Lá thư Làng Mai 40 – 2017

Mỗi bước chân là phép lạ

Chân Đào Nghiêm

Sư cô Đào Nghiêm, người Pháp, xuất gia năm 2003 trong gia đình Cây Cẩm Lai và được truyền đăng năm 2011. Sư cô hiện đang tu tập tại xóm Hạ, Làng Mai. Bài viết được chuyển ngữ từ tiếng Anh.

Mỗi buổi sáng thức dậy, sau khi rửa mặt, tôi choàng áo khoác lên rồi đi bộ quanh xóm Thượng. Ngoài trời vẫn còn tối. Tôi bước thật nhẹ, mỗi bước chân giúp tôi tiếp xúc với thiên nhiên, trăng sao, cây cối, hạnh phúc vô cùng. Tôi có viết một bức thư pháp: “I am in love with Mother Earth” (Tôi yêu đất Mẹ). Giống như một chàng trai trẻ khi nghĩ tới người yêu thì lòng rộn ràng lên, tôi cũng vậy. Chỉ cần nhớ ở ngoài kia có trăng, có trúc, có con đường thiền hành thì trong lòng rộn lên. Đất Mẹ đã đem đến cho tôi biết bao hạnh phúc. Tôi yêu đất Mẹ, một tình yêu mà không bao giờ có sự phụ bạc. Tôi gửi tôi cho Mẹ, Mẹ gửi Mẹ nơi tôi…” (Trích dịch từ “Love letter to the Earth” – Thầy Làng Mai)

Khi còn bé, tôi thường nhìn đại dương mênh mông với một đôi mắt đầy kinh ngạc và thích thú. Biển là tình yêu đầu tiên của tôi. Mỗi năm ba tôi hay đưa chúng tôi đi cắm trại gần biển. Ba đã dạy tôi bơi và cách giỡn sóng để không còn sợ nước. Khi có bão lớn, ba lại dẫn chúng tôi ra bãi biển để nhìn những con sóng khổng lồ vỗ vào bờ.

Tôi nhớ là mình đã rất ấn tượng trước sự bao la, rộng lớn của bầu trời, của trăng sao. Vào mùa đông, chúng tôi được ba mẹ đưa lên núi. Ở đó, tôi cảm thấy mình có một sự liên hệ thật sâu sắc với thiên nhiên xung quanh và với sự tĩnh mặc của núi non hùng vĩ.

Ở vườn sau của ngôi nhà mà tôi đã sống thời thơ ấu có một cây đào rất đẹp, hè nào cũng trĩu quả thơm ngon. Khi Thầy cho tôi pháp tự “Chân Đào Nghiêm”, rất nhiều kỷ niệm về cây đào tuổi thơ ấy đã quay về. Hồi nhỏ, đối với tôi cây đào ấy đích thực là một người bạn. Ông bà tôi kể rằng hồi chiến tranh thế giới thứ II, có một trái bom đã rơi vào vườn nhưng không nổ. Tôi tin là cây đào ấy đã bảo hộ cho chúng tôi. Tôi đã có rất nhiều kỷ niệm vui trong khu vườn tuổi thơ ấy, nơi tôi cùng với anh chị chơi đùa dưới bóng cây đào.

Một cây liễu cổ thụ ở trong vườn của ông bà ở dưới quê là một người bạn khác của tôi. Ông tôi rất thích ngồi dưới cội cây này và tôi hay ra chơi với ông dưới những cành liễu thướt tha theo gió. Tôi biết bất kỳ lúc nào muốn tìm ông, tôi cũng  có thể đến đó. Ông ngồi đó và dù là ông đi đứng không dễ dàng lắm, ông luôn sẵn sàng có mặt để chơi với chúng tôi. Cây liễu cũng vậy, luôn luôn có đó. Bây giờ bất cứ khi nào thấy một cây liễu, tôi cũng cảm thấy sự vững chãi và tình thương của ông tôi.

Ở xóm Hạ, tu viện mà tôi đang sống, tôi cũng thường hay ngồi dưới gốc liễu vào mỗi buổi sáng sớm và thưởng thức cái tĩnh lặng của bình minh với một tách trà.

Trước khi đến Làng Mai, tôi đã sống trong một cộng đồng tu tập, nơi đó chúng tôi cũng thực tập thiền hành. Tôi thích đi trong sự tĩnh mặc và giữa cái đẹp của thiên nhiên. Tuy nhiên, lúc đó tôi chưa biết cách dừng cái tâm rong ruổi của mình lại, tôi hay nghĩ về tương lai. Vừa đi tôi vừa lên kế hoạch cho ngày hôm đó, cho nên tôi không thật sự có mặt để tiếp xúc với đất Mẹ. Thậm chí, việc này xảy ra ngay khi tôi đi trong sự yên lặng của những cảnh đẹp tuyệt vời khó diễn tả bằng lời. Chỉ đến khi tôi đến Làng Mai và bắt đầu thực  tập thiền hành với Thầy, đi theo những bước chân chánh niệm của Thầy, tôi mới bắt đầu khám phá sức mạnh chuyển hóa và trị liệu của pháp môn này.

Tôi đã đọc rất nhiều sách của Thầy trước đó, vì vậy tôi rất mong được thấy Thầy đi thiền hành  để có thể hiểu được tại sao Thầy lại ưa thích và xiển dương pháp môn này đến thế. Lần đầu tiên khi gặp Thầy, tôi đã thật sự ấn tượng khi được tận mắt nhìn thấy Thầy và đại chúng cùng đi như một dòng sông. Thầy đi thật thanh thoát, bình an với một sự tĩnh lặng nội tại rất hùng tráng. Giờ đây tôi vẫn thấy Thầy đang đi bằng đôi chân của chúng tôi, dù Thầy không còn tự đi được nữa mà phải đi thiền hành trên xe lăn.

Nhờ thiền hành mà rất nhiều vết thương trong tâm tôi đã được chữa lành. Có lần Thầy dạy chúng tôi “cùng đi với ba”. Đầu tiên là hình dung mình đang nắm lấy tay ba, rồi thấy mình đang đi bằng đôi chân của ba. Ba tôi đã qua đời khi tôi chưa đầy 20 tuổi nhưng tôi vẫn làm theo lời Thầy hướng dẫn. Tôi cho phép mình cảm thấy sự hiện diện của ba ở bên cạnh. Ba nắm lấy tay tôi và ngắm cảnh thiên nhiên qua đôi mắt của tôi. Rồi tôi thấy đôi chân mình chính là đôi chân của ba đang đi trên mặt đất. Lòng tôi tràn ngập niềm vui vì đã có thể tiếp xúc được với ba sau rất nhiều năm. Đó là một kinh nghiệm thật sâu sắc.

Hồi còn nhỏ, có lần tôi đứng trên hai bàn chân của ba và ba đã dạy tôi khiêu vũ. Có biết bao nhiêu kỷ niệm đẹp thời thơ ấu mà tôi đã lãng quên. Tôi rất mang ơn Thầy đã dạy cho tôi pháp môn mầu nhiệm này và làm thay đổi cuộc đời tôi. Tôi vẫn đang tiếp tục đi với ba, hòa giải với ba qua pháp môn thiền hành. Pháp môn này giúp tôi hiểu ba tôi hơn nhiều so với lúc ông còn sống. Nó đã giúp tôi kết nối với ba một cách sâu sắc và đem lại sự trị liệu cho cả hai cha con. Không những vậy, tôi còn trò chuyện và viết thư cho ba. Tôi nói cho ba biết là tôi thương ba và luôn ý thức là ba vẫn luôn ở bên cạnh tôi, ba chưa bao giờ rời bỏ tôi hết.

Trong rất nhiều năm, pháp môn thiền hành mầu nhiệm này cũng giúp tôi thực sự có mặt cho những người thân khác. Khi chị tôi bị bệnh ung thư máu hoặc khi Thầy bị hôn mê, tôi đã thực sự có mặt trong từng bước chân chánh niệm để chế tác năng lượng bình an và trị liệu. Tôi thấy rất rõ ràng rằng nếu tôi để cho tuyệt vọng, buồn khổ và lo lắng cuốn đi thì tôi không thể nào giúp cho những người thân. Hơi thở và bước chân chánh niệm là điều tốt nhất mà tôi có thể hiến tặng cho người thân và chính mình. Tôi biết ơn những người thân đã cho tôi thấy mỗi giây phút của sự sống là quý giá vô cùng.

Năm 2013, tôi cùng con gái Sivakami thực hiện chuyến đi bộ 40 cây số xuyên dãy Pyrénées từ Đại Tây Dương qua Địa Trung Hải. Chuyến đi ấy là một món quà tôi dâng tặng cho ba, cho mẹ và anh chị em tôi – những người đã khuất, và cho tất cả tổ tiên. Đó là dịp kỷ niệm 40 năm ba tôi qua đời, và tôi tròn 60 tuổi. Trong suốt chuyến đi, tôi có thể thấy tổ tiên có mặt với tôi trong những đám mây, trong chim muông, cây cỏ, trong sự tĩnh lặng, trong đá, trong hoa.

Sivakami – con gái tôi – đã bắt đầu đến Làng 14 năm về trước, từ lúc tôi còn đang tập sự xuất gia. Sivakami cũng rất thích đi thiền hành cùng Thầy và đại chúng. Trong Sivakami luôn có một tình yêu thiên nhiên sâu sắc. Đầu tiên, con gái rủ tôi đi bộ một tuần dọc tuyến đường hành hương Saint James, sau đó là chuyến đi xuyên Pyrénées 40 ngày. Bây giờ thì cứ hai hoặc ba năm, hai mẹ con lại cố gắng tổ chức một chuyến leo núi. Thường thì chúng tôi cùng đi trong yên lặng một cách chậm rãi, thường xuyên dừng lại để thở ba hơi và thưởng thức cảnh đẹp thiên nhiên. Tối đến, chúng tôi mới chia sẻ với nhau những gì sâu sắc nhất. Càng đi, chúng tôi thấy tâm mình càng tĩnh lặng và có một niềm vui sâu lắng.

Chúng tôi thích đi và mang tất cả những vật dụng cần thiết trên lưng trong khi đi: thức ăn, lều, gas và nước uống. Đi như thế cho tôi một bài học là tôi không có nhu cầu nhiều như tôi tưởng. Thí dụ như trong chuyến đầu tiên, chúng tôi mang theo một lượng thức ăn khổng lồ vì sợ đói, dần dần chúng tôi thấy chỉ cần một ít trái cây khô, hạt, một lát bánh mì và nước là đã đủ. Leo núi giúp tôi chuyển hóa những cái sợ, biết tin vào cơ thể và khả năng tự nhiên của mình cũng như giúp tôi cảm nhận được một tình yêu sâu sắc đối với đất Mẹ.

Tôi nhớ lần đầu tiên khi mới bắt đầu đi với một cái ba lô nặng trịch, tôi đi rất hăng hái và tràn đầy năng lượng. Nhưng chỉ một lúc sau tôi đi càng lúc càng khó khăn, phải dừng lại để thở và vất vả lắm tôi mới có thể đi tiếp được. Sivakami dừng lại và bảo “Mẹ, thở đi mẹ!” rồi bắt đầu đi trước, rất chậm rãi. Sivakami nói: “Khi mẹ thấy tim đập mạnh và gấp gáp nghĩa là mẹ đi quá nhanh, cơ thể mẹ không chịu được. Mẹ đi chậm thôi, để ý cứ mỗi bước chân thì một hơi thở”. Tôi đi phía sau con gái và bắt đầu để hết tâm vào hơi thở, kết hợp với bước chân. Đột nhiên leo núi với một cái ba lô nặng trĩu sau lưng trở nên dễ dàng. Rất nhiều lần tôi phải đi qua những con đường núi hiểm trở, những khi ấy tôi chỉ có thể đi được khi chú tâm 100% vào bước chân, hơi thở, đặt hết niềm tin vào đất Mẹ, đồng thời tôi cũng có mặt 100%. Tôi thấy rất an toàn và được đất Mẹ chở che. Giống như bài thực tập mà Thầy đã dạy:

Để Bụt thở, để Bụt đi,

Mình khỏi thở, mình khỏi đi

Bụt đang thở, Bụt đang đi,

Mình được thở, mình được đi

Bụt là thở, Bụt là đi,

Mình là thở, mình là đi

Chỉ có thở, chỉ có đi,

Không người thở, không người đi.

Hồi nhỏ, tình yêu thiên nhiên của tôi có pha lẫn một chút sợ hãi, nhất là khi trời nổi cơn sấm sét. Khi nghe tiếng sấm, tôi thường khiếp sợ, nấp dưới gầm bàn và khóc vì nghĩ đó là lúc thiên nhiên đang lên cơn phẫn nộ đối với loài người. Trong những chuyến leo núi, nỗi sợ này quay trở lại.  Có một đêm, hai mẹ con đang cắm lều gần một cái hồ đóng băng thì một cơn bão lớn ập tới. Bên cạnh tôi, Sivakami ngủ thật bình yên. Chiếc lều nhỏ bé mong manh là cái duy nhất bảo vệ chúng tôi. Tôi có thể thấy nỗi sợ hãi dâng lên trong lòng.

Tôi nhận diện cái sợ của em bé trong mình và bắt đầu tưởng tượng ra đủ thứ tình huống có thể xảy ra. Tôi không có chọn lựa nào khác là phải giữ bình tĩnh, không chao đảo. Tôi quay lại với hơi thở, nghĩ thầm: “Nếu mình có chết thì phải chết với năng lượng bình an mới được”. Để giữ cho tâm an tĩnh, tôi bắt đầu niệm danh hiệu của Bồ tát Quán Thế Âm. Ở bên ngoài bão tố suốt đêm, nhưng em bé trong tôi đã có nhiều bình yên và  an toàn vì đã được tôi, bây giờ đã là một người trưởng thành ôm ấp.

Nhờ Thầy, tôi đã học cách hoàn toàn chú tâm đến sự tiếp xúc giữa bàn chân với đất Mẹ, để cho đôi bàn chân hôn lên đất Mẹ, hoàn toàn có mặt để tâm tôi không còn rong ruổi nữa. Thực tập pháp môn thiền hành càng nhuần nhuyễn, tôi càng thấy sự liên hệ giữa mình với đất Mẹ, với tổ tiên, với những người xung quanh càng sâu sắc. Bức tường ngăn cách của tri giác và sợ hãi trong tôi dần dần tan biến đi để nhường chỗ cho niềm vui và hạnh phúc thật sự.

Lần đầu tiên khi nghe Thầy nói về tình thương đối với đất Mẹ và về tình thương vô lượng mà đất Mẹ dành cho chúng ta, tôi bắt đầu cảm được tình thương của đất Mẹ. Đó là một kinh nghiệm rất sâu sắc bởi vì đồng thời tôi cũng nhận được tình thương của mẹ tôi, người mà tôi luôn tưởng nhớ. Mẹ tôi luôn hiện diện trong đất Mẹ mọi nơi mọi lúc, và khi tiếp xúc với đất Mẹ tôi có thể cảm được sự nâng niu và dịu dàng của mẹ. Khi tình yêu đất Mẹ trong tôi tăng trưởng, có mặt với Mẹ trở thành sự ưu tiên của tôi. Tôi dành nhiều thời gian hơn cho thiên nhiên khi sống ở Thiền đường Hơi Thở Nhẹ, Paris. Mỗi sáng sớm tôi đều đi dọc dòng sông Marne, để được đất Mẹ ôm ấp, thương yêu. Sự thực tập đó đem lại cho tôi rất nhiều trị liệu. Tôi nương tựa nơi đất Mẹ trong khi đi. Tôi chỉ có thể thật sự hòa làm một với đất Mẹ khi có chánh niệm trong mỗi bước chân và hơi thở.

Càng ngày sự thực tập thiền hành của tôi càng sâu sắc. Tôi rất may mắn có cơ hội được đi thiền hành cùng Thầy và tăng đoàn ở rất nhiều thành phố và các miền quê, được tận mắt chứng kiến pháp môn này đã mang đến bình an và trị liệu ngay tại chỗ cho chính tự thân và cho thế giới như thế nào.

Trong tương lai có thể chúng ta sẽ không còn được nhìn thấy vẻ đẹp của đất Mẹ như hiện nay nữa. Vì vậy, ý thức sự có mặt quý giá của đất  Mẹ là một điều quan trọng. Hãy ưu tiên có mặt với thiên nhiên. Trước đây, tôi nghĩ là tôi có quá nhiều cái quan trọng hơn cần phải thực hiện và tôi không có thời gian để ra với thiên nhiên. Nhưng thực tế thường ngược lại. Có mặt với thiên nhiên, tiếp xúc với cỏ cây, chim chóc, chúng ta sẽ trở nên gần gũi hơn với thế giới xung quanh, nhờ đó chúng ta trở nên sáng tỏ hơn, vững chãi, bao dung và bình an hơn. Đất Mẹ là người thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Chúng ta cần phải lắng nghe đất Mẹ. Nhưng để có khả năng lắng nghe đó, ta cần phải biết dừng lại và làm sao để thực sự có mặt. “Mỗi bước chân là phép lạ”, như Thầy đã nói.

Tôi thấy đi thiền hành với những vận tốc khác nhau rất là có ích. Tôi thích bắt đầu một ngày bằng cách đi thật chậm, dành thời gian để có mặt hoàn toàn trong từng bước chân. Suốt cả ngày tôi quán sát khuynh hướng vội vã của mình trong các hoạt động, nhưng tôi biết cách để quay về nương tựa nơi đất Mẹ.

Hãy đi cho những người thương, đi cho những người bệnh không còn khả năng đi nữa, đi cho những người thương đã khuất. Hãy hiến tặng những bước chân của bạn cho những người thân yêu. Hãy cảm nhận tình thương của những người đó dành cho bạn. Nên biết là đất Mẹ rất yêu thương bạn. Mỗi bước chân đi trên đất Mẹ thật là quý báu. Cha mẹ, anh chị của tôi đã không sống được tới tuổi của tôi bây giờ, tất cả đã ra đi khi tuổi đời khá trẻ, vì vậy tôi ý thức một cách sâu sắc mỗi bước chân của mình quý giá đến ngần nào.