Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Nuôi lớn Thầy trong con

Chân Hoa Nghiêm

Khi những chiếc lá cuối cùng của mùa thu rơi xuống, khu rừng ngập đầy những chiếc lá vàng khô trên những lối thiền hành. Chúng tôi lại chuẩn bị cho một mùa an cư mới.

An cư” dịch nghĩa đơn giản của Hán-Việt là ở cho yên. Ngày xưa thời Bụt, giáo đoàn của Ngài phải đi khất thực cả năm, chỉ có ba tháng mùa mưa không đi khất thực được nên ở yên một chỗ, và những vị Phật tử tại gia đến cúng dường thức ăn hay y áo. Thời gian an cư, các vị xuất sĩ được nghe Bụt giảng dạy và dùng thời gian của mình để tu tập thiền định nhiều hơn. An cư cũng là thời gian để các vị xuất sĩ về lại trú xứ của mình cùng nhau tu học. Đó là một trong những hình ảnh đẹp nhất về giáo đoàn của Bụt.

Mùa an cư là mùa để tăng thân cùng nhau sách tấn, soi sáng cho nhau những điểm chưa đẹp, chưa hay để có thể tiến xa hơn trên con đường   tu đạo. Tôi nhớ lời Thầy thường hay dạy chúng tôi, những người xuất sĩ: “Người tu sĩ không nên đi tìm tiện nghi tình cảm hay tiện nghi vật chất”. Mỗi lần nhớ tới, tôi thường hay giật mình tự hỏi: “Tôi có bị tiện nghi nào ràng buộc không? Tôi có bị những tình cảm nào chi phối không?”. Riêng đối với tôi, từ an cư không phải chỉ dành riêng cho ba tháng thôi mà nên sử dụng nó suốt cả đời tu của mình.

Trước ngày đối thú, đại chúng hai xóm Tùng Xanh và Hạc Trắng đã cùng ngồi lại và chia sẻ với nhau về lời phát nguyện thực tập trong mùa an cư. Có vị nói rằng sẽ tham dự thời khoá đầy đủ; có vị sẽ thực tập ngồi thiền thêm vào buổi tối; có vị sẽ trở về với chính mình để chăm sóc thân tâm, để hiểu mình nhiều hơn; lại có vị muốn thực tập từ bi hơn, v.v.

Ngồi lắng nghe các huynh đệ chia sẻ, tôi thấy vui trong lòng. Nếu như Sư Ông được nghe những lời phát nguyện trên thì Sư Ông sẽ vui biết mấy!

Du hành

Sau mùa An cư kiết đông 2014 – 2015, chúng tôi đã có một chuyến công du về miền Đông Nam Florida – vùng đất ấm áp của nước Mỹ, để hướng dẫn hai ngày quán niệm ở chùa Hương Hải và chùa Phước Huệ. Các em thanh niên trẻ trong nhóm Wake Up của tăng thân Miami đón tiếp chúng tôi thật nồng nhiệt tại phi trường với những trái dừa xiêm, mát và ngọt lịm. Quý thầy nghỉ ở nhà một cư sĩ người Mỹ, còn quý sư cô nghỉ ở nhà của anh chị Thiện – Hương. Anh chị đã chăm sóc quý sư cô thật chu đáo, ân cần. Ngày nào cũng vậy, Lãm, một thiền sinh trẻ trong tăng thân Wake Up, cũng đều mang đến cho chúng tôi những trái dừa xiêm rất tươi mới hái.

Ngày quán niệm ở chùa Hương Hải có cả tăng thân người Mỹ cùng tham dự. Khi chúng tôi cho pháp thoại bằng tiếng Việt thì các bạn người Mỹ được nghe thông dịch. Ngày quán niệm ở chùa Phước Huệ chúng tôi chia sẻ về đề tài “Làm sao giữ vững sự thực tập trong đời sống bận rộn ở gia đình cũng như nơi làm việc?”. Những kinh nghiệm tu tập hàng ngày này đã đem đến cho đồng bào nơi ấy rất nhiều hạnh phúc. Sau đó, chúng tôi còn được ghé thăm gia đình của một số thầy và sư cô xuất thân từ làng An Bằng. Quý vị đã tiếp đón chúng tôi thật nồng hậu và thâm tình!

Chuyến đi Washington DC

“Mùa xuân sang có hoa anh đào…”. Hàng năm vào giữa tháng Tư, khắp nơi trên thế giới đổ xô về thủ đô Washington để thưởng thức hoa đào nở rộ bên bờ hồ Tidal Basin thơ mộng. Trong khi đó thì quý thầy, quý sư cô ở tu viện Bích Nham cũng về Washington để hướng dẫn khóa tu cuối tuần cho tăng Thân chùa Hoa Nghiêm. Tiếc là năm nay, khi chúng tôi đến thì hoa đào đã nở hết rồi. Ngày Chủ nhật có thầy Pháp Tịnh cho pháp thoại, thầy chia sẻ và hát rất hay, quý bác và các em thanh niên gia đình Phật Tử chùa Hoa Nghiêm rất quý mến thầy nên ở chơi đến tối vẫn chưa chịu về. Vì mối thâm tình của quý bác và các em thanh thiếu niên Gia Đình Phật Tử Hoa Nghiêm dành cho quý thầy cô ở Bích Nham, cho nên hàng năm chúng tôi hết lòng đóng góp sự có mặt của mình cho khóa tu cuối tuần tại đây.

Những khóa tu hàng năm tại tu viện Bích Nham

Những khóa tu không thể nào thiếu trong năm của tu viện Bích Nham. Đó là khóa tu mùa hè, khóa tu cho người da màu, khóa tu Tiếp hiện và khóa tu cho người Việt. Ngoài ra, còn có những khóa tu cuối tuần dành cho những sinh viên, học sinh ở các trường lân cận, và khóa tu cho mùa nghỉ lễ cuối năm. Thỉnh thoảng có thêm những khóa tu dành cho những nhà hoạt động xã hội. Năm nay, chúng tôi giúp các cô chú Tiếp Hiện lâu năm (người Mỹ) tổ chức khóa tu dành cho các thành viên nòng cốt trong tăng thân (retreat for facilitators). Khóa tu nào cũng đều đem đến cho thiền sinh nhiều hạnh phúc.

Trở về làm mới thân tâm

Tôi thấy hiện nay tình hình trên thế giới có nhiều biến động và bất an. Thêm vào đó, thảm họa từ thiên nhiên cũng làm tăng thêm sự sợ hãi cho con người. Rồi nhiều nỗi sợ hãi khác, như sợ không an toàn, sợ mất việc, sợ và sợ…, sự sợ hãi dâng cao. Loài người sống trong nỗi sợ hãi như câu thơ trong truyện Kiều: “Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng”. Khi quán sát những hiện tượng đang xảy ra trên thế giới, chánh niệm cho tôi thấy rằng: Trái đất của chúng ta chưa bị tiêu diệt, mà con người đã tự tiêu diệt chính bản thân mình bởi sự sợ hãi, lo lắng và phiền muộn.

Chúng ta không thấy rằng những thảm hoạ thiên nhiên hay chiến tranh là do chính mình tạo ra. Khi mình nổi nóng là mình đang đóng góp cái nóng giận vào sự hâm nóng của trái đất. Vì lòng tham muốn có tiền thật nhiều mình đã bỏ nhiều hóa chất vào rau xanh cho cây mau lớn. Vì muốn ăn nhiều thịt bò, mình nuôi bò công nghiệp và ép nó phải sinh thật nhiều bê con, thán khí thải ra từ phân bò cũng làm hâm nóng địa cầu. Mới đây nhất, mình thấy cá chết hàng loạt tại các tỉnh duyên hải miền Trung Việt Nam. Tất cả đều do tâm mà ra. Mình sợ hãi những điều do chính mình tạo ra.

“…Về đi lữ khách đường xa lắm,

Cát bụi sầu thương vướng đã nhiều…”

Đó là hai câu thơ của Thầy trong bài “Về với em bé thơ ngây”. Cách hay nhất là hãy trở về nội tâm và làm mới lại thân tâm, đừng làm khổ mình nữa. Làm mới lại thân tâm bằng cách thay đổi cách nhìn và cách sống có nhiều trí tuệ và từ bi hơn. Giữa mình và thiên nhiên không thể tách rời nhau. Con người được làm bởi những yếu tố không phải con người. Đó là điều Bụt đã dạy trong kinh Kim Cương. Khi mình tàn phá thiên nhiên thì đồng thời mình cũng đang tự tàn phá chính mình.

Nuôi lớn Thầy trong con

Từ ngày qua Mỹ đến nay tôi mới có cơ hội về tu viện Mộc Lan dự lễ truyền đăng. Tôi nhớ năm 2006 tôi đã đến Mộc Lan với Ôn Phước Tịnh cùng hai thầy và một sư cô cho một khóa tu cuối tuần. Lúc đó tu viện chưa được thành lập, chú Đắc, chú Bình, cô Lan… đã có nhã ý cúng dường mảnh đất ấy cho Làng Mai. Nhưng Sư Ông vẫn chưa chịu nhận vì chúng tôi chưa đủ nhân lực. Mãi đến năm Bát Nhã xảy ra chuyện thì tu viện Mộc Lan mới được thành lập. Khi đến nơi, tôi không ngờ chỉ sau vài năm thôi mà tu viện Mộc Lan đã được xây dựng khang trang với thiền đường lớn, nhà ăn rộng rãi, ni xá cho quý sư cô, thư viện, quán sách v.v.. Hiện tại các thầy đang hợp lực cùng thợ để xây tăng xá, có thể mùa hè sang năm là hoàn tất.

Tôi thiền hành ra đến tượng đài của Thầy và mục sư Martin Luther King. Tượng đài được xây rất đẹp, nhất là tượng mục sư Luther King thì rất giống. Cùng đi với tôi có sư chị trụ trì tu viện Lộc Uyển. Hai chị em có cơ hội thiền hành bên nhau trên con đường nhỏ trước cổng tu viện. Sư chị bảo sau mùa an cư sẽ về chăm sóc mẹ lâu hơn vì mẹ của sư chị đã già yếu đi rất nhiều. Nhưng không ngờ mẹ sư chị đã ra đi trước ngày chị trở về. Cuộc đời vô thường quá! Nhớ lại mà tôi thấy thương sư chị vô cùng.

Trước đó mấy tháng tôi được mời để đại diện Thầy và tăng thân làm kệ trao đèn cho các sư em nữ. Khi được tin, tôi hạnh phúc vô cùng vì nghĩ rằng mình sắp thay Thầy làm một việc rất thiêng liêng, đó là “Truyền đăng tục diệm”, tiếp nối sự nghiệp của Thầy và chư Tổ. Ngày xưa, tôi đã được chứng kiến thật nhiều lần Thầy truyền đăng cho các vị giáo thọ và cho cả chính tôi nữa. Bây giờ đến lượt tôi sẽ làm nhiệm vụ thiêng liêng đó, đại diện Thầy và tăng thân truyền đăng cho các sư em của mình.

Đọc những bài kệ kiến giải của các sư em, tôi nhớ đến tính cách của từng người và nghĩ mình phải làm bài kệ sao cho phù hợp với căn cơ của mỗi vị. Mỗi buổi sáng, khi thưởng trà, tôi để tâm tư mình thật yên, hòa vào không gian tĩnh lặng của buổi sớm mai. Và thật tự nhiên lời thơ vang lên trong tôi, không cần suy nghĩ. Vào ngày rằm, vầng trăng thu tròn sáng ngoài khung cửa phòng, lời thơ lại vang lên như tiếng nhạc. Những bài kệ ngày xưa của Thầy đã vào tàng thức tôi, bây giờ có cơ hội để biểu hiện thành những bài kệ mới. Mỗi khi làm xong một bài kệ, tôi đọc lại và thấy vui trong lòng. Tôi thấy Thầy trong tôi đang lớn dần theo năm tháng.

Ngày truyền đăng đã đến, tôi thấy các sư em rất bình tĩnh, trong khi mình thì lại hồi hộp và lo lắng. Tôi chỉ sợ trong khi mình thắp đèn mà đèn tắt thì “xui” lắm. Nhưng rồi tôi lại cười cho chính mình: “Giờ này mà còn đi tin dị đoan à”. Nhớ lại sự vững chãi và tự tin khi Thầy trao đèn cho mình, tôi thấy mình cần phải nuôi lớn Thầy  ở trong mình mới được. Giây phút thiêng liêng đã đến, khi thấy sư em vững chãi trước mặt mình với gương mặt hồng hào tươi thắm, tự nhiên tôi cũng bình tĩnh hơn, nhưng cũng không thể nào giữ được đôi bàn tay đang run lên khi cầm nhang châm vào cây đèn nhỏ. Đèn đã được thắp sáng, tôi thở phào và tự nhiên thấy giọng mình xướng bài kệ khá hùng  hồn.  Giây  phút  truyền  đăng tôi không còn thấy mình như một cá nhân nữa, tôi thấy sự có mặt của Thầy, của Tổ đang biểu hiện trong tôi trong giờ phút trang nghiêm đó.

Thu đẹp đã về rồi

Vào mùa thu, khí trời vẫn còn ấm áp, các em trong Ban chăm sóc muốn tổ chức cho đại chúng lên đỉnh núi Sam hay hồ Minnewaska để thưởng thức mùa thu đã về trên từng ngọn cây, chiếc lá. Ngồi trên núi cao, thấy không gian bao la bát ngát. Xa xa những khu rừng bên kia bờ hồ cũng như dưới thung lũng, những cụm cây lá đỏ, vàng, xanh xen kẽ nhau. Mùa thu vẫn chưa về hẳn, nên lá vẫn còn xanh. Vài tuần nữa thì chắc cả vùng đồi núi sẽ như một bức họa màu sắc rực rỡ.

Nhìn mặt trời lặn trên đỉnh núi Sam, tôi nhớ đến ngày xưa khi còn ở Làng Mai vào những năm 90. Mùa đông, chúng tôi theo Thầy đi núi Pyrénées để ngắm trăng lên trên đỉnh núi tuyết. Có một sáng nọ, chúng tôi chuẩn bị đi thiền trước khi về lại Làng. Mặt trời vừa lên sau đỉnh núi tuyết, ánh sáng huy hoàng chiếu đỉnh núi sáng rực như kho báu lấp lánh bên cạnh những cây tùng bách vươn cao đứng thẳng hùng dũng dưới bầu trời xanh biếc. Một tác phẩm tuyệt vời của thiên nhiên, vũ trụ. Chúng tôi đứng yên thưởng thức. Bất chợt quay sang tôi, Thầy hỏi: “H.N, cảnh này là thật hay là mộng?”. Tôi đang luống cuống thì Thầy nói: “Thật mà như mộng”. Bao năm qua, khi tiếp xúc những mầu nhiệm của cuộc sống, tôi vẫn thường hay hỏi chính mình: “Thật hay mộng?”. Thực tập tiếp xúc với giây phút hiện tại, không nghĩ về quá khứ và không rong ruổi tương lai, không phải dễ. Cho đến nay câu hỏi đó vẫn còn là một công án cho tôi.