.

Hương trời trong vạt áo
Thành mây che đường dài

Mây giăng kín, vầng trăng khuya nay thấp thoáng sau màn mây. Những tia nắng hiếm le lói xuyên qua màn mây tỏa xuống bãi cỏ trước thất Nhìn Xa một vùng sáng mờ ảo chỉ đủ làm hiện ra những dáng người đang ngồi bất động và tĩnh lặng. Tiếng gió nhẹ mời về tiếng gà rừng từng hồi thanh thoát. Và khi gió vén một khoảng mây xám khỏi nền trời, khi nắng mai đổ xuống thung lũng lốm đốm màu thu một vùng sáng tươi tinh khôi, thì cũng là khi chim rừng dâng thời kinh sáng, hùng tráng và hòa điệu.

Tiếng rên nhẹ của Sư Ông từ trên thất vọng xuống làm tê nghẹn từng hơi thở. Tôi ngồi đó, cố lấy  lại sự viên mãn của ý thức nơi hơi thở và tự nhủ rằng mình có thể thở cho Sư Ông. Hơi thở không còn tê nghẹn nữa nhưng trong nhập nhòe ánh sáng buổi sớm tôi bỗng nhận thấy nóng ấm nơi đôi mắt. May mà trời còn tối nên không ngại ai nhìn thấy. Tôi tiếp tục ngồi đó, an trú trong hơi thở và tình thương từ ánh sáng trên thất tỏa xuống làm ấm cả châu thân. Tôi ngước nhìn lên, thị giả đang đẩy xe Sư Ông lui tới trên thất. Xe lăn dừng lại sau khung cửa kính mở rộng tầm nhìn mênh mang xuống bãi cỏ và thung lũng đang được nắng mai thắp sáng dần. Tay Sư Ông đã cầm chén trà và thong thả đưa lên từng ngụm nhỏ. Bình an.

Xả thiền, đại chúng tập mười động tác chánh niệm ngay trước sân, tôi rời vòng tròn đi lên trên thất. Xá chào rồi quỳ xuống bên Sư Ông, nhìn Sư Ông uống từng ngụm trà thong thả và bình an. Nếu không có những cơn đau nhức thì đỡ cho Sư Ông biết mấy. Sư Ông nhìn tôi rồi tiếp tục một ngụm trà. Lặng yên. Rất lâu. Thị giả đổi chén trà mới. Sư Ông tiếp tục lặng yên thưởng thức. Lại thêm một chén trà nữa. Lại được thưởng thức một khoảng lặng bình an. Tôi ngồi đó tận hưởng từng hơi thở viên mãn.

Con đường phía trước còn dài, nhưng tách trà trên tay Sư Ông đã biến thành một đám mây thơm.

Không phải là Tết Tây đang kề, cũng không phải là Tết Ta đang tới, cũng không phải là Tết Thái sẽ tới mà là Tết Thầy. Là Thầy mang Tết đến hay Tết mang Thầy về? Thầy là Tết. Tết Thầy.